• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Báu vật cố hương

Thứ tư - 17/05/2023 15:14



(Ảnh: Lam Châu)


BÁU VẬT CỐ HƯƠNG

(Về tập thơ Sự mất ngủ của lửa – Nguyễn Quang Thiều)


Tập thơ này là những tác phẩm đầu tiên của đợt sóng cách tân thơ thứ nhất sau thời kỳ đổi mới; hẳn là các bài phê bình, các công trình nghiên cứu về nó không ít. Tôi viết bài này cũng chỉ đơn giản góp thêm góc nhìn của một độc giả, nhấn nhá những biểu hiện cách tân qua lần lượt từng tác phẩm cụ thể.

  

Sông Đáy chảy vào đời tôi

(Sông Đáy)

 

Tương quan sông/ người trong thơ xưa nay đã nhiều, nhưng tương quan sẽ là người ngắm sông, trên sông… và “chảy vào đời tôi” đã như một dấu mốc đầu tiên của cái mới, của tư thế lớn đến độ gợi mở một liên tưởng tới những nhân vật khổng lồ như ông Đùng bà Đùng trong truyền thuyết.   


Một cây ngô cuối vụ khô gầy

Suốt đời buồn trong tiếng lá reo

 

Lá không phải toàn bộ cây, nhưng là một phần quan trọng của cây. Và như thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng về lẽ tương tức thì cây là mẹ của lá, nhưng đồng thời lá cũng là mẹ của cây. Thông thường trong miêu tả xưa nay thì từ “reo” thường gắn với vui. Nhưng ở đây lá reo mà cây lại buồn. Chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi sự lắp ghép ấy có khiên cưỡng hay không?


Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy

Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn giụa nước mưa sông

 

Đọc câu thứ nhất, thấy cái mong ấy cũng là xuất phát từ tình yêu thôi; nhưng có vẻ hơi ngược bởi trong cách nghĩ truyền thống là: “Đê đầu tư cố hương”.  

 

Tuy nhiên đọc sang câu thứ hai thì “nỗi oan” được cởi bỏ, bởi “tôi” cũng khát khao trở thành một phần của dòng sông ấy. Thêm nữa, chúng ta bắt đầu cảm nhận một tốc độ chuyển động nhanh hơn của tư duy thơ. 

Khi nhà thơ trở lại:


Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi

Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước

 

Tôi cứ băn khoăn “niềm” hay “miền”? Là chủ ý của nhà thơ hay có lỗi sắp chữ? Và sau khi đọc “sông vắng nước” chứ không phải “sông cạn” thì tôi hiểu sau “bay xa về một” hoàn toàn có thể là “niềm”. Miền là không gian cụ thể, logic thông thường; niềm là lạ hóa, ảo hóa. 


Tiếng bánh xe trâu lặng lẽ qua đêm

Chất đầy hương cỏ tươi lăn về nơi hừng sáng

(Ban mai)

 

Lối diễn đạt truyền thống thường là “tiếng bánh xe trâu” sẽ qua không gian nào đó; làng, xóm, chân đê… Nhưng đây lại là qua thời gian! Xem nào, vậy đó, qua không gian chỉ đơn thuần là lượng thông tin có giới hạn; nhưng qua thời gian “đêm” cho thấy rõ hành trình dài, sự vất vả của trâu và người. Còn “về nơi hừng sáng” thì đăng đối với “qua đêm”, tất nhiên rồi.


Ơi… ơi… ơi, những con đường thân thuộc

Như những ngón tay người yêu lùa mãi vào chân tóc

 

Những tiếng ơi ơi ấy phải chăng là âm vọng của tiếng giục trâu bước? Cách so sánh trên đây ngoài gợi sự ấm áp, còn cho thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa con người với thiên nhiên mà chúng ta sẽ tiếp tục trải nghiệm ở phần tiếp theo của tập thơ.


Chiếc bánh xe trâu một nửa đã qua đêm

Một nửa hương cỏ tươi còn trong bóng tối

 

Vốn là dân học toán, sau này lại học kỹ thuật, nên tư duy tôi dù làm thơ vẫn rất nhiều “dính mắc”. Nên cách hiểu “lớp một” của tôi sẽ là: Có một cái vạch chia thẳng tắp nào đó giữa bóng đêm và ban mai, chạy ngang đúng giữa cái bánh xe này! Nó na ná như cái bóng râm do mây tạo ra trong những ngày nắng vậy. Nhưng giờ khi bỏ “dính mắc” thì tôi đã có cho mình cách hiểu phóng khoáng rồi: bóng tối và ban mai đang ở giai đoạn giao thoa với nhau và nghiêng dần về phía ban mai, còn cái “một nửa” ấy không thuộc dạng có thể đo đếm. 


Những ngọn ban mai mơn mởn rướn mình


Nhiều ý kiến cho rằng thơ Nguyễn Quang Thiều có nhiều từ “nước”, tức là đôi khi thừa thãi một chút; có thể xuất phát từ yêu cầu nhạc tính. Nhưng tôi lại nhận ra anh có cách kiệm chữ của riêng mình: Ngọn ban mai. Tôi vẫn cho rằng ban mai thì chẳng có ngọn, mà nghiêng về cách hiểu là những ngọn cây cỏ trong ban mai thôi; nhưng anh đã có thể bỏ từ cây cỏ đi mà vẫn đảm bảo đủ diễn đạt ý, nhất là khi ở đó đã có từ mơn mởn thường dùng để tả hoa lá.


