• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Vài cảm nhận về bài thơ “Độc tọa cùng núi Kính Đình”

Chủ nhật - 28/05/2023 08:57




 


VÀI CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “ĐỘC TỌA CÙNG NÚI KÍNH ĐÌNH”


 


Một lần ngồi trong công viên, con gái mình nói rằng, cái môn nó sợ nhất, vô tích sự nhất, không biết học để làm gì là môn Văn. Nó nhìn thẳng vào mắt của mình và lí nhí: "Con nói thật, Ba có buồn không?"


Đúng là cả nội hàm lẫn ngoại diên của câu nói của Đức Thích Ca đều thấm: Làm người là Khổ. Càng đi xa trong cõi hồng trần mịt mù thấy nhọc cái gân cốt không bằng khổ cái tâm chí. Còn gì buồn hơn thân phận của ông giáo dạy văn phải thất nghiệp, lại được chính con mình dội gáo nước lạnh. 


Tối hôm đó, con gái yêu cầu mình hãy giảng cho nó một bài thơ thật ngắn để nó cảm thấy cái hay của văn chương. Mình đã lấy bài thơ “Độc Tọa Kính Đình Sơn” của Lý Bạch để cho con gái không ngoảnh mặt quay lưng với cái nghề của cha nó. 


Độc toạ Kính Đình sơn 


Chúng điểu cao phi tận,

Cô vân độc khứ nhàn.

Tương khan lưỡng bất yếm,

Chỉ hữu Kính Đình sơn.


Dịch nghĩa:


Độc tọa cùng núi Kính Đình


Bầy chim bay đi hết,

Đám mây lẻ một mình lững lờ.

Nhìn nhau mãi không chán,

Chỉ có núi Kính Đình.


Dịch thơ:


Bầy chim một loạt cao bay,

Lưng trời thơ thẩn đám mây một mình.

Trông nhau có vẻ hữu tình,

Họa chăng có núi Kính Đình với ta.


(Trần Trọng Kim, Đường thi, NXB Văn hoá thông tin, 1995)



Thực ra, muốn hiểu Lý Bạch nói riêng và các giá trị văn chương của người xưa nói chung chúng ta phải có một nền tảng rất mênh mông của văn hóa xưa của người tu luyện. Ở trong cảnh giới tu luyện, ngay cả con chữ Thánh Hiền cũng chứa đầy những nội hàm Đạo Đức thì việc hôm nay hiểu người xưa là điều rất khó. Khi chúng ta sùng bái khoa học, sùng bái logic thực chứng, chúng ta càng Mê hơn, lạc hướng hơn khi tìm hiểu cha ông. Vì thế, tôi chủ trương đến với người xưa, cố gắng tránh cái thao tác vận hành máy móc mà khoa học đã mang lại.


Trước hết, nói về hai chữ "Độc tọa". Nó là một tư thế ngồi Thiền Định của những trường phái tu luyện chân chính. Pháp của Đức Thích Ca có trăm muôn vạn quyển cũng chỉ là ba chữ Giới, Định, Huệ. Đạo Gia cũng coi Đả Tọa, Độc Tọa như là bắt buộc. Chỉ có Tọa như vậy, người Thường mới thành Chân Nhân, thành Bụt. Độc Tọa là một trong những tâm thế mà Đạo nhân và Thiền sư trong Đường thi thường dùng để biểu hiện sự tương thông, tương cảm giữa Thiên-Địa-Nhân. 


Trích Tiên Lý Bạch sáng tác bài này trong thời kỳ mà tên tuổi của ông đã vang danh khắp thiên hạ. Một bài ngũ ngôn tứ tuyệt bốn câu tập trung miêu tả cái thần ở thế độc toạ, vừa thể hiện chỗ hòa diệu trong hai tư tưởng truyền thống Đạo giáo và tư tưởng đạo Phật.


