• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

TRỞ VỀ

Thứ sáu - 20/12/2019 22:28

Chị choàng tỉnh dậy giữa cơn mơ, mồ hôi vã ra ướt đẫm trên trán và cổ. Đưa tay vuốt gọn lại mái tóc, chị cố hình dung lại hình ảnh vừa gặp. Một cô gái có khuôn mặt đượm buồn, đội chiếc mũ tai bèo màu xanh lá cây bàng bạc, bộ quân phục phủ dầy lớp bụi đỏ. Hình như cô đi từ rất xa, rất xa tới tìm chị với lời nói khẩn cầu: “Lan ơi về với anh Hòa đi, anh ấy còn sống và rất cần đến Lan. Mình xin Lan hãy thương đến anh ấy, về với Hòa đi, Lan nhé”. Thế rồi bóng người ấy nhòa dần, nhòa dần hòa vào màu xanh mênh mang của núi rừng. Chị cố lục tìm trong ký ức của mình mà không sao nhớ nổi. Khuôn mặt người phụ nữ mờ ảo như sương.
 
Từ hôm đó, đêm nào cũng vậy, trong những giấc ngủ chập chờn, chị lại gặp cô gái ấy trong những giấc mơ. Giấc mơ gợi cho chị nhớ về  kỷ niệm của "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy". Giấc mơ làm cho chị sống lại những ký ức thiêng liêng về thời con gái trong bom đạn chiến tranh. Chị cứ tự hỏi: Sao ngày ấy giữa chiến trường khốc liệt, trong cái ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết, những người con gái đang ở tuổi thanh xuân như chị lại có được mối tình đẹp đẽ êm đềm và nên thơ đến vậy. Chiến tranh đã qua đi lâu rồi, giờ đây mặc dù luôn hài lòng với cuộc sống êm ấm của một người mẹ đơn thân nhưng hạnh phúc với một người con trai hiếu thảo, vậy mà chị lại đang sống theo thời gian hai chiều: gần gũi và xa xôi, đau buồn và trân trọng. Chị run run chắp tay khấn thầm “Cầu Trời, Phật phù hộ độ trì cho con gặp lại anh Hòa”. Chị bật đèn, mở tủ lục tìm cuốn sổ cũ… Đây rồi, tấm hình anh trao cho chị vẫn còn vẹn nguyên nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt vuông vức, đôi mắt sáng ngời. Thằng Hiếu của chị khi ở nhà vẫn thường mở ra ngắm nghía và khen mình giống bố. Đằng sau tấm ảnh là nét chữ vội vàng của anh: “Trần Hòa, sư đoàn 471, đoàn 559”. Chị ôm tấm ảnh vào ngực, mắt rưng rưng lệ.
 
Năm ấy, trong những khu rừng Trường Sơn lộng gió, bom đạn khốc liệt, xe anh băng qua những chặng đường mà ngày đêm chị cùng đồng đội, những chàng trai cô gái trong đại đội thanh niên xung phong đầy căng sức trẻ phá bom mở đường cho những đoàn xe chở hàng ra tiền tuyến. Rừng Trường Sơn bát ngát, bom đạn cầy xới khắp nơi, nhưng tinh thần xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước vẫn rừng rực cháy trong tim những người lính trẻ phơi phới yêu đời. Trong bom đạn mù mịt của kẻ thù những sóng mũ tai bèo, sóng lá ngụy trang vẫn nhấp nhô cuồn cuộn chảy về phía trước hết đợt này đến đợt khác, để lại đằng sau những người con gái thanh niên xung phong kiên cường bám trụ thông đường. Bao chờ mong cháy bỏng, ước ao dù chỉ một lần được cánh tay đàn ông ghì chặt với những nụ hôn nồng nàn giống như những ngọn lửa khao khát âm thầm cháy trong lòng những người con gái. Và cho tới một hôm…
 
