• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Đỗ Mục và nỗi niềm thời vãn đường qua bài thơ Thanh minh (p2)

Thứ hai - 08/04/2024 16:24


(Ảnh: Thùy Dương)


ĐỖ MỤC VÀ NỖI NIỀM THỜI VÃN ĐƯỜNG QUA BÀI THƠ "THANH MINH" - P2

(La Vinh)


(tiếp theo)


Chắc ai cũng tò mò muốn biết cái thôn Hạnh Hoa cụ thể này ở đâu? Và họ Đỗ tại sao lại ngẫu nhiên được ngồi uống rượu nơi này. Tra cứu tìm hiểu thì mới thấy nguyên lý: Hình tượng văn chương ở cấp độ nào nó cũng chứa sự hàm ẩn của Ẩn Dụ! Truy mãi thấy có ba nơi được coi là địa danh mà họ Đỗ đã nhắc đến:


* Một là, ở huyện Phần Dương, tỉnh Sơn Tây - nơi đấy có rượu ngon nổi tiếng.

** Hai là, ở phía tây huyện thành Quý Trì, tỉnh An Huy; năm 844 Đỗ Mục từng giữ chức Thích Sử tại đây, cũng có Hạnh Hoa thôn nổi tiếng về rượu.

*** Ba là, ở phía đông nam huyện Phong, tỉnh Giang Tô - nơi Đỗ Mục từng qua lại nhiều lần. Nơi đây Tô Đông Pha (đời Tống) cũng đã từng có đến đây uống rượu và có thơ để lại.


Ba nơi ở ba vị trí (Sơn Tây, An Huy, Giang Tô) của đất nước Trung Hoa quá mức rộng lớn đã cho phép chúng ta suy diễn: Cái ngày thanh minh mà hành nhân họ Đỗ đi trên đường với nỗi đau rứt từng mảnh linh hồn không hề liên quan đến một thôn Hạnh Hoa nào trong thực tế. 


Đó có thể là một quán rượu ở thôn Hạnh Hoa xưa, nơi Đỗ một thời làm quan. Đỗ đã  tới. Và giờ đây đang nhớ tới! 


Cũng có thể  cái thôn Hạnh ấy gợi về những điển tích "Hạnh Đàn, Hạnh Viên, Hạnh Lâm" trong văn hóa xưa?


* Hạnh đàn 杏壇 nơi đức Khổng Tử ngồi dạy học. Vì thế ngày nay thường dùng chữ hạnh đàn 杏 để chỉ giới giáo dục.

** Hạnh viên 杏園 vườn hạnh. Nhà Đường cho các học trò đỗ tiến sĩ vào ăn yến ở vườn hạnh nên tục mới gọi các người thi đỗ là được vào hạnh viên 杏園.

*** Hạnh lâm 杏林 rừng hạnh. Đổng Phụng 董奉 người nước Ngô thời Tam Quốc, ở ẩn  tại Lư San 廬山, chữa bệnh cho người không lấy tiền. Người bệnh nặng mà khỏi, ông trồng năm cây hạnh, người bệnh nhẹ mà khỏi, trồng một cây. Chỉ mấy năm sau có hơn mười vạn cây hạnh thành rừng. Về sau hạnh lâm 杏林 chỉ giới y học.


Thực ra, cái năng lượng hạt nhân của hai câu thơ cuối, theo tôi, nó nằm trong hai chữ MỤC ĐỒNG. Thử đọc bài thơ cùng tên này của Lưu Giá thời Trung Đường:


"Trẻ chăn trâu gặp già biết vái 

Tiếc quả hoang rơi dưới sườn non 

Chăn trâu tần tảo sớm hôm 

Đôi khi ven suối gặp cơn mưa dầm"


Họ Đỗ đang đi trên đường mưa gió lạnh lẽo. Ông muốn giải thoát cái tâm phiền não đã kết băng bằng việc dừng chân trong một quán rượu. Muốn uống rượu thì nên hỏi người già. Bởi, đây là thứ của người già thường nhâm nhi. Với lại tục ngữ đã đúc kết kinh nghiệm: "Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ". Thật bất ngờ, ông quan họ Đỗ lại "tá vấn" với đứa trẻ chăn trâu. 


