• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Một nhà thơ, một người thầy tôi nhớ

Chủ nhật - 17/11/2019 09:25

Hơn nửa đời người với bao thăng trầm biến cố, nhưng trong kí ức của tôi về thời thơ ấu, về những tháng năm được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình“tuyển” về làm “một trại viên” dự lớp đào tạo, bồi bưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học trong tỉnh, tôi không bao giờ quên được hình ảnh các bác, các chú, các nghệ sĩ tên tuổi của Thái Bình, của cả nước… Nó thật sự hóa thành giọt đọng, mãi xanh non, tuyệt diệu, luôn xao động trong tôi.



(Ảnh: Nhà thơ Kim Chuông)

Ngày ấy, ngoài các bác, các chú là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ giảng dạy, thì ba thi sĩ: Kim Chuông, Nguyễn Khoa Đăng, Lê Bính còn là những “thầy chủ nhiệm” được Hội Văn học giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách lớp học.

Trong các nhà văn được gặp gỡ tại cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, nhà thơ Kim Chuông là người tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó và mang ơn sâu nặng nhất. Bởi, chẳng những Kim Chuông là người trực tiếp chọn tôi từ nhóm học sinh giỏi văn toàn quốc thông qua Ty Giáo dục của tỉnh, ông còn thay mặt Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình về tận Đồng Vy, Đông La, Đông Hưng, tìm tôi, thẩm tra năng khiếu và quyết định chọn tôi vào lớp sáng tác văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi khóa đầu tiên của Thái Bình trên cả nước. Lớp học năm ấy, chỉ có 12 học sinh.

Nhớ ngày, 20/6/1976, tôi bắt đầu nhập học. Từ một đứa trẻ nhà quê đầu trần chân đất, suốt ngày leo trèo hái ổi, đánh chắt, đánh chuyền, phút chốc, được sống trong một không gian như cổ tích. Được học tập, được chăm sóc, được vui chơi như nàng công chúa nhỏ. Cứ y như trí tưởng tượng của tôi khi đọc truyện cổ tích. Cuộc sống của tôi thay đổi như có phép màu.

Về Hội, hằng ngày, chúng tôi được hưởng chế độ nhà nước chăm lo chu đáo.. Mười một tuổi, ở nhà, tôi thường phải nấu cơm, nhặt rau, quét dọn. Vậy mà, đến đây, nhóm “nhà văn nhí” được chiều chuộng đủ điều. Bác Thái, người nấu ăn cho cơ quan Hội, rồi cô Oanh, vợ của nhà thơ Bùi Công Bính vừa làm kế toán, vừa đánh máy, kiêm cả y tá, chăm sóc sức khỏe cho anh em cơ quan và tất cả chúng tôi. Nhiều lúc thư thái, cô thường vào từng phòng thăm chúng tôi học hành. Cô chải đầu, tết tóc cho nhiều đứa, ân cần như một người mẹ.
Thường ngày, thì buổi sáng chúng tôi lên hội trường, nghe giảng. Hội trường đẹp. Bàn ghế bóng loáng, quạt máy chạy vù vù mát rượi, chả như ở quê phải quạt tay, bằng mo cau. Các thầy tham gia giảng dạy đều là những nhà văn, nhà thơ danh tiếng. Nghe tên Tô Hoài, Phạm Hổ, Bút Ngữ, Định Hải, Nguyễn Khoa Đăng, Kim Chuông, Lê Bính, Phong Thu… ai nấy đã khát khao, ngưỡng mộ.

Khác hẳn với trường làng khi đi học văn hóa, về lớp “đặc biệt” này, chúng tôi được học tập, sinh hoạt như “những trí thức, những nghệ sĩ tí hon”. Bình đẳng, tự do trong cảm nhận, ghi chép và biểu hiện thái độ, tình cảm trong giao lưu, ngôn luận và sáng tác. Ai nấy, đều được cấp thẻ để vào thư viện tỉnh đọc sách.