Đom đóm bay quanh cha

Như từng vòng dây thép nung đỏ

Quấn vào và đứt tung ra

(Tiếng cười)

 

Khoan hãy nói về ý nghĩa của những câu thơ này, bởi gán cho chúng một ý nghĩa gần gạnh nào đó không khó nhưng cũng không quá quan trọng. Hãy đơn giản tưởng tượng thi ảnh ấy, cảm nhận sự sống động và mạnh mẽ là đủ. 


Tiếng chó rộ lên từ xóm nhà ta đến đầu làng

Cuối tiếng chó là bến sông quê và con đò cô độc

 

Ở câu thứ nhất, tiếng chó đã như nối tiếp nhau thành chuỗi âm thanh liên tục về không gian, cho phép nghĩ về một điểm “cuối” của chuỗi ấy ở câu thứ hai. Trong thi ca đôi khi cái chúng ta tưởng phi logic nhưng thực ra là siêu logic!


Tiếng điếu rít lên muốn khoan thủng nỗi buồn

Khoan vào phận con buốt nhức

 

Từ thời Tản Đà thi nhân đã than “sầu không có khối, đập sao cho tan”, nên hành động khoan ấy sẽ không đem lại hiệu quả; thậm chí còn văng bật ra khỏi đích mà vô tình làm khổ tâm đứa con cả nghĩ. 


Tôi sẽ không nói về sự thành công của bài thơ như về một câu chuyện rất ngắn mà hoàn chỉnh của một người cha “tài cao phận thấp”, bởi với cây bút văn xuôi Nguyễn Quang Thiều thì luôn có thể. Nhưng mà hình ảnh:


Tóc cha trắng một tiếng cười ngửa mặt


Khác nào vị tướng đi ra từ những Tam Quốc, Thủy Hử? 


Dấu chân ta xóa dấu chân chú bê vàng lạc mẹ và dấu chân chú bê vàng xóa dấu chân ta

Khi bóng đêm vụt ra đứng chặn trước mặt ta, ta vội quay lại tìm dấu chân mình

Òa khóc.

Ta tin có một mụ phù thủy đã biến ta thành một chú bê.

(Tháng mười)

 

Tôi không chắc mình có mở được cánh cửa thâm nhập vào thế giới nửa thơ ngây nửa thần tiên này không, nếu không từng đọc mòn cái tích Trang Chu nằm mộng hóa bướm. 


Ta đợi mãi đợi mãi một mụ phù thủy 

Từ tháng Mười một bay về để biến ta thành chú bê xưa.

 

Nhớ tiếc tuổi thơ, muốn sống lại “tháng Mười xưa”, “ngọn khói xưa” cùng “đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu” (Thơ Bằng Việt) là tâm sự của phần lớn con người; không riêng gì thi nhân. Nhưng đóng góp của anh ở đây là đã chỉ ra cái oái oăm: Cái con người ta tiếc lại chính là cái họ từng sợ.


Đôi râu ăng-ten phóng lên bắt những âm thanh xa lạ. Ngôn ngữ bí ẩn nào đang hạnh phúc hay đau khổ gọi bầy sên. 

(Chuyển động)

 

Về “tầm tiếp nhận”, chúng ta đã thấy đọc giả cần được trang bị Nam hoa kinh để hiểu bài Tháng mười, và giờ cần có cả trí huệ của Phật pháp để chấp nhận tính “bất khả tư nghì” của những câu thơ này. Chúng ta không biết âm thanh xa lạ gì, ngôn ngữ bí ẩn nào ở đây. Nhưng chúng ta cũng được Phật dạy rằng trong hằng hà sa số kiếp trước đây, có thể chúng ta cũng từng là bầy ốc sên.

Bầy ốc sên bò qua giấc ngủ của cỏ

 

Thế Tôn cũng dạy rằng có thể chúng ta còn từng là cỏ! 

 

Chúng miết những tấm thân mềm qua những mảnh chai vỡ sắc lạnh. 

Tôi không nghe thấy tiếng chúng kêu than hay nguyền rủa điều gì. 

 

Chúng ta cần học bầy sên về “hạnh nhẫn nhục”!

 

Khu vườn này là quê hương chúng, hay là khu vườn bên, hay còn… xa nữa. 

Chúng đang rời bỏ quê hương mình hay tìm lại quê hương. 

 

Không mấy liên quan, nhưng tôi sực nhớ ra rất nhiều đất nước trẻ trung và phát triển hàng đầu trên thế giới đều có nguồn gốc từ dân di cư: Singapore, Mỹ; thậm chí cả nước Nga. 

 

Bên cửa sổ đêm nay, tôi áp mặt vào những song sắt thì thầm lời từ biệt. 

 

Ghi nhận đơn thuần thông tin thôi, chứ ngợi ca nhà thơ yêu và hòa đồng với thiên nhiên thì … nhàm quá. 


*

*         *


Ta giấu một tình yêu chưa giới tính

Sau nâu nâu vạt áo học trò

(Mười một khúc cảm – I)

 

Bảo hai câu thơ này hay ở đâu, hay như thế nào thì tôi không nói ra được; nhưng tôi đã nhớ ngay từ lần đầu đọc ké tập thơ này hơn 30 năm trước. 


