• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Người đến từ khoảng xanh miền nắng

Thứ ba - 19/11/2024 09:51


(Ảnh: Nhà thơ Biên Linh)


NGƯỜI ĐẾN TỪ KHOẢNG XANH MIỀN NẮNG
(Trần Huyền Tâm)
 
Người đời có câu “thay đổi như thời tiết” thật chả ngoa. Bởi mới hôm qua thôi, cả Miền Bắc còn sùng sũng nước trong cơn dỗi hờn của nàng Ngâu. Ấy vậy mà sáng nay, đất trời Hà Thành lại đã lung linh những giọt nắng vi diệu. Nắng ướp hồn thu trong nước men say ngà. Nắng dát lên trời cao những trong xanh óng ả, liêu trai mà uyên áo. Nắng rót xuống mặt hồ những lung linh huyền ảo. Nắng khảm vào giọt sương đầu cành, thêu lên bao phiến lá non xanh những tinh hoa, lóng lánh, ánh ỏi, mới mẻ và bồng phiêu. Ngắm nhìn ánh nắng ban mai của mùa thu yêu thương đang xóa đi cái u ám của tiết ngâu, đang gieo những thương yêu hy vọng lên đất trời cỏ cây hoa lá, lòng tôi tràn ngập một niềm tin yêu vô bờ bến. Tôi chợt nhớ đến chị, nhớ đến bài thơ “Tin yêu” của chị, nhớ đến tấm tình bao dung, chân thành của chị. Chị là Bùi Thị Biên Linh, người đến từ Miền nắng vùng đất đỏ miền Đông, người được mệnh danh là Nữ Thi sĩ Xuân Quỳnh của Sông Bé, là tác giả của nhiều bài thơ mà tôi rất thích. 
 
Tôi gặp chị từ năm lên 12 tuổi, ở lớp Búp trên cành (Lớp dành cho những thiếu nhi có năng khiếu sáng tác Văn học Nghệ thuật trong hệ đào tạo đầu tiên của Thái Bình trên phạm vi cả nước, từ năm 1976). Lúc đó chị đã nổi tiếng với những bài văn, bài thơ dưới bút danh Bùi Thị Sóng Biển. Chị là cái “cầu nối” dẫn tôi đến với Lớp Búp. Từ năm 11 tuổi chị đã có bài in trên Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Thái Bình. Đặc san Báo Thái Bình. Văn thơ của chị được đọc trên Đài phát thanh, chương trình thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam từ thời ấy. Chị tốt nghiệp Đại học Sư phạm rồi ra trường là cô giáo ở Bình Phước. Cho tới nay chị đã cho ra mắt 6 tác phẩm ở các thể loại khác nhau, từ thơ, bút ký, tiểu luận phê bình đến tiểu thuyết: Ý nghĩ ban mai (thơ, NXB Hội Nhà văn 2015), Khoảng xanh miền nắng (thơ, NXB Hội Nhà văn 2018), Gửi lại dấu yêu (Bút ký, NXB Hội Nhà văn 2018), Bầu trời có nhiều vì sao (ký sự và tiểu luận, NXB Văn Học 2020), Sâu lắng mùa thu (thơ - tiểu luận phê bình văn học, NXB Văn học 2020) và tiểu thuyết đầu tay Lính miền Đông (NXB Quân đội 2022). Ở thể loại nào chị cũng gặt hái những thành công, cũng được nhận nhiều giải thưởng. Rất nhiều bài viết của chị được giới thiệu trên các báo: Văn nghệ, Thiếu niên tiền phong, Người Hà Nội, Sinh viên Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Bình Phước, Tuyển tập “Bạn thơ quê hương”, trang mạng Văn chương Nhà Búp,  được đưa vào sách giáo khoa phổ thông, vào bộ sách kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam… Nhiều tác phẩm về đề tài tình yêu, hạnh phúc, về những người lính cũng đang được chị nhen nhóm, dự thảo, cho lên hình.
 
Tôi thường tìm đến văn thơ của Biên Linh trong lúc tâm mình bung biêng nhất, để cảm, để ngẫm, và sau đó là để tĩnh lại mình. Bởi văn thơ của chị luôn hiền dịu, chân thành, đúng chất quê, mộc mạc mà sâu. Nó cho tôi cảm giác như vừa đi qua những ngày nắng nôi oi bức được tắm táp gội rửa trong những giọt mưa mát lành, hệt như trận mưa đêm “rửa hạ” hôm nào ở Khu Du lịch và trải nghiệm giáo dục Phú Nghĩa. Bất cứ bài viết nào của chị, đọc lên, cũng mang lại cho tôi cảm giác dịu lành như thế. Nào là Trước biển, Ngọn núi tình yêu, Dấu yêu gửi lại, Thu cảm. Nào là Một mình với mùa thu, Mùa khô trên nông trường, Gửi lại ước mơ, Tin yêu, Hoa Phượng, Mùa Xuân, Thời gian, Mùa thu, Có những ân tình như thế… Trong các bài thơ của chị, tôi thích nhất là bài “Tin Yêu”:
 
Người đi về phía biển rồi
Tôi đã hiểu thế nào là nỗi nhớ
Nỗi khắc khoải mỗi chiều hôm tựa cửa
Nỗi xuyến xao khi trăng sáng bên thềm
 
Nỗi bồn chồn trong buổi tối lặng yên
Nỗi thổn thức tiếng mưa ngoài kẽ lá
Nỗi mong ngóng cánh chim trời vội vã...
 