Tôi nhớ, lần đầu bước vào thư viện lớn của tỉnh, tôi như bị thôi miên. Những giá sách chạy dài, đồ sộ với đủ các loại sách. Có cả những cuốn mà tôi khao khát được đọc từ lâu. Tôi mê mải đọc đến quên cả thời gian. Chương trình cuối tuần, cả lớp thường được các chú chở đi xem phim ở Rạp chiếu phim thị xã. Rồi, một tháng hè, lớp sáng tác còn được tổ chức một vài chuyến đi thực tế, lấy cảm hứng để viết. Tôi đã được đi Lăng Bác, thủ đô Hà Nội, làng vườn Thuận Vy, huyện đảo Cát Bà, thị xã Hòn Gai và thăm thú nhiều cảnh đẹp ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Bây giờ, nhớ lại những kỷ niệm ấy, lòng tôi lại rạo rực, hân hoan và tươi trẻ như một thuở ấu thơ.

Có tới 4 năm, vào 4 tháng hè, tôi và nhiều bạn đều được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình “triệu” về lớp học. Nhà thơ Kim Chuông và nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng trực tiếp “chăn dắt” chúng tôi. Một năm sau, năm 1977, nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng chuyển vào miền Nam công tác. Nhà thơ Kim Chuông cùng Lê Bính tiếp tục gắn bó, làm người “mẹ hiền” “chăn dắt” lớp học này.

Tôi đặc biệt quan tâm và cuốn hút ở các giờ nhà thơ Kim Chuông giảng dạy. Kim Chuông có cách nói riêng. Cách trình bày khá sâu mà giản dị, dễ hiểu. Vẫn là những vấn đề quen thuộc như quan sát, nắm bắt thực tế, ngôn ngữ, hình ảnh, kết cấu… nhưng nhà thơ Kim Chuông nói rất hay. Trời phú cho ông giọng đọc thơ rất truyền cảm. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in giọng thi sĩ Kim Chuông với những vần thơ ông minh họa, dẫn dắt trong bài thơ Lục bát mang tên “Một vùng quê”:

“Tôm mang đèn điện trên đầu
Thắp cho dòng nước chân cầu sáng trong
Cá con tập nhảy cầu vồng
Vẽ lên mặt nước muôn vòng sóng reo…”
Hoặc:
“Con chim vạch lá tập khâu
Con nhện thì tập bắc cầu trên cây
Con bướm tập múa suốt ngày
Con tò vò cũng tập xây cửa nhà
Cái nắng thì tập đi xa
Cả vườn trưa tập ngân nga hát chèo”…

Trong rất nhiều gương mặt của những người thầy giảng dạy chúng tôi ngày ấy, Nhà thơ Kim Chuông có gương mặt đẹp và sang trọng. Ông đeo cặp kính trắng. Vầng trán cao, miệng rộng. Mắt hơi mơ màng, nụ cười tươi, nom mát lành, hiền hậu. Kim Chuông có mái tóc dài, điệu. Còn trang phục thì lúc nào cũng một kiểu khác người.
Ngoài việc giảng dạy, Kim Chuông luôn gần gũi, đọc và góp ý, sửa cho chúng tôi những bài viết mới. Những tác phẩm được Kim Chuông “nhuận sắc” ai cũng thừa nhận sự hoàn chỉnh và hay lên hơn hẳn. Ở cơ quan Hội, Kim Chuông là nhà thơ nổi tiếng viết nhiều, in nhiều và đoạt nhiều giải thưởng văn học. Có tác phẩm đã được sách giáo khoa, NXB Giáo dục chọn in.

Tôi hiểu nhà thơ Kim Chuông ở những cuộc tiếp cận hằng ngày. Ở những cuộc trò chuyện, nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng thường kể. Tôi biết, đằng sau vẻ nghệ sĩ rất gió mây và sang trọng kia, Kim Chuông gặp khá nhiều vất vả. Ông sinh ra trong một gia đình, bố là một nhà Nho nghèo, ở đất quê Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Kim Chuông từng đi bộ đội, làm Phóng viên ở một tờ Báo Quân khu Ba rồi được nhà văn Lê Lựu giới thiệu về làm cán bộ Biên tập và sáng tác Văn học ở Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Kim Chuông được mọi người yêu quý ở đức tính chân thành, nhiệt huyết và giàu lòng thương cảm, vị tha trước anh em, bầu bạn.

