• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Một chân trời rộng mở

Thứ sáu - 06/12/2024 21:04



(Ảnh: Tam Tran)


MỘT CHÂN TRỜI RỘNG MỞ…

(Bùi Thị Biên Linh)

Nếu tra cứu trên google với cụm từ tìm kiếm “Nhà thơ Kim chuông” có thể tìm thấy 2.700.000 kết quả trong vòng 0,28 giây. Và tôi tự hào khoe rằng: Đó là người Thầy tài hoa và nhân hậu của tôi.

Hơn nửa đời người với bao thăng trầm biến cố, nhưng trong kí ức của tôi về thời thơ ấu, về những tháng năm được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình “tuyển” về làm “một trại viên” dự lớp đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học trong tỉnh, tôi không bao giờ quên được hình ảnh các bác, các chú, các nghệ sĩ tên tuổi của Thái Bình, của cả nước... Nó thật sự hóa thành giọt đọng, thành hạt sương long lanh mãi xanh non, tuyệt diệu, luôn xao động trong tôi. 

Ngày ấy, ngoài các bác, các chú là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ giảng dạy, thì ba thi sĩ: Kim Chuông, Nguyễn Khoa Đăng, Lê Bính còn là những “thầy chủ nhiệm" được Hội Văn học giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách lớp học.

Trong các nhà văn được gặp gỡ tại cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, nhà thơ Kim Chuông là người tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó và mang ơn sâu nặng nhất. Bởi, chẳng những Kim Chuông là người trực tiếp chọn tôi từ nhóm học sinh giỏi văn toàn quốc thông qua Ty Giáo dục của tỉnh, ông còn thay mặt Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình về tận Đồng Vy, Đông La, Đông Hưng, tìm tôi, thẩm tra năng khiếu và quyết định chọn tôi vào lớp sáng tác văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi khóa đầu tiên của Thái Bình trên cả nước. Lớp học năm ấy chỉ có 12 học sinh.

Nhớ ngày 20/6/1976, tôi bắt đầu nhập học. Từ một đứa trẻ nhà quê đầu trần chân đất, suốt ngày leo trèo hái ổi, đánh chắt, đánh chuyền, phút chốc, được sống trong một không gian như cổ tích. Được học tập, được chăm sóc, được vui chơi như nàng công chúa nhỏ. Cứ y như trí tưởng tượng của tôi khi đọc truyện cổ tích. Cuộc sống của tôi thay đổi như có phép màu.

Về Hội, hằng ngày, chúng tôi được hưởng chế độ nhà nước chăm lo chu đáo. Mười một tuổi, ở nhà, tôi thường phải nấu cơm, nhặt rau, quét dọn. Vậy mà, đến đây, nhóm “nhà văn nhí” được chiều chuộng đủ điều. Bác Thái, người nấu ăn cho cơ quan Hội, rồi cô Oanh, vợ của nhà thơ Bùi Công Bính vừa làm kế toán, vừa đánh máy, kiêm cả y tá, chăm sóc sức khỏe cho anh em cơ quan và tất cả chúng tôi. Nhiều lúc thư thái, cô thường vào từng phòng thăm chúng tôi học hành. Cô chải đầu, tết tóc cho nhiều đứa, ân cần như một người mẹ.

Thường ngày, buổi sáng chúng tôi lên hội trường, nghe giảng. Hội trường đẹp. Bàn ghế bóng loáng, quạt máy chạy vù vù mát rượi, chả như ở quê phải quạt tay, bằng mo cau. Các thầy tham gia giảng dạy đều là những nhà văn, nhà thơ danh tiếng. Nghe tên Tô Hoài, Phạm Hổ, Bút Ngữ, Định Hải, Nguyễn Khoa Đăng, Kim Chuông, Lê Bính, Phong Thu... ai nấy đã khát khao, ngưỡng mộ.

Khác hẳn với trường làng khi đi học văn hóa, về lớp "đặc biệt" này, chúng tôi được học tập, sinh hoạt như "những trí thức, những nghệ sĩ tí hon". Bình đẳng, tự do trong cảm nhận, ghi chép và biểu hiện thái độ, tình cảm trong giao lưu, ngôn luận và sáng tác. Ai nấy đều được cấp thẻ để vào thư viện tỉnh đọc sách.

