• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Vợ chồng ông Thếnh

Thứ sáu - 22/05/2020 15:03

 


 

Truyện ngắn của KIM CHUÔNG



Ông Thếnh ngồi thở sâu và nhẹ. Đôi mắt lơ đãng nhìn vành trăng đang đung đưa trên ngọn tre đầu ngõ. “Đêm bớt lạnh. Nhưng da trời bỗng nhiên xanh, cao vọi, cữ này, mai có khi sẽ nắng lên cơ đấy ...”.


Ông Thếnh nói bâng quơ như cố ý làm thân. 


Vợ ông lặng im, không bắt chuyện. Bà còn giận, hay đang ngượng? Đang vui vui vì câu chuyện vừa mới xảy ra?


Đã hơn chục ngày rồi, vợ chồng ông Thếnh có chuyện bất hòa. Thật khổ. Thời son trẻ, mấy khi xảy ra “chiến tranh lạnh”. Mâu thuẫn căng cũng chỉ chốc lát. Vợ chồng xấu hổ gì ? Sau ít phút va chạm, hai người dễ điên lên, hoặc vợ, hoặc chồng lại “liều”, tìm cách lăn xả vào nhau mà “giải hòa” theo kiểu “Mù u, ba lá mù u/ Vợ chồng cãi lộn, con c… giải hòa”(1), để sau đó, chuyện lại đâu vào đó. 

Bây giờ, ở tuổi cao, chán vậy. “Chuyện ấy” ít  cần nữa. Căng thẳng cứ âm ỉ kéo dài.


Thực tình, toàn chuyện vặt, vớ vẩn. Ông Thếnh không hiểu tự lúc nào tính nết vợ ông bỗng dưng đổi khác?


Ông Thếnh một lòng thương yêu vợ. Vợ ông, một cô gái làng Dâu mà ông gặp ở “đêm chèo” trong vài ba ngày phép. Buổi ấy, đang là lính. Vừa xong khóa huấn luyện, được bổ sung vào đơn vị chiến đấu, ông Thếnh tranh thủ về thăm nhà để chuẩn bị lên đường vào mặt trận phía Nam. 


“Là lính trận. Lại vừa mới quen nhau. Thân phận cuộc đời tháng năm này nhỏ nhoi, mong manh biết dường nào. Đành vậy, thôi The ạ. Ta chỉ là bạn tốt của nhau được không? Nói lời yêu lúc này làm gì cho khổ nhau, “em gái”?


Ông Thếnh nói với The, cô gái mười bảy tuổi là vợ ông bây giờ câu đầu tiên như thế.


“Không. Em đã mang lòng yêu anh rồi. Anh không tin ư? Không tin người con gái quê mùa, áo nâu, chân đất này à?”


Dưới bóng cây bạch đàn bên con mương gần sát chân đê, ông Thếnh nhìn gương mặt người con gái tơ non đang sáng lên dưới ánh trăng vàng rượi. Hai cặp môi cô khát khô, run rẩy. Mái tóc dài và đôi mắt bỗng mờ ảo, vời xa. Ông Thếnh kéo người con gái áp sát ngực mình nhưng lại vội buông ra trong nhịp tim đang đập lên huyên náo.


Không khác gì chàng Kim trong truyện Kiều của Nguyễn Du đã mấy trăm năm trước, ông Thếnh chỉ biết, The là người cùng xã, khác thôn. Người con gái dịu lành, nền nã này sao mà hát làn điệu chèo “đường trường duyên phận” hay đến vậy. Đấy là cái cớ để “người lính là ông” đã không ngại ngần buông lời cảm mến. Rồi, đêm ấy, gần một giờ đêm đã chóng vánh đi qua, ông và “cô gái đêm chèo” đã vội vàng bỏ lại mảnh lá ngồi tạm bên đường với lời giao duyên chỉ có họ với một vầng trăng xa xôi kia là “người thứ ba chứng giám”. Vậy mà, năm năm trời cách biệt. Một dòng tin của người lính trận không một lần gửi về. Không ai biết The mang lời đính ước. Ở quê nhà, The lặng lẽ thay người lính phương xa đi lại chăm sóc, giúp đỡ bố mẹ già đôi bên bao công kia việc nọ. Chiến tranh đã bộc lộ những nghĩa cử cao đẹp mà The là một trong hàng ngàn, hàng vạn người phụ nữ Việt Nam một thời đã làm nên nét phẩm hạnh như vậy. Ông Thếnh, người lính thắng giặc trở về trong niềm vui bất ngờ. Ông còn sống và lời yêu mong manh ngày nào lại buộc chặt tấm tình giữa hai người “ông và The, một người vợ đảm đang, yêu thương và rất đỗi hiền thục”. 


