• dau-title
  • Tác giả - Tác phẩm
  • cuoi-title

Nhà văn Biên Linh: Cây viết mộc mạc, chân thành

Thứ tư - 11/10/2023 16:24


(Ảnh: Hải Yến)


Nhà văn Biên Linh: Cây viết mộc mạc, chân thành


Ngay từ những năm 1980, tên tuổi nhà văn Bùi Thị Biên Linh đã xuất hiện trên nhiều tờ báo văn học nghệ thuật. Bẵng đi một thời gian không sáng tác, khoảng chục năm trở lại đây, nhà văn Biên Linh xuất hiện trở lại trên văn đàn và được đông đảo công chúng yêu văn chương đón nhận.


Nhà văn Biên Linh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sinh hoạt tại Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Đồng Nai. Bà đã thử sức với 3 thể loại: thơ, bút ký, tiểu thuyết và thành công ở cả 3 thể loại.


* Viết để trải lòng


Nhà văn Bùi Thị Biên Linh (sinh năm 1964) gốc Thái Bình. Từ năm 9 tuổi, bà đã được tuyển chọn tham dự lớp “Các em có năng khiếu sáng tác văn học” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình tổ chức. Ở lớp học này, cô bé con nhà nông được học với những người thầy là các nhà văn gạo cội của nền văn học nước nhà như: Tô Hoài, Kim Chuông, Phạm Hổ, Lê Bính…  Đây chính là nền tảng quan trọng để bà theo đuổi con đường sáng tác sau này.


Năm học THCS, bà theo gia đình vào sinh sống tại mảnh đất Phước Long, Bình Phước (khi đó là tỉnh Sông Bé). Với thành tích học sinh giỏi quốc gia và khả năng viết tốt, bà được tuyển thẳng vào đại học, đồng thời có nhiều cơ hội để lựa chọn các ngành nghề, vị trí công tác tốt hơn, nhưng bà vẫn kiên định với nghề dạy học.


Nhà văn BÙI THỊ Biên Linh cho biết: “Từ khi được sinh hoạt trong Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Đồng Nai, tôi có cơ hội được lắng nghe, học hỏi nhiều hơn, có thêm tự tin và tự thấy có trách nhiệm hơn trong công việc sáng tác”.


Nói về quyết định này, nhà văn Biên Linh chia sẻ: “Thời đi học, tôi nhận được nhiều tình cảm yêu quý của thầy cô, được thầy cô nhận xét là có phong thái sư phạm. Bản thân tôi cực kỳ yêu quý thầy cô. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến định hướng, lựa chọn nghề nghiệp của tôi. Vì vậy, sau này dù có nhiều cơ hội đến với các vị trí công việc tốt hơn nhưng tôi vẫn chọn ở lại với giáo dục”.


Bà Biên Linh quan niệm: “Nếu thầy cô mẫu mực, hết lòng với học trò thì sẽ không có học trò hư”.


Để học trò tiếp nhận mình và chủ động trong học tập, cô giáo Biên Linh bao giờ cũng đưa ra nhiều phương pháp, cách thức tổ chức lớp học và cho học sinh được quyền lựa chọn. Bằng cách này, những tiết học do cô giáo Biên Linh phụ trách, dù là Ngữ văn hay Giáo dục công dân cũng đều sinh động, hấp dẫn, hiệu quả.


Ở lĩnh vực sáng tác, có 3 mảng đề tài mà nhà văn Biên Linh theo đuổi là: gia đình, học trò - thầy cô và thiên nhiên. Bà đến với việc sáng tác rất tự nhiên, như là cách để giãi bày, tâm tình. “Tôi viết mộc mạc, chân thành. Không nghĩ rằng mình làm văn mà chỉ viết để trải lòng, để tri ân, ngoài ra không viết vì mục đích gì khác” - nhà văn Biên Linh chia sẻ.