Tôi nhớ, lần đầu bước vào thư viện lớn của tỉnh, tôi như bị thôi miên. Những giá sách chạy dài, đồ sộ với đủ các loại sách. Có cả những cuốn mà tôi khao khát được dọc từ lâu. Tôi mê mải đọc đến quên cả thời gian. Chương trình cuối tuần, cả lớp thường được các chú chở đi xem phim ở rạp chiếu phim thị xã. Rồi, một tháng hè, lớp sáng tác còn được tổ chức một vài chuyến đi thực tế, lấy cảm hứng để viết. Tôi đã được đi lăng Bác, thủ đô Hà Nội, làng vườn Thuận Vy, huyện đảo Cát Bà, thị xã Hòn Gai và thăm thú nhiều cảnh đẹp ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Bây giờ, nhớ lại những kỷ niệm ấy, lòng tôi lại rạo rực, hân hoan và tươi trẻ như một thuở ấu thơ.

Có tới 4 năm, vào 4 tháng hè, tôi và nhiều bạn đều được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình “triệu” về lớp học. Nhà thơ Kim Chuông và nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng trực tiếp "chăn dắt" chúng tôi. (Sau một năm, năm 1977, nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng chuyến vào miền Nam công tác. Nhà thơ Lê Bính tiếp tục cùng nhà thơ Kim Chuông gắn bó, làm người "mẹ hiền" "chăn dắt” lớp học này).

Tôi đặc biệt quan tâm và bị cuốn hút ở các giờ nhà thơ Kim Chuông giảng dạy. Nhà thơ Kim Chuông có cách nói riêng. Cách trình bày khá sâu mà giản dị, dễ hiểu. Vẫn là những vấn đề quen thuộc như quan sát, nắm bắt thực tế, ngôn ngữ, hình ảnh, kết cấu... nhưng nhà thơ Kim Chuông nói rất hay. Trời phú cho ông giọng đọc thơ rất truyền cảm. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in giọng thi sĩ Kim Chuông với những vần thơ ông minh họa, dẫn dắt trong bài thơ Lục bát mang tên “Một vùng quê":

Tôm mang đèn điện trên đầu

Thắp cho dòng nước chân cầu sáng trong

Cá con tập nhảy cầu vồng

Vẽ lên mặt nước muôn vòng sóng reo...

Hoặc:

Con chim vạch lá tập khâu

Con nhện thì tập bắc cầu trên cây


Con bướm tập múa suốt ngày

Con tò vò cũng tập xây cửa nhà

Cái nắng thì tập đi xa

Cả vườn trưa tập ngân nga hát chèo...


Trong rất nhiều gương mặt của những người thầy giảng dạy chúng tôi ngày ấy, nhà thơ Kim Chuông có gương mặt đẹp và sang trọng. Ông đeo cặp kính trắng. Vầng trán cao, miệng rộng. Mắt hơi mơ màng, nụ cười tươi, nom mát lành, hiền hậu. Kim Chuông có mái tóc dài, điệu. Còn trang phục thì lúc nào cũng một kiểu khác người.

Ngoài việc giảng dạy, Kim Chuông luôn gần gũi, đọc và góp ý, sửa cho chúng tôi những bài viết mới. Những tác phẩm được Kim Chuông "nhuận sắc” ai cũng thừa nhận sự hoàn chỉnh và hay lên hơn hẳn. Ở cơ quan Hội, Kim Chuông là nhà thơ nổi tiếng viết nhiều, in nhiều và đoạt nhiều giải thưởng văn học. Có tác phẩm đã được sách giáo khoa NXB Giáo dục chọn in.

Tôi hiểu nhà thơ Kim Chuông ở những cuộc tiếp cận hằng ngày. Ở những cuộc trò chuyện, nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng thường kể. Tôi biết, đằng sau vẻ nghệ sĩ rất gió mây và sang trọng kia, Kim Chuông gặp khá nhiều vất vả. Ông sinh ra trong một gia đình bố là một nhà Nho nghèo ở đất quê Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Kim Chuông từng đi bộ đội, làm phóng viên ở một tờ báo Quân khu Ba rồi được nhà văn Lê Lựu giới thiệu về làm cán bộ biên tập và sáng tác văn học ở Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Kim Chuông được mọi người yêu quý ở đức tính chân thành, nhiệt huyết và giàu lòng thương cảm, vị tha trước anh em, bầu bạn.

