• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Nguyện với Mai hoa mãi thanh tân

Thứ ba - 04/02/2020 02:03

 



Thơ Đường là toàn bộ thơ ca đời Đường được các nhà thơ người Trung Quốc sáng tác trong khoảng từ thế kỉ 7 - 10 (618 - 907). Các sáng tác của hàng nghìn nhà thơ đời Đường được bảo tồn trong cuốn “Toàn Đường thi” gồm khoảng 5000 bài. 


 Có thể chia Thơ Đường làm 4 giai đoạn: Sơ Đường (618 - 713), Thịnh Đường (713 - 766), Trung Đường (766 - 835), Vãn Đường (835 - 907). Thơ Đường là ý tại ngôn ngoại (ý ở ngoài lời), phản ánh văn hóa tu luyện của người xưa. Tuỳ người sáng tác theo đạo Nho, đạo Phật hoặc theo Lão Trang mà các bài thơ Đường mang màu sắc phong cách khác nhau.


Thời Sơ Đường, các nhà thơ đã đổi được phần nào phong khí uỷ mị của thơ các triều đại trước và theo tinh thần phong nhã của "Kinh thi" và "phong cốt Hán Ngụy". Thơ Đường thực sự là ý ở ngoài lời, được coi là "ký thác", là nói lên tâm tình của mình, ghi lại cảm xúc thật sự của mình trước hiện thực đời sống, bỏ hẳn thơ sắc tình đời Lục triều. Các nhà thơ sau thời Sơ Đường, mà điển hình là Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị, đã làm thơ "ký thác" theo 2 khuynh hướng chính là trữ tình, lãng mạn, hoặc hiện thực xã hội. Có thể kể đến các loại: thơ "biên tái", thơ "điền viên" , thơ "tân nhạc phủ", thơ "chính nhạc phủ" và theo khuynh hướng hiện thực.


Lôi Đồng 盧仝 (778-835), quê ở Tế Nguyên, Hà Nam, là một nhà thơ thời Trung Đường. Ông nhiều lần thi tiến sĩ không đỗ, suốt đời áo vải. Lôi Đồng nổi tiếng về thơ bí hiểm, là một nhà thơ của "Hiểm quái thi phái". Ông đã cống hiến cho Đường thi nhiều bài thơ rất hay. Trong "Toàn Đường thi" còn có 3 quyển thơ của ông.


Nhân dịp đất trời vào tiết Lập xuân, xin giới thiệu bài thơ “Nhân nhật lập xuân” của nhà thơ “bí hiểm” Lôi Đồng.

 

 

Nguyên tác tiếng Hán:

 

人日立春

春度春歸無限春, 

今朝方始覺成人。 

從今克己應猶及, 

愿與梅花俱自新。


Nhân nhật lập xuân 


Xuân độ xuân quy vô hạn xuân, 

Kim triêu phương thuỷ giác thành nhân. 

Tòng kim khắc kỷ ưng do cập, 

Nguyện dữ mai hoa câu tự tân.


Dịch nghĩa: 


Ngày Con Người 7 Tháng Giêng


Xuân đến xuân đi, xuân không cùng, 

Sáng nay mới biết đã thành con người. 

Từ nay phải kịp thời tự kiềm chế, 

Nguyện cùng hoa mai cùng đổi mới.


Dịch thơ:


Nhân nhật lập xuân


Xuân độ, Xuân về, vô hạn Xuân 

Sáng nay, phát giác mình thành Nhân 

Khắc kỷ từ giờ, phải kiềm chế 

Nguyện với Mai hoa, mãi thanh tân.

(Bản dịch của Thái Quang Vinh)



Trước hết nói về Nhân Nhật - ngày Con Người. 


"Nhân Nhật" là tên gọi ngày mùng 7 tháng Giêng. Theo "Bắc sử", người đời Tấn gọi ngày Tết Nguyên đán là con gà, ngày Mùng 2 là con chó, ngày Mùng 3 là con lợn, ngày Mùng 4 là con dê, ngày Mùng 5 là con trâu, ngày Mùng 6 là con ngựa và ngày Mùng 7 là con người.

 

“Lập xuân” là nói đến thời điểm bắt đầu của mùa Xuân. Nói đến tiết Lập xuân là nói đến tiết khởi đầu trong 24 tiết khí được tính theo lịch của nhiều nước Phương Đông. Lập xuân cũng giống như lập hạ, lập thu, lập đông, đều là tiết khí phản ánh sự chuyển giao của bốn mùa. 

