• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Dấu ấn tuổi thơ (IV)

Thứ bảy - 25/04/2020 04:06

 





 

 

... Hè năm ấy, thi tốt nghiệp cấp II xong, tôi được bố mẹ cho ra Quảng Ninh thăm anh Lê Bính, lúc đó đang công tác ở Đoàn địa chất Thủy văn 2H Tràng Bạch, Đông Triều.

 

Mẹ chuẩn bị cho nửa ký lạc rang, vài ký khoai tây và hai chú gà giò to hơn vốc tay, để làm quà cho anh và bè bạn.

 

Hành lý cá nhân chỉ có hai bộ quần áo. Một bộ phăng kaki màu ghi đã bạc phếch, vẫn mặc đi học mấy năm nay, đã cộc, phải bạ thêm nửa gang tay bằng vải gụ khác màu, rất kệch cỡm. Mà bây giờ, có cho sôcôla bạn cũng không dám mặc. Nhưng với tôi lúc đó, là một bộ đồ xịn nhất. Và thêm một bộ đồ ta, bằng vải diềm bâu mới may, có dải rút, tay toang, không cổ như tôi đã kể trên.

 

Tất nhiên, bộ đồ phăng oách hơn, phải để tới khi ra đến Quảng Ninh mới mặc. Còn bây giờ đi đường, chỉ mặc đồ ta thôi.

 

Chuyến ấy, tôi đi với ba người nữa. Hành lý chuẩn bị gần như nhau, chỉ khác về số lượng. Nghĩa là, cũng lạc rang, gà giò và khoai tây.

 

Trong bốn người, chỉ anh V. đã đi Cát Hải nhiều lần, vì ông Th. bố anh, nấu mắm ngoài đó, đưa anh ra nuôi từ nhỏ, hàng năm hè cho về quê chơi. Còn anh V. nhà bác Ch. và cậu Phú ở Thái Hòa với tôi, lần đầu tiên xa nhà…

 

Đi từ sáng sớm tinh mơ, đến chiều muộn mới tới Hải Phòng.

 

Anh V. đã đi nhiều lần nên khá thông thuộc, dẫn cả đoàn vào khách sạn Hồng Bàng thuê phòng. Đặt tiền nhận phòng rồi, xách hành lý đi ăn và... đi chơi. Sợ để hành lý ở khách sạn không an toàn.

 

Cứ thế, cả đoàn tha lôi lếch thếch, lỉnh kỉnh, gà qué, khoai khoẳm đi du lịch thành phố…

 

Lần đầu tiên được ra thành phố, cái gì cũng mới lạ. Đi hết vườn hoa An Dương, lang thang mãi xuống tận Lạc Viên, thấy đèn điện thưa thớt, đường phố vắng tanh và tối om om mới quay về.Thì ra, đã ra tận ngoại thành…

 

Quay về tới khách sạn đã gần 12 giờ đêm. Mà quy định của khách sạn, chỉ mở cửa tiếp khách đến 9 giờ tối.

 

Gõ cửa mãi không ai ra mở. Chẳng còn cách nào, cả đoàn lại lang thang ra vườn hoa An Dương, tá túc qua đêm…

 

Tuy mới ra thành phố lần đầu, nhưng cả bọn đã nghe nhiều về trộm cắp Hải Phòng, nên tinh thần cảnh giác rất cao. Chiến thuật bảo vệ được bố trí rất chu đáo. Ba người nằm nối vào nhau thành hình tam giác. Hành lý để trong hình tam giác đó. Dép gối đầu. Một người thức canh chừng ngồi cạnh. Sau đó sẽ thay phiên nhau thức, ngủ …

 

Rồi chẳng nhớ ai là người trực đầu tiên nữa, nhưng chắc chắn không có người thứ hai, thứ ba …

 

Bởi gần sáng, ai đó dậy trước, đánh thức mọi người:

 

- Dậy! Dậy! mất hết mẹ đồ đạc rồi!

 

Tất cả choàng tỉnh, dụi mắt ngơ ngơ ngác ngác, vẫn tưởng đang ngủ ở nhà. Rồi hiểu ra sự tình, hoảng hốt phân công nhau chạy ngược chạy xuôi đi tìm. Dép gối đầu cũng mất nốt.