Cùng với nhiều anh chị em nghệ sĩ khác trong Hội, những ngày phụ trách lớp "Viết văn", lúc nào nhà thơ Kim Chuông cũng tận tụy cùng mọi người đi "gõ cửa nhiều cơ quan trong tỉnh, nhờ các đơn vị hỗ trợ cho “lớp văn chương Trẻ - Mầm non" có điều kiện tốt cho học tập, tham quan, sáng tác và giới thiệu in ấn, phát thanh ở các báo đài trong tỉnh và cả nước...

Tôi không bao giờ quên được buổi tham quan vịnh Hạ Long và mỏ Đèo Nai, Quảng Ninh. Một chuyến đi dài ngày. Từ tư trang, tài liệu, sách vở đọc và viết, Hội Văn học, mà cụ thể là các ông Kim Chuông, Võ Bá Cường và các cô chú trong Hội Văn nghệ đã lo cho chúng tôi cả bánh mì, nước uống... Có hôm đưa chúng tôi vào quán ăn, món ngon, nhưng đắt, tiêu chuẩn của đoàn không đủ, nhà thơ Kim Chuông và Khoa Đăng đã tự bỏ tiền của mình góp cho “cô Oanh, kế toán", lo cho chúng tôi được hưởng bữa liên hoan thật đầy đủ và ngon.

Một chi tiết nhỏ, không mấy ai biết. Đó là, tiêu chuẩn tỉnh chỉ duyệt chi cho các em trong lớp, không có phần cho các nhà văn. Vậy là, “là thầy đấy”, nhưng các nhà văn lại không được ưu tiên. Nhiều buổi, giảng dạy xong, các thầy lại vội mải về nhà để kịp bữa ăn với gia đình. Có lần, chúng tôi ăn trưa xong, còn ít cơm cháy, bác Cương (bà Thái cấp dưỡng) dồn lại để dành cho hai thầy bị nhỡ bữa. Bí mật này, khi nghe cô Oanh kể, lúc ấy, nhiều đứa chúng tôi cứ rưng rưng, vừa xúc động biết ơn, vừa thương các thầy, các nghệ sĩ văn chương quê lúa.

Rồi, không ít bữa, những trưa hè nắng chang chang đổ lửa, Kim Chuông, Nguyễn Khoa Đăng, Lê Bính... mỗi thầy một xe đạp cọc cạch, quay vòng. Mỗi xe chở hai “học viên” đi thư viện đọc sách, hoặc đi xem phim ở rạp... Những người thầy thực sự dạy mỗi chúng tôi làm văn và cả nhân cách làm người.

Khi chúng tôi có bài được đăng trên báo hay đọc trên đài phát thanh, các cô chú trong Hội đều thực sự rất vui. Nhà thơ Kim Chuông dễ xúc động. Những lúc ấy, gương mặt thi sĩ thường rạng ngời, ánh mắt ông nom lung linh, khó tả...

Năm 1980, tôi phải xa quê hương, theo cha mẹ vào miền Nam lập nghiệp. Và, từ đây, một nỗi buồn da diết, tôi phải xa Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Xa các chú, các bác, các bạn trong nhóm “Búp trên cành.”

Từ biệt bao kí ức của “mảnh vườn cổ tích” thân thương, mang theo bao nhung nhớ. Nhất là những ngày đầu giữa những người xa lạ, tôi đã khóc bao lần trong nỗi buồn lặng thầm, dài dặc. Thông tin liên lạc hồi ấy quá khó khăn, tôi dần nguôi ngoai, cất nỗi nhớ vào một nơi, góc sâu khuất con tim.

Mãi mùa hè năm 2015, điều kì diệu bỗng đến. Đó là ngày các bạn trong nhóm “Búp trên cành đi tìm lại nhau” và rủ về Thái Bình họp mặt. Tình cờ, một bạn liên lạc được với anh họ tôi, hỏi thăm được địa chỉ và số điện thoại của Biên Linh. Và, thế là, một cuộc “mưa điện đàm”... Chúng tôi nối liên lạc. Chúng tôi gọi điện cho nhau trong niềm vui, nước mắt...

Tôi không thể quên giây phút cô bạn cũ Lam Châu, rồi Trần Thu Huê liên tiếp điện cho tôi và nói rằng: “Bùi Thị Biên Linh gặp chú, gặp nhà thơ Kim Chuông nhé.” “Ôi. Thật vậy à? Đã ba mươi chín năm rồi. Chú Kim Chuông ngày nào của lớp Văn đó chứ?”. “Chú ơi! Các bạn ơi! Con tim đang muốn vỡ rồi này..."