Rừng Trường Sơn rùng rùng thức giấc bởi trận bom rải thảm của không lực Hoa Kỳ. Ngớt tiếng bom, đơn vị thanh niên xung phong của chị ào ra trận địa. Đang loay hoay với quả bom nằm chềnh ềnh trên mặt đường thì cái Đào, tiểu đội trưởng của Lan lao tới, nói gấp gáp trong hơi thở: “Lan ơi, có xe lao xuống vực. Ta phải đi cứu người trước đã”. Lan vội vàng đứng dậy cùng Đào băng qua bãi bom, mò mẫm nhẩy qua những tảng đá tai mèo lởm chởm, cây đổ ngổn ngang, lần tìm chiếc xe đổ. Ánh đèn pin loang loáng trên những bao quân lương rồi dừng lại phía ca bin. Người lái xe đang gục đầu vào vô lăng, máu ướt đẫm mặt và hai cánh tay nắm chặt. Hai cô gái hì hục gỡ anh ra khỏi xe, dìu về công sự. Đào phân công Lan ở lại chăm sóc cho anh bộ đội, còn mình lại ào ra trận địa.
 
Do chấn thương khi đập đầu vào vô lăng quá mạnh, máu chảy lênh láng, Hoà choáng váng mệt thiếp đi trong vòng tay của Lan. Lan sơ cứu cầm máu, dùng băng gạc quấn chặt lại cho anh.
 
 Cũng may vết thương của Hoà chỉ bị ở phần mềm nơi bả vai và cánh tay. Một ngày sau, Hoà đỡ choáng, Đào cử Lan đưa anh về trạm tiền phương chăm sóc, còn Đào cùng mọi người bò xuống vực hì hục tìm cách vác những bao quân lương chuyển lên để gửi ra tiền tuyến. Lan dìu Hoà đi theo lối mòn ven rừng, hai người vất vả mệt nhọc vượt qua những gềnh đá, chui qua những bụi cây gai mọc chi chít, muỗi bay vù vù như trấu vãi, vắt nhảy tanh tách lẩn vào quần, bập vào da thịt. Những lúc ấy chẳng còn e ngại gì nữa, họ vừa đi vừa gỡ vắt cho nhau, Lan cười nói giòn tan để giúp anh có thêm sức mà bước tiếp. Rừng Trường Sơn hôm ấy thật đẹp, qua cơn mưa nắng chan hoà chảy lênh láng qua kẽ lá. Chim chóc hót vang lừng như chưa từng có tiếng bom đạn gầm rú hôm qua. Những bông hoa rừng muôn màu sắc vô tư nở long lanh trên thảm cỏ cháy xém còn sặc mùi khói thuốc. Đi hơn tiếng đồng hồ, họ bắt gặp một dòng suối trong vắt, róc rách chảy từ trên núi xuống. Lan hối anh dừng chân lại rửa mặt mũi cho mát, còn cô rất tự nhiên xổ tung mái tóc, bước ào xuống suối gội đầu. Đối với những người con gái thanh niên xung phong khi gặp được nước, họ như gặp được nguồn sinh lực mới bởi vì ngày đêm họ chỉ lăn lộn với đất đá, đạn bom hết đợt này đến đợt khác ít có thời giờ chăm sóc bản thân. Lan vui sướng hồn nhiên ngụp lặn trong dòng suối mát, cười như nắc nẻ rồi hứng chí cô té nước lên ướt hết cả Hoà. Với Hoà, lần đầu tiên trong đời được chạm vào da thịt ấm nóng của người con gái, anh thấy xốn xang vô cùng, nhưng vì mình đang là bệnh nhân của cô nên Hoà cố gắng kiềm chế cảm xúc, cắn răng nén cái đau xé thịt của vết thương, ngoan ngoãn tựa vào Lan trên đường về trạm. Dưới suối, khuôn mặt Lan trắng hồng rạng rỡ, mái tóc đen nhánh bồng bềnh theo làn nước, bầu ngực tròn căng nổi rõ qua lần vải xanh đã bạc màu. Ngắm nhìn niềm vui sáng ngời, vẻ tinh nghịch của Lan, trái tim Hoà bỗng nhiên loạn nhịp.
 
