• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Con cu mái

Thứ ba - 05/09/2023 13:34


(Ảnh: ST)


CON CU MÁI
(Nguyễn Quốc Văn)


Trước ngõ nhà tôi trồng một khóm tre đằng ngà. Vừa làm cảnh, vừa lấy bóng mát. Từng đàn chim sẻ kéo nhau về đậu kín trên các ngọn cây. Chúng líu ríu gọi nhau, cãi nhau chí chóe. Nghe như một bản nhạc của sự sống vậy. Tôi có thói quen, vào những lúc thư nhàn, thường ra ngồi dưới gốc tre thưởng trà. Thả khói thuốc lên trời. Hy vọng tìm được ý tưởng mới lạ nào đó. 


Hôm tới thăm vợ chồng tôi, nhìn khóm tre thân vàng óng, lá xanh rờn, anh Vũ, một người bạn thân của chúng tôi, thích quá. Anh bảo giá có vài cái lồng chim treo ở đây thì thật tuyệt vời. Nói là làm, mấy ngày sau, anh mang tới tặng tôi một con chim cu gáy. Chỉ tay vào cái đầu tròn màu nâu nhạt, đôi chân ngắn đỏ hồng của con vật bé nhỏ trong lồng, Vũ bảo đó là một con mái. "Tiếng hót của nó sẽ làm trái tim anh loạn nhịp cho mà coi", anh nheo mắt, cảnh báo. Tôi cười. 


Từ hôm ấy, sáng nào tôi cũng thay nước uống, bỏ thêm thóc cho chim. Con chim cúi đầu lặng lẽ mổ thóc. Nó quay sang chén nước, ngửa cổ chiêu một ngụm, rồi bay lên đậu vào thanh tre cài ngang lồng, rỉa lông. Đôi mắt đờ đẫn của nó lơ đãng nhìn vào một cõi vô hình. Nó không nhìn tôi. Cũng không hót. Anh Vũ bảo, có lẽ nó buồn. Cha mẹ chim cu gáy thường đẻ mỗi lứa hai trứng. Đôi chim non khi nở, bao giờ cũng có một con trống, một con mái. Khi đã đủ lông đủ cánh, đôi chim non sẽ tự rời khỏi tổ ấm của cha mẹ và cùng nhau đi kiếm sống. Anh em chim cu gáy không bao giờ lấy nhau. Chúng chỉ kết trống mái với một đôi chim trẻ thuộc gia đình chim khác để tiếp tục sinh con đẻ cháu duy trì nòi giống. Con chim cu mái anh Vũ tặng tôi vốn mồ côi. Cha mẹ nó bị sa lưới của con người. Chim cu trống anh nó bị chết đói ngay sau đó. Riêng nó, nó được một người tốt bụng tìm thấy dưới gốc cây và giao cho anh Vũ chăm nom. Nó biết nó không còn gia đình. Lại bị nhốt trong lồng. Hỏi sao không buồn. "Nhưng thôi anh ạ", Vũ nói, "Biết đâu lòng từ bi sẽ làm con chim non thay đổi. Anh chị cố chăm sóc nó nhé". Tôi gật đầu. 


Thương chim, mỗi ngày tôi cho nó ăn một món khác nhau. Ngày thóc. Ngày gạo. Ngày đỗ đen. Ngày đỗ xanh. Ngày đỗ đỏ. Ngày lạc. Ngày kê. Tôi hứng nước mưa, chỉ để cho chim uống và tắm. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường bắc ghế ngồi gần lồng chim thưởng trà, hút thuốc. Tôi dạy chim "cúc cu, cúc cu" và cúi đầu chào mỗi khi tôi cho nó ăn uống. Con chim càng ngày càng đẹp và dễ thương hơn. Mỗi khi tôi đi đâu đó trở về nhà, nó lại nhảy lên thanh tre, đầu gật gật, mỏ cất tiếng "cúc cu, cúc cu" mừng rỡ. Tôi đi vắng, con chim biếng ăn hẳn. Các cháu tôi tới chơi bảo nó: "Cúc cu, cúc cu đi chim!", nó vẫn chỉ một mực im lặng. 


Cả nhà tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh con chim đón tôi. Nó vỗ cánh, gật đầu chào và cất tiếng gáy "cúc cù cu cu, cúc cù cu cu" với một thứ âm sắc cao vút. Tôi biết, không chỉ riêng tôi mới có thể cảm nhận được đầy đủ tiếng gáy ấy. Tiếng gáy của kẻ vừa bước qua thời niên thiếu, trái tim bắt đầu rạo rực vì một điều mơ hồ nào đó mà chính mình cũng chưa biết rõ. Điều đó đã trở thành hiện thực. Ba hôm sau, từ đâu đó trên thinh không xa thẳm, tôi bỗng nghe thấy vọng về những tiếng "cúc cu, cúc cu, cúc cù cu cu" trầm đục. Tiếng gáy gọi tìm bạn tình của một con chim cu trống cô đơn. Da diết. Khắc khoải. Mong đợi. Hy vọng. Con chim cu mái trong lồng bay rối rít. Rồi nó cất tiếng gáy "Cúc cù cu, cúc cù cu, cúc cù cu cu..." đáp lại. Hổn hển. Đau đớn. Xé ruột. Xé gan. Con chim chỉ ngừng hót khi tôi mang ghế ra ngồi gần chiếc lồng để uống trà và hút thuốc. Tôi nói với chim: "Mai tao sẽ thả mày về trời với chúng bạn. Được không?". Con chim như hiểu được tiếng người. Ánh mắt nó sáng rực lên. Nó thò cái chân bé nhỏ qua nan lồng như muốn chạm vào tôi. Chính vào giây phút ngắn ngủi ấy, con mèo đen nhà hàng xóm chồm tới, cắn đứt phăng ngón chân giữa của con chim. Con cu mái hết hồn vía, cánh cụp lại, nằm nép vào một góc lồng.