Tôi bồi hồi khôn tả! Tôi nghe nhà thơ Kim Chuông hỏi thăm gia đình, sức khỏe. Giọng nhà thơ vẫn ngọt lành, ấm áp. Vẫn ân cần, gần gũi như xưa. Kim Chuông hỏi: “Sóng Biển ơi. Biên Linh ơi. Cháu vẫn khỏe, vẫn giỏi giang và trưởng thành bội phần rồi chứ? Mừng sao! Ơn trời biết mấy! Chú cứ lo cháu vào miền Nam gặp nhiều khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn...”

Ôi chú! Gần bốn chục năm rồi. Người vẫn còn nhắc nhớ. Người vẫn không quên câu văn trong tác phẩm tôi viết về bà, về quê, về tâm tình vụng về, chân thực với quê hương của tôi... Quả tình, tôi không cầm nổi nước mắt. Tôi xúc động về tấm lòng yêu thương từ sâu thẳm hồn người.

Biết tôi vẫn sáng tác và từng có tác phẩm văn học được trao giải thưởng ở phương Nam, nhà thơ Kim Chuông thật vui. Tôi kể với ông về ước muốn được thi sĩ trực tiếp đọc, góp ý cho những tác phẩm mới viết. Kim Chuông vui mừng, giục: “Biển gửi ra ngay nhé". Thế rồi, ít ngày sau, Kim Chuông hồi âm ngay. Thi sĩ khen thơ tôi “vẫn giữ được nét riêng: giàu cảm xúc, câu chữ lung linh, phát sáng. Thơ trong trẻo và ấm áp tình người...” Biết tôi ước mơ có một tập thơ của riêng mình, ông động viên và hết lòng giúp đỡ. Từ việc “nhuận sắc” cho các bài đến việc tuyển chọn và viết lời giới thiệu, tìm họa sĩ thiết kế, xin phép xuất bản... Và, “đứa con tinh thần" của tôi đã nhanh chóng diện trình trước công chúng, bạn đọc.

Từ Phước Long, Bình Phước, khi nâng trên tay tập thơ "Ý nghĩa ban mai", Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cấp phép lưu hành, tôi không sao tả hết niềm hạnh phúc. Tôi biết, để có được cuốn sách này, thì sĩ Kim Chuông đã giúp tôi bằng tình cảm của người thầy với một “cô học trò xa xưa, bé bỏng.”

Tôi nhớ mãi lời Kim Chuông ngày ấy: “Chú muốn Bùi Thị Sóng Biển (Biên Linh) - người luôn giàu nội lực, giàu khát khao mơ ước, Biển sẽ không ngừng vươn lên. Sẽ không chịu thiệt thòi. Sẽ bằng bầu, bằng bạn... Chú tin, bởi Bùi Thị Biên Linh “không đại mộng, đại giác, nhưng thật sự là người có riêng một bến bờ trong ý thức mở nguồn, khai sáng. Người biết sống. Người có nghĩa, có tình”

Bùi Thanh Huyền - Bạn tôi - Người học cùng nhóm “Búp trên cành” đã viết “Kim Chuông - Một người gieo hạt, chăm sóc, vun trồng. Ông cũng là người sẵn lòng làm bệ phóng cho chúng ta bay vào bầu trời cao rộng...”

Tôi đồng cảm và chia sẻ với Bùi Thanh Huyền. Huyền đã nói đúng, nói chân xác những điều khắc ghi trong sâu thẳm trái tim tôi về Kim Chuông, một nhà thơ tài năng và nhân hậu.

Ngày gặp lại, chúng tôi xiết bao hạnh phúc. Các thành viên Búp đang sinh sống ở mọi miền, dù mỗi người công tác ở một lĩnh vực khác nhau: Người công tác ngoại giao, người là giáo sư tiến sĩ, người làm báo, người là doanh nhân, người làm công tác quản lý, phần đông nữa là những nhà giáo uy tín ở các cấp học. Nhưng điều kỳ diệu là ngọn lửa đam mê văn chương nghệ thuật vẫn âm ỉ cháy trong tâm hồn mỗi chúng tôi.

Nhà thơ Kim Chuông lại tiếp tục khơi lên ngọn lửa đặc biệt này. Hỗ trợ cùng thầy, nhà ngoại giao Trần Huyền Tâm đã bằng sự tận tâm và nhạy bén mở ra trang Văn học nghệ thuật mang tên Nhà Búp thu hút được hơn năm mươi ngàn độc giả, hàng trăm tác giả là những người cầm bút tên tuổi trên văn đàn nước nhà. Và quy tụ sáng tác của các thành viên nhóm Búp. Trang Nhà Búp được đông đảo bạn đọc đánh giá là trang Văn học nghệ thuật, uy tín, thật sự là “nghệ thuật”.