Ta khóc vụng một ngày thưa bóng mẹ

Tiếng gà buồn mổ rỗ mặt hoàng hôn

 

Chúng ta thường sẽ thấy “vắng” hoặc “có” bóng mẹ, tức mang tính on-off. Còn “thưa bóng mẹ” đặc tả trạng thái nhận biết tinh tế và nhạy cảm, ít nhiều lệ thuộc của người con hướng nhiều về mẹ. 

 

Nguyễn Du viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cảnh, cùng những vật vô tri, được xếp vào loài vô tình. Ở đây Nguyễn Quang Thiều đã đi xa hơn: loài hữu tình cũng buồn theo cái buồn của con người. 

 

Thế còn sao lại là “mặt hoàng hôn”? Cứ cho tiên đề “nhân hóa” hoàng hôn là được chấp nhận đi, vậy thì mặt của nó ở phía / cõi nào? Có sao đâu, anh đã thành công trong việc tạo ra những câu hỏi gây “mất ngủ của lửa” như vậy. 

Điếu thuốc cháy từ năm ta mười bốn

Chiếc roi cha ta quất nát sợi khói mềm

(Mười một khúc cảm – II)

 

Không thể không mỉm cười trước hình ảnh ngồ ngộ “nát sợi khói mềm”. Tôi tin đó là lối nói tránh để làm dịu cảm giác đau đớn, tựa như hình ảnh có súng nổ trên phim nhưng không lộ ra người ngã xuống vậy. Hình như để thưởng thức được thơ hay cũng cần chịu khó xem phim?

Trong ký ức ta có một ngày oán hận

Hốc mắt ta khô dù chỉ khóc một lần

 

vẻ thủ pháp cường điệu đã được sử dụng ở câu thứ hai? Và có thể ở cả câu thứ nhất? 

Đâu rồi chiếc roi của cha

Đâu rồi chiếc roi của cha

Ta trong khói suốt đời quờ quạng

 

Thơ vốn cần kiệm từ, nhưng nhà thơ đã sẵn sàng lặp lại nguyên cả một câu để đặc tả hành động kiếm tìm lặp đi lặp lại. Than ôi, thơ lại đòi hỏi chúng ta phải biết tích truyện xưa, là đứa con hiếu đễ đã khóc thương mẹ khi thấy mẹ quất roi mà mình không cảm thấy đau như trước!

Người đàn bà có một gia tài hơn ta là biết khóc trước ta mười bốn năm

Giờ trong vòng tay ta đam mê quay lại khóc nghi ngờ

(Mười một khúc cảm – III)

 

Tôi không rõ con số mười bốn ở đây có liên quan gì tới con số mười bốn ở khúc II, hay đơn giản chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên? 

Ta đi về cửa ngõ của chiều

Ta đi về thuở ta chưa cắt rốn

Ta đi về thuở ta còn sóng sánh

(Mười một khúc cảm – III)

 

ta tiếp tục gặp cấu trúc mới mẻ: khái niệm vốn mang tính không gian (cửa ngõ) lại trở thành một phần của khái niệm mang tính thời gian (chiều). Hãy đọc một chút về quan niệm của Stephen Hawking: Thời gian có hình dáng giống như một quả lê, phình ra ở giữa và bé lại ở hai đầu; tầm tiếp nhận của bạn cũng sẽ nâng lên theo.      

Còn “cắt rốn” là thời điểm rời lòng mẹ, hay rời mái ấm bình yên? Và “sóng sánh” là sao, đứa trẻ trong tử cung mẹ được bao bọc bằng túi nước ối? 

Và ta chạm lời nguyền vĩ đại

Man rợ ngân lên từ phía tối mặt trời

 

Không bao giờ tôi bằng lòng với những lý giải kiểu như nhà thơ viết mà không biết vì sao mình viết như vậy. Nhưng trong trường hợp này tôi cũng sẽ lựa chọn việc tạm treo cuộc tìm hiểu ý nghĩa của hai câu thơ này cho tới ngày tầm tiếp nhận được nâng lên, chẳng hạn bởi một câu chuyện cổ Cu-Ba nào đó.

Xa một cơn mơ từ nơi ta đứng dậy

Đến nơi có tiếng gõ cửa đêm đêm

(Mười một khúc cảm – IV)

 

Đôi câu thơ đầy tham vọng mạch lạc, chỉ ra cả điểm đầu điểm cuối lẫn khoảng cách giữa hai điểm; với form bài toán tính thời gian - vận tốc của học sinh tiểu học. Tuy nhiên sự mạch lạc ấy nửa vời bởi các dữ kiện cung cấp đều định tính và mơ hồ. Như để bạn đọc đỡ mông lung, nhà thơ bonus phần làm rõ thêm điểm đến:

Đến nơi chín rũ một mùa khóc

Đến nơi khô quắt một mùa cười

Nơi bầu vú ăn vào đá sỏi

Cứ nâu dần sau mỗi tiếng u… u

 

Tới đây thì Einstein hay Hawking cũng không giúp nổi tôi, một kẻ quen với mùa ngô khoai, thi cử hoặc yêu đương, cưới xin; hiểu được nghĩa đen của thơ.  

