• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Phố Làng

Chủ nhật - 01/12/2019 11:58

Tôi là một Người Nhà Quê một trăm phần trăm - tôi nghĩ thế - dù tôi sinh ra ở... Phố - Phố Tăng (thuộc làng Tăng) xã Phú Châu – Đông Hưng – Thái Bình. Làng tôi thật may may mắn vì được làm “vệ tinh” của những làng “ngôi sao” xung quanh. Phía  Bắc, làng tôi giáp LÀNG BÙI (xã Phong Châu), nơi có đặc sản RAU CẦN ngon nổi tiếng khắp vùng. (Cạnh làng BÙI lại là LÀNG KHUỐC – một trong số những LÀNG CHÈO cổ nhất Việt Nam). Phía Đông, làng tôi kề LÀNG NGUYỄN – nổi tiếng “toàn phần” - là quê hương của BÁNH CÁY, KẸO LẠC và các loại quà quê, tất cả đều rất ngon. Người làng Nguyễn buôn bán giỏi, học cũng giỏi, nhiều người thành đạt và cũng kiên cường trong kháng chiến chống Pháp, được Bác Hồ tặng cờ có năm chữ vàng “Làng-kháng-chiến-kiểu-mẫu”. Phía  Tây làng tôi là Làng LỊCH ĐỘNG (xã Đông Các) có nghề làm KÍNH MẮT “siêu giá” bán khắp cả nước! Ở bên những người nổi tiếng, ta có thể được thơm lây hay bị lu mờ, nhưng ở bên những làng - nổi - tiếng thì làng tôi được hưởng toàn cái lợi, “gần đèn thì rạng” mà!

Nhà tôi may mắn ở cái vị trí “Phong thủy” của làng  – PHỐ TĂNG!!! Tôi cũng không hiểu cái tên “rất oai” ấy có từ bao giờ... Phải chăng vì nó ở cạnh đường 39A (nối Thái Bình với Hưng Yên, Hải Dương) dù ngày ấy chỉ có khoảng hai chục nóc nhà thuộc hai xã Phong Châu và Phú Châu? Có lẽ đoạn đường này được gọi là Phố vì nó có mấy cái quán nước (trong đó có quán nước chè xanh của bà ngoại tôi). Một quán phở duy nhất của bà Ứng béo - đây có lẽ lá quán “oai” nhất ở chốn nhà quê bấy giờ - vì ngày ấy, mấy ai có tiền ăn phở. Cuối phố có chi nhánh nhỏ của Liên đoàn địa chất đang khoan thăm dò dầu khí tại mấy điểm ở xã Phong Châu. Đây là một trong những “cơ quan” nhà nước lớn nhất làm nên sự khác biệt cho cả một vùng nông thôn chỉ có đất và lúa như vùng quê tôi. Nhờ có nó mà trẻ con nhà quê hai xã lân cận Phong Châu, Phú Châu chúng tôi được nhìn ngắm từ sớm những chiếc xe cần cẩu có cái vòi dài ngất ngưởng,  đầu vòi có một cái móc “cực khủng” (dù không biết nó dùng làm gì) thỉnh thoảng lại lừ đừ đi về qua phố. Xe cần cẩu ngày ấy kềnh càng, cánh tay cẩu không tự động gấp gọn như bây giờ. Trung tâm Phố tôi là một nhà Bưu Điện, nơi liên lạc thư từ, điện tín, báo chí, bưu kiện của sáu xã (Phong Châu, Phú Châu, Trọng Quan, Hợp Tiến, Minh Châu, Đồng Phú). Cái “cơ quan thông tin liên lạc” quan trọng của cụm xã ấy ngay sát ngõ nhà tôi, trên đất do nhà tôi hiến tặng. Nó chỉ là một nếp nhà tranh, gồm hai phòng, không có công trình phụ: một phòng ở của gia đình nhân viên bưu điện (Chị Kha), một phòng giao dịch. Sinh hoạt của gia đình cô nhân viên bưu điện nhờ vào các nhà dân xung quanh (trong đó chủ yếu là gia đình tôi) và một dòng sông gần đó. Cái trạm bưu điên bé tẹo ấy chính là “ống kính viễn vọng” đầu tiên để tôi “nhìn ra thế giới”. Vì mối quan hệ khá thân thiết ấy mà tôi được ra bưu điện đọc nhờ báo Thiếu niên Tiền phong phát hành thứ  sáu hàng tuần. Ngày ấy báo chí hiếm, quí và hấp dẫn với trẻ thơ còn hơn cả Gêm (Game) bây giờ, vì có mấy ai được sờ vào tờ báo, chứ chưa nói đến đọc nó. Chính những tờ báo ấy là Người Thầy đầu tiên đưa tôi đến với niềm yêu thích văn chương và mở lối nhỏ đầu tiên cho tôi trở thành học sinh giỏi Văn từ khi học lớp 2. Tôi cũng được biết đến các sáng tác của Búp trên cành với các tên tuổi “Vang bóng một thời” như Lê Quang Đôn, Bùi Thanh Huyền, Vũ Huy Thông, Phạm Lan Anh, Nguyễn Thị Toán… từ những tờ báo đọc nhờ ấy – trước khi trở thành một thành viên của “Nhà Búp”. Đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc ba bài thơ Thư gửi ba của chị Huyền, Trên trang sổ của mẹ của chị Tâm và Buổi sáng ở Thuận Vi của chị Phạm thị Lan Anh – đăng trên báo khi được giải.

