• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Khúc ân tình trong "Nơi thao thiết những vòm xanh"

Thứ tư - 05/01/2022 16:24




KHÚC ÂN TÌNH TRONG “NƠI THAO THIẾT NHỮNG VÒM XANH”

(Tác giả: Bùi Thị Biên Linh)
 
Nói đến lý luận, phê bình văn học, nhiều người thường có tâm lý ngại đọc, ngại nghe vì sự khô khan với những ngôn từ quá sức Hàn Lâm… Nhưng khi đọc những bài của Nguyễn Thị Toán in trong tập Nơi Thao Thiết Những Vòm Xanh một bạn văn đã nhận xét rằng: xưa, nay, viết văn, làm thơ đã khó, viết lý luận thẩm bình văn học càng khó, viết hấp dẫn, ân tình như bài của Toán càng khó hơn”.
 
Vậy điều gì khiến cô giáo trên cao nguyên đầy nắng, gió viết cảm luận thuyết phục và đi vào lòng người như thế?
 
Đến với khoảng trời riêng của Toán, người đọc sẽ phần nào hiểu được vì sao.
Nhà giáo, nhà văn, thi sĩ Nguyễn Thị Toán – Cô giáo dạy văn ở xứ sở cà phê giữa cao nguyên bạt ngàn nắng gió là một trong số những thành viên xuất sắc của nhóm văn Búp Trên Cành từ thuở ấu thơ. Từ khi còn là cô bé mắt đen thông minh, cương nghị trầm tính, già trước tuổi với những vần thơ sâu sắc dạt dào yêu thương cho đến khi trở thành cô giáo đam mê với nghề dạy học – bồi dưỡng học sinh giỏi văn Quốc gia; nhà quản lý giáo dục - gặt hái được nhiều thành tựu trên những lĩnh vực khác nhau, Nguyễn Thị Toán vẫn giữ được cho mình nét riêng trân quý: đó là tình yêu thương và lối sống ân tình.
 
Tập sách Nơi Thao Thiết Những Vòm Xanh là nơi lưu giữ những ân tình dành cho những người, những gì Toán rất dấu yêu bằng một tấm chân tình dịu dàng xanh mát, bình yên.
 
Tác phẩm có nhiều bài thơ xúc động lòng người, có những trang tản văn đằm thắm dành cho gia đình, mái trường bằng tình yêu máu thịt nặng sâu. Bên cạnh đó là phần cảm luận văn học gồm những bài viết với mục đích thật bình dị thân thưởng: viết để động viên, cổ vũ bạn bầu trong sáng tác văn chương nghệ thuật. Ở mảng này, Nguyễn Thị Toán đã gửi gắm ân tình cho các bạn qua những trang viết nhẹ nhàng, giàu cảm xúc. Cách lựa chọn điểm nhìn, cách tìm và khám phá những giá trị của tác phẩm rất tinh tế, thấu cảm, giàu chất trí tuệ. Qua bài cảm luận của Toán, người đọc dễ dàng tiếp nhận tác phẩm trong vẻ đẹp của chính nó và được chắp cánh bởi lời bình.
 
Viết cảm luận cho tập bút ký Gửi Lại Dấu Yêu của Bùi Thị Biên Linh, Nguyễn Thị Toán đã gửi trong bài viết sự đồng cảm của một người gánh chữ đi gieo trên rẻo đất vùng cao. Tấm lòng của hai nhà giáo nhân hậu đã gặp nhau trên từng trang sách viết về những mảnh đời, những gian nan nhưng ấm áp tình thầy trò trong những năm tháng không thể nào quên. Nguyễn Thị Toán đã viết những nhận xét thẩm bình sâu sắc về giá trị nhân văn của tác phẩm bằng những dòng ngắn gọn nhiều cảm xúc.
 
“Đọc Gửi Lại Dấu Yêu của Bùi Thị Biên Linh, tôi chợt nhận ra: Cái hay cái cuốn hút của văn chương không phải ở sự ly kỳ của cốt truyện, sự bề thế của hiện thực phản ánh, sự cầu kỳ của câu chữ hay nghệ thuật kiến tạo… mà bởi chính cái thực của trải nghiệm trong cuộc đời, cái chất chứa, sâu đằm của cảm xúc và vẻ đẹp nhân văn toát lên tự tấm lòng của người cầm bút. Bằng lối kể nhỏ nhẹ, sự xuất hiện với tần số cao các từ “Nhớ” “Thương”, những hồi ức đầy ám ảnh, những câu chuyện vô cùng cảm động về tình thầy trò, về ngày xưa yêu dấu của chị đã lay động đến tận nơi sâu thẳm nhất của trái tim người đọc. Ta gặp ở đó một tâm hồn biếc xanh, trong trèo mà đầy ắp yêu thương...”.
 