 

Đang nhớn nhác, hớt hơ hớt hải, chợt ai đó trông thấy một cô gái tay xách lồng gà đạp xe loáng qua, liền hô mọi người đuổi theo.

 

Đường phố thì ngoằn ngoèo. Đang chạy tìm nháo nhác, chợt có lão xích lô lờ đờ từ trong ngõ đạp ra, liền nhờ lão ta đuổi giúp. Lão ngó trân trân bọn trẻ từ đầu đến chân, rồi chửi tục bảo:

 

- Đ. mẹ, xích lô mà đuổi xe đạp à? Biến!

 

Thế là tất cả trơ khấc ra, đứng nhìn nhau ngao ngán. May mà tiền giắt kỹ trong người không mất, vẫn còn tiền đi xe, nên quyết định cứ đi. 

 

Quay về biết ăn nói làm sao? Ê mặt lắm!

 

Cả đoàn đói meo, ủ rũ kéo nhau ra bến Bính. Ba người mua vé đi Cát Hải, còn mình tôi vẫy xe đi Quảnh Ninh…

 

Ngày ấy không có điện tín như bây giờ, nên tôi ra đến nơi, hỏi thăm mày mò vào được chỗ anh ở trong rừng, anh rất kinh ngạc. Đưa tôi về phòng, anh hỏi:

 

- Thi chưa?

- Thi rồi!

- Đỗ không?

- Đỗ rồi! Mẹ cho đi chơi...

 

Là tôi đáp bừa đi thế, chứ mới thi tốt nghiệp, chưa báo kết quả, đã thi chuyển cấp đâu mà biết...

 

Đoàn địa chất ở trên một quả đồi trồng rất nhiều bạch đàn, phi lao và những cây thông nhựa. Lần đầu tiên tôi biết cây thông và những cành thông xanh có thể đốt cháy bình thường như củi vậy.

 

Ban ngày, anh Bính theo đoàn địa chất đi khảo sát để viết bài. Tôi ở nhà một mình, tha hồ mà đọc sách và chạy nhởn. Nhưng chơi đâu giữa rừng hoang vu ấy, dù đó là lần đầu tiên tôi biết đến núi rừng. Chỉ dăm hôm là chán ngắt.

 

Tôi rất ấn tượng với cái vòi nước được khoan từ lòng đất, cứ tự nhiên vô tư chảy nước vọt lên suốt đêm ngày, trong vắt, mát rượi, tha hồ dùng, chẳng phải múc gánh gì cả.

 

Ở quê tôi ngày ấy, ăn nước gánh từ ao về đổ vào chum vại dùng dần. Trong làng, chỉ một vài nhà giàu có, khá giả mới có bể nước mưa, dùng hạn chế quanh năm. Mỗi lần phải gánh hoặc khiêng nước từ ao về, là cả một cực hình với lũ trẻ quê tôi. Giá ở quê có một cái vòi như thế thì thú biết bao nhiêu...!

 

Đó là cái vòi nước công cộng, dùng cho cả đoàn.

 

Buổi chiều, đi làm về, công nhân xúm quanh tắm giặt vui như hội. Người nào cũng rất khỏe mạnh, đẹp trai và rất tự nhiên. Các cô gái ai cũng xinh đẹp, hồn nhiên. Họ nói năng bằng thứ ngôn ngữ công nhân, nhưng rất mốt lúc đó. Những từ: “ki bo” “kẹt xỉ” “cổ lỗ sĩ” “tẩm” “hấp”... là những từ ở nhà quê chưa nghe ai nói bao giờ. Buổi tối, họ ra đồi hóng mát, chơi đàn guitar và hát với nhau rất vui vẻ. Những bài hát nhạc vàng cũng là một thứ mốt âm nhạc lúc đó…

 

Tất cả những cái đó, tôi đều thấy hay hay, là lạ và cũng khá thích thú...

Ở chơi được chừng hơn tháng, mọi việc đang diễn ra êm đềm…

 

Thì một hôm, vào buổi trưa, hình như đó là ngày chủ nhật, tôi và anh Bính đang ngủ trong phòng.

 

Bỗng đột ngột có tiếng đập cửa rất thô bạo. Anh Bính ra mở cửa:

 

- Anh Hần à!

 

Một cái mặt mắt xếch, hàm bành bạnh đưa vào:

 

- Đ. mẹ! mượn chậu sao không giả? Đưa đây!