Ông Thếnh cưới vợ sau hai tháng được chuyển ngành về một đơn vị ngay trên đất thị xã quê ông. Những ngày kế đó, lo cho vợ chuyển từ quê vào lao động ở một xí nghiệp gần đơn vị của mình. Thời bao cấp. Cuộc đời đầy gian lao vất vả. Ban ngày làm việc ở cơ quan, tối về, hai vợ chồng lại nhận thêm việc để có thêm thu nhập. Khi thì gia công bện những tấm thảm lau chân. Khi thì nhận đóng bao bì, nhãn mác. Khi thì đan hàng mây tre xuất khẩu ... 


Nghèo túng, gian lao vậy. Nhưng vợ chồng ông Thếnh rất mực thương nhau. Hàng ngày, chỉ một chiếc xe đạp cà tàng, ông Thếnh phải dậy sớm lai vợ đến xí nghiệp. Nhiều khi, buổi trưa, đã vội, ông Thếnh vẫn đầu trần phơi nắng hàng tháng trời đến cơ quan đón vợ về nhà ăn cơm cho đủ no và cũng để vợ đỡ khổ giữa mùa hè nắng nôi, ngột ngạt. 


Còn nhớ, buổi gánh nước thuê, bờ sông dốc ngược. Phơi nắng cả ngày đã mệt lại cảm sốt, vợ ông ngã, ngất xỉu. Ông bế vợ vừa đi vừa chạy vào bệnh viện cấp cứu. Thấy hai hàng nước mắt cứ ứa ra trên đôi mắt cay đỏ và dáng vẻ tận tụy của ông, bác sĩ, nhân viên, ai cũng mủi lòng. Rồi, khi đẻ cô con gái đầu. Vợ yếu, con đau. Ông Thếnh xin cho vợ gần nửa năm trời được “nghỉ không lương”. Mình ông nai lưng gánh vác tất thảy công việc.


Dạo ấy, ban ngày lo việc cơ quan. Tối, ông lần về các miền sông vó chũm kiếm con tôm, con cá. Đày sương gió nhiều, lại mất ngủ triền miên. Có lần, ông Thếnh “ngã gió”. Ông nằm như một xác chết trên tảng đá dưới chân cầu không về được. Bà Thếnh gửi con nhỏ, đôn đáo chạy theo dọc bờ sông, bãi sú tìm chồng. Ít ngày sau, ông gượng dậy được. Còn bà, từ lần “ma ám” ấy lại mang bệnh nặng hơn. 


“Ông Thếnh chăm vợ thật khéo”. Vợ ông nói thế. Từ thuốc men, cơm ngon canh ngọt đến lời ông dỗ dành. Nhiều lúc vợ ông phải bật cười, gắt lên. “Cứ làm như người ta là con nít không bằng”. Rồi, nước mắt bà bỗng ứa ra dàn dụa. Bà gào lên nhưng giọng lại khàn đặc. “Mà, nom kìa ! Mình sút đi nhiều đấy. Da xấu. Mắt hốc hác. Em sợ lắm. Vì vợ con mà “đổ” thì tội tình quá ...Trời ơi”. 

Bà Thếnh khóc nấc lên từng chập. Ông Thếnh ôm chầm lấy vợ. Bàn tay ông vuốt mãi lên đôi má khô gầy, xương xẩu của bà, giọng đứt đoạn. “Đừng lo. Đừng lo mà. Tôi thương ... Tôi thương con, thương vợ ...”


Mấy chục năm trời, vợ chồng ông Thếnh lặng thầm chung xây tổ ấm, chả mấy khi có điều nọ tiếng kia. Đời là thế. Một thời đi giữa bao gian lao, thử thách. Nào, nghèo khổ. Con cái nheo nhóc, vất vả trăm đường lại sóng êm, bể đẹp. Bây giờ, gần lục tuần, sức khỏe yếu, hai vợ chồng về hưu sớm. Cái tuổi coi như “lão giả an chi” rồi, lại từ đâu đổ ra lắm chứng.


Đêm. Ông Thếnh ngồi trên bậc thềm ngước nhìn bóng vợ lặng thầm như mô đất. Không biết bà đang nghĩ gì về cái gọi là “chiến tranh lạnh” ngày qua ?