Nhà thơ Kim chuông đã khuyến khích, tiếp sức cho các trò xưa tập hợp lại những sáng tác “vang bóng một thời” và bổ sung sáng tác mới để in thành nhiều cuốn sách hay, mang giá trị nghệ thuật cao như: Trần Huyền Tâm, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thị Toán, Nguyễn Diệu Liên, Phạm Minh Châu, Trương Minh Hiếu, Bùi Thanh Huyền, Nguyễn Phương Thủy, Bùi Thị Biên Linh… Nhiều tác phẩm trong số đó đã vinh dự được trao giải thưởng Quốc gia và khu vực.

Nhóm Búp đã có hàng chục tác phẩm được in chung từ năm 2019 – 2024 như Búp và Hoa, Gửi miền yêu thương, Chùa Keo, Duyên I, Duyên II… Đây là những cuốn sách hay, hội tụ được tài năng, tâm huyết của hơn 20 thành viên nhóm Búp Trên Cành. Và nhiều nhà văn nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ tên tuổi của nền nghệ thuật nước nhà.

Dù bận rộn nhiều công việc nhưng Kim Chuông vẫn dành thời gian, sự uyên bác và tấm lòng nhân hậu của mình để đọc, góp ý, nhuận sắc, biên tập cho những cuốn sách của các trò và bầu bạn gần xa. Qua bài giới thiệu đầy nâng niu, đồng cảm và tinh tế của ông, người đọc thêm yêu tác phẩm và tác giả.

Không chỉ dìu dắt các trò xưa tiếp tục vững bước trên con đường sáng tạo văn chương nghệ thuật, Kim Chuông còn là người Thầy, người bạn lớn gần gũi và nhân ái của chúng tôi trong cuộc sống hàng ngày. Ông luôn giấu nỗi buồn, sự cô đơn trung tâm hồn vào một góc con tim để bên mọi người luôn tỏa rạng nét vui tươi hồn hậu.

Còn nhớ năm 2017, tôi may mắn được nhận hai giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam cho tập thơ. Ý nghĩ Ban Mai – Tập thơ đầu tay của tôi do chính Thầy Kim Chuông tuyển chọn, nhuận sắc và biên tập, viết lời giới thiệu.

Giải thưởng thứ hai là giải trong cuộc thi sáng tác văn xuôi về người Thầy do báo sinh viên Việt Nam và Trung ương Đoàn tổ chức, tôi đã giành giải nhất trong số 15.271 bài dự thi. Biết tin này, thầy trò tôi vô cùng vui mừng. Cả hai lần ra Hà Nội nhận giải, tôi đều mời ông về dự lễ trao giải. Ông không quản ngại. Từ miền Nam tôi bay ra Hải Phòng đến thăm gia đình ông trước khi về Hà Nội. Gia đình nhà thơ chuẩn bị chu đáo, ân cần đón tôi như đón người con xa nhà lâu mới trở về. Lúc ấy là mùa đông, mùa rươi đã hết nhưng ông đã chạy xe máy hơn 50 km tìm về tận vựa đề mua bằng được món đặc sản này về khoản đãi trò xưa. Tôi rưng rưng thưởng thức và nhủ lòng sẽ mãi mãi khắc ghi.

Thấu hiểu lòng tôi, trước khi về Hà Nội, ông nhắc tài xế chở tôi về quê tại Đông La, Đông Hưng, Thái Bình. 39 năm xa mới được về thăm lại mảnh đất thân yêu đã gắn bó cùng tôi bao kỷ niệm thuở thơ ấu, nơi còn đâu đây hình dáng của mẹ của cha, lòng tôi dào lên niềm da diết bồi hồi. Tôi càng biết ơn sự chu đáo, thấu hiểu của người thầy kính quý.

Trở về Hà Nội sau hơn nửa đời xa cách, nơi quen xưa nay trở thành ngỡ ngàng lạ lẫm. Nhà thơ Kim Chuông dẫn tôi đến nơi nhận giải. Chú luôn nhắc “Đường đông xe, cháu đi cẩn thận”. Chú còn cẩn thận chuẩn bị điện thoại đầy pin để chụp ảnh cho trò khi nhận giải. Ông bảo “Kỷ niệm quý, phải chụp để còn ghi nhớ chứ!” gương mặt nhà thơ rạng rỡ tự hào.