Phải chăng cũng giống như nhân vật trữ tình trong bài thơ, tôi bị một khuyết tật nào đó nên:

Ta đã kiên nhẫn lết đôi chân người bại liệt suốt nửa đời ta

Nhưng chưa một lần chạm vào then cửa

 

Cái đích đến càng mông lung mơ hồ, càng kích thích dữ dội khao khát tìm kiếm và vươn tới? Và những vẻ đẹp không thể diễn tả bằng lời đã là tiền đề sinh ra một họa sĩ Nguyễn Quang Thiều?

 

Người điên từng xuất hiện như một tri âm của nhà thơ “Ta viết dăm câu vô nghĩa lý – Người điên xem đến hiểu lòng ta” (Lưu Trọng Lư). Còn ở thơ anh thì sao? 

Người đàn ông điên không quần áo đang đi trên phố

Thứ tự do này làm hoảng sợ mọi thứ tự do

(Mười một khúc cảm – V)

 

Dễ hiểu thôi, bởi tự do là cần thiết; nhưng để dựng xây chứ không phải để hủy diệt, hoặc xâm phạm tự do khác. 

Một triệu năm về trước nhảy và hú

 

Thì ra trong hệ quy chiếu nguyên thủy, ông không điên. Và ông điên thì tựa như cái phần được trao truyền từ thời nguyên thủy tới ông nó mạnh mẽ quá, át đi phần của văn minh mà thôi. 

Trong sự hổ nhục của người đàn bà đi qua mặt người đàn ông điên

Trong sự không hổ nhục của người đàn ông điên trước chúng sinh và mặt trời

Ta vẽ mặt nhân loại hình lục giác

 

Tới đây tôi bừng ngộ ra người đàn ông điên trong một hệ qui chiếu, và người đàn bà (không điên) ở một hệ qui chiếu khác. Nhà thơ kêu gọi chúng ta, người viết cùng người đọc hãy thay đổi hệ qui chiếu của mình để đến với những chân trời thi ca mới!

Dưới những nhát búa cùn

Từng khúc xoan tươi toác ra tiếng cười của lửa

(Mười một khúc cảm – VI)

 

Tôi đã đi qua non nửa tập thơ, thỉnh thoảng vẫn suy nghĩ về mối liên quan giữa tên tập thơ và nội dung của nó. Tới đây tôi bắt đầu nhìn ra manh mối đầu tiên: lửa cười! Tôi lại cũng nhìn ra cái tương quan của lửa đốt cháy dần xoan với thời gian đốt cháy dần những biểu hiện sống của đời người:

Chiếc áo sơ sinh của con ta phơi vừa bay qua đó

Cái mỉm cười nhạo báng của thời gian

 

Bạn đọc yêu quý, đừng cho rằng có một cơn gió nào đó thổi bay mất chiếc áo sơ sinh! Sự thật là thời sơ sinh của đứa con cũng qua cái “ô cửa mùa đông mở ra lặng lẽ” này nhanh như một chiếc áo bay! 

Ta khắc khoải hình dung khuôn mặt em mà không sao nhớ nổi

Chỉ mang cá thở dồn làm ngực ta tắc nghẹn

(Mười một khúc cảm – VII)

 

Ở khúc cảm thứ IV đích đến mơ hồ, còn ở khúc cảm này nhân vật trữ tình đã từng chạm tay vào đích. Mà như thế cái nỗi nhớ tiếc ấy càng ám ảnh đeo bám nặng nề. Tục ngữ có câu “con cá mất là con cá to” – nhưng có hiểu biết là một chuyện, thực hành được nó là chuyện khác!

Con thầm khóc nhiều lần nhưng chưa một lần khóc bưng mặt

Con yêu điên rồ hòng trốn những buồn đau

(Mười một khúc cảm – VIII)

 

Người có xu hướng thầm khóc tức là muốn giấu đi sự yếu đuối của mình, và khả năng cao là ở nơi không ai biết; vậy thì không bưng mặt là rất logic rồi. Tuy nhiên khi nỗi đau lớn đến độ không “thầm khóc” được thì anh ta sẽ khóc mà không thèm bưng mặt nữa? Một sự lựa chọn quyết liệt, mang tính on-off chứ không đi theo các đường cong phi tuyến? Khi trốn vào yêu, anh lại là hậu duệ thơ của Thi nhân Việt Nam, bởi họ cũng đã vì chán cảnh đời mà tìm những cách trốn khác nhau; người vào tình yêu, người vào quá khứ của một đất nước đã diệt vong, người lên thiên giới…

Con có tội một lần một chiều xưa nói dối

Con mang tội suốt đời lời nói thật sáng nay.

 

Có thể là một lời nói thật nào đó về tình trạng sức khỏe của người bệnh chăng? Tuy nhiên, đó cũng là nguyên lý truyền thông chung của nhân loại. Không ai che giấu được sự thật mãi mãi, nhưng cách bộc lộ nó như thế nào lại vô cùng quan trọng. 