Ông Thếnh chợt bật cười. “Đúng là chuyện “Con vạc”. Con vạc bay trên trời. Con vạc nào đã ai bắt được. Vậy mà, người thì thích xào khô. Người lại thích đổ thêm chút nước vì chỉ muốn ăn chan. Chuyện có vậy mà vợ chồng nọ trong “Cổ học tinh hoa” đã diễn ra cãi lộn, dẫn tới cuộc ẩu đả sứt đầu mẻ trán, làm phiền lòng xóm mạc. 

Chuyện vợ chồng ông Thếnh có na ná thế không ?  Bây giờ, bà Thếnh thích đi chùa.  Khi tuổi cao, đi qua nhiều trải nghiệm, phần tâm linh trong con người ta lại hay hướng về cõi  thẳm sâu “vô thức”. Ông Thếnh tôn trọng cái nghĩ của vợ. Nhưng, dạo này, bà giở chứng, thích chơi trò bói toán. Ông phản đối thói mê tín này. Bà cũng vênh mặt vặc lại, nặng lời kiểu “mát nước thối đá.” Ông giận một. Bà giận mười. Bà làm mình làm mẩy. Giả vờ ốm, bỏ cơm, nằm im lặng mấy ngày. 

Lại nữa, mới đây, cô con gái đòi mua xe, ông bủa đi mấy đại lý tìm chọn. Nhưng, “nhãn mác” ấy chưa về. Đợi thêm chút có sao ? Song, hình như, cứ phải gây sự với chồng mới sướng cái “máu ngang” đang sẵn có của bà. Bà vu tội ông Thếnh chỉ bo bo biết mình, không quan tâm người khác. Bà đùng đùng khăn gói nhảy xe về quê, ý chừng để cho ông “biết mặt”. 

Phải tới hàng chục ngày sau, bà vẫn xử căng với ông bằng một cách im lặng kéo dài. 

Rồi hôm qua, thằng Quăng, con rể ông. Vợ chồng nó thích mua chung cư khu đô thị mới phía Đông. Ông giữ sao được. Vậy mà, bà cũng đổ lên đầu ông cái tội “không biết can ngăn, không muốn giữ cho con cái ở gần”. Rồi, chuyện từ đời tám hoánh, khi ông đang vướng bận, chưa kịp “quay” lại cái cổng cho đúng hướng bà thích. Thế là, mượn gió bẻ măng, chuyện nọ xọ chuyện kia. Bà moi ra đủ chứng. Bà chê bai, “tỉa” ông, “ Nào khệnh khạng, nước đến chân mới nhảy. Nào chỉ giỏi trò “đánh trống bỏ dùi”…Nào, việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng …

Đấy. Toàn những chuyện trời ơi, đất hỡi. Vậy mà, đụng một tí, vợ ông lại vô cớ sinh sự. Lại “chiến tranh”. Lại cả ngày, bà Thếnh đeo lên mặt cơn mưa dầm tối sẫm. Bà có gan chịu lì, không hé răng nói lấy nửa câu. Nhiều hôm, gần trưa rồi, thấy vợ vẫn nằm trên giường, mặt úp vào tường, ông Thếnh đặt tay lên trán, bà gạt đi, kéo chăn trùm kín mặt. 

Thật khổ trăm đường. Tóc chớm bạc, già rồi chứ đâu còn son trẻ. Ấy vậy mà, khi già, tính tình người ta lại dễ thành con nít là thế. Ông Thếnh không còn biết xử sự sao nữa. Dùng uy quyền quát nạt, mắng mỏ hay “cưa sừng làm nghé”, mềm đi, cưng chiều vợ như thuở đang son, cũng chẳng được. Như chu kỳ thời tiết, thỉnh thoảng vợ ông lại “giở quẻ” làm ông căng lên, thậm chí không ngủ được. Đang giống như gà mắc tóc, chả biết phải đợi đến lúc  nào bà Thếnh mới bốc đồng mà cười vui lên được. May quá, một chiều, con gái ông từ Hà Nội nhảy xe Buýt về nhà. 

“Ôi, Cái út. Cô gái diệu của mẹ”. Tiếng vợ ông như reo. Ở phòng trong, ông Thếnh lắng nghe và hình dung ra nét mặt vợ ông đang sáng lên vui sướng. Giọng bà nói dồn dập, hỉ hả. “Con được nghỉ mấy ngày. Đi đường mệt nhiều hả ?  Mẹ pha sinh tố cam, con uống nhá”. 