Lần thứ ba (tháng 1/2019) tôi lại được giải của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập ký “Gửi lại dấu yêu”. Tập sách này cũng do thầy Kim Chuông biên tập, giới thiệu. Lần nhận giải này, nhà thơ không về Hà Nội được, nhưng  luôn gọi điện bày tỏ niềm vui và nhắc nhở tôi phải gìn giữ sức khỏe vì Hà Nội đang mùa đông rất lạnh. Mỗi lời của thầy đều ân cần chăm lo như một người cha. Các bạn tôi trong nhóm Búp từ Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội đều có mặt trong lễ trao giải. Ai cũng ước “giá mà có chú Kim Chuông!” giữa ngập tràn niềm vui và hoa, tôi càng thấm thía công lao và tấm lòng của chú. Mỗi thành công nho nhỏ của chúng tôi trong văn chương đều có sự chăm lo vun trồng của nhà thơ Kim Chuông yêu kính.

Một sự kiện thật vui đó là ngày 20/11/2020, tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Chính nhà thơ Kim Chuông và nhà thơ Hà Cử đã giới thiệu, bảo lãnh cho tôi theo yêu cầu của tổ chức. Được bước vào ngôi đền thiêng của Văn học nghệ thuật nước nhà là niềm mơ ước của mọi người cầm bút. Tôi là thành viên đầu tiên của nhóm Búp và cũng là nhà văn đầu tiên của tỉnh Bình Phước có được vinh dự này. Không thể tả hết niềm vui của nhà thơ Kim Chuông khi hay nhận được tin vui tôi báo. Chú lại cùng các bạn Búp từ mọi miền tụ về Hà Nội để chia vui cùng tôi. Thầy trò tôi lại quây quần bên nhau bên mâm cơm ấm cúng cùng ôn lại bao kỷ niệm thuở ấu thơ. Nhà thơ ngồi giữa các cháu thân thương, hiền từ như một người cha, đôi mắt ông lấp lánh niềm vui.

Giây phút ấy, tôi rưng rưng hạnh phúc, tôi hiểu rằng trên thế gian này thật hiếm có tình thầy trò bạn bầu lâu bền, tha thiết và chân thành đến thế!

Mỗi khi có dịp giao lưu với khán giả truyền hình trong và ngoài tỉnh, trả lời phỏng vấn trong nhiều bài báo hay trò chuyện với học trò, tôi luôn hãnh diện khoe về tình thầy, trò, bầu bạn của Búp Trên Cành, tình cảm ấy luôn là những gì thầy trò tôi trân trọng, tin yêu trong cuộc đời này và cổ vũ cho mỗi chúng tôi trong sáng tạo nghệ thuật. Tôi thường kể cho mọi người nghe về nhà thơ Kim Chuông: rằng ông là một nghệ sĩ tài hoa trên nhiều lĩnh vực. Tiểu thuyết, thơ, lý luận văn học… chẳng lĩnh vực nào tác phẩm của nhà thơ không để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc. Có lẽ nhà thơ sáng tác không chỉ để trải lòng mà còn để tri ân những ân tình mà độc giả, bạn bầu trao gửi trong hành trình cuộc đời “ngọt ngào cũng lắm, chát chua cũng nhiều” của ông. Vẫn biết, mỗi con người đều có một khoảng trời riêng. Có người muốn giữ nó lặng thầm, có người lại khát khao tìm tri âm tri kỷ. Với Kim Chuông, sáng tác là những ký thác tâm tư, là cách để cống hiến, là cách để được sống như chính mình, là chính mình, và khát khao được đón nhận và đồng điệu.

Tôi rất thích đọc thơ lục bát của Kim Chuông. Qua thơ ông, người đọc thấy lung linh bóng hình của thi nhân gió mây lãng mạn.