Chị cả tôi kể: Phố Làng nhà tôi xưa rất đẹp, vẻ đẹp đặc trưng của một làng quê đồng bằng thuần nông như quê tôi. Kề bên mặt đường, là ngôi Chùa Khánh Lâm, khuôn viên rộng và nhiều cây cổ thụ. Đình làng sau Chùa cũng to đẹp, vây quanh có ba cái ao rộng, giếng nước trong vắt, có những cây gạo cổ thụ mọc quanh. Sau này lớn thêm, được đi học bồi dưỡng học sinh giỏi văn ở nhiều nơi trong huyện, tôi tưởng tượng ra cái cảnh ấy – khi được đến những ngôi làng khác tương tự như vậy. Khi tôi lớn lên, Đình và Chùa đều bị phá trong Cải cách ruông đất, chợ đã chuyển đi nơi khác. “Phố Cổ” của tôi chỉ còn cái “siêu thị” lớn nhất của cả xã có cái tên “Cửa hàng hợp tác xã mua bán xã Phú Châu”. Nơi có ngôi chùa năm xưa được thay bằng một dãy nhà to và dài, gọi là “Hội trường thêu”. Đó là nơi tập trung xã viên làm nghề phụ của hợp tác xã, gồm toàn các chị còn trẻ, phần lớn chưa có chồng, thêu trên khung lụa. Ngày ấy, ở nông thôn dường như không có khái niệm đóng cổng nhà. Nhà tôi như cái trụ sở công cộng vì thường xuyên có các cô các chị ở Hội trường thêu vào uống nước, rửa mặt, chân tay khi buồn ngủ và những nhu cầu  khác.

Tuổi thơ tôi biết bao lần đến đây xem thêu, xin và nhặt những sợi chỉ thừa bị bỏ đi để đan rọ đựng quả thị, hay khâu nhằng nhịt vào cổ, gấu, tay áo – đó là một cách “làm đỏm” của trẻ con nhà quê bấy giờ. Thỉnh thoảng, các chị lại dụ tôi diễn Chèo (thường là màn Thị Màu lên Chùa trong vở chèo Quan Âm Thị Kính). Phần thưởng trả công cho những vai diễn (Cả Thị Màu, Mẹ Đốp, anh Nô, chú tiểu) là những sợi chỉ thêu nhiều màu sắc… những sợi chỉ mỏng manh nhưng  đủ để dệt nên bao chiếc Cầu - vồng – mơ - ước trong lòng bàn tay nhem nhuốc của những đứa trẻ nông thôn như tôi lúc bấy giờ. Và những mẫu thêu tuyệt đẹp dưới bàn tay khéo léo của những cô thôn nữ hiền hậu, “như những ngụm nước mưa” ấy cũng mãi mãi in đậm trong tôi - như những bức tranh họ thêu. Đó là những bức họa đầu tiên của người nghệ sỹ mà tôi được chiêm ngưỡng bằng tất cả sự hồn nhiên, trong trẻo của tâm hồn trẻ thơ, ngay từ khi nó mới chỉ là những  nét phác thảo. Sau này nghề thêu không còn ở quê tôi, nên mỗi lần đi vào Huế, vào Đà Lạt, nhìn những nghệ nhân bên khung thêu, tôi lại nao nao nhớ về hình ảnh của những thôn nữ mặc quần lụa đen, áo trắng, tóc dài thơm mùi lá bưởi nghiêng đầu bên những khung thêu mà cả một thời tuổi thơ trong Phố Làng tôi đã quá quen thuộc.