KÍNH ĐÌNH SƠN là núi Kính Đình


Thửa nhỏ nghe ông ngâm thơ, bình bài này, mình hình dung núi Kính Đình như trái núi Yên Mã khổng lồ Độc Tọa trong vòng ôm của dãy Thiên Nhẫn xứ Nghệ. Nhờ ông Google tìm. Đọc cả ngày chẳng biết núi Kính Đình nơi mô? Thế là trong đầu cứ mặc định cái núi của Lý Bạch nhìn cũng là trái núi đã gắn với cả bao đời ông cha nhà mình trên quê hương Việt. 


 

Nhờ học trò kiếm tìm. Cô ta gửi cho mấy dòng sau đây, mừng muốn khóc: "Dạ, thưa Thầy, núi Kính Đình nằm ở ngoại ô phía Bắc thành phố Tuyên Thành, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Núi này thuộc dãy Hoàng Sơn nổi tiếng vì vẻ đẹp thiên nhiên hung vĩ. Núi Kính Đình gồm 60 đỉnh núi lớn nhỏ, độ cao trung bình so với mực nước biển là 317m."


Và cũng cảm ơn cô trò của tôi ngồi suốt đêm mới tìm được tấm hình trên mạng tiếng Trung gửi cho mọi người xem bức ảnh quá hiếm hoi về Kính Đình Sơn. Hùng vĩ như vậy mà quá khiêm tốn trên Google. Có lẽ đây là một sinh mệnh không muốn khoe mình không tán đồng cách sống của bầy chim sẻ và đám mây côi!


Sau bức hình này, cô trò cưng của tôi trao đổi thế này: "Em đọc thêm thấy núi này nổi tiếng vì có Kính Đình, chắc là một chỗ gì đó, có thể ngồi để ngắm cảnh? Lý Bạch leo núi này 7 lần. Bài thơ này làm sau nhiều lần leo núi này. Trước và sau Lý Bạch có nhiều nhà thơ ca ngợi núi Kính Đình, trong đó có Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, nên nó được mệnh danh là "Giang Nam thi sơn". Đặc biệt, Lý Bạch từng ở Tuyên Châu (chắc thuộc Tuyên Thành) nhiều năm, nên núi này gắn bó với ổng. Em biết thầy muốn tìm xem núi này có gì đặc biệt, nhưng em tìm không ra, thấy chỉ nói vách núi đứng, nhìn xuống thấy mây trắng gì đó thôi. Có trang nói Lý Bạch cất nhà dưới núi, đây là câu thơ của Lý Bạch:  “我家敬亭下,辄继谢公作。(Ngã gia Kính Đình hạ,Triếp kế tạ công tác).  Có sách nói Lý Bạch sáng tác bài này năm 753 khi Lý Bạch đến Tuyên Thành lần đầu là sai, vì thời điểm này cuộc sống ông khá an nhàn vì được sự đãi ngộ của Thái thú gì đó ở địa phương. Mà bài thơ này phải là sáng tác năm 761, vào cuối đời, trong lần leo núi Kính Đình lần cuối cùng trong những năm sống lang bạc, trước khi qua đời năm 762."


Lại lần nữa nhớ câu của Đức Thích Ca nói về cái Mê của chúng sinh. Ngay địa danh này có ở trên đất Tàu mà mình còn tưởng tượng, xuyên tạc méo mó như vậy thì hỏi những học thuyết, lý thuyết con người đưa ra nó cách biệt với chân lý đến đâu. Cái Mê nữa là mình bướng bỉnh không chấp nhận cái núi Kính Đình bên Trung Quốc như thế. Nó phải giống núi quê mình, với dáng ấy, đồng ruộng ấy, làng thôn ấy. Vậy là Trích Tiên họ Lý đang đến một nơi phong cảnh rất hùng vĩ và nổi tiếng của Thiên Tạo, của đất trời vũ trụ. 


