• dau-title
  • Góc chia sẻ
  • cuoi-title

Tây Tạng huyền bí: Hòa thượng tái sinh

Thứ tư - 29/04/2020 08:43

 

 

Ở Tây Tạng, trong nhiều ngôi chùa lớn, người ta đều truyền rằng những vị thượng tọa sau khi chết có khả năng tái sinh trở lại để cầm quyền nơi ngôi chùa của mình như trước, hoặc giả tái sinh để thực hiện cho xong hạnh nguyện của mình. Sau khi những vị Lạt-ma ấy thác đi, thì người ta liền tìm kiếm nơi họ tái sinh ra để mà thỉnh về chùa. 

 


Chúng tôi xin thuật lại hai câu chuyện do bà Alexandra David-Neel đã tận mắt chứng kiến và viết lại trong cuốn Mấy thầy tu huyền bí ở Tây Tạng và Mông Cổ do Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến dịch.


Năm ấy tôi ở tại Koum-Boum, trong đền của đức Lạt-ma tái sinh tên là Pegvai. Gần đó có đền của đức Lạt-ma tái sinh khác tên là Agnai-Tsang. Vị này tịch đã bảy năm rồi, song người ta chưa tìm ra được nơi tái sinh của ngài. Trong lúc ấy, viên trị sự xem ra không lấy gì làm buồn bã. Ông tự cai quản điền sản của vị thượng tọa đã mất và của mình đôi bên đều được thuận tiện. Cơ nghiệp của ông càng ngày càng mở mang phát đạt.

Một hôm, nhân việc giao dịch ông phải đi về một vùng quê xa xôi, bèn ghé lại một nhà nông dân xin nước uống và nghỉ chân. Trong khi bà chủ pha trà đãi khách, ông này lấy trong túi vải ra một bộ đồ hút nước bằng ngọc thạch. Vừa kê miệng vào hút thì một đứa trẻ đang chơi gần đó bỗng chạy đến ngăn ông lại, đặt tay lên bộ đồ hút, vừa hỏi ông với giọng quở trách rằng: “Sao lại dùng bộ đồ hút nước của ta?

Viên trị sự dường như bị sét đánh. Thật ra, bộ đồ hút nước quý báu ấy thật chẳng phải của ông. Ấy là của vị sư Agnai-Tsang đã qua đời. Không phải ông muốn chiếm đoạt, song sẵn có thì ông cứ lấy mà dùng hằng ngày. Lúc ấy, ông lính quýnh, run rẩy, còn đứa trẻ thì nhìn ông, gương mặt bỗng khác đi, trở nên nghiêm nghị, hờn giận và chẳng còn có vẻ chi là trẻ con nữa. Cậu truyền lên rằng: “Trả bộ đồ hút nước đây. Nó là của ta”. Viên trị sự lấy làm hối quá, sợ sệt, hổ ngươi, bèn quỳ mọp và lạy dưới chân ông thầy tái sinh của mình.

Ít hôm sau, tôi thấy người ta làm lễ long trọng mà thỉnh vị thượng tọa tái sinh trở về chùa. Ngài mặc một cái áo gấm màu vàng, cỡi một con ngựa ô rất đẹp, còn viên trị sự thì theo phò tá, nắm lấy dây cương. Khi cả đoàn vào tới đền, vị sư trẻ mới hỏi rằng: “ Sao lại rẽ qua tay trái mà vào cái sân thứ nhì? Ta nhớ cửa vào ở bên phải mà?”. Quả đúng thế! Sau khi vị thượng tọa qua đời, vì một nguyên do gì đó, người ta mới bít cái cửa bên phải và mở một cửa khác bên trái để ra vào.

Mấy sư trong chùa thấy vậy càng lấy làm tin phục, biết rằng cậu bé ấy hẳn là chủ cũ của mình. Người ta thỉnh thượng tọa vào thất riêng của ngài và đem trà dâng lên. Vị sư trẻ tuổi ngồi trên một chồng gối, nhìn một cái tô bằng ngọc thạch với dĩa bằng bạc mạ vàng có nắp bằng ngọc bích, để trên một cái bàn trước mặt ngài. Sư dạy rằng: “Hãy đem cái tô sứ cho ta”. Mọi người không ai biết. Ngài bèn tả cái tô sứ Trung Hoa và chỉ rõ hình vẽ trên tô ấy. Nhưng không ai thấy cái tô ấy bao giờ. Viên trị sự và chư tăng đều cung kính bạch rằng chẳng có cái tô ấy trong chùa. Vị sư dạy thêm rằng: “Các ngươi cứ tìm kỹ đi, rồi sẽ thấy”.