Cùng với nhiều anh chị em nghệ sĩ khác trong Hội, những ngày phụ trách lớp “Viết văn”, lúc nào Kim Chuông cũng tận tụy cùng mọi người đi “gõ cửa” nhiều cơ quan trong tỉnh, nhờ các đơn vị hỗ trợ cho “lớp văn chương Trẻ - Mầm non” có điều kiện tốt cho học tập, tham quan, sáng tác và giới thiệu in ấn, phát thanh ở các Báo Đài trong tỉnh và cả nước...
Tôi không bao giờ quên được buổi tham quan Vịnh Hạ Long và mỏ Đèo Nai, Quảng Ninh. Một chuyến đi dài ngày. Từ tư trang, tài liệu, sách vở đọc và viết. Hội Văn học, mà cụ thể là Kim Chuông, Võ Bá Cường và các cô chú trong Hội Văn nghệ đã lo cho chúng tôi cả bánh mì, nước uống… Có hôm đưa chúng tôi vào quán ăn, món ngon, nhưng đắt, tiêu chuẩn của đoàn không đủ, nhà thơ Kim Chuông và Khoa Đăng đã tự bỏ tiền của mình góp cho “cô Oanh, kế toán”, lo cho chúng tôi được hưởng bữa liên hoan thật đầy đủ và ngon.

Một chi tiết nhỏ, không mấy ai biết. Đó là, tiêu chuẩn tỉnh chỉ duyệt chi cho các em trong lớp, không có phần cho các nhà văn. Vậy là, “là thầy đấy”, nhưng các nhà văn lại không được ưu tiên. Nhiều buổi, giảng dạy xong, các thầy lại vội mải về nhà để kịp bữa ăn với gia đình. Có lần, chúng tôi ăn trưa xong, còn ít cơm cháy, bác Cương (bà Thái cấp dưỡng) dồn lại để dành cho hai thầy bị nhỡ bữa. Bí mật này, khi nghe cô Oanh kể, lúc ấy, nhiều đứa chúng tôi cứ rưng rưng, vừa xúc động biết ơn, vừa thương các thầy, các nghệ sĩ văn chương quê lúa.

Rồi, không ít bữa, những trưa hè nắng chang chang đổ lửa, Kim Chuông, Nguyễn Khoa Đăng, Lê Bính… Mỗi thầy một xe đạp cọc cạch, quay vòng. Mỗi xe chở hai “học viên” đi thư viện đọc sách, hoặc đi xem phim ở Rạp… Những người thầy thực sự dạy mỗi chúng tôi làm văn và cả nhân cách: làm người.

Khi chúng tôi có bài được đăng trên báo hay đọc trên đài phát thanh, các cô chú trong Hội đều thực sự rất vui. Nhà thơ Kim Chuông, dễ xúc động. Những lúc ấy, gương mặt thi sĩ thường rạng ngời, ánh mắt ông nom lung linh, khó tả …

Năm 1982, tôi phải xa quê hương, theo cha mẹ vào miền Nam lập nghiệp. Và, từ đây, một nỗi buồn da diết, tôi phải xa Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Xa các chú, các bác, các bạn trong nhóm “Búp trên cành.