Và dòng suối ấy đã trở thành nơi hẹn hò của họ, tình yêu cháy bỏng của đôi trai gái nở bừng giữa rừng Trường Sơn yêu dấu, giữa không gian bom đạn khốc liệt của kẻ thù. Xong mỗi đợt phá bom, thông đường Lan lại ào đến với anh bên dòng suối, bởi khi ấy Hoà tranh thủ ra suối bắt cá mang về cho trạm cải thiện bữa ăn và… để được ôm Lan vào lòng, trao cho cô những nụ hôn nồng nàn say đắm. Lan say sưa hát cho Hoà nghe những bài hát về Quảng Bình quê cô, về miền đất miền Trung quật cường giữa nắng gió, bom đạn. Hoà rủ rỉ ngọt ngào kể về quê hương năm tấn của mình, về người mẹ già đang ngày đêm đỏ mắt ngóng tin anh, về làng vườn quê anh đẹp như một bức tranh bên con sông Hồng thắm sắc phù sa màu mỡ.  
 
Sau hai tuần thắm thiết bên Lan, Hoà đã phải vội vã lên đường tìm về đơn vị, trái tim mang theo hình ảnh cô gái Quảng Bình xinh đẹp. Còn chị đã kịp mang trong mình dòng máu của anh, của tình yêu nơi chiến trường cách trở. Chị âm thầm nuôi dưỡng giọt máu đó trong hy vọng đợi chờ.
 
Hơn sáu tháng sau, đơn vị thanh niên xung phong của chị bị trúng bom. Bọn Mỹ tàn ác đã cướp đi sinh mạng hơn chục cô gái trẻ. Lan bị ngất trong công sự, khi tỉnh lại, chị thấy mình nằm giữa lán trạm quân y, một cánh tay vĩnh viễn không còn nữa, nhưng bù đắp lại giọt máu của anh vẫn còn nguyên vẹn. Ra viện chị trở lại tìm dấu tích bạn bè, nhưng bom đạn đã chôn vùi tất cả.
 
Miền Nam giải phóng, chị trở về quê hương với cánh tay còn lại, âm thầm nuôi con khôn lớn, trưởng thành bên dòng Nhật Lệ lòng vẫn thầm mong có một ngày được đứng bên dòng sông Hồng như anh đã kể: “Quê hương anh có bến phà Tân Đệ, có bãi dâu xanh và vườn quả ngọt ngào”. Đúng rồi quê anh ở Thái Bình. Chị sẽ đi tìm, chị đi tìm anh.
 
Trong buổi họp Cựu chiến binh, chị đem tâm sự đó ra bày tỏ, tất cả mọi người đều tán thành, nhất trí bàn với chị nên đưa tin và ảnh của anh lên đài truyền hình trong chương mục “tìm người thân”.
 
Cầu được ước nên, nửa tháng sau chị nhận được thư từ Thái Bình gửi vào. Vừa mừng, vừa lo chị run run bóc lá thư ra đọc: “Cô Lan kính mến! Nhận được tin cô, gia đình cháu rất phấn khởi. Đã bao năm chú Hòa đi tìm cô và hiện nay đang rất cần tới cô…” Lá thư đề rõ địa chỉ, tên tuổi của anh, nhưng không biết có đúng là anh không? Chị băn khoăn, hồi hộp. Hiếu đi học nước ngoài, chị nhờ cán bộ Lao động thương binh xã hội gọi điện đến chính quyền xã như địa chỉ trong bức thư hỏi thăm tin tức. “Vâng, có anh Trần Hòa, năm nay gần sáu mươi tuổi, trước là bộ đội lái xe đường Trường Sơn, giờ bị thần kinh và đang hưởng trợ cấp người tàn tật”.
 
Bà con, bạn bè của chị vui mừng tập trung chuẩn bị cho chị lên đường. Xe đi dọc theo chiều dài đất nước, qua những cánh rừng Trường Sơn xanh ngút ngàn gợi nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm, những con đường một thời bị cày nát dưới bom đạn, giờ đây được mở rộng thênh thang chạy dài mãi tới chân trời. Chị đi trong kỷ niệm, tìm về kỷ niệm, lời người con gái trong mơ vẫn văng vẳng bên tai: “Lan ơi, về với anh Hòa đi…”.
 