Rồi như có một ánh sáng nào đó lóe lên trong trí, ngài nhớ ra và bảo đến tìm trong cái tủ sơn để trong một căn phòng, nơi người ta vẫn cất giữ những đồ vật ít dùng đến. Chư tăng theo lời đi tìm gần nửa giờ thì mang lại cái tô với dĩa và nắp, quả là để dưới đáy tủ mà ngài thượng tọa đã chỉ. Viên trị sự bèn thưa rằng: “Tôi có ngờ cái tô để ở đó đâu. Chính tự tay ngài cất, chúng tôi đâu biết. Vì trong phòng ấy chỉ để những thứ tầm thường mà thôi”.

Tôi cũng có chứng kiến việc cuộc tìm ra một vị thượng tọa tái sinh khác nữa. Câu chuyện rất ly kỳ. Việc này xảy ra trong một quán trọ ở vùng quê, thuộc vùng sa mạc Gobi. Trên con đường diệu vợi từ Mông Cổ chạy dài xuống Tây Tạng, có nhiều đường tẻ chật chội và hiểm trở, cho nên khách lữ hành phải đi từng đoàn trên lưng lạc đà. Một hôm, lúc mặt trời gần lặn, tôi vừa đi đến một quán nhỏ. Tôi hơi thất vọng khi thấy trong quán đã choán đầy một đoàn lữ khách. Những người ấy coi bộ xôn xao, dường như có việc chi hệ trọng vừa mới xảy ra. Tuy vậy, với sự nhã nhặn thường lệ của họ, và thấy Yong-đen với tôi đều mặc y phục của các vị Lạt-ma, nên họ vui lòng nhường cho bọn tôi một phòng trong quán và một cái tàu cho mấy con ngựa của chúng tôi.

Tôi với Yong-đen đang đứng nhìn mấy con lạc đà nằm trong sân, bỗng thấy một cái cửa phòng mở ra. Một thiếu niên dáng người cao ráo, gương mặt thanh nhã, vận y phục nghèo nàn theo lối Tây Tạng, đến đứng nơi cạnh cửa và hỏi chúng tôi có phải là người Tây Tạng chăng. Chúng tôi đáp phải, cũng trong lúc ấy, một vị Lạt-ma lớn tuổi, theo cách trang phục thì chúng tôi đoán ra là chủ đoàn, ra đứng phía sau thiếu niên ấy và cũng hỏi thăm chúng tôi bằng tiếng Tây Tạng. Trong những dịp gặp gỡ như vậy, đôi bên hỏi thăm quê quán, ở đâu đến và đi về đâu là chuyện thường.

Vị Lạt-ma ấy từ bên Mông Cổ đi qua, tuy đang là mùa đông lạnh lẽo, nhưng ngài cũng nhất định hành cước đến kinh đô Lhasa. Song bây giờ đi nữa cũng vô ích, nên ngài sắp trở về. Bon tùy tùng của ngài nghe vậy đều có vẻ hài lòng. Tôi lấy làm lạ về sự thay đổi trong cuộc hành trình của họ. Đã toan hỏi thăm vị Lạt-ma, song thấy ngài lui gót vào phòng nên tôi không tiện đi theo.

Tuy vậy, buổi tối họ lại hỏi thăm chúng tôi về việc làm, rồi đến mời chúng tôi sang uống trà. Nhờ vậy, tôi mới biết rõ mọi việc. Người thiếu niên thanh nhã ban chiều ấy tên là Migyur, gốc người ở tỉnh Ngari xa xôi, thuộc miền Tây Bắc xứ Tây Tạng. Dường như chàng có thuật Nhãn thông. Từ thuở bé thơ, chàng đã từng thấy ra rằng xứ sở nơi chàng sinh trưởng không phải là xứ sở thật của mình. Đối với làng mạc, đối với gia tộc, chàng như người xa lạ. Trong giấc ngủ, chàng thường trải qua những phong cảnh mà chàng không thấy ở tỉnh Ngari: những quảng đồng thanh vắng với cát trắng xóa bát ngát bao la, những trại bằng nỉ tròn và xa trên ngọn đồi ló dạng một ngôi chùa. Có khi trong lúc thức, những hình ảnh ấy cũng hiện lại cho chàng, chất chồng trên những nhân vật thật chung quanh mình, làm cho những nhân vật này lu mờ đi, và làm cho chàng mãi mãi thấy một cảnh bào ảnh quanh mình. Đến năm mười bốn tuổi, chàng cất mình ra đi, vì không chịu nổi với sự muốn biết sự thật của những hình ảnh hiện ra trước mắt. Từ đó, ra thân phiêu bạt, làm thuê chỗ này, xin ăn chỗ kia mà sống lang thang qua ngày. Trong thời gian ấy, chàng cứ xao xuyến mãi, không ở yên được chỗ nào, cứ lần bước đi mãi theo sự tưởng tượng của mình. Vừa rồi, chàng ở phía Bắc đồng cỏ Aric mà đi đến đây.