Bây giờ đọc cả tựa đề “Độc tọa Kính Đình Sơn”. Núi hùng vĩ, con người là chấm nhỏ vô danh với núi. Cho nên phần lớn mọi người đều dịch: NGỒI CÔ ĐƠN TRÊN NÚI KÍNH ĐÌNH. Bài thơ mô tả cảnh chiều tối. Với lại "hai bên nhìn nhau mê mải" thì không thể ngồi trên núi được. Theo tôi nên dịch là “ĐỘC TỌA CÙNG NÚI KÍNH ĐÌNH”. Có người viết cả bài dài về nỗi buồn cô đơn cô độc, rồi so với Bà Huyện Thanh Quan nhà mình khi qua Đèo Ngang. Cần lưu ý “Độc Tọa”, “Đả Tọa”, “An Tọa” là những từ rất phổ biến cho người tu Đạo, hoặc Phật. Thậm chí, các môn sinh Nho gia khi ngồi học bài cũng phải “Điều Tức”, “Đả Tọa”.


Bây giờ thì chúng ta xem đến bốn câu tứ tuyệt đã bất tử trên ngàn năm này. Nhà lí luận văn học Trung Quốc Viên Mai nói đại ý: Không cong không phải là văn. Người đọc phải có một quá trình  "đồng sáng tạo" với tác giả, phải có quá trình thể hiện suy nghĩ mới phát hiện ra được ý của tác giả. Bởi vậy, các nhà thơ Đường thường gợi mà không tả. Họ thường để cho các sự vật đứng bên cạnh nhau thông qua chữ Duyên rất khó nắm bắt. Đạo gia và Phật Gia hoàn toàn phủ nhận cái Ngẫu nhiên. Do đó các câu chữ trong bài thơ chính là những sinh mệnh không phải vô duyên vô cớ đến ở chung một mái nhà. Cho nên, các mối quan hệ này là để độc giả tự Ngộ ra dụng ý của tác giả.


Câu 1: Bầy chim nhất loạt cùng bay cao lên, bay cao và xa mãi tận chân trời. 


[ảnh 1]


Rõ ràng nhà thơ không thể ngồi trên núi. Chim bay cao hơn núi là điều không thực tế. Không nói nhưng ta nhận diện ra đây là loài chim Sẻ, vùng Nghệ Tĩnh gọi là bầy Rặt Rặt (có lẽ tiếng gọi bầy loạn nhịp khi tranh ăn), người Thừa Thiên gọi là chim Chiền Chiện (Ôi, con chim Chiền Chiện, Hót chi mà vang trời). Ai đã biết "tính cách" loại chim này chắc không ngạc nhiên. Chúng ăn theo bầy. Mỗi khi bay là nhất loạt. Thường bay cao vút lên rồi mới di chuyển về xa. Tuy nhiên, điều dễ thấy hơn, chính là hệ thống quy phạm của văn chương cổ.

Chim sẻ khi chuyển dịch sang con người thì nó đại diện cho phường TIỂU NHÂN, VÔ LẠI. Chúng thường kết bè, kết phái để làm những điều vô Đạo. Quân tử vì Nghĩa, Tiểu nhân vì Lợi. Vậy là họ Lý nhìn chim bay để liên tưởng một lũ người bất hảo. Vì Lợi ích, chúng kéo nhau, bay thật cao, thật xa để thỏa mãn dục vọng. Nếu đọc tiểu sử của Lý Bạch, ta thấy rằng lũ người này đang làm cho triều chính rối loạn. Chúng tập hợp thành đoàn thể làm ô yên chướng khí trong triều. Đây là lý do Lý Bạch rời Tràng An kết thân với các Đạo Sỹ chốn lâm tuyền.


Câu 2: Đám mây mang tâm trạng buồn, cô đơn, một mình đi rất Nhàn nhã.



Lại là một loại người khác. Dường như anh ta tự lựa chọn cho mình một quan niệm sống hoàn toàn đối ngược với lũ bầy đàn ở trên. 

Dẫn chứng trực quan nhất mà ta có thể thấy là lựa chọn của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông dựng am Bạch Vân làm một vầng mây trắng và viết những bài thơ nổi tiếng về đề tài Nhàn. Chẳng  hạn bài này:


"Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chỗ lao xao

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp

Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao".


