• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Đám cưới sinh viên thời bao cấp

Chủ nhật - 12/07/2020 10:37


(Ảnh Nguyễn Thị Bích Huệ)


Đến tận giờ gã cũng không hiểu vì sao thời đó bọn gã nhiều năng lượng đến thế. Cả lớp sáu chục con người ta mà số có cân nặng trên 50kg chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ấy vậy mà đạp xe 40 - 50 km thậm chí đi Hải Phòng  hơn 70km cũng chỉ là chuyện thường ngày ở XÓM. Nhưng gã nhớ hơn cả là cái lần đi đám cưới của anh Đ người Tứ Kỳ Hải Dương lấy chị X... học Y6 (trên gã hai lớp mà đến nay gã đã quên tên) ở Chí Linh Hải Dương.


Đó là những ngày hè, thi cử vừa mới xong xuôi. Họp lớp phân công cụ thể, bố trí thời gian lên kế hoạch cụ thể rõ ràng như trong quân đội ý (Chả là cán bộ lớp thời ấy đa phần là mấy anh đã ở trong quân đội mà lị). Độ ấy gã dư thừa năng lượng và cũng muốn mở rộng tầm mắt nên xung phong đi làm nhiệm vụ của Lớp ngay.


Thực hiện kế hoạch, gã cùng các đồng đội hình như là 4 người, mỗi người một xe đạp, chằng buộc cẩn thận quà mừng của lớp là những cái xoong, chảo, mâm bằng nhôm Liên Xô (hình như có thêm cái bàn là nữa còn Phong bì có hay không thì gã không để ý). Trang phục đem theo gọn nhẹ, gã mặc một bộ đồ cũ còn bộ mới hơn thì để tới nhà trai mới thay.  Chiều hôm trước cả bọn cứ xuôi theo đường 10 hướng ra Hải Phòng thẳng tiến.


Tới nhà một người quen ở Phụ Dực, ăn uống xong xuôi cả bọn trải chiếu xuống nền gạch ngủ khì. Thời kỳ đó đâu có điện,TV và Internet như bây giờ nên ăn no ngủ kỹ bồi hoàn năng lượng là tốt nhất.


Sáng hôm sau cả bọn dậy lúc 4 giờ, lại tiếp tục hành quân. Tới bến đò Ninh Giang chừng gần 5 giờ, qua sông Luộc tới thị trấn Ninh Giang định bụng ăn canh bánh đa cá đặc sản nhưng chẳng có ai bán vì còn sớm quá. Thế là đành bụng đói ngắm thị trấn  Ninh Giang trong sương sớm mà trong lòng ...sôi sục. Đâu đây có tiếng gà gáy. Hi hi . Một con gà gáy mà cả 3 tỉnh đều nghe thấy (Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương). Nhớ chuyện của Bố kể khi gã còn bé tí gã cười thầm trong bụng. Thị trấn Ninh Giang đẹp yên bình trong với  bến đò, những  sà lan than, củi và hai hàng cây Dâu da xoan xanh mượt với gã quả là đẹp và thơ mộng. Có lẽ trời thương nên đi một quãng đã thấy một quán hàng nước vừa mở cửa. Mấy anh chọn ngồi vào ghế gỗ uống trà, ăn sáng còn gã chọn ngồi phịch ngay xuống một cái chõng tre mà gia chủ đặt dưới gốc cây dâu da xoan. Xực liền hai cái bánh rán, uống cạn ly trà đặc sánh xong cả bọn lên đường đi tiếp. Đường xấu, nhưng mới được nạp năng lượng cùng với dàn nhạc giao hưởng tự biên lắp đặt khéo léo sau xe nên mới 8 giờ 30 bọn gã đã có mặt ở nhà giai tức là trước giờ kế hoạch đi đón dâu 30 phút.


Cả bọn tập trung ở vườn táo trước nhà. Thằng thì giải quyết nỗi buồn, kẻ thì tranh thủ ngồi cùng chiến hữu kể chuyện “sông Cầu là đầu câu chuyện”. Gã thì không từ bỏ thói quen khám phá, đi ra ngoài ngõ. Thì ra nhà ở đây gần như nhà nào cũng có ao. Ao thả cá còn bờ ao thì người ta trồng nhãn và táo nhiều ơi là nhiều. Trước  nhà nào cũng có một sân gạch to, hàng cau, giàn trầu, hàng xoan xanh mát (giống quê gã). Mấy thôn nữ nhà gần nhà chú rể, da trắng, má hồng nom rất duyên, chỉ mỗi tội chân cô nào cũng đen sì. Lạ nhỉ. Tò mò hỏi mấy cụ bà nhai trầu bỏm bẻm mới biết là mấy nàng thường được động viên đánh bùn dưới ao cá bón cho táo và nhãn nên chân đen như thế. Chả thế mà ở đây có câu “đen đen chân chì, chẳng Tứ Kỳ cũng Gia Lộc”.


