- Tản Văn
Thất tình
Thứ năm - 30/01/2020 21:58
Đã có bao giờ bỗng dưng bạn phải bận rộn với nhiều tin nhắn, nhiều tâm sự của bạn bè, chỉ vì một lý do không mới là người ta đang bị “thất tình” đây? Hình như ai cũng có chung một chia sẻ, một nhắn gửi, rằng mình muốn buông, muốn thoát, mà sao khó gỡ quá. Cái chữ “tình” này, một khi nó đã vướng vào ai, mắc vào ai thì nó “bám” dai lắm. Nếu bạn đã từng có dịp được bận rộn với chia sẻ như vậy thì hãy cùng tôi “đối diện với thế giới ảo, bỏ lại đằng sau lô nhô loài người”, để tản mạn về cái sự nhớ, cái sự quên, và sâu hơn chút nữa là về chữ Tình.
Hóa ra là các trải lòng đều rất đa dạng: có người thì vướng vào cái tình thân quyến, hàng xóm láng giềng, có người thì là tình cảm vợ chồng, nam nữ. Một bạn kể rằng bà già nhà mình, đã 60 tuổi rồi, bao năm nay ở vậy, mà giờ đây, vẫn bị vướng vào chuyện tình cảm với một ông ở tổ hưu trí. Có bạn thì tự nhiên phát hiện thấy chồng mình đang có biểu hiện quan hệ “ngoài luồng” với một đồng nghiệp. Có đứa đang vật vã đau khổ, muốn bỏ tất cả, sẵn sàng xuống cả địa ngục, để đến với người đàn ông của nó. Rồi có đứa đang yêu thầm nhớ trộm, yêu trong tâm tưởng trong khi mình vẫn đang thấy nó hạnh phúc bên vợ nó. Các tâm sự cho thấy là họ đang bị vướng vào THẤT TÌNH.
Nhắn tin hỏi một đứa bạn thân: “Đang yêu à?”, Nó thú nhận: “Ừ. Tự nhiên tao thích một người. Chợt thấy người ta hay hay, nên cứ đắm đuối, nhớ nhung, như thể không có cách nào gỡ được ấy”. Tôi trêu: “Nhìn cái mặt mày trên facebook biết liền. Tự nhiên khác khác”. Nó bảo: “Thế tao mới khổ”. Thật ra, cô bạn tôi là người đa sầu đa cảm, nên việc bị vướng vào chữ tình cũng dễ hiểu. Nó có giọng đọc thơ rất truyền cảm. Nhìn nó đọc thơ, tôi thường nhớ tới nhà thơ họ Lê tên Bính. Khi ông đọc thơ, có cảm giác như lúc đó ông không còn là ông nữa, mà đích thị là một con nhang đang đắm đuối trong một giá hầu đồng. Cả người ông như bốc lên ngọn lửa mê hoặc, phiêu linh.
Bây giờ quay lại với chữ Tình.
Hồi nhỏ, cứ nghe đến “thất tình” là tôi nghĩ ngay đến tình trạng một người đang rất đau khổ, yêu lắm, say lắm, nhưng bị người kia bỏ rơi. Thậm chí, có người vì thất tình mà hóa điên hóa dại, ngớ ngớ ngẩn ngẩn. Nghe đến thất tình là thấy sợ rồi. Sau này, tôi mới hiểu được người xưa nói thất tình là có ý khác. Đó là xuất phát từ câu “thất tình lục dục”, tức là bảy loại tình cảm và sáu loại ham muốn của con người. Thất tình ở đây có thể kể đến là tình cảm thân quyến, cha mẹ, con cái, bạn bè, vợ chồng, nam nữ… Đủ thứ đủ loại biểu hiện của chữ tình. Và ai ở cảnh nào thì hiểu cái dày vò của tình ấy.
Khi các Thần ở cảnh giới cực cao, cực cao sáng tạo ra Tam giới, trong đó có cõi hồng trần của chúng ta, hẳn các Ngài đều có ý lưu lại cho loài người những an bài rất khác để họ quay về. Một trong những thứ mà các Ngài hữu ý an bài là tạo ra cho loài người vòng kim cô với ba chữ: Danh-Lợi-Tình. Ai tu bỏ được ba chữ ấy, chính là đã thoát khỏi vòng kim cô, thoát khỏi tham sân si, tức là đã ngộ ra, đã thấy đường trở về.