"Tá vấn" trong từ điển có nghĩa là: Xin hỏi, làm phiền cho hỏi, thỉnh vấn. ◇Thôi Hiệu 崔顥: Đình thuyền tạm tá vấn, Hoặc khủng thị đồng hương 停船暫借問, 或恐是同鄉 (Trường Can khúc 長干曲) Đỗ thuyền một lát hãy xin hỏi xem, Ngờ rằng có lẽ là đồng hương.


Cách hành xử này e không hợp với lễ nghi của người xưa. Càng không phù hợp với tư cách một ông Tiến sỹ, một vị quan nhà Đường. Nếu đổi vai chắc có lẽ phù hợp với thông lệ của quan hệ Đạo Đức xã hội. Thật khó tin, họ Đỗ đã có thái độ hạ mình, khiêm cung để thỉnh vấn, để ngượng ngập rụt rè xin người khác cho mình làm phiền để hỏi một câu giản dị như vậy: Cháu ơi, cho ông làm phiền cháu! Cháu làm ơn cho ông biết có quán rượu ở đây không? 


Bất ngờ hơn nữa là thằng bé chăn trâu cũng xác lập một mối quan hệ trái chữ Lễ như vậy. Rất khác với bài thơ Mục Đồng ở trên "Trẻ chăn trâu gặp già biết vái". Đứa trẻ này  dường như cầm cả cây roi dài chăn trâu chỉ về phía xa. Và chắc có lẽ ông già liên tưởng tới "Hạnh Hoa thôn" chứ trẻ chăn trâu làm sao biết được cái nơi có rượu quý dành cho vương tôn quý tộc này? 


Người họa sĩ vô danh nào đó vẽ thơ của Đỗ Mục đã rất tương tri với ông. 


Tiết thanh minh đáng lẽ có lễ có hội; đáng lẽ ngựa xe như nước, dân làng già trẻ gái trai chật như nêm ra đồng để tảo mộ ,ăn tết với người âm. Thế nhưng, mưa lê thê như Đông. Đồng không mông quạnh không có một bóng người. Chỉ có những ngôi mộ chơ vơ sạt lở rầu rầu những đám cỏ nửa vàng nửa xanh. Chỉ một con đường cái xa thẳm độc bộ một tâm hồn tan nát. Quan hệ xã hội chỉ có một ông Quan già. Và một ông Dân nhỏ... là bé chăn trâu. Ngày thanh minh mà âm dương cách trở...  Và hình như những rường mối nhân luân của xã hội đã lộn ngược. Hình như cụ Đỗ đang cố tìm một "niềm thân mật" của quan hệ làng xóm quê hương. Nhưng chẳng thấy bóng dáng một thôn nào, làng nào trong tầm mắt. Hóa ra họ Đỗ đang muốn dừng chân ở một làng quê nào đó còn yên bình, còn có lễ nghi… Xa hơn nữa là một đất nước của thời Thịnh Đường Trinh Quán Lý Thế Dân.


Muốn biết tâm trạng của họ Đỗ khi ở trong tiết Xuân mà tất cả đều Đông lạnh thì chúng ta cần tìm hiểu thời kỳ Mạt Đường, Vãn Đường Tàn Đường mà Đỗ là chứng nhân .Đó là cái thời tình hình chiến sự nhiễu loạn hơn các giai đoạn trước. Vua bị quản chế, hoạn quan chuyên quyền, chia bè kéo phái, giết hại triều sĩ trung lương, tàn hại dân lành… Thế nên họ Đỗ cũng có điều khó thổ lộ thẳng thắn như những thi nhân thời Sơ, Thịnh và Trung Đường. Đã không nói thẳng được thì nói kín đáo. Mà nói kín đáo thì phải dùng tỷ hứng, ắt lời lẽ bóng bẩy xa xôi mơ hồ…


Hãy đọc sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê: "Hơn một thế kỉ, từ loạn An, Sử, dân tộc Trung Hoa chịu đủ tai trời vạ người, nhiều nhất là vạ người. Vua thì xa xỉ (Hiến tôn cũng giống Huyền tôn), quan lại thì bất lực, tham nhũng, nội chiến rồi ngoại xâm, hết ngoại xâm thì bị ngoại nhân ức hiếp bóc lột, triều đình còn bóc lột mạnh hơn ngoại nhân nhiều, vì kho tàng nhà nước trống rỗng, phải tăng thuế liên miên, giá gạo tăng vọt lên nhất là những năm bị hạn, lụt, giặc giã: đời Thái tôn chỉ có 3 tiền một đấu, đời Huyền tôn 10 tiền, đời Đại tôn 1.400 tiền, đời Hi tôn 3.000 tiền".


