• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Tình yêu và bi ca

Thứ sáu - 15/03/2024 15:51


(Ảnh: Kim Anh)


TÌNH YÊU VÀ BI CA

(Phan Bá Ất)


​Vâng! Thơ và đời, “Tình yêu và bi ca”! Chí ít, đó là nhận định của riêng tôi với người bạn tài hoa của mình - Việt Tư, tác giả tập thơ “Hương diệu ý” NXB Hội Nhà Văn mới ấn hành. Cầm tập thơ trên tay, tôi trôi theo dòng kỷ niệm! 


Việt Tư quê ở Chùa Thầy, Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Tỉnh Sơn Tây (nay là TP Hà Nội) - nơi có nhiều trầm tích văn hóa nổi tiếng có thể đại diện cho cả xứ Đoài.


Cùng trang lứa, cùng học phổ thông  với Việt Tư từ cấp 1, rồi cấp 2 và cả một phần ở cấp 3 nên  tôi biết Việt Tư phát lộ nhiều phẩm chất, tài năng, và cả những bi kịch từ những ngày đó !  Bạn bè thân thiết thường nói đùa với Việt Tư:“Tài tình chi lắm cho trời đất ghen?!”. Phải, hình như trong số bạn bè của tôi, Việt Tư là một người đa tài, đa tình và đa nạn vậy!


Hồi học phổ thông cấp hai ở Phủ Quốc, chúng tôi đã say mê  tìm đọc sách, truyện. Nào truyện trinh thám,  truyện kiếm hiệp, truyện lịch sử, nào tiểu thuyết Tự lực văn đoàn .v v. có sách nào đọc sách nấy, chủ yếu chỉ là thỏa mãn tò mò, hiếu kỳ. Hồi ấy, lũ chúng tôi trao đổi nhau, cho nhau mượn hết sách này đến sách khác. Việt Tư là người đọc và nhớ rất nhiều. Anh thuộc rất nhiều thơ Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng... và đặc biệt là Nguyễn Bính. 


Lên phổ thông cấp 3, được học thêm môn Trung văn, Việt Tư lại viết chữ Hán rất đẹp, thầy Võ Mạnh rất yêu quý. Văn học Trung Quốc, văn học phương tây Việt Tư rất hứng thú, có nhiều tri thức.Tư có khả năng đọc thuộc bản phiên âm Hán Việt bài “Tương tiến tửu” nổi tiếng của Lý Bạch trước sự thán phục của lũ chúng tôi! Sau này Việt Tư vẫn say mê đọc, đọc có hệ thống và chọn lọc hơn, có ý thức và chủ đích hơn. Anh là một trong những học sinh giỏi văn của khóa học, nổi trội hơn trong số bạn bè. Học và tự học,trải nghiệm, với trí nhớ và năng khiếu đặc biệt khiến anh có  kiến văn sâu rộng, tri thức kim cổ, đông tây phong phú, chữ rất đẹp, vẽ khắc rất tài, chơi Vi ô lông cũng rất nể. 


Việt Tư không phải là một cây bút  chuyên nghiệp, chưa xuất hiện nhiều trên thi đàn chính thống . Độc giả và những bạn yêu thơ biết và nhớ anh nhiều qua một số bài  thơ hoặc tiểu luận phê bình đăng trên Tạp chí Sông Hương, Tản Viên Sơn, Văn nghệ Công nhân... và bài đọc ở Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam ( Chương trình tiếng Pháp dành cho đồng bào ở xa Tổ Quốc). Đặc biệt, gần đây thơ  anh xuất nhiều trên Facebook và được cư dân mạng rất mến mộ.


Việt Tư yêu thơ và viết thơ. Một số bài thơ anh đã đưa vào ba tập nhưng không xuất bản : “Mưa trên tuổi đắng”, “Lênh đênh” “Người Tô Châu”. Mãi tới nay, “Hương diệu ý“, tập thơ đầu tiên của Việt Tư mới được ra mắt sau nhiều  mong đợi của bạn đọc và những người thân.