Và giờ đây chị tần ngần đứng trước ngôi nhà tranh ba gian đơn sơ, tuềnh toàng, bậc hè ẩm mốc. Cái sân gạch đã lên rêu xanh, bể nước mưa cũ kỹ nhuốm màu thời gian, giàn mướp xiêu vẹo bên cây hồng xiêm gầy guộc. Từ trong ngôi nhà đó có tiếng nói sang sảng như được phát ra từ một chiếc loa phóng thanh nào đó. Đang chăm chú lắng nghe, chị giật mình khi bỗng thấy một người đàn ông trong nhà bước ra, vầng trán in vết sẹo quen thuộc năm nào. Chị nhào tới nức nở: “Anh Hòa, anh Hòa ơi…” Người đàn ông mặc chiếc quần xà lửng tới đầu gối, chiếc áo phông xỉn màu, tuột chỉ nơi vai trễ xuống ngực, lùi lại ngờ nghệch nhìn chị hềnh hệch cười. “Anh Hòa ơi, em đây mà, Lan đây..”. “Lan nào, Lan nào.. đi đi đi đi’. Anh đẩy chị ra, quắc mắt lên giận dữ, nhưng rồi đôi mắt đó lại chợt dại đi …
 
Từ cổng, một người đàn bà trạc ngoài sáu mươi mặc chiếc áo gụ, tay áo xắn cao tất tả chạy vào. Bà ngạc nhiên nhìn chị rồi reo lên mừng rỡ “Có phải Lan không em”. “Dạ chị là…”. Bà ôm chầm lấy chị: “Chị là Hạnh, chị của Hòa đây. Sao em về mà không báo trước để anh chị và các cháu ra đón. Em về bất ngờ thế này, cậu Hòa không nhận ra em đâu”. Chị lúng túng trước sự vồ vập của bà, lòng rộn lên niềm vui mừng khôn tả. Chị quay lại tìm anh, anh đã lặng lẽ ra vườn từ lúc nào, ngoài đó lại sang sảng những câu nói như tràng súng liên thanh “Đoàng đoàng đoàng, tiến lên, tiến lên…”.
 
Chị dàn dụa nước mắt nghẹn ngào muốn chạy ra với anh mà gào thật to “Anh Hòa ơi, em về với anh đây, sao anh lại không nhớ em thế, Hòa ơi”.
 
Bà Hạnh líu ríu: 
 
- Cháu đâu em, sao em không đưa cháu về?
 
- Chị ơi em muốn một mình đi tìm anh ấy, xem thực hư thế nào mới báo tin cho cháu biết. Thấy anh ấy em vui quá, nhưng không cầm được nước mắt. Thương anh ấy bao nhiêu, lại trách mình bấy nhiêu.
 
Bà Hạnh buồn rầu chép miệng:
 
- Rõ khổ, ai đến nhà cậu ấy cũng đuổi, chỉ trừ tôi và bọn trẻ con. Bọn trẻ hay đến chơi dọn nhà cửa giúp cậu ấy và nghe cậu ấy kể chuyện. Còn tôi cứ ngày hai bữa lại mang cơm tới cho em. Nhà cũng neo người, các cháu đi làm hết cả, mỗi hai vợ chồng cũng vất vả. Đã nhiều lần, vợ chồng chị thu xếp cho cậu sang ở cho vui nhà, vui cửa, nhưng cậu ấy nhất định không nghe. Nhìn căn nhà năm gian rộng rãi sạch sẽ nhưng trống vắng, bếp núc lúc nào cũng nguội lạnh, thiếu hơi người, bà con hàng xóm láng giềng thương xót lắm, nhưng không thể làm gì được. Hồi trước cậu ấy còn thổi cơm, tự nấu thức ăn, nhưng mấy tháng nay thì cứ như là người trên trời rơi xuống, vớ được cái gì ăn cái ấy, thậm chí cả thịt cá sống cũng không biết nữa.
 
- Trời sao lại đến nông nỗi ấy hả chị?
 
