- Tản Văn
Thao thức nỗi niềm quê
Thứ hai - 03/02/2020 21:35
Bài tản văn này viết về tục "đụng lợn" ở miền Bắc xưa. Ngày ấy, người nghèo không có điều kiện để mỗi nhà có thể mổ một con lợn ăn Tết. Song, dù chỉ có một đùi lợn, hay ít hơn thế, người nông dân vẫn tìm ra cách để như có đủ cả một con lợn dâng cúng các vị thánh thần và tiên tổ… Tôi viết bài này thay cho một nỗi nhớ quê nhà, nhớ những người muôn năm cũ. Cũng như cố đi tìm ở nơi vĩnh hằng vẻ đẹp trong nỗi buồn của kiếp người.
Sài Gòn vào Tết chan hòa nắng. Đứng ở ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa lúc bị kẹt xe, tôi vô tình ngước lên trời. Giữa hai tàn cây bên đường, không gian chiều ngang như hẹp lại, đẩy cái nhìn lơ đãng của tôi vút lên trời. Trời xanh thăm thẳm sắc bình yên. Hình như ở đây là cái màu xanh ngắt được nhận ra từ ngõ trúc trong thơ Yên Đổ... Hình như đó còn là cái màu xanh - "một màu xanh Quảng Trị - đất nước hai miền có chia đâu" khắc khoải năm nào trong thơ ai...
"Xanh kìa, cha nội", ai nhắc cùng tiếng động cơ rộ lên giòn giã, hối hả khiến tôi quay về thực tại, rồ ga, vào số, chạy qua dinh Thống Nhất, ra chợ Bến Thành.
Sống ở Sài Gòn đã lâu, tôi vẫn giữ lối xưa, đi "đụng lợn" theo lối mới. Được cái thời kinh tế thị trường người bán hàng nào cũng đon đả, chiều khách nên yêu cầu khó tính của tôi được một cô bé bán hàng đáp ứng ngay bằng một lời hẹn nghe mát cả ruột gan: "Chú cứ đi đâu đó, chừng một giờ rưỡi quay lại, con lo cho. Con hứa danh dự đó chú". Tôi đặt cọc gấp đôi số tiền định mua thịt, cô bán hàng gạt đi: "Khỏi, khỏi chú ơi! Con đã nói lo là lo mà. Ngày Tết...". Sướng thật!
Ngồi bên ly cà phê đen, nhìn sang bên Thủ Thiêm, tôi bỗng nao lòng khi thấy khói bếp nhà ai vương lên trời một vài sợi mỏng...
Quay sang quán bên, mấy cô gái đang rúc rích cười, vẻ mặt và áo quần rực rỡ như hoa. Lấp ló trong nắng sáng xuân vàng, hoa thược dược, hoa cẩm chướng, hoa mào gà... khoe sắc nắng hoặc sắc cờ...
Tự nhiên trong tôi thức dậy nỗi nhớ quê da diết. Ai tha hương không da diết nhớ quê? Vào tiết xuân, quê tôi mờ trong mưa bụi. Mưa xuân li ti giăng mắc, bay nhảy trong gió nhẹ. Thảng lúc, có một cơn gió mồ côi chợt ào đến, những hạt mưa như bụi đang lơ lửng kia như bay ngược lên, nước như vỗ vào trời, đất trời như hòa làm một.
Khi ấy tôi còn bé tí. Tóc vàng khét nắng gió đồng quê. Bốn mùa áo nâu sòng lưng vá, cúc hai bên vạt áo trèo cây nhiều đứt hết, ngực gầy cứ phơi ra.
Thôi rồi mừng hết chỗ nói! U tôi đã mang áo quần mới về. Con nhà nghèo, khỏi phải đến hàng may. Chiều qua, u tôi bảo tôi cởi trần một buổi cho nó mát, người lẳng lặng mang tấm áo vá của tôi ra hàng may, ông thợ cứ thế mà may áo mới bằng cách nới rộng, nới dài mỗi bộ phận ra một tí... Tôi mặc liền áo mới, chạy ra ngõ, những mong có một đứa bạn nào trông thấy rồi sẽ cởi áo cất đi chờ Tết. Ngõ hun hút tre xanh...
Bố tôi đi đụng lợn đã về. Ông ngồi lom khom trên tấm phản lim đen bóng, rít một hơi thuốc lào, nõ điếu kêu lên tóc tóc vui vẻ, ngửa mặt lên trời khoan khoái để thở khói thuốc xanh mờ. Xong, ông bảo: "Nhà ta năm nay ăn Tết to cu ạ. Bố đụng những một đùi lợn đấy!". U tôi đang ở ngoài bậu cửa bỏm bẻm nhai trầu, nghe thấy thế vội nhổ bã trầu, chen vào: "Chết, chết... nhà mình vụ này mới đủ thóc ăn. Ông đụng nhiều thế, ăn nó phí đi...". "Thôi bà ạ, đói cả năm cả đời, ai đói ba ngày Tết? Bà để yên cho chúng nó vui...". U tôi nghe bố tôi nói vậy, lại lấy trầu cau ra têm, ngồi chậm rãi nhai, mắt sáng những tia vui.