Sau khi Thái Tôn Lý Thế Dân mất, vua mới lên thay đại xá cho tù chỉ còn 50 người. 


Đến thời Mạt Đường chiến tranh chết chóc thê thảm. Dân chúng phần thì chết, phần thì tiêu tán, có miền cả ngàn dặm không có một bóng người. Có lúc, ngay cả Đông đô Lạc Dương chỉ còn trên 100 hộ (mỗi hộ trung bình là 5 người).


Có nhìn thấy thảm cảnh này, chúng ta mới hiểu tại sao Đỗ Mục viết bài "Phú cung A Phòng" rất dài tố cáo nhà Tần:


"Sao lấy thì thu nhặt từng chút mà dùng thì coi rẻ như cát bùn! 

Khiến cho cột đỡ rui nhiều hơn nông phu ngoài đồng; "


Và ông kết luận :


"Người Tần không kịp tự thương cho mình mà đời người sau than thở cho họ, 

Người đời sau than thở cho họ mà không biết lấy đó làm gương, 

Khiến người đời sau nữa lại phải than thở cho người đời sau nữa."


Những trang lịch sử quá bi ai, đã tạo nên những câu thơ quá bất thường. 


Khi đọc bài thơ này có lẽ có một kênh khác nữa để  cho chúng ta tham chiếu và hiểu thêm tâm trạng Đỗ Mục. 


Chúng ta nếu biết được nguồn gốc phong tục văn hóa tiết Thanh Minh của người Á Đông thì sẽ thấy tên bài thơ không phải ngẫu nhiên. 


Theo Phạm Thị Hảo thì "Trung Quốc có nhiều truyền thuyết về Thanh Minh. Được nói đến nhiều nhất là thuyết “Tưởng nhớ Giới Chi Thôi”. Truyền rằng, thời Xuân Thu (cách đây hơn 2.000 năm), sủng phi của Tấn Hiến Công là Ly Cơ muốn con trai mình là Hề Tề được kế vị, đã hại chết Thái tử Thân Sinh. Em trai Thân Sinh là công tử Trùng Nhĩ phải bỏ trốn đi lưu vong sang nước Tề, cùng với một số thuộc hạ sống gian nan khốn khổ, 19 năm sau, Trùng Nhĩ trở về nước, làm vua, trở thành Tấn Văn Công - một trong ngũ bá thời Xuân Thu.


Khi ban thưởng cho những người có công đi theo khi lưu vong, Tấn Văn Công bỏ sót một người đã tận tâm tận sức phò giúp mình là Giới Chi Thôi (còn gọi là Giới Tử Thôi). Lúc nhớ ra, cho đi tìm không thấy. Văn Công tự thân đi tìm thì Giới Chi Thôi đã đưa mẹ lánh vào rừng sâu. Không sao gặp được, Văn Công sai đốt rừng để Chi Thôi phải ra.


Nhưng rừng cháy 3 ngày vẫn không thấy ra. Vào tìm thì thấy hai mẹ con đã chết cháy dưới gốc cây liễu. Văn Công hối hận, đau lòng khóc lớn rồi cho an táng bên gốc liễu với tang lễ rất hậu. Một năm sau, vào tiết Thanh minh, Văn Công cùng tùy tùng đến thăm mộ, thấy cây liễu cháy tự nhiên xanh tươi lại, dưới gốc có hốc sâu, moi trong hốc thấy có bài thơ viết trên giấy đã vàng mục. Bài thơ có 8 câu, 4 câu cuối là:


“Thảng nhược chúa công tâm hữu ngã

Ức ngã chi thời ưng tự tỉnh

Thần tại cửu tuyền tâm vô quý

Cần chính, thanh minh phục thanh minh”


(Ví thử lòng vua vẫn có tình

Thì khi nhớ đến hãy kiểm mình

Nơi chốn cửu tuyền thần khỏi thẹn

Vì vua cần chính lại thanh minh)


Văn Công xúc động, bỏ tờ huyết thư vào trong tay áo, đưa về để thường xuyên bên cạnh, xem như lời nhắc nhủ của Giới Tử Thôi, khuyên mình phải luôn tu thân trị nước với tấm lòng trong sáng “cần chính, thanh minh phục thanh minh”. Rồi định ngày an táng Giới Tử Chi Thôi là ngày Thanh minh, dân chúng cả nước tưởng nhớ Chi Thôi, dần dần thành lễ hội Thanh minh.