Việt Tư yêu thơ và cần thơ như điều kiện, nhu cầu sống! thơ luôn là bạn đời, là hành trang cuộc sống của đời anh! “Em là Thơ/ Thơ là bạn đồng hành” (Bạn đồng hành), 


Việt Tư muốn đốt lên ngọn lửa trong thơ, ngọn lửa trong trái tim mình, thơ làm sứ mệnh sưởi ấm thế gian này!:“Tôi cứ đứng giữa đất trời thu đổ/ Gom lá vàng về ủ những trang thơ/ rồi đốt lên giữa mùa đông đỏ lửa” (Gom lửa). và “Tim của thơ ơi/ Xin đừng đóng cửa/ Cho ta vào thắp lửa giữa lòng em!”(Mở cửa) 


Anh khao khát“Một đời thơ rút ruột tằm/ Chỉ mong lấy một khúc ngâm ngọt ngào” (Mù không Tây Trúc). Anh muốn có những câu thơ có sức nổ, cảm giác mạnh, có sức mạnh soi rọi, cảm hóa, gọi thiện đối với người đọc. Anh muốn thơ anh thấm đẫm tình yêu thương, nhân bản, có khả năng làm vợi nỗi đau đời và khiến con người sống chan hòa,  hạnh phúc.


Việt Tư yêu những tài năng và nhân cách lớn!Anh  có hàng loạt các bài thơ tưởng nhớ và ca ngợi những tác giả đã đặt nhiều dấu ấn đẹp trên các lĩnh vực: Nhạc thơ như Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Phạm Duy;  Kịch và thơ như Tào Mạt, Lưu Quang Vũ; Thơ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Quang Dũng, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Vũ Cao. v.v. họ là“những người bay” có hoặc “không có chân trời” (chữ của Trần Dần). Anh phác họa, đặc tả chân dung họ hoặc về tài năng, hoặc về nhân cách, số phận, qua họ anh ký thác những thông điệp của mình. 


Nhớ lại hồi chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc, nhà thơ Xuân Diệu có về sơ tán tại Sài Sơn. Một bữa nọ, tôi và Việt Tư ra thăm nhà thơ. Khi biết chúng tôi muốn được nghe chuyện thơ, nhà thơ Xuân Diệu có đọc cho chúng tôi nghe nhiều lần bài thơ “Ngói mới”ông mới sáng tác bên bờ Hắc Hải một cách nhiệt tình và đắc ý. Sau khi đọc thơ của mình, nhà thơ hỏi chúng tôi có mang quà cho ông không thì đọc nghe! Việt Tư tự tin và mạnh dạn đọc bài “Khóc Nguyễn Bính” của anh. Việt Tư nói với tôi, anh muốn biết quan điểm và tình cảm của Xuân Diệu về Nguyễn Bính và cái chết của ông. Tôi còn nhớ vài câu trong bài thơ đó: “...Nguyễn Bính ơi, thôi thế là ly biệt/ “Mây Tần” trôi và “Lỡ bước sang ngang”/“Đêm sao sáng” có bao giờ sáng nữa/ nỗi buồn này tôi “Gửi vợ miền nam”/ Tôi khóc ông mà không ra nước mắt/ buồn điên cuồng từ cân não tim gan/...” ”ông thấy gì ở địa ngục âm gian?”... Xuân Diệu lim dim và chăm chú nghe, thi thoảng ông gật đầu như đồng tình. Im lặng giây lát, nhà thơ nói: “bài thơ được lắm! cảm xúc mạnh và thật! nhưng bạn là một người bất công!” Bọn tôi lo lắng chờ được giải thích. Nhà thơ nói “như chỗ tôi được biết, Nguyễn Bính chỉ có hai tội, ấy là chơi gái và uống rượu. Mà nếu như thế thì không nên đày ông xuống địa ngục, chỉ nên để ông ở âm ty thôi là đủ!” Chúng tôi và nhà thơ đều cười! Tôi sung sướng được xác tín năng lực văn chương của bạn mình.Bài này Việt Tư có nhuận sắc lại trong “Mưa trên tuổi đắng” tầm vóc hay hơn hẳn. Trong “Hương diệu ý”, Việt Tư đã dành viết về Nguyễn Bính hẳn hai bài: “Người thôn Vân” và một bài thơ văn xuôi “Những nẻo đường thơ”.Văn tài và đặc trưng Nguyễn Bính cùng tình cảm và những ký thác của Việt Tư được thể hiện đầy cảm xúc và tế nhị.


