• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Tìm lại dấu xưa

Chủ nhật - 16/08/2020 20:53


Buổi thứ 3 Du Quê 


Tôi kể cho Chị Hai nghe về một giấc mơ. Tôi thấy tôi ngẩn ngơ trước một ngã ba đường quê, không biết rẽ lối nào để đi đường tắt qua xã Đông Xá đến xã Đông Cường - nơi có Trại giống lợn mà Chị Hai đã làm việc 10 năm.


Nghe tôi nói vậy, chị bảo: "Sáng mai chị em ta trở về thăm lại nơi ấy nhé, chị cũng thấy nhớ...!"


Chẳng có lý do gì để bỏ lỡ một cơ hội Tìm lại dấu xưa như vậy. Sáng hôm sau, chị em tôi lên đường.


Trí nhớ của tôi rất bã đậu nên tôi chỉ láng máng nhớ khi tôi khoảng 7-8  tuổi,chúng tôi rất sung sướng mỗi khi Chị Hai về nhà, vì thường những lần như vậy là bữa cơm gia đình có  có thêm thịt, cá đôi khi cả món lòng lợn "quý hiếm"! Tết đến, mẹ hay mong chị mang thịt lợn về để gói bánh chưng, giò xào. Tóm lại, Chị Hai cứ như một "cửa hàng thực phẩm" của nhà tôi trong những năm tháng mà bữa cơm có thịt là niềm ước ao, thèm mong của hầu hết các gia đình nông thôn.

 

Sau này thì tôi hiểu vì sao chị tôi lại trở thành quan trọng như thế với gia đình. Đó là vì Trại giống lợn nơi chị làm việc thỉnh thoảng có con lợn nái nào không đủ tiêu chuẩn làm giống sinh sản hoặc bị ốm không thể chữa thì được phép đem bán, chia cho cán bộ công nhân; cả những con lợn sữa đẻ ra bị còi đẹn, thải loại cũng vậy. Chúng là nguồn thực phẩm "ngoài luồng" quý giá, là mơ ước của bao bữa cơm nhà nghèo thời bao cấp khó khăn.


Mỗi lần có được chút thịt, cá phân phối thêm, chị lại đùm dúm gửi về cho bố mẹ và các em.


Khi chị sinh cháu đầu tiên (cháu Hồng) bà Ngoại tôi phải đi bế cháu giúp chị. Nghỉ hè, tôi được theo bà  đến cơ quan chị chơi với cháu. Hai bà cháu tôi đi bộ hơn chục cây số qua những con đường tắt của các xã Đông La, Đông Sơn, Đông Xá để đến Đông Cường. Con đường ấy rất ấn tượng với tôi vì nó len lỏi qua nhiều thôn làng ở mấy xã vùng sâu, vùng xa trong huyện. Tôi thích thú với những con sông, bến chợ đông đúc, những đồng cói, xanh tươi,  rặng phi lao lá kim bên con kênh đào rất rộng, có những cái  lều làm Cói. Và đặc biệt nhất là những nhà thờ Đạo với cái tháp chuông cao, nhọn hoắt, sừng sững nổi bật giữa vùng quê, mà với những đứa trẻ nông thôn như tôi khi đó, nó là một điều bí ẩn, chất chứa nguy hiểm như trong truyện trinh thám.


Đến cơ quan chị, tôi thích thú vì được nổi tiếng bởi những vai Chèo trong đoạn trích Thị Mầu lên Chùa vào các buổi tối. Các anh chị, cô chú công nhân quây tròn xem trò diễn của tôi và bọn trẻ như xem đội Văn nghệ nhí của xóm. Có những lần sáng hôm sau chúng tôi còn nhận được "cát xê" là những chùm dâu da, ổi, sung, roi... xanh, chín, ngọt, chua đủ cả. Chị tôi cũng tự hào về đứa em út chỉ hơn con gái chị 5 tuổi! Trong số 6 chị gái của mình, tuổi thơ tôi gắn bó với Chị Hai nhiều nhất vì chị công tác ở huyện nhà. Có thời gian, tôi còn đi bế bé Huy (con thứ hai của chị) vào dịp nghỉ hè.

 

Tôi muốn cùng chị trở lại nơi ấy, đi trên những con đường quê ngày xưa, nơi chị tôi gắn bó những năm đầu lập nghiệp.


Chị em tôi đi ăn Canh cá rô đặc sản Quỳnh Côi ở thị trấn Đông Hưng rồi đến quán Cà-Phê Mộc rất nhiều hoa Lan mà bạn tôi giới thiệu.

 

Chúng tôi dự định sẽ đi ngao du cả 5 xã nối tiếp nhau trên một trục đường mà ngày xưa chị thường đi.

 

Khúc ngoặt đầu tiên là xã Đông La, nơi mà cách đây 46 năm đã ghi dấu một kỷ niệm không quên của chị tôi.


Năm ấy chị sinh cháu đầu ( bé Hồng). Cô bé sinh thiếu tháng nên bé bỏng bấy bớt. Ngày ấy, phụ nữ chỉ được nghỉ đẻ hai tháng. Trời mưa nên đường quê lầy lội không thể đi xe đạp. Bố chồng chị chở Con và Cháu đến đây, và chị phải đi bộ khoảng 10km đến cơ quan.