Phố Tăng của tôi ngày ấy trở nên đặc biệt (hơn cả thị trấn Cầu Nguyễn - thủ phủ chính của huyện Đông Hưng, cách nhà tôi chỉ hơn hai cây số) vì có bóng dáng của những người nghệ sỹ Chèo, thế hệ đầu tiên của nhà hát Chèo Thái Bình bây giờ. Cách nhà tôi vài mảnh ruộng và một cái ao đình là nơi ở của đoàn Chèo Thái Bình. Diễn viên và nhạc công của đoàn Chèo khi ấy nhiều người ở Làng Chèo nổi tiếng (Làng Khuốc) cạnh xã tôi và các xã bên cạnh. Sự xuất hiện của những “bóng hồng” nghệ  sỹ ấy làm “sang trọng” cho cái Phố Làng bé nhỏ của tôi, và mang đến cho những đứa trẻ làng như tôi một cuộc sống tinh thần phong phú hơn – dù đơn giản chỉ là hàng ngày được nghe tiếng trống dạo của đoàn chèo bắt đầu buổi tập. Tiếng trống dạo rộn ràng, nao nức ấy đã làm xao động tâm hồn bao đứa trẻ như tôi, để rồi rất tự nhiên, nó làm cho “máu Chèo” cứ âm thầm chảy ở vùng đất này từ đời này qua đời khác, dù có lúc chới với hụt hơi, nhưng không bao giờ tắt lịm. Tôi còn nhớ, cứ vào khoảng hơn bảy giờ sáng (ngày xưa không mấy nhà ở nông thôn có đồng hồ), khi tiếng trống chèo nổi lên là lũ trẻ trong làng đang làm gì cũng khựng lại, dỏng tai nghe và không ít đứa…. nuốt nước miếng. Tất nhiên, rất ít đứa được cái diễm phúc: đi xem văn công tập Chèo, vì trẻ nhà quê cũng có bao việc phải làm. Cho nên, phần thưởng và  “tội đồ” sinh ra từ tiếng trống Chèo cũng không ít. Biết bao đứa bị đòn roi vì tội trốn học, trốn việc đi xem Chèo… Còn tôi thì thỉnh thoảng lại nhận được một “đặc ân” trong câu dỗ dành “Làm xong đi, rồi bu cho đi xem Chèo”…