Lập xuân là một khái niệm trong việc lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Nhiều người lầm tưởng rằng lịch của người Trung Quốc, cũng như Việt Nam cổ đại, là âm lịch thuần túy nên thường cho rằng nó được tính theo chu kỳ của Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất. Kỳ thực, lịch Trung Quốc cổ đại, nếu giải thích theo thuật ngữ của lịch hiện đại ngày nay, thì nó được tính theo vị trí của Trái Đất trong chu kỳ chuyển động trên quỹ đạo của mình xung quanh Mặt Trời. 

Nếu tính thời điểm Xuân phân là gốc (kinh độ Mặt Trời bằng 0°) thì vị trí của điểm Lập xuân là kinh độ Mặt Trời bằng 315°. Do vậy ngày bắt đầu tiết Lập xuân được tính theo dương lịch hiện đại và nó thông thường rơi vào ngày 4 hoặc 5 tháng 2 dương lịch và kết thúc vào khoảng ngày 18 (hay 19 tháng 2 tùy theo từng năm), trong lịch Gregory (Công lịch) theo các múi giờ Đông Á khi tiết vũ thủy bắt đầu. Ngày Lập xuân năm nay vào ngày 4/2/2018 (tức 19/12 năm Âm lịch Đinh Dậu).

Khi đất trời vào tiết lập xuân tức là không khí mùa xuân bắt đầu tràn về. Đó chính là lúc nhiệt độ không khí, lượng mưa và ánh sáng mặt trời đồng thời tăng lên. Những biến đổi của vạn sự vạn vật lúc này như là khúc nhạc dạo đầu báo hiệu mùa xuân đến. Nhưng ngay từ ngày đầu vào tiết xuân, tức là ngay sau khi rời tiết Đại hàn, sự biến đổi trên thực tế đôi khi cũng chưa thật rõ ràng. Nhưng trước cảnh khí trời dần ấm lên, thời kì lạnh nhất đã qua, thì chúng ta bắt đầu nhận ra hơi thở của mùa xuân.


Trong cách tính của người xưa, tiết lập xuân được phân làm ba thời:


Nhất hậu đông phong giải đống, 

Nhị hậu triết trùng thủy chấn, 

Tam hậu ngư trắc phụ băng. 


Sự phân chia này có nghĩa là: trong năm ngày đầu, gió xuân chuyển ấm, băng trên mặt đất dần tan chảy; năm ngày sau, các loài côn trùng đang ngủ trong kén đã thức dậy; lại qua năm ngày nữa, lớp băng trên sông bắt đầu tan chảy, cá bơi lội trong làn nước, nhưng lúc này các tảng băng vẫn chưa tan hoàn toàn, những con cá trông như đang gánh băng lên để bơi bên dưới.

 

Bài thơ Nhân nhật lập xuân được xem là trang nhật ký tự răn mình, tự soi mình của một người tu luyện. 


"Xuân đến xuân đi, xuân không cùng,

Sáng nay mới biết đã thành con người

Từ nay phải kịp thời tự kiềm chế,

Nguyện cùng hoa mai cùng đổi mới."


Trong những ngày Lập Xuân, hồn người thường trong veo như nước hồ lặng không gợn sóng. Thế mà, có những con sóng ngầm dưới tầng sâu. Thấy mình như một đứa trẻ được sinh ra lần đầu. Nhưng là một đứa trẻ đã có nhiều trải nghiệm và bám nhiều tục lụy, nhiều trần cấu nhơ nhớp của hậu Thiên.


 Có sự phủ định ngầm những Danh, Lợi, Tình làm ô trọc tâm hồn mình dưới thế gian.


Bắt đầu khởi thủy cho một cuộc sống mới. Muốn trở về cái Thiện thuở "nhân chi sơ" thì phải biết "khắc kỷ phục lễ" để chế ước dục vọng bản thân. Phải làm bạn với loài hoa khí tiết, nở và tỏa hương ngay khi mặt đất trắng tuyết lạnh.


Ngày nay, khi muốn tìm hiểu tư tưởng của người xưa trong thơ văn hoặc trong lối cư nhân xử thế, chúng ta thường tự hào lấy cơ điểm của con người văn minh để nhìn những sản phẩm lỗi thời. Đâu biết rằng người xưa họ sống với những quy phạm đạo đức làm đầu. Ngày xưa đi học từ cách cầm bút, mài mực, ngồi đả tọa cho đến chiếc chiếu trải ngay ngắn... Đều phải khắc kỷ điều tức. Văn hóa tu luyện đã chế ước con người bản năng. 