Những bài viết về các tác phẩm của nhà ngoại giao Trần Huyền Tâm lại thể hiện khả năng thẩm thấu sâu sắc của Nguyễn Thị Toán về những tác phẩm thơ giàu trí tuệ và lấp lánh ánh Thiền. Bài cảm luận cho thấy tác giả là người có vốn kiến thức uyên thâm, thông tỏ chuyện Đông Tây Kim Cổ và am hiểu về Thiền. Bởi thế, nhận xét, thẩm bình của Nguyễn Thị Toán luôn thuyết phục.
 
“Trong lúc những “Vi Thuỳ Linh”, “Phan Huyền Thư”… rốt ráo, sôi sục trong sự cách tân, đổi mới ngôn từ, hình ảnh nhịp điệu… để mang đến cho thơ một tấm áo mới và một thân thể trẻ trung, hiện đại, một lối phá cách, thì Trần Huyền Tâm lại tìm về thể thơ truyền thống mang đậm sắc thái cổ điển với sự xuất hiện dày đặc những từ Hán Việt và những điển tích điển cố, vừa mang màu sắc tư duy bác học, vừa dân gian, truyền thống trong lối dùng thể lục bát, thành ngữ, tục ngữ - Ngôn ngữ vàng ròng chắt lọc ngàn đời của cha ông để lại. Bởi vậy, nhiều câu thơ uyên bác hoài cổ nhưng cũng rất gần gũi, thân thuộc dễ đi vào lòng người.”
 
Đặc biệt, Nguyễn Thị Toán có thể viết tiểu luận phê bình bằng cả thơ và văn xuôi. Cách thể hiện bằng thơ khiến cho bài viết trở nên nhẹ nhàng, gợi nhiều sự thú vị cho người đọc. Làm được việc này bởi Toán không chỉ là người hiểu bạn, đồng cảm với tác giả mà cô còn có năng lực làm thơ, năng lực viết văn… Nếu cảm nhận về “Mây Ngàn Năm Vẫn Đợi” và “Khúc Tâm Du” của Trần Huyền Tâm được viết bằng văn xuôi thì “Giọt Nắng Vô Thường” được cảm nhận bằng bài thơ dài, ý thơ sâu lắng.
 
Những tác phẩm của Trần Huyền Tâm thường giản dị nhưng chứa nhiều tầng ý nghĩa rất sâu. Nếu người không hướng Thiền sẽ khó thẩm thấu được những giá trị tư tưởng đậm chất nhân văn trong đó. Qua lời giới thiệu, lời bình của Toán, những tác phẩm ấy trở nên trân quý và đến gần người đọc hơn.
 
Hầu như thành viên nào của Nhà Búp xuất bản sách cũng mời Toán viết lời cảm nhận. Nguyễn Thị Toán được đại gia đình nhà Búp tin yêu. Hiểu được tình cảm bầu bạn gửi gắm nơi mình, Toán đã sắp xếp thời gian khoa học giữa việc trường và việc văn thơ. Đọc bài viết của Toán, thấy rõ việc đầu tư thời gian công sức nhiệt huyết của cô khi cầm cuốn sách mà bạn bầu trao gửi. Viết cho tập thơ “Gọi Mùa” của Phạm Minh Châu, cô đã dành cho người em, người đồng nghiệp đáng quý những chia sẻ tâm tư qua những dòng văn: 
 
“Tác giả Gọi mùa là người phụ nữ có trái tim chan chứa yêu thương, luôn muốn được chia sẻ và đồng cảm. Tác giả nhập thân vào cảnh ngộ, tâm sự, cuộc đời khi thì của người chị em thân thiết ôm trong tim mối tình thầm lặng lỡ làng, trái ngang, xa cách… khi là nỗi nhớ quê thắt lòng của người bạn thuở ấu thơ giờ lập nghiệp phương xa… khi là viết cho nỗi niềm thế hệ học trò từng cùng cô chịu đựng cái oi bức chật vật của những ngày ôn thi đầu hạ…” 
 
Hay:
 
 “Và cứ thế “Gọi Mùa” để lại trong ta nhiều dư âm, cảm xúc bởi đi vào thế giới thơ Minh Châu ta như được gặp chính tâm hồn mình trong những xúc cảm về quê hương, về Mùa, về tình bạn về tuổi học trò thơ ngây, trong trẻo, về tình yêu và nỗi nhớ, nỗi cô đơn, đợi chờ và khát vọng hạnh phúc.”
 