Những ai đã đắc Pháp, hẳn ngộ Đại đạo là chí giản chí dị. Mọi thứ đơn giản lắm. Chân lý tối hậu của vũ trụ đơn giản lắm. Nhưng con người đang sống ở cõi mê nên việc buông bỏ ba chữ Danh Lợi Tình này thì không dễ dàng chút nào. Vì nó là tự ngã đấy. Vì ba chữ này mà loài người trong suốt cuộc chơi chốn hồng trần này cứ lao vào tranh tranh đấu đấu. Ba chữ ấy nó trói người ta ghê lắm. Vướng vào chữ nào cũng khổ cả. Người vướng vào danh chỉ vì muốn chút danh tiếng mà phải lao tâm khổ tứ trong chốn quan trường, tới mức sẵn sàng quên mất cả bản thân mình để kiếm chút hư danh. Người ham lợi chỉ vì chút tiền tài như cát bụi phù du mà bất chấp tất cả để chiếm được lợi lộc hơn người, kể cả những gì vốn chỉ an bài cho người khác.
Người bị vướng vào chữ tình là khổ nhất. Bởi nợ tình qua bao kiếp luân hồi là chồng chất, kiếp này không trả được, kiếp sau phải trả nhiều hơn; có lúc tưởng đã trả được rồi nhưng hóa ra không phải, thậm chí còn là đang tạo ra nghiệp mới. Riêng với người tu, dù là tu ở chùa hay ở ngoài đời thường, thì hễ cứ vướng vào chữ tình thì là khó đoạn lắm. Bởi nó không phải là cái đau đớn khổ sở của thân thể, mà là từ trong tâm can người ta. Con người có thể không màng đến hai chữ danh lợi, nhưng đã làm người là họ bị buộc vào chữ tình, sống vì cái tình. Họ đau khổ hay hạnh phúc, nhàn nhã hay vất vả ngụp lặn loay hoay trong cuộc đời cũng do chữ tình nó xoay cả. Chữ tình là của riêng mỗi người và cũng là chẳng của riêng ai. Ai tu mà chẳng muốn thoát khỏi cái cảnh oái oăm không đáng mắc này.
Có câu rằng cuộc sống nhân gian chỉ là hư ảo, là sương khói, là huyễn hoặc. Mọi sự nơi đây chỉ là giả tướng thôi, không phải là sự thật đâu. Thì cái duyên cái nợ ấy, nó vô tình lắm, oái oăm lắm. Có khi cứ tưởng là hữu duyên mà lại vô duyên. Có khi một lần đa đoan, vướng vào cái duyên rồi phải mấy lần trả nợ ấy chứ. Bởi có nợ thì phải trả. Nợ trước chưa trả được mà lại thêm nợ mới, thì chắc đời sau, kiếp sau lại phải trả tiếp, lần sau phải trả nặng hơn, có khi phải trả gấp đôi gấp ba ấy chứ. Cái tình nó là như vậy, nó là sự vay trước trả sau, luân hồi nhân quả - nỗi niềm ấy quả giống như lời thơ trong bài “Đường trần duyên nợ đến đi vô tình”:
Thôi đừng hờn dỗi làm chi
Đường trần duyên nợ đến đi vô tình
Một lần vướng lúm tiền xinh
Mấy đời ngồi gỡ cái tình đa đoan.
Quay về bến dọc đò ngang
Hỏi còn ai nhớ người sang cùng mình?
Còn ai ghi bóng tạc hình
Trăng vàng mây bạc đinh ninh một lời?
Bao năm bao kiếp bao đời
Quẩn quanh lưu lạc luân hồi bể dâu
Duyên tình trao gửi nơi nhau
Cũng là vay trước trả sau thôi mà...
Có lần, gặp một bạn trà. Bạn ấy bảo: Người nào mà dành thời gian cùng bạn uống trà mỗi ngày thì đó chính là tri âm, tri kỷ. Bạn ấy nói dông dài về cái kiếp luân hồi của con người. Lại còn giải thích cho tôi về khái niệm tri âm, tri kỷ, tương tri. Rồi lại kết một câu thơ mới học được, về duyên tình nơi nhân gian, ngẫm thấy hay:
Trăm năm trước ta đâu có gặp
Trăm năm sau biết có gặp không?
Nhà Phật cũng giảng có được thân người khó lắm. Phải trải qua bao kiếp tu, tích được bao nhiêu Đức mới có được thân người. Có được thân người rồi mà không biết trân quý những ngày tháng còn lại ở trên đời để mà tu trở về đi thì biết đến kiếp nào mới có được cơ hội có thân người, có Phật Pháp như thế này. Đã đắc được Phật Pháp rồi thì phải tự mình tinh tấn, rũ bỏ những vướng mắc, nợ nần, những sự “tình” hão huyền nơi trần thế, để rồi có thể trở về nơi chốn đích thực mà mình đã được sinh ra. Trên con đường trở về, có thể sẽ có những lúc mệt mỏi, khó chịu, nhưng tốt nhất, bạn nên chỉ nhớ những gì cần nhớ và phải quên những cái cần quên. Như thế thì hành trang trở về của bạn mới có thể nhẹ nhàng được. Và rồi, các bạn sẽ nhẹ bẫng bay lên tựa như một nốt đàn!
Trần Huyền Tâm