Quả là, Kim Chuông, nhà thơ của bốn chục năm trước, nhà thơ của khoảng xa, nhà thơ của gần gũi hôm rày bỗng hiện lên trước mắt tôi, vẫn lung linh một bóng hình như xưa, bóng hình của thi nhân gió mây, lãng mạn. Một Kim Chuông luôn liều lĩnh và mãnh liệt. Với vẻ “sóng sánh” rất Kim Chuông. (Và, chính Kim Chuông lúc nào cũng tự nhận mình là thế) Tôi thích cái cách dùng từ lẫn cách thể hiện cái chất của Kim Chuông trong thơ. Tôi cũng thích cả cái táo bạo, ngộ nghĩnh đến bộc bạch, hồn nhiên của nhà thơ khi đọc:

Người ta khép chặt cửa phòng 

Sợ cơn gió lạnh lùa trong áo mềm

Còn tôi ra tận cửa thềm 

Cởi khuy áo thả hồn lên cành đào

                                (Lại viết về tôi)

Hay:

Đùng đùng tôi bỏ nhà đi 

Thầy u cứ ngỡ việc gì lớn lao 

Thực tình thì có gì đâu 

Tôi đi tìm một mái đầu hương chanh...

                                (Và lại viết về tôi nữa)

Thơ Kim Chuông thật giàu hình ảnh. Biểu hiện mạnh và trội hơn là ở thơ lục bát. Qua những dòng lục bát, tôi thấy rõ cái bóng dáng chàng thi sĩ nhà quê thật đam mê, “quyết liệt”. Quyết liệt đi theo tiếng gọi của “người tình”, của lời hẹn nào đó. Có lẽ ở đời chẳng nhiều, nhưng chẳng ít những kẻ đùng đùng bỏ nhà ra đi một cách “đa cảm, đa sầu, đa gió mây,” thậm chí “dở hơi” như thế!

Bây giờ, đọc những bài thơ trong tập thơ “Và, bắt đầu từ tôi," người đọc mới thấy thấm cái tài, cái tình của Kim Chuông khiến nhiều người cuốn hút. Lời thơ của Kim Chuông thật giản dị, nó được viết cứ như là tự ngân lên từ cõi sâu nơi trái tim, hồn vía, như chẳng cần trau chuốt mà vẫn cứ vang, cứ bay bổng, du dương. Kim Chuông có nhiều câu thơ hay bởi hồn thơ trẻ trung, bởi cái “si tình,” cái “ liều lĩnh” “cái đam mê,” phá cách. Cái trở về sự giản dị, quen gần, “cái rất riêng” để đọc lên, làm người ta dễ nhớ. Ví như:

Tôi à, nào có gì cơ

Ai hẹn là đến, ai chờ là đi 

Một lời em rất thầm thì

Đủ cho tôi bỏ nhà đi nửa đời


Hoặc

Em vừa đến đã về sao?

Không cho anh nói câu nào thật ư

Này em, này hãy từ từ

Nói xem như thế là như thế nào?....


Tôi từng giảng và thuộc khá nhiều thơ tình nổi tiếng trong nước và thế giới. Những bài thơ ấy đương nhiên là tuyệt hay. Thế nhưng, thật ít và hiếm “tác giả thơ tình” khiến người đọc vừa cảm nhận được cái nồng nàn, tha thiết lại vừa ngộ nghĩnh, lãng tử “liều mà duyên” như những bài thơ tình của Kim Chuông. Thật khó quên những câu thơ ông viết:


Tơ non đến thế là cùng

Bên em núi đá xem chừng cũng non


Hoặc:

Ta va vào ngọn gió mềm

Về nhà mất ngủ bốn đêm, ba ngày


Hoặc:

Đời còn đâu lắm Thúy Kiều

Nên ta đã gặp là theo đến cùng


Hay:

Hôm em cúi xuống gội đầu 

Làm tôi chết đuối bên cầu ao quê...

Có nhiều khi, người đọc phải thốt lên “Trời! Kim Chuông, chàng thi sĩ là thế!” khi Kim Chuông tự thú:

“Tính tôi nông nổi thật thà 

Thấy mây là ngắm, thấy hoa là nhìn 

Thấy em xinh đẹp dịu hiền

 Là ta làm sóng, làm thuyền đảo chao"...


Thơ tình Kim Chuông trẻ trung, say đắm bao nhiêu thì những vẫn thơ suy tư về cuộc sống, lẽ đời, về tình bạn, tình người của ông thâm trầm, da diết và đấy ám ảnh bấy nhiêu.

Đã nhiều nhà nghiên cứu phê bình có những bài viết ngợi ca về tâm hồn, tài năng của Kim Chuông với phẩm chất lịch lãm, sang trọng, tài năng... Họ viết chân xác và hay lắm. Riêng tôi, tôi thích nhất những bài thơ Kim Chuông viết về mình có tính tự bạch. Những hiện diện thật điển hình và ấn tượng ở mỗi dòng thơ ấy là chân dung Kim Chuông.