Nguyễn Thị Toán xem xét phân tích về tác phẩm không chỉ trên bề mặt của câu từ, cô đem cả trái tim nhân ái, sự trải nghiệm đời người để vui buồn, trở trăn, cùng tác giả. Mỗi trang, mỗi nhận xét đều xuất phát từ sự thấu hiểu, cảm thông đầy trân trọng.
 
“Thơ Liên là tiếng ru lòng đắng đót và gợi nhiều thương cảm… Còn gì thương hơn nỗi lòng người phụ nữ mòn đêm chờ đợi. Đêm cô đơn bao giờ cũng là đêm dài nhất, chỉ một tiếng sáo diều ngân nga cũng gợi bao nỗi niềm khắc khoải. Từng giọt thơ rơi rơi như từng giọt nước mắt em tan vào đêm. Điệp khúc “Đợi anh, đợi anh” như tiếng thầm thì hay tiếng nấc của con tim đau đáu đợi chờ ..”
 
 Nguyễn Thị Toán luôn cảm nhận tác phẩm của bạn bầu bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra những nét riêng làm nên chất thơ trong từng tác phẩm:
 
“Thơ Liên là tiếng gọi tâm tình của một trái tim yêu Hà Nội, cảm nhận sâu sắc nét riêng, nét quyến rũ của mùa thu nơi Cố đô ngàn năm văn hiến bằng cảm xúc bồi hồi xao xuyến.” 
 
Có khi là những khám phá ở tầng sâu con chữ, nêu lên những cảm luận mang tầm khái quát:
 
“Thơ Diệu Liên thường bắt đầu bằng một hiện thực khách quan như sự khởi đầu của một câu chuyện nhỏ nhưng kết thúc lại là một nỗi niềm, tâm tư… Hành trình thơ Liên thường đi từ phát hiện thú vị đến một sự suy ngẫm, suy tưởng”
 
Bài cảm nhận có nhan đề như một khúc tình ca Còn Ta Với Nồng Nàn viết cho tập thơ “Trái Tim Thức” của Bùi Thanh Huyền thực sự là nhịp đập thao thức khôn nguôi của trái tim đồng cảm trong những “âm hưởng khát vọng của người con gái - người đàn bà khao khát được yêu thương, là tâm thái sẵn sàng đón nhận hạnh phúc nhưng vẫn dùng dằng tiếc nuối, vừa muốn trưởng thành vừa không muốn đánh mất tuổi thơ”.
 
Trước nỗi đau của người đàn bà trong những câu thơ thảng thốt: “Em chạy dọc mùa thu tìm anh/Chạy tức tưởi, chạy âm thầm trong lá rụng/ Cả yêu thương, tủi hờn, căm giận/ Em ùa vào, em trút xuống mùa thu…” và nhiều bài thơ trong “Trái tim thức”, thơ Huyền vốn đã đẹp, đã hay đã gợi nhiều thương cảm, nhưng khi Nguyễn Thị Toán nói lên những cảm nhận từ sâu thẳm trái tim thì tất cả dạt dào hơn gấp bội. 
 
“Chạy dọc mùa thu” là nỗi đau đớn vụn vỡ đến tê tái bàng hoàng. Với “Chạy dọc mùa thu” tình yêu của người phụ nữ thật nồng nàn lãng mạn tha thiết mà bao dung vô hạn. Ngay cả khi bị phản bội, hụt hẫng, đớn đau vẫn không giận hờn trách móc chua chát ích kỷ nổi loạn… chỉ đau và chịu đựng nỗi đau một mình, và cứ vậy lặng lẽ một mình nhặt tìm kỷ niệm tình yêu còn rơi rớt lại trên con đường mùa thu họ đã từng qua...”
 
Thiết nghĩ, phải thao thức cùng thơ lắm, Toán mới viết những dòng văn diết da như thế.
 