Bu tôi kể rằng bác gái (chị ruột bố tôi) thời thiếu nữ cũng là một kép hát nổi tiếng của gánh hát Chèo Làng Tăng. Bác tôi không cao lớn nhưng lại sắm những vai nam rất giỏi và có tài múa kiếm, múa gậy – một vai chèo khó trong các tích xưa. Sau này, con gái của chú ruột tôi lấy chồng bên làng Chèo cổ, đã sinh ra một cháu gái “nối được nghiệp xưa” của cha ông, sau một đời thất truyền. Ngày ấy, tôi cũng mê Chèo như nhiều đứa trẻ ở quê. Đoàn Chèo rất gần nhà tôi, nên tôi cũng là khán giả thường xuyên của những buổi tập vở mới. Một trong số những người nhạc trưởng đầu tiên của đoàn chèo (chú Thế Quang) là khách trà thường xuyên của thầy tôi, nên tôi hay được ông cho ngồi trong lòng, đọc truyện cho nghe, và thỉnh thoảng chú dạy tôi ê a mấy câu chèo khi cùng đung đưa trên chiếc võng đay mắc ở góc vườn. Ngày ấy, vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính là niềm say mê tự nhiên của bao thế hệ người nhà quê chúng tôi. Sau này lớn lên và học văn, tôi phần nào hiểu được giá trị và ma lực của Chèo với người nghệ sỹ cũng như với người dân quê tôi... Nhưng ngay từ ngày ấy, nó đã có sức hút mãnh liệt với những đứa trẻ chẳng biết gì về Chèo và cũng không có cả năng khiếu hát Chèo như tôi. Tôi xem đi xem lại vở Chèo Quan Âm Thị Kính, xem bao lần mà không biết chán, và cứ rơi nước mắt khi xem đến đoạn Thị Kính bế con đi xin sữa. Giai điệu của điệu chèo cổ ấy đặc biệt ám ảnh tôi, từ ngày bé, dù tôi không hiểu vì sao. Tôi nhớ, đó cũng là giai đoạn cô Thúy Hiền (Vợ Nghệ sỹ nhân dân Văn Mởn), thử vai Thị Màu để dự liên hoan Nghệ sỹ Chèo toàn quốc. Vai diễn ấy đã đem đến cho cô giải Vàng và sau này trở thành Nghệ sỹ ưu tú. Vậy là cùng một vai Thị Màu, tôi đã  được xem mấy nghệ sỹ thể hiện. Tôi không có tiếng hát hay, nhưng hình như cũng có một chút “máu Chèo” truyền lại từ người bác nội. Chừng sáu, bảy tuổi, tôi đã ê a thuộc và diễn được các vai chèo trong những trích đoạn Thị Màu lên chùa, anh Nô, mẹ Đốp. Tôi cũng rất thích dùng và sưu tầm các loại quạt giấy. Thói quen phất quạt Chèo từ ngày bé cũng ăn sâu vào tôi. Mỗi lần dùng quạt, tôi không dùng hai tay xòe quạt ra mà hay phất như thế, làm mọi người xung quanh ngạc nhiên. Sau này, dạy về sân khấu Chèo trong chương trình văn học, tôi vẫn tự tin “diễn chay” cho các bé học sinh lớp bảy vài đoạn nhỏ trong vở Chèo Quân Âm Thị Kính. Tôi diễn và hát không hay, nhưng cũng đủ cho bọn trẻ thích thú và “nể cô” hơn... một tẹo. Tôi nghĩ, đó là một trong số những của “hồi môn” quí giá mà “Phố Làng” đã cho tôi.

Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về Phố Xưa là một cây Bàng cổ thụ ở bên kía đường thuộc  làng Bùi. Tôi chưa thấy ở đâu có cây bàng to và đẹp như thế! Một thân cây to có đến hai người lớn với tay ôm! Một tán cây tròn, đều và rộng, trùm rợp cả con đường 39A với những búp lá mỡ màng xanh như ngọc vào mùa xuân – một cái màu xanh non tơ như phát sáng mà trong tôi không có loài cây nào có được. …Và điều đặc biệt nhất với bọn trẻ chúng tôi là dưới gốc cây bàng ấy có gánh quà vặt của hai bà cụ người làng Nguyễn (tôi vẫn nhớ tên là Cụ Bếp và cụ Chử). Hai cụ bà đã ở độ tuổi “nước thời gian nhuộm tóc trắng phau phau” nhưng vẫn khỏe mạnh, tóc vấn  khăn tròn, đầu đội khăn mỏ quạ, răng đen nhưng nhức. Sáng sáng, mỗi cụ gánh một gánh nặng  từ làng Nguyễn đến gốc bàng. Một lúc sau là ngô rang, lạc rang, kẹo bột, kẹo gừng, kẹo vừng, kẹo lạc, vỏ quế, bưởi, dâu da, sung, khế, ổi, roi…mùa nào thức ấy, được bày ra. Chao ôi, toàn những thứ luôn xuất hiện trong giấc mơ của bất cứ đứa trẻ nhà quê nào như tôi bấy giờ. Trẻ con luôn có mặt bên những mẹt hàng của hai cụ, dù chủ yếu là đứng nhìn và nuốt nước bọt ao ước chứ làm gì có tiền mà mua. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cách bày hàng của hai bà cụ. Những nải chuối, quả dưa gang, dưa bở, dưa chuột, đu đủ, bòng, cam thì bày trên một tấm ni –lông trải dưới đất. Còn những túm dâu da nhở xíu, đỏ hồng hay vàng lịm thì bày trên cái mẹt cùng những múi bưởi đã gọt rất khéo như những chiếc vỏ sò ngoan ngoãn, thẳng hàng. Và đặc biệt nhất là cái mẹt ngô rang, lạc rang và kẹo ấu (kẹo bột), kẹo gừng được bao bọc trong một lớp bột mỳ. Tuổi thơ thiếu thốn của thế hệ chúng tôi hẳn ai cũng không quên những món quà quê khi mẹ về chợ. Đó là những chiếc kẹo bột có hình củ ấu to bằng ngón tay cái màu vàng đường mật, miếng kẹo gừng màu hổ phách giòn cồng cộc như thủy tinh vừa ngọt vừa thơm vừa cay xít xoa. Đó là những hạt ngô rang hạt cúc, hạt hoa đều giòn tan,bán bằng chiếc ống bơ…, lạc rang húng lìu một xu mười lăm hạt... Tất cả đều thơm, ngon hấp dẫn đến... đứt đầu lưỡi. Những “niềm ao ước” ấy được gói trong chiếc lá chuối, lá dong buộc cái dây rơm, dây cói nằm hiền hậu trong góc thúng - là nỗi thèm khát thường ngày của mọi đứa trẻ nông thôn lúc bấy giờ, nhưng không phải đứa nào và lúc nào cũng thành hiện thực như “Vừng ơi mở ra”.