  - Em à, hai năm trước Hòa vẫn còn minh mẫn, những lúc nghe kể chuyện bọn giả thương binh đi xin tiền ở bến phà, cậu ấy rất buồn. Một lần đi Nam Định về qua phà có một thằng cụt chân đến xin tiền của anh lái xe. Anh này không cho nó chửi tục rồi giơ nạng phang lấy, phang để. Hòa lao tới can ngăn, bị nó phang luôn cho một phát vào đầu, kèm theo lời chửi: “Mày lành lặn cả mặt mũi chân tay mà còn ăn nhờ vào tiền trợ cấp của xã hội. Phải như tao đây, què cụt không làm được thì phải tự tìm cách kiếm sống chứ”. Từ đó cậu Hòa phát bệnh nặng, thi thoảng lên cơn đau đầu vật vã, lảm nhảm nói suốt ngày. 
 
- Chị ơi có lẽ vết thương từ hồi đổ xe ở Trường Sơn tái phát đấy chị ạ. Sao gia đình không cho anh ấy đi khám để xác định và làm chế độ thương tật ạ.
 
- Mọi người cũng đưa cậu ấy đi khám, nhưng chỉ dừng ở mức độ loạn thần kinh thôi. Không có gì chứng minh vết sẹo của Hòa là vết thương nơi chiến trường em ạ.
 
- Chị ạ, em là người đã chứng kiến và chăm sóc khi anh ấy bị thương. Em sẽ đưa anh ấy đi khám bệnh và vào trại điều dưỡng để điều trị.
 
Bà Hạnh cảm động gạt nước mắt, một nụ cười bừng sáng trên khuôn mặt khắc khổ. Lan khẽ khàng:
 
- Em ra với anh Hòa chị nhé.
 
- Đừng, em hãy để cho cậu ấy một mình ngoài đó rồi chị sẽ lựa lời nói với Hòa để Hòa nhớ về em. Bây giờ tầm chiều, cậu ấy đang lên cơn đấy.
 
- Nhưng em…
 
- Không sao đâu, Hòa tuy vậy nhưng biết hái ổi khéo lắm. Lát nữa cậu ấy mang về một làn đầy cho mà xem.
 
Lan vào nhà, lấy phong mè xửng đặt lên bàn thờ thắp hương. Bất chợt chị bắt gặp tấm ảnh một người phụ nữ có gương mặt quen quen trong khói nhang mờ ảo. Chị lùi ra tim đập thùm thụp:
 
- Chị ơi ảnh kia có phải…?
 
- À chị quên kể với em, đó là Đào vợ của Hòa. Mợ Đào đã mất cách đây hơn chục năm khi sinh đứa con đầu lòng bị bỏ đi. Hòa đã mất cả vợ và con, vì Đào nhiễm chất độc da cam, nỗi đau khổ đó đã làm Hòa khủng hoảng rất nhiều em ạ. Thật tội nghiệp, mợ Đào hiền lành đảm đang lắm. Mợ sống chan hoà, được lòng mọi người nên bà con trong xóm ngoài làng ai cũng thương mợ. Nhiều cựu thanh niên xung phong đã khuyên mợ nên làm thủ tục để nhận chế độ, nhưng mợ cứ ầm ừ cho qua chuyện. Thấy thế, chính quyền xã đã cử người đến giúp mợ ấy hoàn tất các thủ tục pháp lý. Một năm trước khi mất, mợ đã được hưởng chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam ở mức cao nhất.
 
Bà Hạnh nói xong, bỗng dưng Lan cảm thấy choáng váng, mắt hoa lên tưởng như không đứng vững được nữa. Phải đến một lúc sau, chị mới nén tâm cố gắng bước lại gần bàn thờ ngắm kỹ tấm ảnh, đúng là Đào thật rồi, làm sao Đào lại là vợ anh, sao mình lại không biết thông tin gì cơ chứ. Giấc mơ hôm nào lại ào về với hình ảnh người con gái có khuôn mặt mờ ảo như sương khói, đúng là Đào đã trở về trong giấc mơ của chị, người bạn gái thân yêu một thời cùng xông pha bên chị trong bom đạn kẻ thù mở lối thông đường cho những đoàn xe ra trận. Người đã từng chia sẻ với chị bao niềm vui, nỗi buồn nơi chiến trường khốc liệt. Chị bàng hoàng với bao câu hỏi ngổn ngang. Sau đợt bom ấy, Đào còn sống mà Lan không biết. Sao Đào lại gặp được anh Hòa của Lan…,? Chị nghẹn ngào ngắm ảnh của Đào và bất chợt gặp bóng khuôn mặt mình với mái tóc đã ngả màu trong khung kính, bao nỗi xót xa ân hận trào dâng.
 