Ông Thếnh nấp sau khuôn cửa ghé mắt nghe cô gái hỏi đến bố. Lúc này, vợ ông im lặng, tay xua xua ra hiệu. Cô con gái, gặng hỏi. Mãi, vợ ông mới ghé tai thì thầm. Chẳng biết bà nói gì. Cô con gái gắt vui. “Lại giận nhau hả ? Trò vớ vẩn”. 

Ông Thếnh từ phòng trong bước ra, gọi vui. “Đâu, con út đâu ?” Vợ ông chừng vui lây, bà dịu giọng. “Đây. Nó đây. Bố con tha hồ mà buôn chuyện nhé”. 

Quanh quẩn gần một tiếng ở nhà, ông Thếnh nghe giọng con ríu rít. Nó dặn, có việc đi thăm bạn, phải sẫm tối mới về. Khép cửa rồi, cô con gái còn quay lại cầm tay ông, giọng khẩn thiết. “Con đi nhá. À. Mẹ đang gọi bố. Mẹ có việc nhờ bố kia kìa”.




Cô gái đi rồi. Ông Thếnh ngần ngừ đứng lặng, xem bà vợ gọi gì. Bà đang giận ông. Bà vui vẻ rồi à ? Bà cần ông việc gì cơ chứ. Ông Thếnh bước vào gian trong nghe ngóng. Thì ra, vợ ông đang tắm. Cô gái trêu bố hay vợ ông có điều gì cần đến ông thật sự. Ông Thếnh bỗng hồi hộp. Trống ngực đập rộn. Vợ ông già rồi còn bỡn cợt gì. Còn con bé ? Nó nói thật hay đã nghe nhầm ? Ông Thếnh đứng im chờ một tiếng vợ gọi. Trong buồng tắm, vợ ông đang dội từng gáo nước òa oạp lên người. Rồi bây giờ lại im phăng phắc. “Chắc bà đang kì cọ. Bà có gọi gì đâu”. Ông Thếnh quay gót bước đi. Bỗng ông chững lại, nghĩ. “Ồ. Mà, vợ ông đã nhờ con gái nói hộ đó thôi. Đang giận nhau, bà ấy nói vậy, có nghĩa, bà đã xuống thang rồi. Ông lờ đi cho chuyện căng thêm ư ? Thôi, là đàn ông, là chồng, ông phải mạnh dạn phá tan rào cản vớ vẩn này chứ.” Nghĩ đến đây, ông Thếnh hắng giọng đôi lần rồi lấy tay gõ gõ vào cánh cửa nhà tắm. Ông hỏi, vẻ xoa dịu. “Bà. Có phải bà gọi tôi, phải không”. Bà Thếnh đang xả nước bỗng giật mình. “Quái ? Hình như ông Kéng ? Ông gọi bà. Bà đang giận. Mấy hôm nay mặt ông cũng sưng lên. Ông có nói gì đâu. Hay thấy con gái về, ông vui lắm. Ông sợ chúng buồn khi biết ông và bà lại “ông chẳng bà chuộc”, làm khổ con trẻ phải không. Ông muốn làm lành với bà à ? Sao ông lại gọi bà vào lúc này cơ chứ ?” 
 

Bà Thếnh ngồi im trong nhà tắm. Hai tay ôm chặt vồng ngực. Bà nhìn qua kẽ hở, biết chồng bà vẫn đứng lặng bên ngoài. Trong buồng tắm, hai bàn tay xoa xoa, bóp bóp, bà Thếnh đang tự mình đưa mình vào trạng thái mơn man, dễ chịu. Mọi thanh thản, mát lành dường như đang ngấm dần, lan tỏa trên cơ thể cảm khoái của bà. Bà không trả lời ông. Nhưng lúc này, không hiểu từ mạch nguồn nào, lòng bà tự dưng lại dào lên cái nghĩ. “Ồ. Ông Thếnh vui nhỉ. Ông vẫn dịu lành như trời sinh ra ấy. Ông không giận bà nữa sao. Ông thật đáng yêu đó chứ. Thì, ngẫm xem. Không phải ông vô can tất cả. Nhưng, trước tiên do bà. Tự bà đổ vống cho ông những tội tình chẳng biết từ đâu nữa. Từ ngày yêu nhau, lấy nhau, thành chồng thành vợ, ông Thếnh bao giờ cũng là người rất mực thương vợ, quý con. Bao nhiêu kỷ niệm về những ngày gian lao, buồn khổ, không có ông, cuộc đời bà, con cái bà, rồi cả cái “gia đình lớn” này nữa ? Sao có được như những tháng năm này. Tuổi cao rồi, lẽ ra bà phải lo cho ông khỏe, ông vui. Vậy mà, không hiểu quái quỷ gì ám nhập, thỉnh thoảng bà đã làm ông rầu lòng là vậy …”


Nghĩ đến đây, Bà Thếnh đổi giọng, vẻ ngượng ngùng.                                   