 

Bà Ngoại tôi bế bé Hồng mới tháng rưỡi và đeo sau lưng một bịch tã lót. Chị tôi lỉnh kỉnh đồ đạc đi sau. Đường lầy lội, đồ nặng, sức yếu khiến chị cứ tụt dần lại. Bà tôi bồng chắt đi trước, đến chợ Gạch của xã Đông Xá ngồi nhờ quán chợ, đợi Chị đến cho con bú mà mãi không thấy đâu. Một lúc lâu sau chị mới đến nơi, mệt mỏi rã rời vì đống đồ nặng trên tay và  gót chân rớm máu vì cọ vào đôi ủng. Nửa quãng đường còn lại may mà có bác nông dân đi bán rau về thương tình gánh bớt cho ít đồ để ba cụ cháu đi tiếp.


Ngồi sau xe, kể lại kỷ niệm này với tôi, giọng chị nghẹn ngào…


Chị tôi là vợ lính, cả đời sống xa chồng và nuôi con một mình, vất vả, nhẫn nhịn không một lời thở than.


Con đường  bế  con thơ đi bộ trong lầy lội ấy bây giờ to, rộng, có đoạn còn có dải phân cách trồng hoa rất đẹp. Xã Đông La còn giữ lại được những Đình, Chùa cổ khá đẹp và chưa bị phá đi xây lại như Đình, Chùa Cổ Dũng. Đây là mảnh đất có truyền thống học hành trong huyện nên hai ngôi trường được xây dựng khang trang, có nhiều cây cổ thụ, bồn hoa  đẹp đẽ. Tôi có một người bạn thân học Chuyên Văn từ cấp một ở đây. Nhà bạn tôi cũng như nhiều nhà ở nơi này còn giữ được vườn ao khá thanh nhã, xinh tươi. Đặc biệt dân quê mình dạo này còn chơi Lan, nên nhiều nhà còn có vườn Lan, vườn Hồng rất đẹp.


Chị em tôi đi qua Đông La để sang xã Đông Sơn. Đây là vùng quê giàu có từ xưa, vì người dân vừa biết làm ruộng vừa buôn bán, làm nghề phụ.


Ở Đông Sơn, Làng đã hóa Phố, nhà cửa chen chúc, ít cây vườn, mất đi nhiều nét đẹp đồng quê. Tôi chẳng nhận ra một nét gì về con đường xưa mà mình đã đi lại nhiều lần. Tôi đã có một năm học đội tuyển Học sinh giỏi ở đây. Tôi nhớ có một con đường làng lát gạch Bát  Tràng nghiêng, tỏa vào trong xóm rất đặc trưng của nông thôn xưa. Nhà bạn học của tôi ở một góc xóm gần cánh đồng nhiều khóm tre to, bên những con mương nước có thể thả vó tép. Mùi cám rang thơm ngậy như thoảng qua mũi tôi, làm tôi về ngôi nhà gỗ có những cánh cửa bức bàn đóng bằng cái then ngang cũng bằng gỗ, gợi nên một cái gì xa xưa, hiền lành của cái thời ra khỏi nhà không cần đóng cổng.
 

Qua Đông Sơn sang Đông Xá, cảm giác hứng khởi, thích thú về thôn quê quay trở về.


Đông Xá không còn nghèo như xưa, nhưng vẫn giữ được nhiều Cảnh cũ để Người Xưa trở về tìm lại. Những chiếc cổng làng xây mới khá to đẹp, nhưng may không toàn là bê tông và sắt thép. Cổng tam quan có mái ngói đỏ uốn cong đứng xen với những cây cổ thụ còn khá nhiều và ao hồ chưa lấp hết, khiến ta vẫn còn cảm giác đang ở một vùng quê kiểng  tươi lành.


Tôi vẫn còn lờ mờ nhận ra một vài khúc ngoặt của những con đường xưa khi đi bộ qua đây. Tôi nao nức khi còn nhìn thấy những cây Duối già, Bồ Đề, Đa và Si cổ thụ đứng trầm ngâm bên những ngôi Cổ Tự chưa phá hết  để xây mới. Thỉnh thoảng, nơi này vẫn còn sót lại vài mảnh vườn tạp có bờ rào tre hay Râm Bụt ta, cánh đơn nở đỏ, rung rinh chiếc nhụy dài cong cong mà trẻ con xưa hay dán vào mặt làm râu. Tôi đi ngang qua nhà một bạn gái cùng học thời cấp ba, thấy bạn tôi đeo kính cặm cụi ngồi bên máy may. Bạn ấy xưa kia là một cô thôn nữ xinh xắn đã được trai làng "bỏ trầu" từ khi còn đang học lớp 12. Tôi không gọi bạn tôi nhưng thầm vui vì biết cuộc sống của bạn yên bình và hạnh phúc ở vùng quê thanh bình này.


Qua Đông Xá, đích đến là Đông Cường - nơi chị tôi đã để lại một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết lắm buồn vui....


Phạm Minh Châu

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.