- Góc chia sẻ
Khoảng cách giữa lời
Thứ tư - 05/02/2020 19:28
Có một lời khuyên thế này: Nói ít đi và lắng nghe nhiều hơn chính là cách để bạn điều chỉnh tâm thái của mình. Bởi vì người nói nhiều sẽ đánh mất đi vẻ đẹp của sự yên lặng.
Nói đến yên lặng, bỗng dưng chợt nhớ mấy câu thơ trong bài “Khoảng cách giữa lời” của Bằng Việt:
Biết làm sao khi ta quá nhiều lời
Ở những chỗ lẽ ra cần nói ngắn
Bao lần em lẳng lặng
Đủ khiến tôi bàng hoàng.
Tôi không nhớ đã bao lần tôi làm “Em” trong bài thơ của Bằng Việt. Tôi cũng không nhớ đã bao lần sử dụng “khoảng cách giữa lời” để thử xem “tôi” (là Anh) sẽ đối đãi với tôi (là “em”) như thế nào. Tôi cũng đã nhiều lần giận dỗi, để xem xem có đúng như lời người đời nói rằng “còn yêu là còn giận không”. Đúng là tình yêu bao giờ cũng có cái lý riêng của nó. Vì kết cục là chẳng lần nào giống lần nào cả. Từ “lời” đến “khoảng cách giữa lời” cũng có thể hoặc không thể tính bằng sự đếm đo của những thốn thời gian. Nên lần nào cũng vậy, tôi luôn thua, và kết quả là “khoảng cách giữa lời” của “tôi” và “em” không phải lúc nào cũng là tịnh nguyên sâu lắng. Đôi khi tôi cũng cáu bẳn, rồi nước mắt vòng quanh thay cho khoảng cách giữa lời. Nó làm tôi liên tưởng tới một việc khác: Đó là cái sự nhớ, sự quên, sự ngộ trong đời người.
Một lần nhân dịp đầu năm mới, Sếp tôi có chúc nhân viên trong đơn vị hãy sống chậm để chiêm nghiệm cuộc sống. Tôi hiểu rằng, Sếp đã đắc Phật Pháp, vì chỉ có những người nào đã ngộ được cái triết lý thâm sâu của cuộc sống, mới chúc như thế.
Khi ngộ Phật Pháp, biết được tu Phật là gì, bạn sẽ nhìn mọi thứ rất đơn giản, và cuộc sống trở nên nhẹ tênh. Tu Phật là tu tại Tâm mà. Nói ít đi hay chẳng nói nữa, đó cũng là một biểu hiện của một thể ngộ, là lúc cảnh giới tinh thần được nâng cao lên. Đó cũng là quá trình tống khứ các chủng nhân tâm không tốt của mình, để rồi mà ngộ dần dần, cũng là sống chậm đi để chiêm nghiệm cuộc sống, đề rồi mà đề cao tầng thứ cảnh giới tinh thần của mình.
Người đã ngộ được chắc chắn nhiều hay ít, sớm hay muộn sẽ có công năng tha tâm thông để đọc được ý nghĩ của người khác, con mắt thứ ba sẽ mở, có thể nhìn được một số điều trong quá khứ và tương lai. Chỉ có là người ta có nói ra hay không thôi. Mà có nói ra chắc gì những người thường hiểu được, cảm nhận được.
Đôi lần, tôi cũng được Thần Phật cho nhìn thấy một vài điều trong quá khứ của mình, biết được cái duyên nợ của tôi với một vài người nào đó từ những kiếp trước, rồi cả việc có thể đọc được suy nghĩ của người khác. Lúc bên cạnh những người tri âm, tôi đã có thể tự tin nói rằng tôi đã nhớ ra điều gì đó, tôi không thể quên được điều gì đó.
Đó là lời nói thật lòng. Đó cũng là kết quả mà tôi đã có sau nhiều lần học Phật Pháp. Nhưng cũng có thể nói, thật là tai hại một khi tôi đã nói ra. Thà đừng nói thì tốt hơn nhiều. Giữ im lặng chính là khoảng cách giữa lời mà nhà thơ Bằng Việt đã từng đề cập tới.
Thực sự thì tu Phật rất khó. Đó cũng là cách để người ta biết được làm sao có thể Nhớ lại và cách để Quên đi: Chỉ nhớ những gì cần nhớ và cần phải quên những cái cần quên.
Một lần, tôi cũng đọc ở đâu đó nói rằng đời người có mấy câu hỏi rất cần được giải đáp: Ta là ai? Ta từ đâu tới? Mục đích sống trên đời của ta là cái gì? Cuộc sống sau cái chết của ta là gì? Làm sao mà nhớ lại được, nếu ta có kiếp trước?….
Ai là người có thể trả lời được câu hỏi này thì đều là người đã đi trên Đại Đạo, đã có thể biết được cái đích mà mình cần phải tới. Đó chắc chắn là người sống chậm. Và người ấy đang trở về.
Đại Đạo là chí giản chí dị!
Trần Huyền Tâm
Tản mạn miền sương khói Nxb HNV - 2019