Viết về Nguyễn Du trong “Thiên diễm tuyệt” Việt Tư có câu: “vóc hạc mười năm nằm trên lá/ đau đời thành văn tế chúng sinh/tài sắc khó qua vòng khổ lụy/Cỏ úa trên mồ hoang Đạm Tiên”; “Xưa vẫn xưa mà nay vẫn xưa” và anh trân trọng “Người về tìm nẻo thơm cõi tục/ với Lão Trang treo ấn từ quan/Để lại hồn trong thiên Diễm tuyệt/ Đẹp mãi muôn đời ở thế gian”.Với Nguyễn Trãi, trong “Một hận trường”, anh đau đớn viết: “Oan khuất làm lu mờ nhật nguyệt/ Sông núi đau trong một hận trường/ Hiền nhân đâu biết vua là hổ/và nịnh thần như lũ sói lang”.Với kịch gia Tào Mạt anh viết : “Phẩm xanh đỏ chân dung quan hề hoạn/ dù muốn yêu nhưng không thể được yêu/Như bi kịch của Tử Trường Tư Mã/mà người xem sao không thể thấy nhau” (Hề Hoạn). Còn đây là Trịnh Công Sơn“Người mang tên của Chúa/Trên quê hương vắng lửa/Nhạc lên da vết sẹo cháy năm dòng/Một nốt đen rê thứ cô đơn/Một nốt si buông sương tàn nắng hạ/ Thiên thu gọi hồn người về đá”, “Đám mây đứng chết sững sờ/ làm khăn niệm linh hồn linh nhạc” (Tôi gọi tên). Anh thắp nén tâm nhang cho Tô Thùy Yên, người mà“Cả đời chưa thấy một niềm vui”, “Sống đời nuôi lớn bằng cay đắng”, “gửi hồn vào hết áng chân thi “(Chân thi). Tưởng nhớ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ , anh viết “Người dẫu đi/ sân khấu màn chưa hạ”, “Sống trong kịch rồi người đi trong kịch”,“Sống trong thơ rồi người đi trong thơ”,“Chỉ đồ đá” mới không là“đồ đểu”/ “Hồn Trương Ba” da hàng thịt nhăn nheo/ Màu hóa trang liệu có nhớ mang theo” (Đi trong kịch). Trước tượng đài Quang Dũng, Việt Tư viết những câu “thơ văn xuôi” đầy cảm xúc:“Người đã dựng cho mình một tượng đài trên đỉnh cô sơn cao chất ngất, bằng những bài thơ lộng lẫy thi đàn, có mây trắng xứ Đoài tỏa sáng hào quang từng chữ từng trang kim cương lấp lánh!“(Xứ Đoài mây trắng lắm).

Gia đình Việt Tư gặp hoạn nạn trong CCRD. Mẹ mất sớm, chị em ly tán, Việt Tư chỉ được sống cùng bố.Đại họa và những dư chấn của nó khiến Việt Tư đã bị quăng quật trong thăng trầm, bão táp, chịu  nhiều va đập, khổ đau. Việt Tư không được vào đại học. Trúng tuyển vào trường Cao đẳng mỹ thuật công nghiệp anh cũng không được bước chân vào giảng đường. Việt Tư đã phải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau: Cấy lúa, làm đá, thợ mộc, se hương thắp...Có lẽ “Khổ nhi tri”lấy anh làm một minh chứng chăng. :“Nào ai đã cảm ơn cay đắng/và cảm ơn những trận roi đời/ Cảm ơn những vết thương chồng chất/ Đã dạy ta trong một kiếp người (Giữa thềm rêu cũ). Tâm hồn thơ và tài năng của anh vẫn xanh kỳ lạ, “Vật vã mà xanh”! 

    

Việt Tư đau đớn tái hiện “Ngày Xưa”, xót xa cuộc đời thăng trầm vất vả lam lũ của người cha kính yêu và “Tuổi đắng” đời  mình: “Cho con trở lại ngày xưa/ thuở còn bé xíu giữ bừa thay cha/ mưa đồng nội, gió đồng xa/ rát mặt con, buốt lòng cha tháng ngày“,“Mỏi chân lội sóng luân hồi/ Ngực cha nghe rạn tiếng cười trẻ thơ”, “Con về lạnh cóng chiều xưa/ Bốn phương hồn/ tám phương mưa sụt sùi”,”Nuôi con bằng hạt khó này/ là bao máu thịt bóc gầy đời cha?/ hồn già trên thế giới xa/có nghe?/con khóc lệ nhòa trong mưa”.Những câu thơ lục bát như viết bằng máu và nước mắt, nhuần nhuyễn, giàu nhạc tính, những từ ngữ và hình ảnh gợi cảm, vận dụng phép đối, phép tiểu đối, thành ngữ đắc địa; hiệu quả truyền cảm xúc đến người đọc rất cao. 