Theo lệ thường, chàng cứ đi tới mãi, đi mà không biết mình sẽ đi đâu. Vừa tới cái quán trọ nhỏ, trước tôi chừng vài giờ. Thấy đoàn lạc đà trong sân, chàng bước vào và đi ngay lại cửa, chẳng biết mình đi vào đó để làm gì. Kế gặp vị lão sư Lạt-ma và thật bất ngờ, nhanh như làn chớp, chàng nhớ ra những việc đời trước của mình.

Vị sư Lạt-ma tuy già, song chàng xem như hàng tuổi nhỏ, đệ tử của mình. Còn chàng thì tự thấy mình chính là vị Lạt-ma lớn tuổi, chủ trì trong chùa. Chàng nhắc rằng, một thuở nọ, cũng trên con đường này, hai người cùng đi hành hương đến các nơi thánh địa ở Tây Tạng và trở về ngôi chùa cao ẩn trên đồi non. Chàng nhắc những việc ấy với vị Lạt-ma chủ đoàn một cách rõ ràng, chi tiết. Và chàng cũng nhắc đến những sự tỉ mỉ hằng ngày hồi hai người còn ở trên chùa.

Vị lão sư lấy làm bằng lòng. Mục đích ngài đến kinh đô Lhasa là để cầu đức vua chỉ cho tìm vị Lạt-ma tái sinh của chùa mình. Bây giờ tìm được rồi thì đi Lhasa có ích gì? Vậy nên đoàn lữ hành sắp trở về, trở về với vị thượng tọa tái sinh, sau hai mươi năm cách biệt. Chắc đây rồi thế nào họ cũng làm lễ tạ ơn đức Phật sống Đạt-lai Lạt-ma, vì họ nghĩ rằng nhờ có sức ủng hộ của ngài nên mới khiến cho thầy trò gặp nhau, chứ từ lâu họ đã lắm công dò hỏi, song hạc nội mây ngàn, hồ dễ tìm đâu cho thấy!

Cũng xin nói thêm với bạn đọc rằng, khi tìm được và nhìn nhận rồi, họ còn phải thử nữa, sau khi ấy họ mới nhất quyết. Cách thử thông thường là thế này. Vị lão sư lấy trong hành lý ra nhiều món đồ. Trong những đồ đó, có ít món là của riêng của vị Lạt-ma qua đời và hồi còn sinh tiền ngài rất thích dùng. Bấy giờ, thiếu niên phải lựa món đồ của mình. Lựa trúng thì hẳn là vị thượng tọa tái sinh, không còn nghi ngờ gì nữa.

Hôm còn ở nán lại trong quán, tôi thấy đoàn lữ hành ra đi theo nhịp chân chầm chậm của lũ lạc đà và mất dạng vào phía chân trời nơi đồng cát trắng Gobi vắng lặng. Đây rồi vị Lạt-ma tái sinh sẽ sống một cuộc đời kỳ diệu nơi ngôi chùa mà ngài đã từng cai quản từ lâu.

Lời bàn:  Những câu chuyện tương tự như trên thường hay gặp trong các câu chuyện về Tây Tạng. Người ta tin rằng các vị Lạt-ma này đã tu luyện chính quả nên có thể đầu thai quay về dương thế ngay sau khi viên tịch. Lý do là các vị đã sống rất nhiều năm nên cái thân thể của họ đã già nua cũ kỹ, đến một lúc nào đó phải chuyển qua một cơ thể hiện hữu mới. Chính vì lẽ này mà người Tây Tạng không quá coi trọng cái thi thể của một người khi họ qua đời như ở các nền văn hóa khác. Họ không ướp xác hay xây dựng các lăng mộ đồ sộ cho người đời sau chiêm bái. Người Tây Tạng một lòng tu luyện để chuẩn bị cho đời sống ở kiếp sau, để ngày một nâng cao cảnh giới tinh thần của mình.

 

Hoa Mộc Miên (tổng hợp)

 

Từ khóa: tâm thuật, phúc

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.