Tiếng lợn kêu eng éc lúc bị trói giò, hay ò ò ò... hộc hộc lúc được hóa kiếp cuối năm đây đó đã vang lên, bị lũy tre làng ken dày cản lại, như hất ngược lên trời. Từ sớm "ông Táo về trời" (23 tháng Chạp), tôi đã nôn nao hỏi bố bao giờ thì con lợn đụng nhà tôi được thịt. "Sáng 29. Trưa, bố sẽ cúng tổ tiên". Thành thử bữa ấy tôi phải trần truồng lội xuống ao xuân lạnh giá, lấy chân khua nước, tay đập gậy trên mặt nước lùa cá vào vó cho bố. Được vài con cá. Rán giòn hết. Chỉ tiếc và không hiểu sao bố tôi giữ con cá chép lại, con chép to nhất, ngon nhất, cúng xong, đem ra sông thả. "Để cho nó hóa rồng con ạ. Rồi con rồng ấy đưa ông Táo, bà Táo về trời... Họ quanh năm vất vả khói rạ rơm, giờ về trời báo tin vui nhà ta hết đói, kể cũng sướng! Bố cứ nghĩ bao nhiêu năm nay vợ chồng ông Táo nhà mình không nỡ kể cảnh nhà ta! Giờ thì...". Bố tôi buông lửng câu nói, tay đặt cả cái chậu có con cá chép, dìm xuống bến sông, mắt lại hướng lên trời đang giăng đầy mưa bụi...
Rồi cái ngày mong đỏ mắt ấy, cái ngày hăm chín tháng chạp quyến rũ ấy, cũng đến. Cả nhà tôi dậy từ lúc sáng mờ. Tôi mang một cái rổ tre theo bố. Con trai trưởng có khác, được quyền nhận và bê rổ thịt về nhà... Tôi vẫn còn nhớ như in, con lợn năm ấy mõm ngắn cũn, lông đen nháy và xoắn tít, thân thon, bụng hóp - giống lợn ỉ chậm lớn - chỉ vẻn vẹn chưa đầy ba mươi kí lô. Dù vậy, tôi vẫn đủ để hãnh diện với đám bạn nghèo: nhà tôi đụng một đùi lợn! Lớn bé gì thì một đùi lợn cũng vậy mà thôi. Một đùi lợn!...
Một đùi lợn có nghĩa là một con lợn đấy! Đủ một phần từ thủ lợn, lưỡi lợn, vai, mông, chân giò, tim, gan, phèo phổi... " Ông cha mình nghèo ăn lấy thơm lấy thảo, ăn lấy hương, lấy hoa... chẳng cốt no, chỉ cốt đủ...", bố tôi bảo thế. Cái no và cái đủ, về sau đi học, vào đời... tôi vẫn nhớ như một lời răn. Cái no dành cho kẻ đói, cái đủ dành cho kẻ thanh. Kẻ thanh liêm, thanh cao, thanh đạm... hướng về cái đủ theo nghĩa tinh thần. Người thờ tổ tiên trọng tinh thần hơn vật chất, không thể không cố lo cho đủ lễ, nếu có điều kiện. Lúc nghèo, chỉ một bát nước trong, một nén nhang cũng là đủ. Về ý này có lần tôi đã hỏi bố tôi. Bố tôi vuốt râu, cười mà rằng: "Tổ tiên ta vốn rồng tiên. Rồng ở nước. Tiên ở núi. Bát nước trong là biển. Nén nhang là rừng cây thu nhỏ lại... Đặt hai vật ấy gần nhau, khác gì làm một bài thơ... Cụ đồ có dạy con vậy không?". Tôi lại lấy một bát nước trong, thắp một nén nhang cắm vào bát nhang hình như đôi lúc nhãng khói hương... Bên tai đã thoảng lời bố, áo chùng, khăn đóng, kính lão giương lên cuốn bài vị: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Nhất thứ Nguyễn Văn đồng gia đẳng... lòng thành dâng... tiên tổ... quốc gia...". Mỗi lời là một tiếng "sít... suýt" thoát ra từ hai kẽ răng dính lại, lưỡi đẩy lên vòm ngạc, suýt xoa thành kính. Trước tiên tổ, bố tôi chỉ nhìn vào cuốn bài vị, đọc xong bao giờ người cũng cúi đầu, mắt nhìn xuống ngực nhưng không mở to, tiếng cứ nhỏ dần, nhỏ dần...
Tôi chỉ thực sự biết bài văn cuối năm kết thúc khi bố tôi phủ phục xuống nhiều lần rồi đứng lên trang trọng rót rượu từ cái chai đã mở nút lá chuối hột vào các chén mắt trâu, so đũa, kêu tôi đơm cơm cúng, múc nước trong...
Chợt tỉnh nỗi niềm, tôi hốt hoảng nhìn đồng hồ. Ô, không mang theo! May thay, quay lại chợ, cô bé bán hàng vẫn còn chờ, trách: "Con mong chú đỏ cả mắt. Cứ ngỡ... Song nghĩ người tỉ mỉ thế, không thể sai lời!"... Tôi ậm ừ xin lỗi. "Con lo đủ rồi đó. Chú cứ yên tâm. Y chang lời chú dặn...". Giỏ thịt lợn Sài Gòn cũng y như rổ thịt lợn năm xưa! Khác là tôi đã lớn, đã phong trần, tóc đã muối tiêu...
Cho đến lúc mâm cỗ tất niên vợ tôi bày lên bàn thờ, tôi bỗng hốt hoảng thấy không có trên dĩa lòng những lát tim nâu đỏ, mịn màng. Xem kỹ, vẫn không thấy...
Dặn vợ qua quít, tôi phóng xe ra chợ. Cô bé mếu máo bảo: "Con đợi chú hoài... chỉ sợ chú hiểu lầm, tội nghiệp con. Trái tim này, tiếc không phải của con heo đó. Con xin lỗi, xin lỗi... Con xin biếu...". Tôi nói thế nào cô bé cũng nhất định không nhận tiền. Giữa Sài Gòn gió bụi, tôi bỗng như gặp lại dáng xưa chân chất, thật thà nơi khoai lúa…
Nguyễn Quốc Văn