Những u mê trôi kín cả chiều vàng

Ta khao khát nhìn thấy ta trong vệt sáng cuối ngày hắt qua khe cửa


Có lẽ nào đó là đường nhân loại

Đó là niềm tin sót lại trên đời

(Mười một khúc cảm – khúc IX)

 

Lần đầu tiên trong tập thơ, những vấn đề to tát như niềm tin, đường nhân loại được đề cập một cách trực tiếp và cụ thể; không phải hình ảnh ẩn dụ hay lối nói bóng gió thường thấy của thơ. Nhà thơ không ghi năm sáng tác, nhưng tôi tin sẽ loanh quanh đâu đó gần gạnh những năm mà hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ và Liên Xô tan rã. Và trong bối cảnh lạ lẫm đến bàng hoàng ấy nhân vật trữ tình của bài thơ cũng trở nên: Tóc ta bết – tóc trẻ con vừa đẻ.   

Chiếc nhẫn vàng hàng xén ơi đổ xuống nơi nào

Ta thương tật đi tìm ngoài ánh sáng

(Mười một khúc cảm – X)

 

Những câu thơ nhắc tôi nhớ đến câu chuyện của một bà lão hiền triết, (vờ) mất kim ở trong nhà nhưng lại ra đường tìm và giải thích với mọi người rằng ở ngoài đó có ánh sáng. Bà lão kết luận rằng việc đó là sai, và phần lớn mọi người cũng đang sai tương tự, bởi hạnh phúc mất ở trong tâm nhưng con người lại cứ tìm kiếm nó ở ngoài tâm. 

Trên mặt bàn viết của ta

Lưỡi dao rọc giấy lóe sáng như hàm răng một người lạ đang cười

(Mười một khúc cảm – XI)

 

Câu thứ nhất gợi mở cái người lạ ở câu thứ hai là một biên tập viên.

Tiếng con dế bị giam cầm trong góc nhà vươn lên một con đường cỏ dại

Chạy mãi về cánh đồng ngoại ô

 

Vâng, thân của dế có thể bị giam cầm, nhưng tiếng của nó vẫn vươn lên, và vươn xa. 

Ta là đám rêu vừa cổ kính vừa tơ non ven tường ngôi miếu cổ

 

Biến hóa và đa trạng thái là cách để tồn tại một cách bền bỉ?

Đống lá bưởi khô mười năm chưa cháy hết

 

Nghe như niêu cơm Thạch Sanh?

Những vết rạch thương yêu giờ này đã ngủ

Miệng vết thương mở ra hai mầm lá gợn hồng

 

Vấn đề cần biểu đạt đã tìm ra cách để được biểu đạt trót lọt! Tương tự chuyện về lời nói thật ở Khúc cảm thứ VIII.


Nếu không phải là Mười một khúc cảm, mà là Mười một khúc ngẫm hoặc tư duy, chắc tôi đã có thể đọc vị được dễ dàng hơn! Nhưng vậy mới là thơ, là có bài dành cho tôi; có bài dành cho anh, chị.


*

*         *


Những người đàn bà góa bụa làng tôi như những con cào cào áo nâu khuất dần sau cỏ. 

(Những ví dụ)

 

Hãy lùi lại những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi những húy kị còn nhiều, thì cái cách ví von này dù là nghệ thuật đi nữa cũng khó được chấp nhận. Nhưng, tiền kiếp của con người còn có thể là ốc sên cơ mà (xem phần viết về bài Chuyển động).

 

Những người đàn bà góa bụa làng tôi gồng gánh trên vai, 

trên những con đường mòn như cột sống dị tật của ngàn đời vất vả.

 

Ở một đất nước nhiều gian truân trắc trở, thân phận con người cũng không thể khác. 

 

Họ tránh con đường dẫn đến những đêm trăng.

 

Vì sao họ phải tránh? Dễ hiểu rồi! Nhưng tránh bằng cách nào? Con đường nào chả dẫn đến những đêm trăng? À phải rồi, họ sẽ ở trong nhà và đóng cửa lại, ngăn cách mình với mọi điều tiếng ong ve. 

 

Bầu vú họ mệt mỏi nằm ngoẹo đầu và trở nên nghễnh ngãng, không còn nghe được tiếng gọi đàn ông nồng mùi thuốc lào và ruộng bùn ngai ngái, trong những đêm gió từng đôi quấn nhau qua vườn hổn hển. 

 

Họ đã bị cột chặt vào những đòi hỏi giáo điều về đoan chính tiết hạnh, và không cảm nhận “tiếng gọi đàn ông” nữa bỗng trở thành căn cốt, bất chấp kề bên là gió (danh từ không đếm được) cũng thành từng đôi mà “quấn nhau qua vườn hổn hển”.  

Chỉ tiếng chuột nhắt cắn thóc trong những chiếc áo quan gỗ gạo đóng sẵn làm họ thức giấc. Và họ nằm lo âu trong tiếng mọt cắn gỗ vọng ra từ cỗ áo quan.

 

Cuối cùng, họ chỉ còn quan tâm mối đe dọa tới cái để sống hàng ngày, và để nghỉ ngơi nghìn năm sau! 

John Barca đã bóp cò hai mươi năm về trước

Đạn vẫn bay đến tận bây giờ

(Cơn mê)

 

“Đạn vẫn bay” ấy ẩn dụ hậu chiến còn tiếp tục dai dẳng ở cả hai bên chiến tuyến. Cựu binh Mỹ chịu đựng hội chứng hậu chiến. Bom mìn còn ẩn khuất khắp miền Nam Việt Nam. Và lệnh cấm vận thù nghịch còn chưa dỡ bỏ.