Câu thành ngữ địa phương này làm gã nhớ ngay tới lời mẹ dặn khi đi chợ “Gà đen chân chì, mua chi giống ấy”. Sự liên tưởng này làm gã cười thầm khoái trá nhưng chỉ mình gã biết và mấy chục năm nay gã mới nói ra. 


9 giờ 20, đoàn nhà trai xếp một hàng dọc chuẩn bị lên đường rước dâu. Xoong nồi lỉnh kỉnh đã gỡ xuống, những bộ đồ vía đã được đưa vào sử dụng, cả đoàn người( tất nhiên là có cả chú rể đẹp trai nữa rồi ) bắt đầu  đạp xe hướng về phía Chí Linh Côn Sơn. Qua bao con đường đất bụi đỏ, qua bao ruộng khoai, nương sắn, vườn chè bát ngát, tới 11 giờ 15 cả họ nhà trai được lệnh dừng lại. Hỏi mấy bác lãnh đạo và có chức sắc trong đoàn thì được biết đoàn đã đến sớm trước 15 phút. Thế là đành phải dừng lại chở hiệu lệnh. Dùng thời gian còn lại để các cá nhân chỉnh đốn trang phục, kiểm tra phương tiện, ổn định đội hình! Hay thật. Trời nắng như thế, nóng như thế mà tất cả mọi người tinh thần đều ổn định, giữ vững cự ly đội hình, không một tiếng than, không một lời phản ứng. Gã cũng thế, im lặng nhìn những giọt mồ hôi rơi lộp độp xuống đường bởi gã và cả đoàn hình như đều hiểu nhiệm vụ cao cả của cả đoàn và chú rể là phải đưa bằng được cô dâu về dinh một cách suôn sẻ nhất. 


Và 15 phút chờ đợi cũng qua đi. Sau vài lời tiếp đón xã giao của nhà gái, cả đoàn tập trung nghe cấp cao phát biểu theo nghi lễ địa phương và ăn uống Hôn trường ngày ấy thật sơ sài. Chỉ là một khu vườn sắn được cào, bằng, san  phẳng rồi che rạp lá một cách tàm tạm là OK lắm rồi. Sân khấu với phông nền  là tấm vải màu xanh dán mấy chữ đỏ Song hỷ bằng giấy màu, đôi chim Bồ câu và tên chú rể cô dâu, ngày tháng năm... cắt bằng miếng xốp trắng dán lên thế mà dòm cũng đẹp đáo để. Trên bàn quan khách là vài bình hoa  đơn sơ cùng với trà, thuốc trầu cau. Tiệc mặn cũng diễn ra màu lẹ không kéo dài “ Dô... Dô “ ầm ĩ từ giờ Ngọ sang giờ Thìn như bây giờ. Cuối buổi, gã lại được nghe giọng ca vàng của lớp (anh Lăng đồng hương của cô dâu chú rể )... “Nơi anh gặp em có hoa vàng rực rỡ; có khung trời rộng mở....”. Anh hát mộc chẳng có đàn chẳng có Micro mà khi hát xong tiếng vỗ tay kéo dài không ngớt (bài hát Nơi gặp gỡ của tình yêu).


Bữa tiệc kết thúc, nhiệm vụ hoàn thành. Đoàn rước dâu tranh thủ trở về. Nhiệm vụ của chú rể nặng nề hơn là phải đèo cô dâu về dinh nhà mình cho đến nơi đến chốn bằng xe đạp. Cũng may cô dâu thời bao cấp cũng nhẹ ký mà có lẽ một phần là do Hưng phấn một phần là do đã tập luyện thường xuyên nên xe chú rể cứ băng băng về đích làm cả đoàn của gã đuổi theo mệt nhoài. Về tới nhà trai, bọn gã tranh thủ uống nước, thay đồ vía, sử dụng đồ thông thường và tiếp tục hành quân. 


Lớp trưởng tranh thủ thông báo trưa mai, cả lớp liên hoan chia tay. Tối đó về đến trường đã là 20 giờ, gã ngủ khì một giấc đến 9 giờ sáng. Buổi liên hoan vắng anh Lăng Hải Dương( vì còn bận hát cho đám cưới khác)anh Đ chú rể hôm qua theo lớp trưởng nói là bận thu hoạch sau đám cưới, Riêng gã, cứ cặm cụi ngồi ăn và lẩm bẩm câu thần chú mà gã vừa mới học được “ đen đen chân chì, chả Tứ Kỳ cũng Gia Lộc”...


Lương Duyên Thắng


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.