Mấy hôm sau, lúc tôi mang lồng chim tới công viên Tao Đàn, những đốm nắng đã lấp lóa rải kín mặt cỏ. Ngồi xuống chiếc ghế đá gần bức tượng mẹ bồng con, tôi từ từ mở cửa chiếc lồng. Con chim tỏ vẻ ngạc nhiên. Nó nhảy từng bước ngắn ra phía cửa lồng. Thò chiếc đầu nhỏ ra bên ngoài như thăm dò, con chim quay lại, cất tiếng gáy "cúc cù cu, cúc cù cu". Tôi vỗ nhẹ vào lồng, nói khẽ: "Ra đi chim. Rồi bay cùng chúng bạn đi. Đi đi". Con chim nhảy ra cửa lồng, bất ngờ vụt lên trời. Nó đỗ trên cành một cây sao cổ thụ, quẹt quẹt mỏ vào nhánh cây nâu thẫm. Từ xa, không rõ thật hay ảo, tôi thoáng nghe thấy những tiếng cúc cu trầm trầm vọng lại. Tôi thở phào nhẹ nhõm, lòng tràn ngập hi vọng. Nhưng kìa, con chim cu mái đã sà xuống, đậu vào vai tôi. Nó gại gại cái mỏ bé xíu lên vai áo người rồi đậu lên bàn tay tôi. Tôi tung con chim lên. "Đi đi. Bay đi. Nào...". Cánh chim chấp chới, chấp chới trong không trung. Con chim bay lên lần nữa theo tiếng cúc cu mơ hồ trong gió vọng lại. Rồi thật dứt khoát, nó sà xuống cái ghế tôi đang ngồi, nhảy vào lồng. Hướng về phía làn khói thuốc đang tỏa trắng tay tôi, đầu nó gật gật, họng nó gù gù tỏ ý mãn nguyện.


Không tự mình thả được chim về với tự nhiên, tôi mang con cu mái xuống Nhà Bè nhờ đứa cháu phóng sinh. Tôi dặn cháu chăm sóc chim chu đáo và chỉ được trả tự do cho nó khi nó tự nguyện bay đi. Theo lời cháu tôi kể lại, con cu mái không chịu rời đi cho dù cửa lồng luôn được mở sẵn. Vào mỗi buổi sớm, con chim lúc thì gù gù, lúc thì gáy những hồi dài "cúc cu cúc cù cu" cao vút. Những âm thanh da diết bay theo chiều gió, lan tỏa khắp thinh không. Và thật lạ lùng, một đàn chim cu gáy đã xuất hiện. Đàn lẻ, chỉ có ba con. Chúng đậu trên một cây tràm đang nở hoa, gáy những tiếng cúc cu đa tình quyến rũ. Con chim cu mái lưỡng lự ra khỏi lồng. Nó ngước nhìn bầu trời xanh thăm thẳm rồi đột ngột bay về phía cây tràm, đậu xuống bên cạnh con cu trống lẻ đôi. Hai con chim gù gù, mỏ khẽ chạm vào nhau. Như nhận ra bạn tình từ tiền kiếp, chúng cùng gáy lên một hồi dài rồi sải cánh hướng về biển Cần Giờ.


Tháng bẩy năm nay, cả nhà tôi đi chơi ở Rừng Sác. Ngồi trên ca nô, len lỏi trong các khu rừng đước xanh ngút ngát tới tận chân trời, chúng tôi gặp hàng trăm con khỉ đang leo trèo, trêu ghẹo nhau trên những cành cây. Và cò thì nhiều vô kể, đậu trắng xóa cả cánh rừng ngập mặn. Ra tới đảo Thạnh An, cả nhà tôi ngồi ăn trưa dưới một gốc xoài già trĩu quả. Tôi bỗng nghe thấy những tiếng gù gù, tiếng gáy cúc cù cu quen thuộc. Rồi một đàn chim cu gáy sà xuống. Một con khẽ đậu vào bàn tay tôi đang xòe ra đón nó. Con chim vừa cúc cu vừa gật gật đầu chào. Tôi giật thót người khi nhìn thấy bàn chân con chim thiếu ngón giữa. Trong chốc lát, đàn chim đã lại tỏa lên trời. Không biết vô tình hay hữu ý, một chiếc lông tơ của con cu mái đã vương lại trên tay tôi. Đó là kỉ vật của tự do hay tình yêu, cho tới tận bây giờ, tôi vẫn chưa cắt nghĩa được…


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.