  • Ông à ? Ông đang ở đây chứ ?

  • Ừ. Đang …

  • Lấy giùm tôi cái áo. Được không ?

  • Áo nào ?

  • Chiếc áo con. Phơi ở dây ngoài ấy…


Vài câu thoại rời rạc với chồng làm bà Thếnh vui vui. Còn ông Thếnh vừa đi vừa nín cười. “Thế là đã phá tan rào cản – Ông tặc lưỡi. “Chuyện đàn bà. Chẳng đâu vào đâu, thỉnh thoảng lại giở trò làm ông thêm mệt.”


Bây giờ thì ông Thếnh mạnh dạn đẩy cánh cửa buồng tắm hé ra. Ông nhìn vợ đang ngồi trên ghế tắm, giọng ông bỗng nhỏ lại : “ Áo bà đây. Trời nắng, khô thơm rồi đấy”. Khi thấy vợ ngước đôi mắt trìu mến. Ông Thếnh lại lần nữa mạnh dạn. Ông hỏi vợ. “ Tôi kỳ lưng giúp bà. Được không ?”.


Bà Thếnh không nói. Hai mắt bà bỗng run run , mờ đi. Bà nhổm người giơ bàn tay kéo ông rất nhẹ. Ông Thếnh vờ trượt ngã. Bà Thếnh vội ôm chặt lấy ông. Bà hổn hển thở. Giọng ríu lại. “Chết. Ướt hết rồi  này. Kỳ hai bờ vai cho em. Đấy. Chỗ đấy. Ôi. Em buồn không chịu được. Đấy. Kỳ dọc sống lưng nữa. Ôi. Sướng quá. Em sưosng quá, anh ạ”


Giọng ông Thếnh lầm rầm. “Dạo này mình béo trắng, đẹp lên. Khéo tái xuân lần nữa, chả bỡn. Công tôi nuôi đấy. Giỏi không ? Có chút da thịt rồi. Đừng tự “tố” lên những trò vớ vẩn để tự mình làm héo mòn mình nữa…”


Bà Thếnh vòng hai tay khóa chặt lấy cổ chồng, giọng âu yếm. “Em có lỗi. Còn anh ? Thì … không à ? Nhưng thôi. Em xin lỗi. Già. Dễ đổ chứng, đổ tật ra thế. Đừng giận em nữa. Mà, ôi thôi. Con gái ? … Con gái … Nó đâu rồi. Thôi. Thôi đi. Để giành tối nay nhé. Mau. Mau đi ra. Đi ra ... Ông. Khỉ gió. Già. Còn khỏe vậy cơ đấy ...” 




Đêm ấy. Ông Thếnh và vợ vẫn ngồi trước hiên nhà nhìn về xa lắc. Ông lầm rầm như nói với gió, với mây, với người nào đó bên cạnh. Vợ ông không bắt chuyện. Bà đang lắng đi. Bà nghĩ về ông Thếnh, chồng mình. Bà nghĩ về mình. Về những chuyện vu vơ ở đời, không chỉ với riêng bà, không chỉ ở những ngày qua… Biết đâu, cái “biết đấy”, rồi một mai, lại cứ vẫn là cái “không biết” đấy ...


Có tiếng gọi từ đầu ngõ. “Bố mẹ ơi. Nhà đã ăn cơm chưa ạ ?” 


Thấy cô con gái về, bà Thếnh vội đứng dậy, trách yêu. “Đi chơi kỹ vậy”. Rồi bà đon đả. “Muộn rồi. Nhưng mọi người vẫn chờ con, cùng ăn cho vui đấy”.


Bà Thếnh giục chồng. “Nào ông. Hai bố con vào nâng ly, chúc tụng nhau xem nào.”


Ông Thếnh rời hiên nhà đứng dậy. Mọi người theo nhau bước vào nhà. Ngoài sân, có chút ánh trăng suông bỗng sáng lên trong màn đêm nhuốm màu huyền ảo..

 

Hải Phòng – Ngày cuối năm – 2012

Kim Chuông


Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.