 

Hình như anh Bính đã quen với thứ ngôn ngữ cu ly hạ đẳng này, nên thản nhiên vào lấy chậu đưa ra, rồi lại vào nằm ngủ…

 

Nhưng tôi thì ngạc nhiên và không sao chịu nổi. Cứ nghĩ, hắn cậy to con bắt nạt anh mình và hắn lại dám chửi mẹ mình nữa chứ! Không thể bỏ qua, tha thứ được. Tôi nằm mà máu uất cứ trào lên…

 

Một lúc sau, không chịu được nữa, tôi lặng lẽ dậy tìm dao xách sang phòng hắn ở đầu dẫy.

 

Giữa trưa hè yên ắng, mọi người đang ngủ. Tôi đấm cửa bùm bùm:

 

- Hần! Hần! Đ. mẹ thằng Hần! Dậy! Dậy...!

 

Hắn chưa kịp dậy ra mở cửa, tôi đã làm náo loạn cả lên. Cả khu tập thể bừng thức dậy chạy ra.

 

Một thằng nhóc nhà quê đen nhẻm, mắt trợn trừng, tay lăm lăm dao, mồm chửi rủa không ngớt, đe sẽ “chém chết mẹ thằng Hần”.

 

Rồi anh Bính đến. Rồi mọi người ra can ngăn, tôi mới chịu thôi. Còn thằng Hần, mặt tím lại hầm hầm, nhưng chẳng dám làm gì.

 

Sau này tôi mới biết, thằng Hần hơn tuổi anh Bính và to con nhất trong đoàn. Hay hung hăng láo toét, bắt nạt công nhân. Hắn rất nể anh Bính là người làm thơ, nhưng ngôn ngữ hắn xưa nay vẫn thế, không sửa được.

Sau lần ấy, anh Bính ngại tôi ở lại sẽ làm loạn, mất uy tín, nên thu xếp may cho tôi một bộ quần áo mới và nhờ chị Dung bạn anh, nhân thể nghỉ phép, đưa tôi về quê.

 

Chị Dung đèo tôi bằng xe đạp từ Quảng Ninh về tận Thái Bình. Đi từ sáng sớm đến tận rất khuya mới về đến Thanh Tân, Kiến Xương quê chị.

 

Ở chơi một hôm, hôm sau chị lại đèo tôi về nhà…

 

Chuyến xa nhà đầu tiên trong đời tôi, diễn ra như thế đấy!

 

Về đến nhà, thì bọn đi Cát Hải đã về từ trước, kể chuyện mất cắp ở Hải Phòng, mọi người đã biết hết cả rồi, chẳng có gì phải nói nữa…*

 

... Sau gần hai tháng ngao du, tôi về thì nhà trường đã tổ chức thi trước đó một tuần. Ở nhà chẳng có cách nào báo tin cho tôi biết được. Khi tôi về, hối hả xuống trường hỏi tình hình, được trả lời:

 

- Thi xong một tuần rồi. Về sang năm thi tiếp nhé !

 

Và như thế là... “nghỉ cho khỏe ”. Tôi lại có thêm một năm nữa để chăn trâu và tắm sông...

 

Nhưng rồi sang năm sau, lại không có quy chế thi nữa, mà xét tuyển thẳng. Mà chỉ xét tuyển những học sinh vừa tốt nghiệp, có danh sách và học bạ do nhà trường chuyển lên.

 

Thế là hết ! Thế là thất học...!

 

Đó là hai năm cực kỳ nặng nề với tôi và cũng là hai năm đầy biến động, với biết bao kỷ niệm vui buồn. Hai năm ấy tôi đã sống và làm tất cả mọi công việc nhà quê: chăn trâu, cắt cỏ, mót lúa, mót khoai, đánh giậm, thả lờ, đơm đó, bắt còng, câu rạm, đánh vợt, cất tép, tát đìa, móc cua...

 

Không công việc nhà quê nào không biết đến. Không có trò ma quái nào của đám trẻ nhà quê mà tôi không có mặt. Và nổi danh là hung hãn với “thành tích” đánh hai bác coi đồng chí tử và quần nhau với hầu hết lũ trẻ trong làng...

 

Nhưng trước hết, hãy nói về công việc đã.