Con mặc chiếc váy mỏng như khâu bằng những cánh hoa tầm xuân

Con đi đôi giày nhỏ như làm bằng hai chiếc kén tằm vàng

(Con gái ơi)

 

Mang một vẻ đẹp hết sức mỏng manh như trong thế giới của những cô cậu bé tí hon, nhưng con lại đang ở:

Trên con đường trước nhà ta đầy đá

 

Bởi:

Con chạy ra đón cha

 

Trong cuộc sinh tồn, những đứa con cần được luyện rèn rõ sớm!

Hai bên đường những cánh bướm còn non

Bay như dính vào không gian

 

Vi diệu quá bạn đọc ạ, bởi không gian không phải là một bức tường, một thân cây để dính được gì vào. Hoặc giả có phi phàm đến dính được, thì sẽ bị cố định lại hoặc chỉ còn những cái cánh vẫy; còn đây là bay! 

 

Ôi chú Sơn, chú chẳng hiểu gì cả, bởi đây là cổ tích trong cổ tích: 

Đó là chim bồ câu tí hon

Trong miền riêng của con trong trắng

 

Đôi giày mà như hai cái kén tằm, thì bướm thành bồ câu là cùng hệ qui chiếu!

Cha nghe thấy có tiếng cười lạ

Cha nghe thấy có tiếng người lạ

Dẫu không gọi tên con cũng không gọi tên cha

Mà sao cha sợ run lên

 

Trong góc nhìn của tôi, chữ “thấy” không phù hợp lắm với ngữ cảnh ám ảnh mơ hồ này. Và, lại một liên tưởng xoẹt qua như tia chớp, tôi nhớ đến câu thơ của John Donne (nhà thơ lớn của Anh thế kỷ 17): Đừng hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn anh đó. Những đe dọa đáng sợ nhất đối với sự sống có bao giờ rõ chữ tròn vành!

 

Chúng ta còn gặp hiện tượng này ở vài nơi nữa của tập thơ. 

Nhóm u uất trong những vòm tháp cổ

Người suốt đời hoảng hốt với hư vô

(Trong quán rượu rắn)

Thơ âm âm, thơ thon thót giật mình

 


*

*         *


Tiếng chó khuya sủa chớp cuối chân trời

(Bầy chó của tôi)

 

Khi chó sủa “một tiếng là ma, ba tiếng là người”. Chó sủa chớp chắc là hai hoặc nhiều hơn ba tiếng. 

Bầy chó ngửa mặt lên trời

Sủa cay đắng, thảm sầu, man rợ

 

Câu hỏi thứ nhất là vì sao mà tiếng chó sủa lại mang những màu sắc ấy?

Bầy chó ơi, sủa vào đâu

Sủa vào trăng?

Sủa vào ngọn đèn dầu?

Hay sợ đêm mà sủa vào bóng tối

Hay sợ nhau mà sủa vào nhau?

 

Trăng đẹp dịu dàng, ngọn đèn dầu ấm áp, đêm sinh ra để cần đến chó, và đồng loại thì để yêu nhau dai dẳng dù đôi khi cũng có cắn nhau luyện răng. Nên từng câu hỏi tác giả hỏi cũng chỉ để mà hỏi, chứ không xác quyết được câu trả lời. Còn tôi thì nhớ tới những mắt chó trong lồng ở kề bên chính bãi thui rơm đồng loại chúng. Trên phương diện chịu đựng kẻ thù vô hình, chúng cùng cảnh ngộ với chủ!

Ngày lùng sục kiếm ăn

Liếm cả lưỡi vào dao sắc ngọt

 

Bạn đọc yêu quý, tôi vốn cũng không sao cảm nhận được ý nghĩa của những câu thơ này, cho tới ngày được nghe clip giảng online của một ni sư Làng Mai, kể về cách mà thổ dân Eskimo săn bắt chó sói giữa băng tuyết. Họ đã khiến con sói liếm vào cái lưỡi dao đến đứt cả lưỡi của mình mà không hề hay biết bởi lâm vào trạng thái say mê liếm dòng máu ấm áp chảy ra từ chính lưỡi của nó. Tất nhiên ni sư dùng câu chuyện đó để cảnh báo con người về nguy cơ trở thành nạn nhân của lòng tham ở họ. 

Trong ngõ nhỏ đêm nay 

Tôi nghe chó sủa

Tôi thổi tắt đèn

Chó sủa vào tôi

 

Thì ra đó là tiếng sủa thiện lương, nhắc nhở con người hãy cảnh giác!

Quả ớt đỏ như lá cờ rách nát

Bầy kiến ôm lên đắng cay nhòa mắt

(Bầy kiến qua bàn tiệc)

 

Câu thơ gợi nhớ đến “cờ lại quẫy như cá vào bể mới” của nhà thơ Thi Hoàng.

Chiếc bóng điện 1000 oát – vầng mặt trời giả dối

Lặn xuống từ công tắc màu đen

 

Tôi ấn tượng với khái niệm “vầng mặt trời giả dối” này. 

Chỉ còn bầy kiến đen

Đắng cay nhòa mắt

Dìu nhau về thăm thẳm những hang sâu

 

Anh cho rằng loài kiến cũng biết cay vì ớt như người! Hay anh thấy hình dáng của bầy người trong bầy kiến? 