Bất cứ Đạo Gia hay Phật Gia đều cho rằng, con người là anh linh của vạn vật. Đây là sinh mệnh có Nguyên Thần, Phó Nguyên Thần và vô vàn Sinh Mệnh Thể độc đáo. Hàng tỷ tỷ các sinh mệnh, vật chất hữu cơ hay vô cơ; động vật hay thực vật trên trái đất đều vì con người mà tồn tại... Chỉ có con người mới được tu luyện; mới có thể trở về nơi chính ngày xưa mình đã ra đi.


Ngày lập xuân không ngẫu nhiên là ngày thứ 7, là ngày Con Người; sau khi đã trải qua những con vật khác. 


Câu thơ:


"Xuân đến xuân đi, xuân không cùng,"


Nhìn thì giản dị. Nhưng nó dễ cho ta nhận thức cả một bài thơ nổi tiếng về "Đêm qua sân trước một cành mai" của Mãn Giác Thiền Sư. Đó là cái an nhiên khi nhìn mọi sự vật trôi chảy. Xuân đến, rồi đi. Và chu kỳ ấy lại vậy. Có điều nhiều lúc mình quên cái nhận thức thực tại ấy. Mình sống lọt vào Danh, Lợi, Tình mình đã xa rời bản chất tiên thiên và quên nghĩa vụ "phản bổn quy chân". Mùa xuân đến. Đặc biệt cái ngày Lập Xuân đến như một chiếc gậy "bổng hát" gõ vào đầu để nhớ về những quy phạm Đạo Đức mà mình đã sao lãng. Thời gian của thiên nhiên vẫn vậy. Nhưng mình lại sực nhớ "mình" nên bất ngờ:


"Sáng nay mới biết đã thành con người"


Người xưa không cho hưởng thụ, tranh tranh đấu đấu; kẻ lừa người gạt để đạt quyền lợi vật chất, đạt phóng đãng trong Tình mới là giá trị sống. Họ tin, họ chính là các vị Thần từ tầng cao vì không đủ phẩm chất nên phải rớt xuống tầng đáy của nhân loại này. Cái nơi mà Đức Phật nói là cõi Mê. Nguyễn Du đứng ngoài gọi mỉa mai là "cõi người ta".


Vì thế mà con người tu luyện trấn áp ,nghiêm khắc với con người tục lụy. Khổng Tử đề xuất: Khắc kỷ phục Lễ (nghiêm khắc với chính mình thì mới ổn định được Đạo đức xã hội).


Ở Phương Tây có cả một trường phái "khắc kỷ". Điôzen đã bỏ cả chiếc muỗng ăn khi nhìn thấy thằng bé chăn cừu vốc tay uống nước. Ông khước từ mọi ân huệ của vua; xin vua tránh ra để ông có ánh sáng mà ...đọc sách! 


Câu thơ cuối nhắc tới hoa mai. 


"Nguyện cùng hoa mai cùng đổi mới".


Đây là một đề tài bất tận.Có những nhà thơ chuyên viết về Mai như Lục Du. Bài thơ được viết trên nền nhạc "Bốc toán tử" này rất nổi tiếng:


"Ngoài dịch trạm bên cầu, 

Lặng lẽ hoa không chủ. 

Riêng giữa chiều buông đã tự sầu, 

Lại thêm mưa với gió. 


Không có ý giành xuân, 

Ganh ghét tuỳ hoa cỏ. 

Rơi rụng ngày sau hoá đất bùn, 

Chỉ biết thơm như cũ."

(Cao Tự Thanh dịch) 


Tác giả này là vị Minh Quân Lê Thánh Tông:


MAI 


"Trội cành nam chiếm một chồi, 

Tin xuân mãi mãi điểm cây mai. 

Tinh thần sáng, thuở trăng tĩnh, 

Cốt cách đông khi gió thôi. 

Tiết cứng trượng phu thông ấy bạn,

Nết trong quân tử, trúc là đôi, 

Nhà truyền thanh bạch dăng từng khối, 

Phỉ xứng danh thơm đệ nhất khôi!"


Lư Mai Pha, một thi nhân đời Tống, đã so sánh mai và tuyết qua hai câu: 


"Mai tu tốn tuyết tam phân bạch 

Tuyết khước thâu Mai nhất đoạn hương" 

(Mai nên nhường tuyết ba phân trắng 

Tuyết phải thua mai một bậc thơm)


Thật độc đáo chính Lô Đồng cũng để lại một đêm tương tư rất thánh thiện nhờ có hình tượng hoa Mai:


"Hỡi ơi! Người đẹp ta đâu? 