Một nhà thơ tài hoa trong cách nhìn, cách viết. Một trái tim nhân hậu trong suy tư, cảm nhận. Tôi đã chép vào sổ tay, vào trí nhớ của mình nhiều câu thơ giàu chiêm nghiệm, lấp lánh của Kim Chuông. Những điều tưởng thật bình thường, ai cũng thấy, cũng gặp, cũng nghĩ, cũng từng trăn trở mà chưa dễ ai nói ra được bằng thơ. Đến khi đọc những dòng Kim Chuông viết, người ta mới "ngộ” ra rằng “Đây cũng là điều mình từng thấy, từng trăn trở rất nhiều vì nó. Thì đây, những gì nhà thơ đã giúp ta giãi bày nỗi lòng mình qua con chữ thần kỳ, qua thi liệu, qua thần cú, thần tự... Và, trước hết là qua khả năng giải mã bằng đặc điểm đặc thù rất riêng của thi ca, của tài năng thi sĩ. Tôi thật thấm và quý cái “tuyên ngôn” của Kim Chuông dọc lộ trình "thơ và cuộc đời” mà ông hằng hướng tới. Đó là:

“Hành trình với biển xa sâu 

Con thuyền tôi đó bắt đầu từ Tôi

Đi trong nghìn dặm đất trời 

Tôi tìm cho được chính Tôi 

Là gì?"


Khát vọng tìm được chính mình để biết rõ, để cảm nhận được mình là ai, là một hành trình đầy trăn trở và diết da, khao khát không chỉ của riêng ai, nên người đọc thấy có mình trong những dòng thơ ấy. Chất triết lý lắng sâu trong những ảnh hình mộc mạc.

“Còn tôi đi tới nơi nào

Ngàn con sóng vỗ tan vào bờ xanh”

Và:

Còn em với lại còn tôi

Thì còn tất cả em ơi... thì còn"


Có lẽ, với Kim Chuông, cái da diết, se lòng khi bất chợt lúc nào ông bỗng nhận ra mái tóc trên đầu đã pha màu muối trắng với nỗi khát khao còn lại:

“Mai xa vắng bóng trên đời

Còn chăng câu hát của người đang yêu"


Bởi vậy mà:

Vẫn còn em đấy, anh đây

Ngàn năm trăng khuyết trăng đầy tìm nhau


Và, cũng bởi cái ý nghĩa lớn lao hơn nữa:

Bạc tiền chưa phải gì đâu

Con tim mới nói chiều sâu hồn người


Nên, bạn bầu ơi! Người đời ơi:

Đến như đá ở đất này

Cũng tìm nhau kết bạn bầy làm đôi


Hay:

Vì đâu người ở bên người

Lại tìm nhau suốt một đời chưa xong...


Thế đấy. Cuộc đời là chuỗi thời gian một đi không trở lại. Khi đã qua đến “bên kia con dốc cuộc đời” ta bỗng trân trọng hơn những giây phút được làm người, được sống trên mặt đất, với những niềm vui buồn, hạnh phúc, khổ đau, để thấm thía hơn những phút giây khắc khoải, những nhớ nhung, hoài niệm. Tôi đã lặng đi trong cảm xúc nao nao, khi nhận ra ý nghĩa ấy. Có lẽ, hơn ai hết, Kim Chuông đã vượt lên cái nghiệt ngã của cõi nhân sinh bằng lẽ sống thật đẹp, thật giàu ý nghĩa.

Ông đã cống hiến cho đời hơn 40 tác phẩm: 30 tập thơ, 10 tập truyện ngắn, tiểu thuyết và bút ký, tiểu luận phê bình văn học. Nhiều giải thưởng cao quý.

Đọc Kim Chuông, tôi luôn có cảm giác ông đã viết nhiều dòng thơ như thể nói hộ tôi, nói hộ rất nhiều người những điều tôi tôn thờ hay day dứt, khát khao mà chính tôi thông biết làm cách nào giãi lòng ra được.

Hôm nay, dù đã gần nửa đời người với bao thăng trầm của kiếp người, chúng tôi, những đứa trẻ thích văn chương trong các thế hệ Búp trên cành vẫn luôn nhớ về cái lớp Văn, (1976-1980) lớp học ban đầu. Nhớ về các chú, các bác, các văn thi sĩ, trong đó có Kim Chuông, một tài năng thơ của Thái Bình, của cả nước, của riêng tôi trong niềm biết ơn, niềm kính yêu và cảm phục.

Bùi Thị Biên Linh

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.