• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Tản mạn miền sương khói

Thứ tư - 01/04/2020 06:52

Tôi còn nhớ như in cái ngày đầu tiên của tháng Tư năm 2001, khi tôi đang công tác xa nhà. Bạn thân gọi điện thoại, nghẹn ngào thông báo nhạc sĩ thần tượng họ Trịnh vừa qua đời. Một khoảng lặng bao trùm. Ngay tối đó, lũ chúng tôi tụ lại bên nhau cùng hát vo các bài hát của ông mà chúng tôi thích. Đã từng nhiều lần chúng tôi hát như thế. Cũng như nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là những người không phải là ca sĩ như chúng tôi, hát nhạc Trịnh chỉ là hát cho mình, hát với lòng mình, hát để tâm sự với mình và hát để thấy mình trong đó.

Tối đó, chúng tôi đã hát đi hát lại một số bài hát của ông, để trải lòng mình, để cảm nhận cách ông nhìn nhận về nhân duyên, nợ nghiệp và những kiếp luân hồi. Hai ca khúc được hát nhiều nhất hôm đó là: “Một cõi đi về” và “Ngẫu nhiên”.

Nhiều ngày sau đó, nhiều năm sau đó, tôi lại dành thời gian ngâm nga “Ngẫu nhiên” của ông, chỉ với mong muốn rằng mình có được sự cảm nhận sâu hơn về những điều thiên tài họ Trịnh đã hiểu về Đạo Phật, về vòng sinh tử trong các kiếp luân hồi, về ý nghĩa của cuộc sống:

Không có đâu em này

Không có cái chết đầu tiên

Và có đâu bao giờ

Đâu có cái chết sau cùng.

Phật giáo giảng về nhân duyên, nghiệp lực, về nhân quả luân hồi, về vòng sinh lão bệnh tử. Nhưng có lẽ Phật giáo chưa giảng về sự khởi đầu, kết thúc của thế giới, vũ trụ và loài người. Phật giáo có nhắc đến các kiếp, tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp nhưng với hàm ý sinh rồi diệt rồi sinh theo nhân duyên, cái kết thúc của các kỳ kiếp chỉ là sự dừng tạm thời. Với con người, trước cũng là vô số kiếp, sau cũng là hằng hà sa số, vẫn là người ấy, nhưng sinh diệt, luân hồi theo quả nghiệp.

Có lẽ vì thế mà Trịnh đã viết: "không có cái chết đầu tiên” và “không có cái chết sau cùng".

Lần nào hát tới đoạn này, tôi cũng trong tâm trạng bâng khuâng, luyến tiếc, nhưng nhức một nỗi niềm. Tôi xót xa nhớ thương về những người thân của tôi nay đã đi xa, về nỗi chia ly mãi mãi và không biết có bao giờ được gặp lại. Tôi nhớ đã từng đọc ở đâu đó rằng, đời người là vòng tròn nối tiếp nhau, không biết đâu là khởi đầu và đâu là kết thúc. Nó giống hệt hình ảnh của một con kiến, cứ bò quanh miệng chén, mãi không tìm ra lối thoát khỏi cái miệng chén đó. Có lẽ liên tưởng đến hình ảnh này nên nhạc sĩ họ Trịnh mới viết:

Mệt quá thân ta này

Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi

Mệt quá thân ta này

Nằm xuống với đất muôn đời.

Và trong bao nhiêu năm loanh quanh trong đời mỏi mệt, liệu rằng tới lúc "nằm xuống với đất muôn đời", chúng ta có thực sự biết được từ đâu mình tới và rồi mình sẽ đi đâu? Hay biết đâu, chúng ta vẫn ngu ngơ cho rằng đời mình chỉ có một lần chết, đầu tiên cũng là sau cùng. Chỉ thế thôi.

Đôi lần, tôi đã băn khoăn về cái chết đầu tiên và cái chết sau cùng. Tôi tự hỏi, liệu có hay không có những cái chết đầu tiên và cái chết sau cùng? Ai có thể nói sâu hơn cho chúng ta về những cái chết này nhỉ?

Sở dĩ có thắc mắc đó là do tôi được đọc một số bài nói rằng Nhà Phật có giảng về tình trạng “hình thần toàn diệt”. Hình thần toàn diệt là khi sinh mạng đó toàn làm những điều ác, khiến cho thân tâm của họ nhơ nhớp, nghiệp lực đen ngòm; họ tiến tới trạng thái xấu quá, xấu tới mức các thần trên cao không thể chấp nhận họ nữa, không thể an bài cho họ thêm một cơ hội để luân hồi, để trả nghiệp nữa. Và, khi ấy, sinh mạng đó không đáng được lưu lại nữa, nó bị hủy hoại; hình thần của cá nhân xấu ấy bị toàn diệt, tức là bị mất hết; cả thân thể người, cả nguyên thần của con người, đều đã bị hủy hoại hết đi rồi... Như vậy, thì phải có “cái chết sau cùng” chứ?