Mồ côi cha mẹ, hình ảnh và cuộc đời chị gái đang sống ly quê xa xứ đầy thương cảm, luôn khiến Việt Tư da diết,đau đáu nhớ nhung, thao thức “Thân non gày nhẳng sợi dây khoai/ ướt sũng như là con mèo ướt/” “Chợ tan, rau ế, mèo cũng ế”. (chợ mưa)“Chị tôi ngày bước theo chồng/ không pháo đỏ, chẳng rượu hồng vu quy/ một đời thương lạc lầm yêu/ chòng chành như thể cánh diều mong manh”...“Chị xa tôi cũng bơ vơ/ một mình như một câu thơ lạc vần”(Chị và em). Việt Tư đau đớn dự cảm về cuộc đời chị ở nơi xa xứ :”Tóc xanh xõa trắng quê người/ quả oan chín nục một đời chát chua”, “Mỏi chân nghỉ giữa trời xa xứ/ vốc tuyết mà chôn số bẽ bàng!”(Mùa hoa lệ). Việt Tư nhiều lần đọc thơ cho tôi nghe, anh dễ xúc động, vừa đọc  vừa khóc, nước mắt dàn dụa!


Việt Tư xa quê biền biệt, nỗi nhớ nhà luôn cháy bỏng trong anh. Kiếp nạn và những thăng trầm biến cải khiến Việt Tư khi về thăm ngôi nhà thân yêu của mình, anh cúi đầu ứa lệ trước cảnh “Mấy cây nhãn nhiều mùa không quả/Như giận ta bận ít khi về/ Cúi mặt soi vào lòng giếng cạn/ đôi mắt nào sao bỗng tái tê”. Những kỷ vật và cảnh vật đầy gợi cảm, buồn nhớ, hoài niệm, anh ân hận như có lỗi với tổ tiên:”Đứng dồn chân giữa thềm rêu cũ/ Gió từ cõi lạnh thổi vào tim/khắp mình toát mồ hôi âm khí/như có ai về đã hiển linh”(Giữa thềm rêu cũ), rất Liêu Trai và  cảm động .


Những bất hạnh của đời anh  xảy ra trên đất mẹ, không làm mất đi tình yêu  quê hương đến cồn cào da diết trong Việt Tư. Anh cho rằng“May mà có một quê hương/ để yêu, để nhớ để thương, để buồn”(Khát cố hương). Quê hương anh có đỉnh núi mà anh gọi là “Linh sơn”, có chợ trời mà ở đó có “Ván cờ xưa” “Động từng nước đi  Đế Thích”. Ở đó có Thánh  thơ Cao Bá Quát mà “chân trần dẫm cả lên vương giả/ vang về sang sảng tiếng thơ ngâm”. Ở đó có những danh sĩ dòng họ Phan Huy, lừng danh Phan gia văn phái,“Khúc Tỳ Bà chuyển điệu chơi vơi” với bản dịch nổi tiếng của Phan Huy Thực ... Ở đó có hang Thần và bể xương, di tích Lữ Gia chống Hán: “Chập chờn như thể đến đường âm/Nghe kinh động thịt xương tủi phận/ Rã rời cổ sử mấy nghìn năm” .v.v và v.v. Anh cũng  gọi núi quê hương là “Linh sơn”, “Hồn đá”, “Đỉnh chợ giời giờ đã là đỉnh gió/ triệu năm đi tinh đá hóa thành thiêng”, “Linh sơn ơi!/ Nơi hồn ta trú ngụ”- và hồn Việt Tư là “Hồn đá!”- hồn quê! - Xứ Đoài! “Ôi xứ Đoài!/ Mưa rơi trắng đồng/ để xót xa đến cồn cào nỗi nhớ”, “Thơm một cõi thơ/ nặng một cõi tình” (Cõi xưa). Có thể coi Cõi xưa như một trường ca, ca ngợi xứ Đoài, một vùng miền mà hiện hữu và trầm tích  văn hóa  nổi tiếng phong phú, đặc sắc với những cảnh vật,con người, địa danh, sự kiện hào hùng,  thơ mộng. Vấn đề Việt Tư là người quê hương xứ Đoài, nơi đó lưu giữ bao kỷ niệm vui buồn của riêng anh!