Là thành viên trong nhóm Búp Trên Cành, Toán hiểu thơ Bùi Thanh Huyền như hiểu những gì đi qua và lắng lại trong cuộc đời của nữ doanh nhân đa tài, xinh đẹp “Mỗi trang thơ của chị là một trang nhật ký trái tim trên hành trình tình yêu cuộc sống”
 
Có khi là những nhận xét tinh tế ân tình giàu thấu cảm nâng niu: “Trái Tim Thức không chỉ là tập thơ mà hơn thế đó là một đời thơ - một đời người đàn bà với bao nỗi niềm chất chứa, bao hành trình từ thơ ấu đến tình yêu, từ quê Mẹ đến trời Âu, từ hạnh  phúc đến đớn đau, từ trọn vẹn nồng nàn đến chia ly vụn vỡ, từ ngọt ngào say đắm đến cách xa, tủi buồn, nhưng trái tim ấy chưa bao giờ thôi thao thức...”
 
Là một người được học tập chuyên sâu về kiến thức văn chương, bản thân lại là người trực tiếp sáng tác nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi, các tác giả đều là chị em bạn bầu, Nguyễn Thị Toán có lợi thế trong thẩm bình tác phẩm.
 
Tuy nhiên, người viết luôn đặt các tác phẩm trong khoảng cách khách quan đủ để “chiêm ngưỡng” toàn diện nhất, lấy đó làm cơ sở cho những kiến giải của mình. Toán luôn cẩn trọng, kỹ lưỡng, tỉ mỉ trong tiếp nhận và trình bày ý tưởng nên đọc bài viết của Toán, hầu như những giá trị cơ bản nhất của tác phẩm đã được phân tích rộng, sâu, sáng rõ, định hướng cho tiếp nhận.
 
Nguyễn Thị Toán đã cảm nhận rất hay về tập thơ “Nhớ Tìm Tôi Nhé” của tiến sĩ kinh tế Nhà thơ Bùi Đại Dũng. Vẫn lối viết khúc triết, cách triển khai vấn đề vừa sâu vừa rộng, kết nối chặt chẽ, Toán làm cho người đọc thấm thía hơn những bài thơ của tác giả. Quả đúng như nhận xét “Cảm luận phê bình văn học đúng tầm sẽ chắp cánh cho tác phẩm”.
 
Hãy đọc những đoạn:
 
 “Thơ Bùi Đại Dũng bình dị ấm áp như hơi thở của đời thường - không cầu kỳ câu chữ, không nhiều đột phá độc đáo về hình thức nhưng lại rất nhiều sức gợi. Bởi hình ảnh, ký ức trong thơ anh vô cùng gần gũi với mỗi chúng ta như cơn mưa tháng năm bất chợt, như tiếng chim trong vắt và bầu trời thẳm xanh sau cơn mưa, như cánh hoa sim tím mong manh lưng đồi vắng như giọt nắng lung linh lọt qua vòm lá buổi ban trưa..., hồn thơ anh là hồn thơ dịu dàng man mát ngay cả nỗi đau cũng lặng lẽ âm thầm không quằn quại thét gào...”
 
Đoạn khác, Nguyễn Thị Toán lại đưa ra lời bình giá sâu sắc:
 
 “Tình yêu trong thơ anh đi liền với cảm hứng ngợi ca và ngưỡng mộ, bởi vậy mà nó vô cùng cao đẹp, trong sáng và lãng mạn, nó không gần trong vòng tay mà cứ lấp lánh phía trời xa, trong hồi ức, trong nỗi nhớ.”
 
Hay:
 
“Tình yêu có sức mạnh vô biên, cảm hoá tâm hồn. Còn sự ngợi ca nào tôn vinh tình yêu đẹp đẽ và nồng nhiệt hơn thế!”
 
Không chỉ riêng tôi, nhiều bạn văn thích đọc các bài cảm luận, thẩm bình của nhà giáo - nhà văn Nguyễn Thị Toán. Bởi cô đã thiết kế một con đường riêng bằng chất liệu bình dị ấm áp ân tình, có ánh sáng của từng con chữ, có nhịp rung của trái tim đồng điệu để dẫn ta đến với khoảng trời riêng lấp lánh những vì sao trong tác phẩm của mỗi người cầm bút. 
 
Bình Phước ngày 14/12/2021
Bùi Thị Biên Linh


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.