• dau-title
  • Truyện ngắn
  • cuoi-title

Chú khỉ con

Thứ sáu - 02/08/2024 11:32


(Ảnh: Lê Thu)


CHÚ KHỈ CON 

Chắc vào khoảng năm 1957 -1958, khi đó bố tôi là quản đốc (người đứng đầu nhà máy  nhỏ gọi là Quản đốc, không gọi là Giám đốc) một nhà máy gỗ nhỏ ven bờ sông Hồng, ngay  chân cầu Long Biên phía hạ nguồn, tên là “Nhà máy gỗ Gia Lâm”. Bố nhờ người bạn thân nhất  của mình là chú Phan mang về tận quê (Xuân Trường, Nam Định) cho tôi một con khỉ con rất  dễ thương. Chú Phan quê ở Thái Bình, ngay bên kia sông Hồng đối diện với làng tôi. Chú về nhà kết hợp mang con khỉ về cho tôi. Chú nói con khỉ do bạn của bố tôi ở Sơn Tây gửi tặng.  Trước khi về công tác ở Nhà máy gỗ Gia Lâm, bố tôi là Trưởng ty Lâm-Thổ-Sản tỉnh Sơn Tây.  

Con khỉ còn rất non. Mầu lông vàng đậm phía lưng, nhạt dần xuống phía , dưới bụng  là mầu trắng ngà, cái đuôi dài vút. Nó trông hệt một đứa trẻ. Chú Phan chỉ ở lại một đêm rồi  hôm sau đạp xe về Hà Nội. Chú là người gắn bó với bố tôi lâu nhất, mãi tới sau này, khi bố tôi  xung phong nhận công tác tại Nhà máy gỗ Bến Thuỷ, khoảng năm 1963 thì phải. Sau này chú còn về tận quê tôi thêm một lần nữa khi ông nội tôi qua đời. Mọi lần đi về chú đều đi xe đạp từ Hà Nội, quãng đường hơn 140 km. 

Con khỉ quen với tôi rất nhanh, vì có gì ăn được tôi đều cho nó. Lúc thì củ khoai lang  luộc, thỉnh thoảng có quả chuối. Còn hàng ngày chỉ có mấy thìa cơm. Nó ăn chuối rất khéo, bàn tay nhỏ xíu bóc vỏ rồi đưa quả chuối lên miệng ăn như đứa trẻ. Khi ăn cơm nó không khéo được như vậy. Cơm dính vào tay, nó càng cố gỡ ra thì càng bị dính. Nó cặm cụi nhặt từng hạt bỏ vào mồm, ngoạm những hạt dính ở bàn tay, cuối cùng cũng ăn hết. 

Tôi với nó nhanh chóng thành hai người bạn thân thiết. Đi học về tôi lao ngay vào chỗ nó. Hồi chú Phan mang nó về, có theo một đoạn xích sắt nhỏ, cuối đoạn dây xích là đoạn dây da bò dài chừng nửa mét, vút dần như đuôi rắn. Vì không có chuồng cho chú khỉ nên chiếc dây xích buộc ở cổ nó ít khi được tháo ra. Lâu ngày đám lông quanh cổ rụng hết, để hở ra một vành da màu trắng hồng. Những lúc ở nhà tôi tháo xích để nó được đi lại thoải mái. Cũng có  lúc nó nhảy tót lên cây xoan trong vườn nhà, phóng tầm mắt nhìn về nơi xa xăm. Hẳn là nó nhớ rừng, nhớ cây. Lát sau nó tự leo xuống, hoặc tôi giơ quả chuối lên, là nó xuống thật nhanh chộp lấy quả chuối. Hàng ngày tôi buộc nó ở bậu cửa bằng tre. Buổi tối buộc nó ở đầu chiếc  võng trong nhà, mà ở quê gọi là cú võng. Nó ngủ ở đó. Lúc rảnh rỗi không phải đến trường hay làm việc tôi chơi đùa với nó. Nó rất khôn, đối với tôi nó rất dịu dàng. Nó hay trèo lên ngồi  lên cổ tôi, y như tôi kiệu đứa trẻ. Có khi nó ngồi hẳn trên đầu tôi, hai bàn tay bé xíu bới bới tóc tôi như người bắt chấy vậy. 

Tôi hay đưa nó đi chơi quanh xóm, lúc sang tận làng bên. Thấy nó ngồi trên vai tôi, bọn  trẻ thích lắm. Mấy đứa tinh nghịch hay trêu chọc nó, la hét hoặc lấy mấy cọng rơm rạ ném nó.  Những lúc ấy nó tỏ ra rất hung dữ, nhe răng dọa lại bọn trẻ. Đứa nào lại gần liền bị nó túm lấy áo, lấy tóc, bất thứ gì nó có thể túm được và kéo lại cắn. Vì vậy bọn trẻ chỉ dám đứng xa doạ nạt. Cũng có đứa cho nó quả chuối, hay thứ gì nó đang ăn, con khỉ nhẹ nhàng cầm lấy đút vào mồm. Thỉnh thoảng có vài đứa trẻ lạ hoắc ở làng xa thập thò trước ngõ nhà tôi, muốn được tận mắt nhìn chú khỉ nhỏ, thứ mà chúng chưa bao giờ thấy. 