Mới đây, sau khi nghe giảng về Phật Pháp, tôi đã ngộ ra nhiều điều, nhất là về cái chết sau cùng và phương cách cần thực hiện để tránh tình trạng bị “hình thần toàn diệt”.

Phật giáo giảng rằng, luân hồi có 6 nẻo: Trời, Atula, người, súc sinh, ngã quỷ và địa ngục. Tùy theo nghiệp mà kiếp sau ta sẽ rơi vào nẻo nào, có thể thành người Trời, cũng có thể thành quỷ, mà, thành gì lại do ta quyết định. Nói do ta quyết bởi nghiệp lực là do ta tự tạo lấy. Và nếu muốn thoát khỏi các kiếp luân hồi, thì ta phải tu luyện. Không tu luyện thì rớt xuống làm quỷ; tu luyện thì thành Thần, thì thoát khỏi tam giới, thoát khỏi vòng tử sinh. Mà, trong việc tạo nghiệp thì nghiệp tư tưởng, ý niệm, tức là cái chỉ ta nghĩ, ta biết lại là nặng nhất, bởi nó tạo nên ý thức, tâm tính.

Phật gia cũng giảng, tu luyện, không phải để đạt thần thông, mà là tu luyện để đề cao tâm tính, tu sửa tâm tính của mình; nếu xác định đạt thần thông thì không bao giờ thành bởi vướng mắc tâm truy cầu, chấp trước. Khi thân tâm toàn thiện, trong sáng, tự khắc thần thông hiển hiện do thân tâm ta trong sạch đến từng vi lạp nhỏ nhất.

Có người nói ta có thể dựa vào gia trì của các bậc Giác giả để đạt thành. Tức là ta có thể dựa vào sự gia trì của các vị Phật để tu sửa tâm tính, vừa tu vừa luyện, nhưng luyện đó chỉ là gia trì bổ trợ, quan trọng là ta phải tu thì gia trì đó mới có tác dụng, bởi nếu ta không muốn thì không ai giúp ta được. Vẫn phải xác định tự thân là cốt yếu. Ta là người thế nào, tốt hay xấu, ta là người biết rõ nhất.

Vậy nên, nhạc sĩ họ Trịnh nói rằng phải "tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta".

Tâm thái của ta đối với sự việc cuộc sống rất quan trọng, nhất là đối với những việc không như ý. Cuộc sống vốn không phải gặp tốt thì vui, gặp dở thì buồn. Hơn nữa, người xưa cũng nói tốt xấu xuất tự một niệm. Ý niệm khác nhau dẫn đến các hành động khác nhau. Hành động khác nhau thì dẫn đến hậu quả khác nhau.

Cõi tạm được xem là bể khổ trầm luân, cuộc đời con người là chìm nổi ba đào. Từ lúc sinh ra cho đến khi rời đi, con người mệt nhoài vật lộn với biết bao nỗi lo toan, gánh nặng nghiệp nợ trước cuộc bể dâu ly biến. Nếu muốn giải thoát, muốn vượt lên khỏi tầng của người thường, thì phải làm theo lời Phật dạy, phải tu, phải luyện. Chỉ có tu luyện mới có thể tống khứ hết thảy các chủng tâm không tốt, mới trả hết nghiệp, mới có thể phản bổn quy chân, để trở về nơi mà con người được sinh ra. Mục đích cuộc sống của con người chính là để quay trở về chứ không phải là mãi lẩn quẩn trong vòng luân hồi hay bị hình thần toàn diệt.

Tháng Tư về, giữa chênh chao đất trời lúc mưa, lúc nắng chẳng vì đâu, bất chợt lại nhớ đến lời ca trong bài “Một cõi đi về” của họ Trịnh:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…..

Nghe như đâu đây có ai nhắc nhở việc phải tự mình nhanh chóng thoát khỏi cảnh loanh quanh, mệt mỏi của những kiếp luân hồi….


 

Sao yêu thế sắc Hoa Loa Kèn tháng Tư, nhớ thế những phút giây bên nhau, cùng lắng về một miền kí ức tinh khôi nơi màu trắng thanh khiết cứ miên man vỗ về cho dòng thời gian chảy mãi, cứ thao thiết hoài nỗi niềm nhớ thương, thương nhớ.

Trần Huyền Tâm
(Tản mạn miền sương khói - Nxb Hội Nhà văn 2019)

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.