Trở lại cùng Độc Tọa với Lý Bạch. 


Hai câu thơ đầu cho thấy hai quan niệm sống “Nhập thế” và “Xuất thế” khi con người phải lựa chọn cùng thời cuộc đỏ đen, may rủi. Lý Bạch vốn rất kính trọng tài năng và đức độ của một người tuổi anh mình là nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên. Đây là thi nhân để lại nhiều kiệt tác theo tư tưởng Đạo Gia. Khi Lý vào triều nhập thế tích cực muốn giúp dân, giúp vua thì Mạnh ở ẩn. Nhưng oái ăm thay, khi Lý chạy thoát vòng danh lợi lao xao tôm tép thì Mạnh lại "bó thân về với triều đình". Đây là lý do mà Lý chọn Lầu Hoàng Hạc để tiễn Mạnh đi về chốn phồn hoa. ”TẠI HOÀNG HẠC LÂU TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN CHI QUẢNG LĂNG” là một kiệt tác, có lẽ còn nổi tiếng hơn bài thơ này nữa.


Câu 3: Cùng nhìn nhau nhưng cả ĐÔI không thấy chán


Ai nhìn ai mà say mê đến thế? Nên nhớ chữ LƯỠNG ở đây là hai nhưng 2 nhân vật này phải có quan hệ nội tại. Người Việt mình dùng chữ Đôi ở đây để dịch là chính xác. 


Chỉ đọc câu cuối mới hiểu. 


Câu 4: Chỉ có núi Kính Đình


Như vậy là, bắt đầu nhìn bầy chim, tiếp đó nhìn một đám mây. Và thời gian còn lại, lâu nhất, cả Đôi lặng lẽ nhìn nhau đến Tương Tri là họ Lý ngắm núi Kính Đình. Cá nhân một con người là quá nhỏ nhoi với núi Kính Đình. Nhưng đặt trong quan hệ mà sự vật được nhân hóa thì cả hai đều cùng kích thước, kích cỡ. Cả hai cùng chung một lý tưởng sống. 


Người ta chọn ĐỘNG. Hai ta chọn TĨNH. Tôi Độc Tọa; còn anh thì đứng đó ngàn vạn năm nay ngạo nghễ. Đầu đội trời, chân đạp đất, chỉ có Cho mà không cần nhận. Thực  ra, trong sự TƯƠNG đồng thì núi Kính Đình đã thực thi Độc Tọa từ bao nhiêu ức kiếp trước của nó rồi. 


kd.jpgkd4.jpg



Khi họ Lý đặt một dấu bằng giữa hai sinh mệnh thì cả hai đều đã đồng nhất. Núi Kính Đình to lớn vạm vỡ bao nhiêu trong vũ trụ thì người bạn tâm giao đang đổi thoại Vô Thanh với nó cũng có tầm vóc vũ trụ. Đạo Gia chẳng giảng rằng: Con người là Tiểu Vũ Trụ? Khi đả tọa, Độc Tọa đến mức "nhất tâm bất loạn", khi các chủng công năng xuất lai, khi "không trong ngũ hành, ra ngoài Tam Giới" thì việc đồng hóa cá nhân với vũ trụ và thoát Mê là chuyện có thật chứ không phải là hoang đường. 


Khốn nỗi, đó là con đường hoàn toàn khác với cái cách mà con người ngày nay coi người khác Mê tín nhưng thực sự họ đang Mê Tín. Họ coi Khoa Học thực chứng như một thứ Tôn Giáo. Những gì dùng đôi mắt phàm tục nhìn thấy thì mới tin. Trong lúc đó, bằng Thiên Mục Đệ Tam Nhãn, bằng cả vạn loại công năng được xuất lai trong quá trình Phản Bổn Quy Chân con người có thể nhận thức các thế giới khác không bị bó buộc trong cái khung chật hẹp mà khoa học đang phong kín mình bằng vô vàn các định nghĩa, các quy phạm sai lệch. 