Người lớn thấy con khỉ ngồi trên vai tôi cũng thích kéo đến xem. Người làng tôi chưa  bao giờ nhìn thấy khỉ. Họ chỉ quen với chó, mèo và đôi khi là cáo hay bắt trộm gà bị người làng bẫy được. Mọi người thích thú vì đôi tay khéo léo của khỉ. Ai cũng bảo nó giống một đứa trẻ. 


Chả bao lâu cả làng biết tôi có con khỉ. Những khi gặp tôi ngoài đường không mang khỉ theo họ lại hỏi: con khỉ đâu? Tự nhiên tôi thành nổi tiếng nhờ chú khỉ con đó. Tôi với con khỉ trở thành đôi bạn chí thiết lúc nào không hay. Có nó, tôi không theo lũ trẻ tham gia mấy trò tinh nghịch nữa. 

Cũng vài lần con khỉ con làm cho tôi bực mình. 

Một lần tôi đi học về thấy mẹ tôi đang la lối om sòm. Hoá ra xây xích tuột khỏi chỗ buộc ở cửa, con khỉ kéo theo cả đoạn xích trèo lên cây xoan như mọi khi. Loay hoay thế nào dây xích cuốn vào cành xoan, nó không thoát ra được, vừa cố giật đoạn xích vừa kêu inh ỏi. Tôi cũng không biết làm thế nào để gỡ nó xuống, vì cây xoan khá cao, lại nhỏ, nếu trèo lên chắc chắn gãy, ngã xuống ắt xảy ra tai nạn. Càng lâu con khỉ càng hoảng, nhất là khi nhìn thấy tôi, nó càng nóng lòng muốn thoát xuống. 

Vừa may lúc đó một anh hàng xóm tên là Kế, lấy chiếc sào tre dài khéo léo gỡ từng vòng xích khỏi cành xoan, cuối cùng gỡ hết được dây xích khỏi cành cây. Con khỉ mừng rơn phi như bay xuống, từ thân cây xoan bay vèo sang ôm chặt lấy cổ tôi. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, nhất là tôi. 

Một hôm khác, khi tôi vừa đi vừa huýt sáo về nhà, mới đến đầu ngõ đã nghe mẹ tôi quát: “Về nhanh mà dọn cho nó!”. Vào đến sân tôi thấy con khỉ vừa loay hoay tìm cách thoát ra vừa luôn mồm kêu é é. Nhìn gần tôi mới thấy nó đi bậy ra chỗ bị xích, dính dớp khắp người. Vì bị xích gần như cả ngày, cả nhà đi vắng hết, nó muốn đi vệ sinh mà không được thả xích,  nên nó bậy tại chỗ. Tôi vội ném mấy quyển sách vừa ở trường về xuống đất, túm lấy gáy nó đưa ra thật xa người, phóng ra con sông trước làng tắm cho nó. Tôi vẫn thường tắm cho nó ở đây. Nhưng hôm nay, tôi phải dìm nó vài lần để rửa sạch nó từ đầu đến chân, làm nó rất sợ,  kêu ầm lên. Chắc hẳn nó đã uống vài ngụm nước. Nhưng không có cách nào khác tắm cho nó thật sạch được. Phải mất khá lâu tôi mới làm sạch được chú khỉ và bộ dây xích. Tôi mang nó về nhà, xích ở ngoài hiên để hong khô bộ lông ướt đẫm của nó. Có lẽ vì vừa sợ, vừa biết lỗi nên suốt thời gian còn lại ngày hôm đó, nó im lặng ngồi một chỗ, không hoạt bát như mọi khi.  Suy cho cùng nó không có lỗi! 

Chú khỉ làm bạn với tôi chừng một năm, ngày càng thân thiết. Nó hiểu tôi như người. Mỗi khi nó nghịch quá, tôi chỉ trừng mắt lên là nó hiểu, ngồi yên một chỗ. 

Một ngày kia, khi tôi đi học về, vừa đến đầu ngõ đã thấy mấy đứa trẻ cùng lứa hàng xóm chạy ra mách :”Con khỉ của mày bị giết rồi!”. Tôi hoảng hồn phi về nhà. 