 Ngày ấy, mỗi độ xa nhà đi học bồi dưỡng học sinh giỏi văn ở các xã trong huyện và tỉnh, nhớ nhà, trong tôi hay hiện lên hình ảnh góc phố có cây bàng cổ thụ sum suê và hai bà cụ gánh trên vai bao ước ao tuổi ấu thơ của bọn trẻ nhà quê khổ nghèo, thiếu thốn. Cái cây Bàng “chứng nhân lịch sử” đã mang theo trong từng mắt lá, từng chùm quả hình ô-van của nó “hồn vía” của Phố- Làng tôi suốt bao nhiêu đời. Những cái cây mang theo trang sử xanh của Đất Làng vô cùng nhẫn nại và chung thủy ấy đã bị “khai tử” khi Phố-Làng được mở rộng… để rồi mấy chục năm qua, chẳng còn ai nhận ra nơi đây đã từng là Làng. Dù số phận của Cây Bàng Phố Tăng quê tôi cũng là số phận của biết bao “cây đa, bến nước sân đình” khi cuộc sống con người thay đổi, giầu có và hiện đại hơn…, nhưng cái khoảng trống mà nó để lại chẳng bao giờ lấp đầy. Theo đà “hóa hổ” của quê hương, phố làng của tôi vùn vụt đi lên. Biết bao những ngôi nhà ống ngất nghểu, quán ăn, cà-phê, ka-ra-ô-kê... đang chen chúc nhau mọc lên, nhưng trớ trêu thay, cả phố chẳng có một cái cây nào..., vì “tấc đất là tấc vàng”, người ta dùng bạt thay cây, không cần đến những tán xanh quê mùa ấy. Phố Làng ngày xưa giờ đây cũng không còn một hình ảnh nào - ngoài một cái tên mà cho đến bây giờ cũng không có ai giải thích được. Không thể nói là buồn (vì như vậy sẽ bị cho là suy nghĩ không hợp thời)... mà là sự nuối tiếc, xót xa cho những vẻ đẹp của một thời... rất đẹp, đã qua, vì qui luật của cuộc sống .