* Thử sức và thành công ở nhiều thể loại


Các tác phẩm của nhà văn Biên Linh đã xuất bản gồm: Ý nghĩ ban mai (thơ, NXB Hội Nhà văn 2015), Khoảng xanh miền nắng (thơ, NXB Hội Nhà văn 2018), Gửi lại dấu yêu (Bút ký, NXB Hội Nhà văn 2018), Bầu trời có nhiều vì sao (ký sự, NXB Văn Học 2020), Sâu lắng mùa thu (thơ - tiểu luận phê bình văn học, NXB Văn học 2020).


Tháng 6 năm nay, nhà văn Biên Linh đã cho ra mắt tập tiểu thuyết đầu tay Lính miền Đông. Đây là tiểu thuyết phi hư cấu, viết về đề tài chiến tranh. Nhà văn Biên Linh đã dày công tìm hiểu tư liệu lịch sử, khai thác thêm nhiều câu chuyện từ chính những người lính đã trực tiếp tham gia kháng chiến ở vùng đất Phước Long. Với những chất liệu thực tiễn đó, bà đã hình dung lại cuộc chiến và viết lại với tất vả tình yêu, lòng tri ân với thế hệ đi trước.


Nữ nhà văn cho biết, 80% các nhân vật trong cuốn sách là những nhân vật có thật. Từ chất liệu thực tiễn cộng với lối viết giản dị, mộc mạc, dễ hiểu tiểu thuyết Lính miền Đông đã được đông đảo công chúng đón nhận và được giới chuyên môn đánh giá cao.


Đến nay, nhà văn Biên Linh đã thử sức với 3 thể loại: thơ, bút ký, tiểu thuyết và thành công ở cả 3 thể loại. Điều này được minh chứng bằng các giải thưởng văn học nghệ thuật mà bà đã đạt được.


Nhà thơ ĐÀM CHU VĂN, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Đồng Nai nhận xét: “Theo tôi, Biên Linh thử sức và thành công ở cả thể loại thơ và văn xuôi. Ở thể loại thơ, Biên Linh cũng là cây bút chững chạc, đằm thắm; có sự hòa quyện giữa kỹ thuật và xúc cảm, có phong cách viết riêng, ấn tượng”.


Nhà văn Biên Linh cho biết, bút ký là thể loại yêu thích và cũng là thế mạnh sáng tác của bà, bởi thể loại này mang nhiều hơi thở đời sống, đem đến nhiều điểm thú vị, vừa đủ chất văn chương nhưng vẫn rất chân thực.


Nhà văn Biên Linh tâm sự: “Ký chính là máu thịt, tâm can của mình, đặc biệt là những bài viết về cha mẹ, về con trai. Chất liệu quan trọng nhất cho bút ký của tôi là hiện thực và rung động mãnh liệt trước hiện thực”.

Theo lời tự nhận xét của nhà văn Biên Linh, bà không có thế mạnh tưởng tượng, hư cấu mà là quan sát, cảm nhận và giàu cảm xúc. Vì vậy, bà đã phải nỗ lực rất nhiều để viết được tiểu thuyết đầu tay và rất hạnh phúc khi tiểu thuyết được công nhận. Đây cũng là động lực để bà tiếp tục thử sức ở thể loại này.


Hiện nay, nhà văn Biên Linh đã lên đề cương cho cuốn tiểu thuyết tiếp theo, viết về quan niệm hạnh phúc và hành trình tìm kiếm, đấu tranh để có được hạnh phúc của những người phụ nữ từng đi qua chiến tranh và những phụ nữ thời hậu chiến. Đây là đề tài mà bà đã ấp ủ, khai thác tư liệu trong nhiều năm qua. Cùng với đó, nhà văn Biên Linh dự định sẽ cho ra mắt tập bút ký viết về đề tài người chiến sĩ, trong đó đa phần là các câu chuyện về người chiến sĩ biên phòng.



Hải Yến


Các bài viết liên quan:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.