Cùng với tình yêu quê hương, tình cảm học đường, tình bạn,bè, tình thầy trò luôn cháy bỏng trong Việt Tư:“Cây phủ bóng mái trường nghiêng trong nắng/tiếng trống xưa âm hưởng vẫn vang đầy”, “Nhớ da diết đến một thời xa vắng/Cánh phượng hồng tan thành máu tuổi thơ/Bạn cùng lớp giờ đứa còn đứa mất/và đâu rồi thầy cũ của ngày xưa”(khúc hoài mong)


Việt Tư là người đa tình, đa cảm. Hình như trong lĩnh vực tình yêu đôi lứa, trái tim Việt Tư cũng không được sưởi ấm, dẫu anh đã đốt lên ngọn lửa thật nhiệt tình, mãnh liệt. Anh như bị bao vây và bị trúng tên của thần ái tình ngay từ cái nhìn đầu tiên của đôi mắt ấy: “Loanh quanh giữa chín trùng vây/ Cửa nào ra?/ cũng vướng đầy/ Mắt em” (Mắt). Vậy nhưng anh nhận ra tình yêu đơn phương của mình: “Cầm hương ôm bóng đâu đâu/ Đinh ninh giữ chặt một câu hẹn đùa”, “Một mình nhớ một mình yêu/một mình nhận đủ bao nhiêu nỗi buồn”. Mà đâu phải chỉ có tình yêu đôi lứa, nhiều tình yêu khác anh cũng là kẻ đơn phương  thì phải. Có lẽ vậy mà Việt Tư luôn có nỗi buồn da diết, cô đơn! 


Việt Tư đau đáu với quê hương, đau đáu với kiếp người.  Nhìn những mảnh đời tuổi thơ khốn khổ, trái tim anh thắt lại:“Trẻ bới rác lẫn vào trong bãi rác/quần áo rơ như mặc rác trên người/ muốn gom lại những giàu sang rơi vãi”và “một câu hỏi lớn  không lời đáp” lại được đặt ra: “Em cố kê cho bằng số phận/ mà sao đời cứ lệch mãi không cân?”. Việt Tư xót xa kêu gọi mình và  thế gian “Hãy đừng để thơ ngây thành phế liệu/ Thế gian ơi mở túi bao dong” (Lũ Rác) ! Bài thơ nhiều hình ảnh tượng trưng rất gợi và có sức nổ: giàu sang rơi vãi, thơ ngây thành phế liệu...“Lũ rác” hay lũ trẻ vậy? Cách gọi sao mà đúng nghĩa và đau đời đến thế! Phải chăng Việt Tư chạnh nghĩ đến “Tuổi thơ mất dạng” của  mình?


Những mảnh đời, những số phận, kiếp người, những vơi cạn tình nghĩa khiến Việt Tư rất nặng lòng thế sự. Việt Tư “Chiêu hồn”, “Hỏi những chiếc sọ” “lặng câm”, “không nói”,“răng trắng nhởn”, “mắt không tròng nhìn thấu tận trời xanh”.“Người là ai?nghèo khổ hay cao sang?/ Bị áp bức hay là quen áp đặt?/ Chín tầng cao hay chỉ phó dân thường?”. Sau hàng loạt phép nhị phân ấy, tác giả đặt ra nhiều tình huống “Thập loại chúng sinh”để “hỏi những chiếc sọ”. Tác giả như liệt kê, dựng chân dung đủ dạng người với phẩm chất và trạng thái khác nhau trong cuộc sống, vẽ nên bức tranh thế sự sinh động, buồn đau, đầy dụng ý. Còn đây là cảm xúc của anh trước “hội hóa trang”:“Những con người thú/ những con thú người/ mặt nạ rơi/ khi đêm diễn vẫn còn!”. Anh nghĩ về thế gian, khôi hài, dí dỏm chơi chữ mà thật sâu sắc:“Thế gian có thật đâu mà/ Thế ngay ai lại gọi là thế gian”.Nhân đọc“Mắt Thơ”của Đỗ Lai Thúy, anh viết về con người:“Trong sờ soạng/ con người tìm thấy lửa/ nhưng vô tình rơi mất/ lửa từ tim!”(Rơi). Và Việt Tư mất niềm tin, anh “Ngờ”:”Có những bằng cấp đáng ngờ/có những vinh quang giả dối/Có nhứng tội/Tưởng chừng như vô tội/có những người/ chỉ gần giống người thôi”.Bằng những ẩn dụ đặc sắc,cảm xúc rất mạnh, anh viết:“Chiến tranh đến tình yêu chưa kịp tới/ nụ hôn đầu vỡ trong tiếng bom rơi/ Gãy chiếc giá vẽ tương lai/Bức họa còn một mắt/nhìn trừng trừng/ cõi nhân sinh thảm thiết/Câu hỏi muôn đời” (Câu hỏi muôn đời). Anh khát mơ giữ được phẩm chất nhân bản của mình trong sạch, không bị cuốn theo dòng thác loạn suy đồi:”Ai có thể thay cho tôi một trái tim vô nhiễm/Nhúng trong bùn vẫn ngào ngạt hương sen”(Tôi đã Lưu Linh2).Anh sẵn sàng đổi mọi giá để giữ lấy trái tim nhân bản của mình! 