Nhà tôi là một khuôn viên (không biết có rộng nhất) ở cái Phố-nhà-quê ấy. Nghe thầy tôi kể, đó chính là một phần khu vườn của ngôi chùa Khánh Lâm bị phá, chia đất cho xã viên làm nhà. Tuy nhiên, người trong làng sợ đất Chùa không ai dám ở, chỉ có ông nội tôi - vốn là người coi chùa trước đó - nhận ở trên khu đất ấy. Bố tôi là con trưởng nên thừa kế khuôn viên này. Đến bây giờ, trên mảnh đất nhà tôi, vẫn còn một Cụ Nhãn cổ thụ rất ngon trong vườn Chùa ngày xưa, mà tuổi thọ chắc phải hơn trăm tuổi. Bố tôi là một cán bộ trong ngành phát hành sách. Gia tài duy nhất của ông cho con cho cháu khi về hưu là một tủ sách (chắc ngày ấy nó to nhất xã) và một khu vườn có rất nhiều cây và hoa, quả - bởi đi bất cứ đâu ông cũng mang giống cây hoa  ở đó về trồng. Trong vườn nhà tôi có khá nhiều loại cây và hoa đặc trưng cho vùng miền: Hoa đào, hoa mận, hoa ban (miền núi) và đủ thứ hoa quả mùa nào thức ấy đua nhau nở. Cây đào nhà tôi cũng là một cây hiếm có, nó to và cao, có ba nhánh rộng. Đây là loại Đào phai cánh đơn rất đẹp và đặc biệt là quả của nó là loại Đào mỏ quạ, to như quả trứng vịt, giòn ngọt và thơm vô cùng. Đào, mận, hồng, ổi, na, cam, vải, nhãn… mùa nào vườn nhà tôi cũng thơm mùi trái chín và thoang thoảng hương hoa của những cây hồng nhung, hồng bạch, bạch trà, quỳnh, lựu … cây nào cũng thuộc dạng “cổ mộc” vì được thầy tôi trồng trước cả tuổi tôi. Vì trồng nhiều hoa nên tôi bị thầy tôi bắt phải tưới hoa vào các buổi sáng. Thày tôi ngày ấy là một người nghiêm khắc, con cái rất sợ. Ông cũng bắt tôi dậy sớm, chạy vòng quanh sân, tập thể dục rồi cùng ông tưới cây, rửa bộ cốc pha trà. Mùa hè, tôi còn thêm nhiệm vụ hái những bông hoa nhài trắng muốt, thơm hắc, bé xinh như cái cúc trai, sau đó lấy chén trà úp lên. Không ướp trà mà ướp chén, mùi hương nhài thơm thơm trong mỗi chén trà . Sau này, mỗi lần nhìn những bông hoa nhài ở bất cứ đâu, tôi cũng hay nhớ về những chiếc chén sứ Hải Dương trắng ngà, tẩm hương thơm hoa nhài mà thầy tôi uống trà mỗi sáng. Không biết những người già quê tôi ngày nay có còn uống trà như thế không?

Nhà tôi như một ốc đảo tách ra khỏi làng, vì xung quanh không có nhà ai (ngoài ba mẹ con cô bưu điện đầu ngõ). Nhà tôi có tám anh chị em (không quá nhiều so với nông thôn ngày xưa), nhưng chị em tôi cách nhau từ hai đến năm tuổi nên khi tôi đi học hết lớp 5 thì chị gái kế hơn tôi  5 tuổi đã đi học xa. Gia đình tôi dạo ấy khá nghèo vì bố mẹ tôi cho cả tám chị em tôi con đi học cấp 3 (điều mà ở quê ngày ấy rất ít). Khi tôi bắt đầu đi học thì 5 chị gái đầu đã trưởng thành và đi thoát ly (tôi có tới 7 chị em gái). Lúc ấy cuộc sống của gia đình tôi đỡ khổ hơn nhưng bà ngoại và mẹ tôi vẫn rất vất vả. Bà ngoại tôi hiếm con, sinh mà khó dưỡng nên chỉ còn ba mụn con. Mẹ tôi là chị cả, hai cậu kế sau. Nhà tôi nghèo, đông con ăn học, bố tôi lại đi thoát ly, mẹ tôi hay ốm đau, nên bà ngoại ở với mẹ tôi để trông nom các cháu. Nhà tôi ở giữa Phố nên bà Ngoại tôi mở một quán nhỏ chủ yếu bán  nước chè tươi thêm vài lọ kẹo, và các loại bánh quê để kiếm thêm chút đỉnh cho mẹ tôi nuôi cháu. Làng tôi gần làng Nguyễn nên tất cả hàng quà đều lấy lấy từ làng Nguyễn đem tiêu thụ khắp nơi. Tôi nhớ quán nước của bà tôi rất đắt hàng vì nhà tôi có một bể nước mưa to để nấu nước chè tươi rất ngon. Mẹ tôi lại hay chọn mua chè vườn ở quê để nấu nước bán (khác với chè đồi mang từ miền núi về) nên bát nước chè thường xanh và ngọt, có hương thơm hơn chè đồi. Các cụ bà nhà quê vốn sành nước chè giống như các cụ ông nghiền thuốc lào; chỉ ngửi khói là các ông biết thuốc ngon hay dở, thuốc trồng ở Tiên Lãng hay Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Hôm nào không mua được chè vườn hay chỉ cần nấu sai “tỉ lệ vàng” là các bà phê bình ngay. Vào những ngày chợ phiên ở xã bên, khoảng tám giờ, các bà bán buôn (chủ yếu là người làng Nguyễn) đi chợ về, thường vào quán bà tôi uống nước. Tôi dạo ấy cũng biết giúp bà và mẹ đun nước chè bánvà buổi chiều, có nhiệm vụ mang những cái bát uống nước ra ao, lấy tro bếp cọ rửa sạch sẽ, chuẩn bị cho ngày hôm sau. Thích nhất là thỉnh thoảng tôi còn được sai đi bộ qua hai quãng đồng (chừng hơn hai cây số) vào làng Nguyễn lấy kẹo cho bà bán. Mỗi lần được đi lấy kẹo lạc là một niềm sung sướng với tôi, vì bác bán kẹo hay cho một vốc kẹo vụn thừa ra khi cắt. Với trẻ con nhà quê chúng tôi ngày xưa – đó là những “miếng ngon đặc ân” vô cùng quí giá, ngon suốt cả cuộc đời! Tuy nhiên, có lẽ vì ngày ấy hay được ăn kẹo (kể cả ăn vụng) nên cái “bộ nhai” của tôi sau này “rất  không ổn”. Nhưng tôi nghĩ: chắc không một đứa trẻ nhà quê nào như tôi dạo ấy có thể từ chối được những thứ “cạm bẫy” ngọt ngào, béo ngậy, thơm lành đến thế, cũng như trẻ con bây giờ nghiền Trà sữa và cô-ca-cô-la ấy thôi…