Thực sự, Lý Bạch thấy mình rất lớn, lớn tự nhiên, sánh với Kính Đình Sơn khi ông Độc Tọa và Định một cách thâm sâu. Người nay không ai bước được vào cảnh giới ấy nên dùng đủ thứ áp đặt để Thường nhân hóa những điều Thần Thánh. 


Ai có điều kiện hãy vào Google để tìm hiểu về một Siêu Nhân là Trương Bảo Thắng. Thời  mình làm biên tập cho tạp chí Tài Hoa Trẻ, bao nhiêu độc giả mê con người này. Mình cũng ngỡ ngàng nhưng không thể không tin bởi các bằng chứng công năng của anh ta là quá hiển nhiên. 


Người xưa, tu luyện xuất hiện công năng là chuyện thường. Trong tu luyện, đặc biệt trong Độc Tọa họ có những trải nghiệm Thần Thánh. Phải vậy chăng mà họ có những bài thơ người thường chúng ta hiểu không hết dù chỉ có 20 chữ. Nó rất Đạm, không kèn trống với đủ thứ uốn éo tu từ, với đủ thứ trường phái biến dị như hôm nay. 


kd3.jpg


Núi Kính Đình như Lý Bạch và Lý Bạch như núi Kính Đình không đơn giản là khách thể hóa đối tượng để biểu đạt ý tưởng. Ở đây là sự Đồng hóa. Cả Khách lẫn Chủ là nhất thể. Núi có bao nhiêu giá trị thì họ Lý có bấy nhiêu. Và ngược lại.  


Núi lựa chọn Độc Tọa thì họ Lý thông qua Độc Tọa mà đồng cảm. Nhà thơ không dùng ngôn ngữ trực tiếp đến biểu hiện đồng cảm. Chữ TƯƠNG trong nghĩa gốc vốn là hai người đứng trong bóng râm mát của cây lá mà nhìn nhau. Chữ KHAN ( KHÁN) vốn là dùng tay che bớt chói chang để nhìn cho rõ đối tượng. Đó là cái nhìn của tri kỷ, tri âm, tri Tâm (tương tri). Hai đối tượng về hình thể tương đương mới có cái nhìn đó. Ông họ Lý khổng lồ đến mức nào? Đó là cái nhìn để Quán Chiếu để thu nạp năng lượng của Trí Huệ chứ không phải gom góp Trí Thức của thường nhân kiêu ngạo! 


 Vâng! Mặc cho người thế gian chuồi theo thế sự lựa chọn đủ đường. Anh lựa chọn sự mặc định an nhiên và Cho thật nhiều. Tôi cũng như anh. Cái Chí phải lớn tới mức nào, Trí Huệ phải đạt tới mức nào thì họ Lý mới đặt mình vào sự vĩ đại, vĩnh cửu để muôn đời chiêm ngưỡng như bao người đã từng nhìn núi Kính Đình. 


Cũng cần lưu ý tên núi “Kính Đình” mặc dù là Danh từ riêng nhưng nó có nghĩa là: Dừng lại để cho người ta kính trọng. Tầm cỡ của người khi đối diện với mâu thuẫn mà làm được  "Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, Lùi một bước biển rộng trời trong" đã là quá đáng nể rồi. Đằng này, dừng lại (ĐÌNH) khiến cho mọi người trân trọng, kính nể (KÍNH) thì quả là Thần Tiên rồi.  Độc tọa và đối thoại vô thanh với Kính Đình Sơn, người Trích Tiên này có lẽ đã minh BẠCH phần nào cái LÝ uyên thâm của Đạo Gia.


Có lẽ cuộc đọa đày một vị tiên xuống trần gian sắp kết thúc chăng?

Trước đây, ngoại mình ngâm ngợi và giảng cho mình theo cách khác. 