Mưa chiều mây sớm, ai hầu biết ai? 

Nhớ nhau suốt một đêm dài, 

Trước song trắng toát hoa mai lúc nào! 

Ngỡ mình chẳng phải mình sao?"

(Tản Đà dịch) 


Lâm Hòa Tĩnh (967-1028), một hiền sĩ ở Cô Sơn (Hàng Châu, Trung Quốc) vào đời Tống. Họ Lâm không vợ con, chỉ thích trồng hoa mai và nuôi chim hạc, nên người đời nói về ông: "Cưới mai làm vợ, nuôi hạc làm con". Lâm Bô có để lại bài thơ "Mai hoa" được nhiều thế hệ truyền tụng. Đây là 4 câu đầu: 


"Chúng phương hoa lạc động huyên nghiêm 

Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên 

Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiên 

Ám hương phù đông nguyệt hoàng hôn... "


(Các hoa rụng hết, chỉ còn hoa mai tươi đẹp dưới bóng nắng, 

Chiếm cả vẻ đẹp của mảnh vườn con.

Bóng cành thưa nằm ngang giữa làn nước trong nơi cạn, 

Hương thoảng đưa nhè nhẹ dưới ánh trăng buổi hoàng hôn... )


Hai câu thực của bài thơ trên lại được cô đúc thành một câu: 


"Ánh hương phù động, ảnh hoành tà." 


Cụ Giản chi dịch: 


"Chập chờn hương thoảng, bóng cành xiên ngang"


Người ta khen rằng chỉ 7 chữ  mà dịch giả lột tả đầy đủ vẻ đẹp của hoa mai!


Hai câu thơ khuyến danh này giải thích:


"Gió đông buốt giá dầu chưa đến 

Vẫn cứ đâm chồi tỏa ngát hương."


Nguyễn Trãi viết rất nhiều về Mai.Đây là hai câu trong " Ngôn chí 15":


"Quét trúc, bước qua lòng suối 

Thưởng mai, về đạp bóng trăng"


Nguyễn Du thì :


"Cố chịu khổ với giá buốt trong ba tháng nữa 

Để được vui mừng ngắm hoa mai nở trên đầu non"


Và thật hào sảng, đầy tự tin khi Cao Bá Quát coi Mai là "duy ngã độc tôn" cùng với mình:


"Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ 

Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai"


Như vậy, mai là một loài hoa chứa đựng tất cả phẩm chất tuyệt vời của những người đang muốn vươn tới cảnh giới Giác Giả nhờ trải qua những hoàn cảnh dập vùi, những nghịch lý bon chen. Mai luôn luôn hớn hở khiêm nhường mà tỏa hương thanh khiết... Mai là biểu tượng mà người xưa lấy đó để khắc kỷ và tin tưởng con đường Đạo Đức của mình sẽ đạt cảnh giới cao.


Những bài thơ của Lư Đồng thường rất dài. Hiếm khi ta gặp được 4 câu tứ tuyệt như thế này. 


Thử lấy một tác phẩm của Ông để cho thấy ông luôn muốn làm người, tức là đưa mình vào khuôn phép Đạo Đức như thế nào? 


Bài thơ này thực ra là một bức thư tạ ơn quan gián nghị gửi tặng cho mình một gói trà. Đời sau, người ta đặt tên cho tác phẩm là TRÀ CA.


Ông nói về món quà bất ngờ:


"Mặt trời lên cao trượng rưỡi, đang lúc ta ngủ say. 

Bỗng quân lính đập cửa làm kinh động Chu công 

Nói có thư của quan gián nghị. 

Gói lụa trắng có ba dấu niêm phong. 

Mở gói như thấy dung mạo ông gián nghị 

Tự tay lựa ba trăm lá trà hình trăng non. "


Thật là thứ trân bảo quý giá, không phải dành cho người "ngưu ẩm" thô tục:


Nghe nói đầu năm mới vào tận rừng sâu 

Côn trùng kinh động, gió xuân nổi lên 

Nhà vua ban cho trà thơm Thường Dương 

Trăm loài cỏ không dám nở hoa trước. 

Gió lành ngầm kết thành chuỗi ngọc 

Trước mùa xuân, nảy mầm non màu vàng pha. 