 Cái quán nước chè nhỏ ấy của bà ngoại tôi cũng đã trở thành một phần đáng nhớ của Phố Làng và của gia đình tôi. Mọi người hay nhắc đến “quán bà Tuyền” mỗi lần nhớ về Phố Xưa. Cũng  nhờ có nó mà tôi là một trong số rất ít những đứa trẻ ở quê được biết đến những cuốn truyện trên hiệu sách phố huyện, được diện những bộ quần áo tươm tất hơn các bạn trong làng dịp khai trường hay Tết đến xuân về. Và tôi cũng nhanh nhẹn, bạo dạn hơn vì thỉnh thoảng được bán quán  giúp bà và mẹ. Những bài học đầu tiên trong giao tiếp với người lạ chính là bà và mẹ đã dạy tôi khi tôi ngồi trông quán, mỗi lần hai người có việc đột xuất vắng nhà.

Phố Làng của tôi bây giờ đã có bóng dáng của Phố Thị. Nó chẳng còn chút gì hình bóng của ngày xưa - ngoài cái tên cũ… Phố có đèn đường sáng trưng, có cả hè phố, cột điện và rất nhiều nhà kính cao tầng… Nhưng nó không còn cây, không còn ao, không còn quán nước chè tươi của một người  nào nữa. Nhà tôi vẫn ở đó, không còn cô đơn như một ốc đảo nhưng vẫn là một khu vườn xanh tươi thơm hoa lá bốn mùa - dù một số cây quí mà Thầy tôi trồng cũng đã theo Người ra đi. Anh trai tôi sau hơn 40 năm xa quê nay cũng đã trở về mảnh đất hương hỏa của cha ông làm người “giữ gôn” tuyệt vời của dòng họ, để cho tám chị em tôi luôn được trở về ngôi nhà tuổi thơ của mình với tất cả những gì thân thương nhất như ngày xưa còn mẹ cha.

Ngoài kia phố có ồn ào hơn, nhưng trong khuôn viên tươi xanh của gia đình tôi, vẫn trong lành hương hoa và tiếng chim hót. Anh chị em tôi và bạn bè vẫn thường tìm về nơi này như một “Cõi đi về” bình yên. Tôi vẫn yêu cái Phố Làng nho nhỏ của tôi - bằng một tình yêu có từ hôm qua và nỗi nhớ của những ngày hôm nay.

Hải Phòng – Mùa Phượng 2019

Phạm Minh Châu

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.