Người họ bọc kín bởi những lớp vải nâu và đen

Chỉ đôi tay, đôi chân và đôi mắt lộ ra

Nhưng tất cả cũng một màu như thế

(Trên đại lộ)

 

Họ đã nỗ lực “bọc kín” để tránh nắng cho da. Có điều, nhưng nơi lộ ra thì cũng đen và nâu cả, nên xem ra nỗ lực này khá tuyệt vọng. Còn đại lộ hẳn sẽ hướng tới tương lai tốt đẹp rồi. Và thơ có thể thi vị hóa họ lắm chứ: 

Những chiếc dậm đan bằng tre trên vai họ như vầng trăng khuyết vớt từ bùn lên

Những cái giỏ bên hông như những cái đầu trọc lắc lư theo nhịp bước

Bóng họ đổ xuống đường thành những vũng đen

 

Nhưng nếu dừng ở đó thì lại thiếu “lên thác xuống ghềnh”, nên:

Họ lặng lẽ đi như đội quân thất trận

Cán dậm chúi xuống mặt đường – Những nòng súng gỗ hết đạn 

Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng dậm như cờ ngày việc làng giã đám

 

Có vẻ lần đầu tiên “đội quân thất trận” được đề cập một cách thân ái đến thế! Họ thất bại trong trận chiến nào? Đồng ruộng đã thành đô thị, nhà máy; nhưng họ không đủ trình độ để có chỗ đứng ở đó?

Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh những tấm huân chương

Họ chẳng cần tung hô, cũng chẳng đợi đón chào

 

Ôi tôi phải cảm ơn nhà thơ vì đã bỏ đi chữ “như” ví von thường gặp trong câu thơ thứ nhất, để khẳng định luôn đó chính là những tấm huân chương rồi! Và thái độ ở câu thơ thứ hai chính là một đại ngộ!

Tiếng bẻ củi vang lên

Ngọn lửa gần gũi và linh thiêng cựa mình thức dậy

(Thời gian)

 

Lại vì tố chất của dân khoa học tự nhiên, khá nệ vào logic; nên tôi thấy cái “vang lên” từ “tiếng bẻ củi” (chứ không phải tiếng súng, tiếng trống…) không mấy ấn tượng. Thêm nữa, từ “linh thiêng” xuất hiện khi chưa có một ngữ cảnh nào đó làm mồi, thì không “nuột”. Phải chăng đó là lúc nhà thơ chợt liên tưởng tới chuyện Promete ăn trộm lửa?  

Có bước chân vô hình đang đi quanh đống lửa

Làm những làn tro ấm khẽ bay lên

 


Thì ra ngữ cảnh của từ linh thiêng đến sau một chút! Tới đây tôi chợt nhớ ra trong thơ Nguyễn Quang Thiều nhiều lần xuất hiện những vô hình, người lạ, tiếng lạ như vậy.

Ai gọi đấy, ai đang cười khúc khích

Tôi lách mình qua khe cửa, ơi… ơi…

(Ban mai)

Cha nghe thấy có tiếng cười lạ

(Con gái ơi)

Có ai đó kêu lên

Có ai đó cười sằng sặc

(Cánh buồm)

 

Những “lạ” này đến từ tâm cảm cổ tích, hay từ những bất tường không dễ lý giải và kiếm tìm gốc gác? Dù từ đâu, dễ cũng thường làm lửa “mất ngủ”. 

Xa hơn nữa… tôi khóc cùng mùa hạ

Khi thấy có một tôi đâu đó quanh vườn

 

Sự phân thân?

Một cơn sốt ngồi ôm một cơn sốt

Những tiếng ho bình đẳng vỡ làm đôi

 

Kênh cảm thụ ít nhiều “nệ thực” của tôi vấp phải chữ “vỡ làm đôi”, bởi hàng loạt các câu hỏi cắc cớ bật ra: Là vỡ như thế nào? Và sau khi vỡ làm đôi thì mỗi nửa ra làm sao? Từ bình đẳng như chui ra từ những khẩu hiệu to tát về quan hệ giữa người với người, sao lại dùng cho những tiếng ho? 

Trong dòng thời gian tuyến tính, nhà thơ đã từ hiện hữu ngược về quá khứ gần, xa, rồi rất xa; như một vòng xoáy trôn ốc lặp lại.


*

*         *


 

Nếu bạn từng dự một đám tang ở quê, có thể bạn có dịp chứng kiến cảnh đôi con gà chạy đuổi nhau qua hương án ngay vào lúc mặc niệm hoặc điếu văn đang được đọc. Đôi đứa trẻ sẽ bột phát cất tiếng cười! Bài Âm nhạc chính là một đám tang qua góc nhìn trẻ thơ hồn nhiên ấy. Con không chê cha mẹ khó, và đứa trẻ của quê cũng không chê quê mình nghèo khó. Nó yêu những nhạc cụ cái “bụi bặm và méo mó”, cái “da mặt đã bơ phờ”; bởi chúng kết nối được nó với tâm linh bà nội:

Có ai khẽ khàng bế mãi con lên

 

Như vẫn được bà nội chăm sóc:

Bà rót một bình nước mưa trong để đợi con về

 