Từ biệt bao kí ức của “mảnh vườn cổ tích” thân thương, mang theo bao nhung nhớ. Nhất là những ngày đầu giữa những người xa lạ, tôi đã khóc bao lần trong nỗi buồn lặng thầm, dài dặc. Thông tin liên lạc hồi ấy quá khó khăn, tôi dần nguôi ngoai, cất nỗi nhớ vào một nơi, góc sâu khuất con tim.
Mãi mùa Hè năm 2015, điều kì diệu bỗng đến. Đó là, ngày các bạn trong nhóm “Búp trên cành” đi tìm lại nhau và rủ về Thái Bình họp mặt. Tình cờ, một bạn liên lạc được với anh họ tôi, hỏi thăm được địa chỉ và số điện thoại của Biên Linh. Và, thế là, một cuộc “mưa điện đàm”… Chúng tôi nối liên lạc. Chúng tôi gọi điện cho nhau trong niềm vui, nước mắt …
Tôi không thể quên giây phút cô bạn cũ Lam Châu, rồi Trần Thu Huê liên tiếp điện cho tôi và nói rằng: “Bùi Thị Biên Linh gặp chú, gặp nhà thơ Kim Chuông nhé.” Ôi. Thật vậy à? Đã ba mươi chín năm rồi. Chú Kim Chuông ngày nào của lớp Văn đó chứ?” Chú ơi! Các bạn ơi! Con tim đang muốn vỡ rồi này…”
Tôi bồi hồi khôn tả! Tôi nghe nhà thơ Kim Chuông hỏi thăm gia đình, sức khỏe. Giọng nhà thơ vẫn ngọt lành, ấp áp. Vẫn ân cần, gần gũi như xưa. Kim Chuông hỏi. “Sóng Biển ơi. Biên Linh ơi. Cháu vẫn khỏe, vẫn giỏi giang và trưởng thành bội phần rồi chứ? Mừng sao! Ơn trời biết mấy! Chú cứ lo cháu vào miền Nam gặp nhiều khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn…

Ôi chú! Gần bốn chục năm rồi. Người vẫn còn nhắc nhớ. Người vẫn không quên câu văn trong tác phẩm tôi viết về bà, về quê, về tâm tình vụng về, chân thực với quê hương của tôi… Quả tình, tôi không cầm nổi nước mắt. Tôi xúc động về tấm lòng yêu thương từ sâu thẳm hồn người.

Biết tôi vẫn sáng tác và từng có tác phẩm văn học được trao giải thưởng ở phương Nam, nhà thơ Kim Chuông thật vui. Tôi kể với ông về ước muốn được thi sĩ trực tiếp đọc, góp ý cho những tác phẩm mới viết. Kim Chuông vui mừng, giục: “Biển gửi ra ngay nhé”. Thế rồi, ít ngày sau, Kim Chuông hồi âm ngay. Thi sĩ khen thơ tôi “vẫn giữ được nét riêng: giàu cảm xúc, câu chữ lung linh, phát sáng. Thơ trong trẻo và ấm áp tình người…”. Biết tôi ước mơ có một tập thơ của riêng mình, ông động viên và hết lòng giúp đỡ. Từ việc “nhuận sắc” cho các bài đến việc tuyển chọn và viết lời giới thiệu, tìm họa sĩ thiết kế, xin phép xuất bản… Và, “đứa con tinh thần” của tôi đã nhanh chóng diện trình trước công chúng, bạn đọc.
Từ Phước Long, Bình Phước, khi nâng trên tay tập thơ “Ý nghĩa ban mai”, nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam cấp phép lưu hành, tôi không sao tả hết niềm hạnh phúc. Tôi biết, để có được cuốn sách này, Thi sĩ Kim Chuông đã giúp tôi bằng tình cảm của người thầy với một “cô học trò xa xưa, bé bỏng.”

Tôi nhớ mãi lời Kim Chuông ngày ấy: “Chú muốn Bùi Thị Sóng Biển (Biên Linh) - người luôn giàu nội lực, giàu khát khao mơ ước, Biển sẽ không ngừng vươn lên. Sẽ không chịu thiệt thòi. Sẽ bằng bầu, bằng bạn… Chú tin, bởi Bùi Thị Biên Linh “không đại mộng, đại giác, nhưng thật sự là người có riêng một bến bờ trong ý thức mở nguồn, khai sáng. Người biết sống. Người có nghĩa, có tình…”

Bùi Thanh Huyền - Bạn tôi - Người học cùng nhóm “Búp trên cành” đã viết “Kim Chuông - Một người gieo hạt, chăm sóc, vun trồng. Ông cũng là người sẵn lòng làm bệ phóng cho chúng ta bay vào bầu trời cao rộng…”

Tôi đồng cảm và chia sẻ với Bùi Thị Thanh Huyền. Huyền đã nói đúng, nói chân xác những điều khắc ghi trong sâu thẳm trái tim tôi về Kim Chuông, một nhà thơ tài năng và nhân hậu.
Phước Long, 2016


Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.