Hái tươi, ướp thơm và gói kỹ 

Cực tinh tuý, cực tốt lành mà không xa xỉ. 

Ơn thừa của vua, chỉ có ở nơi các vương công 

Sao hôm nay lại tới nhà của kẻ nơi rừng rú ?"


Đúng là kẻ ở ẩn nơi rừng rú không danh, không phận mà có món quà này thì không thể không sửng sốt. 


Vốn đã muốn thoát tục, giờ được thứ trà này, tác giả thưởng thức nó như một  thứ tôn giáo:


"Khép cổng tre không tiếp khách tục 

Đội mũ mão nghiêm chỉnh, tự tay đun nước. 

Mây xanh lùa gió thổi không ngớt 

Ánh sáng bồng bềnh màu hoa trắng ngưng kết trên mặt chén trà. "


Con người hiện đại khó mà thưởng trà được thế này. Bởi phải có tâm không phàm nhân mới chạm được sự tịnh không tinh tế:


"Chén thứ nhất trơn miệng thông họng. 

Chén thứ hai xua tan sự cô đơn phiền muộn. 

Chén thứ ba dốc sạch nỗi lòng 

Chỉ còn bốn nghìn cuốn sách 

Chén thứ tư toát mồ hôi 

Mọi nỗi bất bình trong đời thoát hết ra ngoài theo lỗ chân lông. 

Chén thứ năm xương thịt đều trong sạch. 

Chén thứ sáu thông lên cõi Tiên. 

Chén thứ bảy không nhấp nổi 

Chỉ thấy lớp lớp gió mát sinh ra từ hai bên nách"


Một cảm giác lâng lâng như được thoát tục:


"Núi Bồng Lai ở đâu ? 

Ngọc Xuyên Tử cưỡi gió này sắp đến đó"


Nhưng chúng ta thật bất ngờ. Ông quan gián nghị trong triều kia chắc sẽ bất ngờ không kém:


"Các vị Tiên trên núi xa nơi hạ giới 

Địa vị thanh cao cách biệt mưa gió. 

Đâu biết trăm vạn muôn số phận chúng sinh 

Rơi xuống ngục sâu chịu đau khổ. 

Nhân đây xin hỏi quan gián nghị: 

Dân chúng có được hưởng sung sướng chăng?"


Thật quá ngạc nhiên. Chỉ có Chân đến triệt cùng, nhà thơ mới có được câu hỏi đó! 

Trong quan hệ người thường với nhau theo quan hệ "tiền trao cháo múc" thì ta cho đây là hành động xúc phạm "bỉ thử" nhau. Nhưng tri âm tri kỷ, họ nói cho nhau để cùng "tu thân" dù bây giờ người thì ở chốn lều cỏ "nước lã cơm rau tùy phận";  người thì đang lãnh trọng trách "kinh bang tế thế" ở trong triều. 


Để khép lại bài viết này, tôi xin lấy một bài đăng trên Facebook của một người bạn khi nhớ về ông ngoại mình. Những con người ngày ấy chưa cách xa chúng ta bao xa: TU LUYỆN


Nhiều người cứ ơn ớn khi nghe nói tới "tu luyện". Chắc có lẽ người ta nghĩ rằng, đây phải là người cạo đầu, mặc áo cà sa; sắp kiếm bình bát để đi những bước chậm rãi trên con đường khất thực... Túm lại, chắc là người hơi dị thường. Mà đúng thôi, đang là người Thường, sống giữa đời Thường, bỗng dưng tạo cho mình một kiểu sống không giống ai, quay lưng lại với thời cuộc... 


Thực ra, mình nhớ lại cách đây chỉ mấy chục năm thôi, khi sống với ông ngoại, mình luôn luôn phải tuân thủ những nguyên tắc, những chế ước có vẻ hà khắc. Chẳng hạn, dù có rảnh rỗi, thì đến 4giờ sáng là phải dậy. Đúng 7 giờ tối là phải vào bàn dù ngồi vẽ hươu, vẽ vượn gì cũng được nhưng nhất định phải học. Nhổ một vườn cỏ cú là phải dùng một cái cây vót bằng tre già rất đặc trưng. Cứ nhổ buổi này chưa xong thì ngày mai lại tiếp tiếp tục. Rồi phân củ cỏ dùng chế thuốc, lá cỏ băm trộn cám cho gà… Làm gì sai, chính ông mình bỏ đậu đen vào lọ; làm đúng thưởng cho mình hạt đậu trắng. Mình nhớ có hôm đi chơi, trưa rón rén về nhà, núp ngoài buồng nhìn qua khe hẹp, thấy ngoại ngồi thẩn thờ đếm đậu rồi thừ ra. Thật bất ngờ, ngoại dang tay đánh vào mặt mình như trừng trị một người nào khác. Mình biết, số đậu đen ...hơi nhiều.