 

Có thể nói, tuy lông bông nghịch ngợm là thế, mà làm không tồi bất cứ việc gì. Đi cắt cỏ hay mót khoai tận ngoài biển, nghĩa là mãi Thái Hòa, Thái Đô bây giờ, cách nhà vài km. Tôi và chị Huệ chung một gánh. Hai chi em mỗi người một bên. Chị Huệ cần mẫn cắt, mót nên bên của chị bao giờ cũng đầy trước, còn bên của tôi thì chẳng có gì. Để gánh cho khỏi lệch, chị phải cho mấy cục đất vào đấy.

 

Cứ thế, suốt ngày tôi lang thang vào vườn nhà người ta hái ổi, vặt khế, làm công việc bảo vệ và kiếm thức ăn cho mọi người. Nhất là khi chiều về, gánh cỏ qua làng Sơn Cao, Thùy Dương xã Thái hòa bây giờ, trẻ con xô ra kéo giật, cướp cỏ. Tôi một mình một gậy tả xung, hữu đột, đi sau cản đường cho mọi người gánh cỏ chạy.

 

Về đến cống Vực, giặt cỏ xong rồi, mỗi người vui lòng nộp cho hai nắm. Tất nhiên là nắm được bao nhiêu lấy bấy nhiêu và đương nhiên là phải nắm hết cỡ tay, vào đám cỏ ngon nhất. Và do vậy tôi vẫn có đủ một bên cỏ, mà toàn cỏ ngon. Có hôm được nhiều quá phải san bớt cho chị Huệ.

Rồi mót khoai, mót lúa, bắt còng, hôi cá... việc gì cũng làm nhanh hơn và hiệu quả hơn những đứa cùng làm.

 

Những hôm làm ở gần làng, khát nước, cử vài đứa vào trong làng lấy lá khoai nước lót vào trong nón, múc nước lã ở bể đổ vào bê ra. Cả bọn gục đầu vào uống.

 

Những hôm ở xa làng quá, không thể vào được, thì chọn một góc ruộng, hay một vũng đìa nào đấy có vẻ trong trong, ngửa nón lên dìm xuống cho nước rỉ dần vào. Nón tre đan, mồ hôi đầu bóng nhẫy bám bên trong, nước ruộng hâm hấp nóng, rỉ vào đến đâu nổi váng mỡ mồ hôi đến đó. Nhưng không sao, cái chính là đang khát khô cháy cổ, không thể chịu lâu hơn nữa. Gục mặt xuống làm một hơi đã đời, ngẩng mặt lên, bụng kêu óc ách. Vậy mà chẳng làm sao cả, vẫn khỏe như vâm, lại tiếp tục làm việc được.

 

Những hôm đi đánh vợt, dậy từ nửa đêm để nhận chỗ. Có ngày đánh được ba, bốn giỏ cua, cá. Về nhà không ăn hết, mẹ tôi đem phơi khô hay làm mắm ăn dần. Anh Bính thấy thế bảo:

 

- Sao mày không bán bớt đi một giỏ lấy tiền, để khỏi phải xin mẹ!

 

Nhưng không! tôi vẫn mang về hết, dù có người hỏi mua. Vì thích được bố mẹ khen hơn là được tiền…

 

Là đứa trẻ thấp lùn, đen đúa, khỏe mạnh và bạo tợn, “cổ như cổ trâu”. Chẳng biết sợ con gì, bắt rắn, bắt đỉa bằng tay, móc “cua mà” không con nào thoát được. Có lần bắt rắn nhử anh Bính chạy rông khắp đồng.

Và lạ kỳ thay, đi câu không bao giờ được, dù cùng ngồi một chỗ thả câu. Nhưng đi úp lại được nhiều và hay được cá to. Có lần úp được cá chép hàng ký.

 

Có lẽ tôi không ưa với những trò câu nhử, chỉ ưa vồ sấn, úp bừa thôi. Âu cũng là tính trời sinh ra vậy.

 

Mà làm việc gì cũng làm cho bằng được, bằng xong. Không bao giờ bỏ dở công việc. Chơi cũng thế, không bao giờ bỏ cuộc...

(Còn tiếp...)

 

Lê Quang Tuệ

------

(*) Trích "CHUYỆN TRONG NHÀ" - Mockba 3.2005.

 

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.