Hình như các nhà Nho xứ Nghệ có một dị bản khá phổ biến. Họ có câu thứ 3 là: 

TƯƠNG CỐ BẤT TƯƠNG YẾM 

Trong một bài bình thơ của mình ,Xuân Diệu cũng nói về chữ CỐ này.  Và ông đã dịch là:

“Bầy chim NHẤT LOẠT bay cao,

Bên trời, lơ lửng đám mây một mình. 

Trông nhau có vẻ hữu tình, 

Riêng ta ,chỉ núi Kính Đình mà thôi!”

Tương truyền, bài thơ sau đây cũng được cho là của Lý Bạch :

“Quân tại Tương giang đầu ,

Thiếp tại Tương giang vĩ

Tương CỐ bất tương kiến, 

Đồng ẩm Tương giang thủy”

(Chàng ở đầu sông Tương, 

Thiếp tận cuối sông Tương 

Ngoảnh  nhìn mà chẳng thấy 

Cùng uống nước sông Tương) 

Rất có thể họ Lý đã sử dụng chữ Cố. Và cũng có thể sau này nhà thơ đã định hình như hiện nay! 

Như vậy, ai nhìn ai mà :

CÙNG QUAY LẠI NHÌN NHAU MÀ CHẲNG CHÁN GHÉT NHAU?

Chính chữ CỐ (quay lại nhìn) đã khiến câu 3 gắn với 2 câu thơ trên. Hiển nhiên nó gắn với quan hệ của Đám Chim và Đám Mây. 

Rõ ràng trên bề mặt cuộc sống, phận ai nấy lo,linh hồn ai nấy giữ, quan niệm của anh không xung đột lợi ích của tôi thì cũng OK. Nói đúng hơn, cả Chim và Mây đang sống với cái Tôi vị tư,vị kỷ. Chúng thấy sự hiện diện của nhau trong một không gian, một hoàn cảnh nhưng chúng quay lại nhìn nhau là do tò mò hơn là để xung khắc quan điểm. Dĩ nhiên, trong cái bình yên vô sự ấy đã ngầm chứa những điều thị phi ,tật đố.



Câu 4 đứng tách riêng một cõi. Có bản đã dùng từ Duy nhấn mạnh ý hơn:
 

DUY HỮU KÍNH ĐÌNH SƠN

( Duy nhất chỉ có núi Kính Đình) 

Đây là đánh giá của người ngồi độc tọa. 

Mọi chấp dính vào Danh ,Lợi, Tình đem đến cho thế gian bao nhiêu cuống quít ,trầm ngâm. Cái hữu vi chi phối bao nhiêu quan niệm và hành động của Thường Nhân. 

Chỉ có Vô Vi ,thanh tịnh lấy “ Nhất Tĩnh chế vạn Động “ mới có được hạnh phúc thực sự. 

Dường như núi Kính Đình đã từng đi,từng thể nghiệm chân lý cuộc đời bằng hành động. Bây giờ thì nó ĐÌNH nghĩa là dừng lại. 
 

Nếu hiểu theo văn bản ban đầu, Cả hai đều ngắm nhau không chán. Núi Kính Đình cũng ngắm một người có chung quan điểm và hành động như mình không chán thì người ấy cũng dừng chân hồ hải dựng nhà bên núi để ngẫm suy không chán về bản lĩnh duy ngã độc tôn của núi, của mình. 
 

Nói theo ngôn ngữ hiện nay là người ấy đã không còn phụ thuộc đã đạt tới Tự Do tuyệt đối! 


Thế mới biết, để  có được  cái nội dung tư tưởng, cái hồn vía của thơ Đường thì phải có cái nhân cách Đạo Đức vô thường, siêu thượng dựa trên một triết lý rất uyên áo của Đạo và Phật. Khốn nỗi, đây lại là hai thứ con người hiện đại đã bài xích và gọi là "mê tín”. Dĩ nhiên người ta ở trong một hệ quy chiếu khác, cảnh giới khác, nên rất dễ hiểu bài thơ theo cách mà Lý Bạch có đọc bài họ viết, ông cũng chẳng hiểu gì! 



Tác giả: La Vinh



Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.