Mình rất ngạc nhiên là sau một lần xem báo, mình cứ vuốt vuốt cho thẳng thớm cả những tờ quảng cáo. Mình bán cho mấy bà mua ve chai, họ nói Thầy chưa đọc à? Mình nhăn mặt khó chịu khi thằng con mình vò từng tờ giấy thành cục nhét đầy sọt rác. Mình tỷ mẫn vuốt vuốt, xếp xếp bỏ vào túi bóng rồi để bên cạnh thùng rác. Cũng bị ngoại đập sưng tay mấy lần mới có thói quen ấy. Ngoại mình, ngày xưa hễ có tờ giấy nào không dùng là phân loại. Nếu giấy gió, có chữ Nho là ngoại dùng để quấn hương ngày Tết. Nếu giấy thường là ngoại dành để nhóm lửa nấu cơm. Thường những rác nào có thể dùng Hỏa công là ngoại thường hóa kiếp cho nó. Nấu cây toóc ngoại cũng dạy đun từ gốc để cho hình hài của nó được trọn vẹn về thế giới bên kia. Ngoại giải thích khi lâm chung, muôn loài sợ nhất là "chết không toàn thây"... Âu yếm một cái chén sứt mẻ thời cha mình để lại, chép một châm ngôn một câu thơ, giữ một tấm áo thời con còn thơ dại, xuýt xoa về một cái niêu đất kho cá bị bể, và nhặt mọi mảnh vỡ cho nó nằm một góc vườn cùng chai lọ đã hy sinh...Cứ tưởng rằng, đó là lẩn thẩn nhưng suy cho cùng, là bản tính tiên thiên của con người. Nếu tin rằng Phật Thích Ca nói đúng thì chẳng phải trên thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà mọi sự vật đều là sinh mệnh? Chúng ta bị mê mờ mà phân biệt hữu cơ với vô cơ; theo ông Paplop mà nói về phản xạ không điều kiện, có điều kiện để mà phủ nhận thế giới ý thức của sinh linh…


Túm lại, có vẻ mình là người phục cổ nhưng mình rất thích cách sống của người xưa. Mình gọi nó là Tu Luyện. Mình thấy người Nhật, người Đài Loan, người Hàn họ tin Trời, họ tin tích Đức thì mới bền… Mình có đăng mấy văn bản lời Quốc Ca của Hàn, Nhật, Đài ở facebook này cho các bạn tham khảo. Đại ý là người Hàn rất tin vào THIÊN LÝ "cho hay muôn sự tại TRỜI", người Nhật tin vào các giá trị truyền thống sẽ như viên sỏi qua thời gian là tảng núi. Còn người Đài Loan cho rằng tích ĐỨC lâu dài thì vận nước lâu dài....


Có lẽ, họ đang dùng cái văn hóa tu luyện của cha ông mà phát dương, mà thành tựu.


Những thứ mà người xưa học tập, trên thực tế chính là tu luyện. Nho giáo giảng rất rõ ràng, con người khác với với cầm thú chính là con người có quy phạm lễ nghĩa làm người, mà những quy phạm lễ nghĩa này có mục đích chủ yếu là ức chế tình cảm của con người để tu nhân nghĩa, giảng phụ từ (làm cha phải nhân từ), tử hiếu (làm con cần biết hiếu thảo), huynh lương (làm anh cần hiền lành), đệ đệ (làm em cần kính nhường), phu nghĩa (chồng phải có đạo nghĩa), phụ thính (vợ phải biết nghe lắng nghe), trưởng huệ (trưởng bối phải biết yêu thương, lời nói khiêm nhường), ấu thuận (trẻ con phải hiếu thuận), quân nhân (vua phải nhân nghĩa), thần trung (bề tôi phải trung thành) v.v., cũng chính là giảng làm thế nào để làm người tốt, người tốt hơn nữa và người có tâm tính cao.


Đọc trang nhật ký ngày xuân của người xưa, có ai chợt tỉnh để hứa với mình:


"NHẤT SINH ĐÊ THỦ BÁI MAI HOA"?


La Vinh

 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.