Có thuyết nói Tấn Văn Công còn đặt ngày tưởng nhớ Giới Chi Thôi là Tiết Hàn thực, trong 3 ngày mọi người không được đốt lửa nấu nướng (vì thương Chi Thôi bị chết cháy), chỉ toàn ăn đồ lạnh nấu sẵn từ trước. Sau vì Tiết Hàn thực rất gần với Tiết Thanh minh nên dần dần hợp lại làm một.


Hoạt động trong lễ hội Thanh minh chủ yếu là tảo mộ, quét dọn quanh mộ, đắp cao thêm mộ, làm lễ cúng bái tổ tiên… Tục lệ này có nhiều ý nghĩa giáo dục nên rất được coi trọng."


Một bài thơ gợi nhớ về một Trung Thần và một vị Minh Quân nhân đức. 


Vẫn có những Giới Tử Thôi nhưng liệu có Tống Văn Công? 


"Thanh Minh" của Đỗ Mục được viết như ngẫu nhiên, không trau chuốt. Có giai thoại mà các cụ ngày xưa thường kể: Rằng có cụ đồ khi rượu đã say phê bình bài thơ này mỗi câu thừa 2 chữ đầu. Vị chi là  2×4= 8 chữ. Theo "nhà phê bình" thì “Thời tiết vũ phân phân” đủ diễn tả cảnh mưa bay, không nhất thiết phải của tiết Thanh Minh; “Hành nhân dục đoạn hồn” cần chi có 2 chữ" Lộ Thượng". Người này đi trên đường chớ không lẽ đi dưới nước. “Tửu gia hà xứ hữu” vốn đã là câu hỏi, thêm Tá vấn là thừa! “Dao chỉ Hạnh Hoa thôn”, ai chỉ cũng được, đâu cần Mục đồng mới chỉ được quán rượu… Thử đọc lại :


"Trời mưa bay lất phất

Người đi lạnh buốt  hồn

Hỏi nơi nào bán rượu

Được chỉ Hạnh Hoa thôn"


Chỉ là bài đồng dao ngớ ngẩn của một một ông già! 


Nguyễn Trãi cũng có bài thơ" Thanh Minh" nổi tiếng :


"Từ ngày lưu lạc rời quê cũ, 

Bấm đốt thanh minh mấy lượt qua. 

Ngàn dặm mộ phần đều khói lạnh, 

Mười năm thân hữu thảy tiêu ma. 

Trời quang mây tạnh khi bừng nắng, 

Xuân vãn đồ mi đã trổ hoa. 

Luống những ngập ngừng nâng chén rượu, 

Cho vơi nỗi khổ nhớ quê nhà."

(Trần Đắc Thọ dịch) 


Đây là tấm lòng nhớ cố hương của người lưu lạc xa quê nhớ phần mộ khói lạnh của Tổ tiên. Nhưng người anh hùng ôm chí cứu nước đã nghĩ tới ngày xuân hoa nở, nắng tươi. Một tương lai đang đợi ông hồi hương trong hạnh phúc... 


Trong gần 50.000 bài thơ của 2.200 nhà thơ Đường được sưu tầm thời nhà Thanh thì Đỗ Mục được gọi là "Tiểu Đỗ". Người đời coi ông là hậu duệ xứng đáng của Thánh Thi Đỗ Phủ.


Trong các tác phẩm của Đỗ, người ta nhớ tới rất nhiều một hành nhân độc hành với tâm sự ngổn ngang dưới  trời đầy mưa bay ...


Phải chăng nó là tiên tri cho ngày kết thúc của một triều đại đã vãn, đã hư đốn không thể vãn hồi? 


La Vinh.

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.