Trong thế giới mà “Chiếc xe tang rực rỡ - cái đồ chơi của con” ấy đứa trẻ không cảm nhận cái bi thương của sự chết mà vẫn:

Con đang mê mải chơi, mẹ có nghe thấy không, con đang cười khúc khích

 

Nhưng trong tổng thể hồn nhiên như mọi đứa trẻ, nó đã có nét khác thường:

Nỗi cô đơn và con là hai đứa trẻ chán mọi trò dụ dỗ

Chúng đuổi nhau dưới vòm cong của cỗ xe tang

 

Và ở đây là điểm nhìn của tác giả chứ không phải của đứa trẻ nữa:

Nhưng nơi ấy mẹ chẳng bao giờ rửa mặt được cho con

 

Âm nhạc đám tang thật mê hoặc, nhưng đã đến lúc cuộc tiễn đưa dừng lại:

Giai điệu cuối cùng của tình yêu này ngân lên và khẽ khàng đặt con vào mặt đất

Rồi dắt con theo con đường hoa cỏ may nở trắng

Trở về nhà mẹ rửa mặt cho con

 

Đứa trẻ cần trở lại với đời sống trần thế, để những chủng tử của bà nội và hằng hà sa số thế hệ tổ tiên trao truyền cho nó được tiếp tục sống trong nó.

Dưới những vì sao ướt át

Và những ngọn gió hoang mê dại tìm về

(Bài hát về cố hương)

 

Trộm nghĩ, những kẻ cảm thụ văn học kiểu “nệ thực” như tôi hoàn toàn có quyền bắt đầu từ “nệ thực”; nên tôi có quyền cắc cớ gì là những “vì sao ướt át”? Phải chăng là sau cơn mưa thì cảm giác ướt át bao phủ nó lây tới cả ánh nhìn? Phải chăng cái lấp lánh của ánh sao gợi lên cái lấp lánh của giọt nước dưới ánh đèn… mà nước thì ướt át? Rồi tôi chợt nhớ ra kết quả tỉ mẩn của sự thống kê: Cả tập thơ Sự mất ngủ của lửa có 15 từ khóc! 

Và đâu đây tiếng ho người già khúc khắc

Như những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống

 

Lối ví von thật ấn tượng! Câu thơ đầu không mang vẻ đẹp gì đặc biệt, nhưng cách tả ở câu thứ hai hết sức độc đáo. Cách gọi thông tục là trái cây chín rụng. Nhưng ở đây là “mê ngủ tuột khỏi cành”. Phải chăng anh gửi gắm cái mong ước mỗi người già khi tạm biệt trần thế đều theo cách nhẹ nhàng như thế, không đau đớn, bệnh tật dày vò mà như nhập niết bàn cực lạc.

Thuở tôi vừa sinh ra

Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi

Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc

 

Tôi lại tò mò thử làm thống kê về số từ buồn trong tập: 14. Buồn và khóc được gieo mầm sớm thế thì nhiều thế cũng là dễ hiểu! Tuy nhiên, buồn khóc ấy phần lớn không bi lụy mà mạnh mẽ như Dostoievski đã viết “Ngươi còn cảm thấy đau khổ nghĩa là ngươi còn tồn tại”. 

  Nó thành con giun đất

 

Và bắt đầu hành trình của mình từ nơi thân thuộc nhất:

Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao

 

Tới chỗ xa hơn:

Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ

 

Tận nơi mang vết hằn đau thương của lịch sử:

Bò qua bãi tha ma người làng chết đói

Đất đùn lên máu chảy ròng ròng

 

Máu không chảy ở đây và lúc này theo nghĩa đen, nhưng máu chảy trong tâm thức con người như một sự cảnh báo, nhắc nhở rằng hãy bằng mọi cách ngăn chặn đau thương ấy trở lại. 

Kiếp này tôi là người

Kiếp sau phải là vật

Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ

 

Trong “lục đạo luân hồi” việc “là vật” không phải là một lựa chọn tái sinh “đẳng cấp”, tuy nhiên nhân vật trữ tình phát đại nguyện này bởi trong hóa thân ấy anh sẽ làm tốt hơn thiên chức dường như có nguy cơ bị bỏ trống:

Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi.

 

Anh canh giữ báu vật của cố hương, đồng thời cũng chính là một báu vật.

Ba mươi năm trước tôi nhìn vào tập thơ này như nhìn vào bức vách. Qua rất nhiều trải và nghiệm của đời sống tôi mới đủ sức để “đọc hiểu” nó phần nào. Vậy mà Nguyễn Quang Thiều đã hoàn thành nó ở những năm đầu của tuổi ba mươi! Sự cách tân về hình thức trong thơ anh xuất phát từ đòi hỏi của nội dung mới, ý tưởng và tư duy mới; chứ không thuần túy chỉ là ngôi nhà cũ nhưng thay bằng lớp sơn mới. 


Ngọn lửa mất ngủ trong tiêu đề của tập thơ không phải thứ lửa nuôi bằng củi và ô xy, mà là ngọn “hỏa tâm” của chúng sinh gồm cả hữu tình và vô tình đã thao thức, lo toan trước những biến đổi không ngừng của đời sống; trước lựa chọn buông cái này và giữ lấy cái kia. 


Hà Nội, thịnh đông 2022

Hoàng Liên Sơn 

ĐT: 0903406196


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.