Tới đầu ngõ tôi thấy trong chiếc cối đá to ông bà tôi vẫn để đó có lưng cối nước, một đứa bé trắng ởn nằm ngửa, dang cả hai tay hai chân ra bốn phía. Đó chính là chú khỉ con của tôi, đã chết, lông đã bị cạo sạch. Phía dưới nó vẫn còn đám lông lơ lửng trong cối nước. Chỉ nhìn thoáng qua, nhưng hình ảnh đó ám ảnh tôi suốt cuộc đời còn lại, lúc nào cũng tươi rói như mới hôm qua. Tôi choáng váng, không dám nhìn kỹ, chạy vào nhà gục đầu khóc nức nở.  Mẹ và chị tôi không ở nhà. Tôi thoáng nhận ra người đứng cạnh chiếc cối là anh Kế. Thấy tôi gào khóc, anh đến gần, đặt tay lên vai tôi nói: “Anh đã giết nó. Mẹ em bị ốm lâu nay, ngày càng nặng mà không có thuốc men gì. Ở quê mình, ốm đau làm gì có thuốc. Mấy loại lá lẻo đã dùng không có tác dụng. Mẹ em ngày càng yếu. Để lâu có khi nguy hiểm. Người ta nói óc và thịt khỉ có thể chữa được bệnh cho mẹ. Vậy nên anh giết nó để chữa cho mẹ em. Anh biết là em sẽ rất buồn, rất thương nó. Nhưng nó sẽ giúp mẹ khỏi bệnh, sẽ khỏe lên. Đừng trách anh.” 

………… 

Mỗi chiều tôi đi học về, mẹ và chị chưa về, căn nhà tĩnh mịch đến ghê người. Không còn chú khỉ con kêu e é, nhảy chồm chồm đón tôi mỗi lúc thấy tôi xuất hiện từ mép sân, sắp  bước vào nhà. Chiếc dây xích vẫn buộc ở lối cửa ra vào, đoạn dây da nối với dây xích ngao ngán nằm bẹp trên nền đất, trông như chiếc xác rắn khô vô tri vô giác. Tôi ngồi thừ trên hè nhà, mường tượng mỗi khi đi học về, chú khỉ con vui đến nhường nào. Hình như lúc tôi vắng nhà, nó tranh thủ ngủ để khi tôi về nó có nhiều thì giờ vui chơi với tôi. Tôi ngước nhìn lên cây xoan, nơi khỉ con vài lần trèo lên và có lần mắc kẹt vì sợi dây xích cuốn vào cành cây hôm nào. Tất cả vắng lặng thinh không. Đang chuyển dần sang Thu, lá xoan đã nhuộm vàng, lả tả bay xuống vườn khi gió khẽ lay động, như lá cành xoan cũng nhớ chú khỉ nhỏ. 

Những buổi khuya trước khi đi ngủ, tôi đi lại gần đầu chiếc võng, chỉ chờ chú khỉ nhảy lên đầu, lên cổ tôi như hồi nào. Tôi đi lại một lần rồi vài lần, chỉ có tĩnh lặng. 

Ôi! Tôi nhớ, tôi thương chú khỉ con biết chừng nào! Khỉ con ơi! Giờ này mày ở tận nơi  đâu? 

Nhưng tôi thương mẹ hơn. Bố tôi đi cách mạng từ sớm (năm 1947), khi hoà bình lập lại, bố tôi được phân công công tác tại Hà Nội, nên mẹ tôi một mình bươn chải nuôi hai chị em tôi. Mẹ làm việc không ngày nghỉ. Ngoài phần ruộng của gia đình, mẹ tôi nhận làm thuê,  làm mướn thêm để ba mẹ con đủ sống. Ngày nào mẹ cũng ra đi từ gà gáy, khi về xóm làng đã yên giấc, chỉ còn tiếng chó sủa xa xa, cầm chừng như đếm thời gian. Ăn uống đạm bạc, chỉ có cơm mà có thời không đủ no, với rau cỏ trong vườn nhà. Thỉnh thoảng có thêm con tôm, con tép tôi câu được ở sông, hay mẹ tranh thủ lúc làm đồng vạt được.  

Gần đây mẹ gầy rộc. Có người nói là vì lao lực và thiếu chất. Mẹ phải bỏ việc, nhưng không an lòng vì không làm thì không có gạo cho cả nhà. Mẹ lo lắng nhưng bất lực. Lắm lúc tôi thấy mẹ ngồi thở dốc, đăm chiêu, mệt mỏi.  

Vậy nên cả nhà ai cũng mong và tin óc và thịt chú khỉ con sẽ giúp mẹ khoẻ lại. Được như vậy, sự ra đi của khỉ con không vô ích. Và được như vậy, tôi cũng cảm thấy mình được an ủi phần nào. Tôi hằng tin rằng khỉ con không oán trách, và ở thế giới bên kia, hay ở tận trên chín tầng mây, nó sẽ vui vì làm được việc có ích, và nó vẫn có thể dõi theo tôi dưới trần gian  này. Tôi không bao giờ quên nó./. 

Budapest 01-8-2024 

Đặng Thế Truyền 

(Trích từ “Ký ức Tuổi thơ”)

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.