Việt Tư như lâm vào cô đơn, bế tắc giải mã cuộc sống và chính bản thân mình. Ta là ai? “Ta đâu?”, câu hỏi muôn đời quen thuộc  nhưng luôn mới và khó giải mã cho mọi người và cho Việt Tư:.”Đào bới chính mình đến tầng thứ bảy/ trắng tinh sương không thấy biểu hình”,“Hiện vô thanh”,“Tiếng cười nhốt trong cổ họng”,“Một đời tìm/muôn kiếp tìm/ chưa thấp thoáng khối mãn khai toàn bích” (Vô ngôn), cách diễn đạt trạng thái đầy biểu cảm, đau đớn và bế tắc.


Việt Tư tự cho mình là “Đá lưu vong”:“Người Sài Sơn tôi xuất sinh từ đá/Nên gió giông quăng quật đã quen rồi/đời đã vạch trên mặt toàn vết xước/ mà ngây thơ mơ mộng vẫn còn tươi”,“Vì là đá cũng mòn trong bụi cát/ nên xuân cứ lăn như vô định vô tư”, “Đá biết yêu và cũng từng biết khóc/ xót xa em lăn nước mắt vào trong/ em không biết hay cố tình không biết/ Để đá buồn còn mãi mãi lưu vong” (Đá lưu vong). Suốt đời Việt Tư cảm thấy cô đơn “Tôi ở núi mà cứ đi tìm núi/thân bùi ngùi nơi phố lạ đâu quen/mong làm giọt sương làm mềm tim đá” (Sinh ở xứ Đoài); “Thế gian như vũ trường mê muội/ mà ta lạc lõng giữa bơ vơ”(Trả nơi phong vân). Nỗi đau của Việt Tư khiến anh phải kêu lên, gọi mẹ ”Đau quá mẹ ơi”:“Năm tháng biến con thành đá núi/Trơ lỳ trong đen bạc thế gian/ Viết một câu thơ xong là khóc/không hiểu vì đâu nước mắt tràn”


Việt Tư đau đớn, tiêu cực, bế tắc, thiếu niềm tin,”Vô phương” mất hướng, anh làm bạn với thơ và rượu:”Đành mượn bút bày ngông cuồng trên giấy/Mực cũng lên men/ chữ cũng cay xè”(Tôi đã Lưu Linh 1).Việt Tư  biện minh:Rượu vào sẽ nhạt đời cay!”(Rượu).“uống để quên hèn”.Việt Tư say thật rồi! anh quá cô đơn. Nhưng nhiều khi say, người ta lại thật nhất. Tình YêuThơ lại gọi anh tỉnh thiện “Ngòi bút cô đơn/ cả một đời trằn trọc/”; “Những câu thơ mất ngủ trong ngăn kéo/vẫn hằng đêm thao thức đợi bình minh/Tay người viết đã rã rời bất lực/Nhưng dù sao thơ vẫn cứ bay lên” (Cuộc phiêu lưu của chữ) “Từ nguyên nguồn yêu lại chứa chan” (Tạ thánh ân),Việt Tư khát khao tự do và yêu thương:”Tôi chặt xích những câu thơ bị trói/ Tôi gọi to: Thương mến hãy tìm nhau!”Tôi mở lòng tha cho một bóng chim”(Bạn đồng hành).”gieo hạt vào trong mơ/cả một đời lận đận/ Còn sót vài trang thơ”(Gieo hạt). Và Việt Tư nghĩ về mình “Bàn tay trắng kiếp ngu ngơ/hồn thơ sống với rượu thơ điên cuồng” (Trắng kiếp ngu ngơ).