Tiếng bà Hạnh cất lên, cắt ngang dòng suy nghĩ của chị, kéo chị về với thực tại:
 
- Hòa và Đào gặp nhau khi Hòa trở về tìm em sau ngày giải phóng. Đào nghĩ em đã hy sinh trong trận bom năm ấy nhưng vẫn hết sức giúp Hòa kiếm em. Những ngày tháng lặn lội đi tìm em ở Quảng Bình mà không thấy một tia hy vọng gỡ, hai người cùng ra quân với chế độ trợ cấp bệnh binh. Có lẽ vì tấm lòng cao cả ấy mà ông trời đã xe duyên cho Đào và Hòa nên vợ, nên chồng. Hiếm hoi hơn chục năm trời chạy chữa khắp nơi, đến khi Đào có mang thì tai hoạ lại ập đến. (Nói đến đây, bà Hạnh nghẹn lời). Tất cả là do chiến tranh em ạ, nhưng phúc đức nhà ta vẫn dày, khi nghe được tin của mẹ con em trên ti vi, cả làng ai cũng vui mừng phấn khởi cho cậu Hòa, cho dòng họ Trần này em ơi.
 
Mải mê nghe chuyện kể của bà Hạnh, đến khi ngẩng lên nhìn ra bên ngoài thì đã thấy Hòa đứng bên bậc cửa từ lúc nào, anh lặng lẽ nghe câu chuyện của hai chị em. Giờ phút thiêng liêng ấy, nhất là khi nhìn thấy chị lặng lẽ cầm những nén nhang nghi ngút hương thơm mà hai tay thì run lên, nước mắt cứ lăn đều bên má,  tự nhiên anh thấy như có một vừng hào quang sáng bừng lên trong tâm trí mình. Anh đã nhớ lại tất cả. Trời ơi. Lan của tôi. Đúng là Lan rồi. Cái làn ổi trên tay anh tuột xuống, để tung ra những trái ổi cuối mùa vàng ươm thơm lừng lăn lông lốc trên nền gạch. Anh ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, miệng lắp bắp, hai cánh tay giang rộng ra như chờ đón. Chị lao vào vòng tay anh, gục đầu vào vai anh, nước mắt chị nóng hổi thấm ướt ngực anh. Không cầm được lòng mình cánh tay còn lại của chị cứ đấm thùm thụp vào cái lưng gầy gò của anh mà lòng trào lên nỗi xót xa. Anh như sực tỉnh trước cử chỉ âu yếm đó, òa lên khóc nức nở như một đứa trẻ biết tủi hờn.
 
Rồi anh cầm ống tay áo teo tóp của chị lắc lắc, ánh mắt dò hỏi, chị dịu dàng mỉm cười nhìn anh, đôi mắt ngời hạnh phúc. Bao nhiêu dự định chợt thoáng qua trong đầu, “anh ơi em sẽ là Đào của anh, sẽ bù đắp lại cho anh sau bao năm vất vả mất mát. Vì nguyện ước của Đào, vì danh dự của anh, em sẽ làm tất cả”.
 
Bà Hạnh lại rút nhang châm lửa đưa cho hai người. Qua mấy chục năm, đã bao lần thắp hương cho đồng đội, nhưng chưa bao giờ chị xúc động như ngày hôm nay. Chị ngước nhìn tấm ảnh, Đào như đang mỉm cười với chị. Một nụ cười tin yêu và mãn nguyện./.

Nguyễn Thuý  Hằng

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.