Nhiều người không đồng tình thơ buồn đau, bi lụy. Vậy nhưng Khổng Tử từng viết:“Thi khả dĩ oán” (Thơ có khả năng: nói lên niềm oán hận, đau đớn). Nhà văn Tiền Chung Thư thì cho rằng: “Tiếng vui, tiếng lạc chỉ có ít trong thơ, trong sử, phần nhiều không thật, còn tiếng đau, tiếng bi thì rất nhiều  và thật. “Oán hận nhi ca” mới là tiếng thật. Nhạc phủ có “Bi ca hành” mà không có “Lạc chi hành” . Còn Hainer thì nói“Thơ ca của con người phải chăng là hòn ngọc do đau đớn như con trai mà có”.


Việt Tư yêu thơ, cần thơ như điều kiện sống. Thơ và đời!”Tình yêu và bi ca”. Thơ Việt Tư thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, yêu gia đình và người thân, yêu con người, giàu nhân văn. Thơ anh như bi ca, hận ca, nhiều tâm sự, ký thác, chia sẻ. Tình yêu, khát vọng, bức xúc trong Việt Tư như một nguồn “năng lượng thơ” mạnh mẽ, phun trào như dung nham. Thơ anh phong phú về thể loại: Lục bát, tự do, thơ hai câu, thơ văn xuôi, trường ca (Cõi xưa, Độc hành cuồng ký, Nhạc về). Thơ Việt Tư giàu nhạc tính, đầy cảm xúc, mạnh và thực, kiến văn sâu rộng, giàu trí tuệ, triết lý. Đặc biệt thơ văn xuôi, gần như không dùng  dấu ngắt câu, tạo sự tự nhiên, tùy hứng, đòi người đọc tự lựa chọn. Hầu hết các bài thơ văn xuôi của Việt Tư rất hay, như những luận văn bằng thơ giàu nhạc tính, giàu cảm xúc và ký thác, cần được bàn thêm ở một chuyên đề khác! Bút lực của Việt Tư sung mãn. Ngôn ngữ và hình ảnh thơ  chọn lọc, hàm súc, nhiều thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, lãng mạn, tượng trưng và có cả siêu thực, chất Liêu Trai ( Đêm trung du, Đồng hiện, Giữa thềm rêu cũ, Trước nghĩa trang, Hỏi những chiếc sọ,).Việt Tư rất hay dùng thủ pháp điệp từ, đảo ngữ, chơi chữ. Rất dễ chỉ ra những ví dụ kiểu ”Siêu nhớ/ siêu quên/ siêu niềm ân hận”; “Tôi tìm nghĩa trong những điều vô nghĩa”,”những địa ngục gia đình/Những gia đình địa ngục”; nghịch lý diễn đạt say:“Phố vấp phải tôi cột đèn sứt trán/ Ai gậm nhấm tim tôi đau đáu nỗi niềm”, động từ mạnh, gợi cảm, diễn đạt khát vọng và vô vọng:“Cầm hương”,”ôm bóng”,“mở lòng tha cho một bóng chim”,“Chặt xích câu thơ bị trói”... Việt Tư có tài diễn đạt dưới nhiều hình thức, hình ành, ngôn ngữ khác nhau cho cùng một nội dung, một vấn đề, người đọc vẫn cảm thấy mới lạ, hấp dẫn.


Rất có thể đọc Việt Tư một số bạn  nhớ nhiều đến những thi nhân thời kỳ Thơ Mới như Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Đinh Hùng...tạo nên cảm giác thơ anh vừa đa dạng vừa quen thuộc.Một số thủ pháp dùng nhiều khiến độc giả thấy mòn. Nhiều từ Hán Việt và một số những điển tích anh sử dụng không dễ cho độc giả. Thơ có thể kén độc giả và độc giả cũng kén thơ. Thơ Việt Tư kén độc giả. 


Xin cảm ơn và chúc mừng Việt Tư với “Hương diệu ý”của anh!. Chúc anh có nhiều cảm xúc tươi mới thăng hoa và có nhiều tác phẩm hay ra mắt bạn đọc!

 

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.