Chỉ một người hiểu cùng tôi tất cả
Nỗi lòng này - Ở phương ấy - Biển ơi!
 
Dưới ngòi bút của Biên Linh, nỗi nhớ người đi xa đã hiện hữu, đã lắng đọng, đầy ắp trên các diện, các phương của thi liệu: từ ngôn ngữ, hình ảnh, vần điệu cho đến tâm tình, xúc cảm, thi hứng. Bài thơ là một bức tranh về nỗi nhớ, làm sống dậy một cách sinh động cái tâm tình của một người đang trào dâng cảm xúc thương yêu. Đang se quặn trong nỗi nhớ nhung khi phải xa tấm tình yêu thương luyến nhớ của mình. Nó khắc khoải, xao xuyến, bồn chồn, thổn thức. Nó làm ta không yên. Bởi nhìn đâu cũng thấy nỗi nhớ hiện hữu. Cỏ cây, hoa lá, mưa nắng, sự tĩnh lặng của đêm tối hay cánh chim trời vội vã. Nỗi nhớ chật ních cả không gian. Mà cái không gian khi đã đậm đầy nỗi nhớ ấy, dù theo chiều ngang hay chiều dọc, chiều thẳng đứng hay tam tứ giác, lục giác hay bát giác gì gì đi nữa… thì cũng chỉ dồn về một phương ấy, là “Phía Biển!” Và, biển phía ấy đã hóa thành điểm sáng. Bởi nơi ấy có người yêu mình, hiểu mình. Chỉ người ấy mới vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của cái tâm trạng bung biêng của mình. Lại thấy thêm yêu cái nhớ, cái nỗi niềm tin yêu của chị. Qua tái tạo, rồi sáng tạo. Qua hồn vía của người thơ ấy, qua những câu chữ có thần, những con chữ có cường độ năng lượng cao đang phát quang, đang tỏa sáng ấy. Ở đây, chủ thể sáng tạo chính là nguồn cội đang day trở trong nỗi nhớ. Dù nỗi nhớ được mang tên hay nỗi nhớ không tên, đều là trong khắc khoải, xao xuyến, trong thổn thức, mong chờ, mà lóe lên, mà bay ra. Nó như con sóng, biết được cái mình sẽ được, sẽ có, mà vẫn mong ngóng được dồn xô, được tan ra, được vọng vang trên bãi bờ khao khát. Thiết nghĩ, nếu không phải là người trong cuộc, không có tình yêu mãnh liệt, không có tâm hồn đắm say của một người “có duyên cầm bút”, thì Biên Linh không thể có bài thơ “Tin yêu” trong kết tinh của cảm rung, của ý nghĩ, của rất nhiều yếu tố làm nên bài thơ hay, có sức lay động hồn người như thế. Nó thực sự là sự đồng điệu cảm hòa của ngôn ngữ, của hình ảnh, của “những chiều tựa cửa”. Của phút giây “khi trăng sáng bên thềm”. Của “Nỗi thổn thức tiếng mưa ngoài kẽ lá”. Của: “Nỗi mong ngóng cánh chim trời...”. Của cả tâm hồn yêu say, đượm nồng, thi sĩ! Đến mức, mỗi lần đọc xong, tôi lại thốt lên: Cảm ơn Biên Linh! Cảm ơn nỗi nhớ thi ca trong cái có được của chị!
 
Tôi thích thơ của chị, yêu con người chị. Bởi, ngoài đời hay trong thơ, tôi luôn gặp một Bùi Thị Biên Linh dịu dàng, đằm thắm, sâu lắng và tin yêu như thế. Bởi, nói chuyện với chị, gặp chị, là có thể nghe, có thể nhìn, có thể cảm, có thể thấu một tâm hồn tươi xanh trong trẻo đang nhẹ nhàng cất lên những tiếng hát dịu lành đầy cảm mến của một người đến từ “Khoảng xanh miền nắng”, đúng như tên của một tập thơ của chị. Bởi, tôi vừa mới chia tay chị, chia tay “ tuyệt phẩm” của đại gia đình chị mang tên “Khu du lịch và trải nghiệm giáo dục Phú Nghĩa”, mới được mấy ngày thôi. Và hôm nay, ngắm nhìn những phiến nắng đang dắt mùa thu đi giữa xanh trong của đất trời Hà Nội, đọc bài thơ “Tin yêu” của chị, tôi lại nhớ đến chị, nhớ đến những lời tâm tình của chị, khi chúng tôi đi giữa khoảng xanh miền nắng ấy: “Sống mà không có niềm tin yêu thì khổ lắm. Mà muốn có niềm tin yêu ấy thì phải biết tha thứ, bao dung… Chị cảm ơn Tâm vì nhờ có em mà chị có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống, biết được thế nào là bình an, là an nhiên, là tha thứ, là tu sửa bản thân mình”. 
 
Hôm ấy, chúng tôi chia sẻ với nhau rất nhiều chuyện xảy ra trong thời gian qua, từ chuyện gia đình, chuyện bạn bè đến chuyện nhân tình thế thái… và thống nhất cho rằng: muốn có được sự an yên thì tốt nhất là tâm ta không quản những sự việc đang loạn tạp ngoài kia. Ta chỉ làm những việc cần làm và giữ cho tâm mình thanh trong, tịnh khiết và tĩnh lặng. Lời tâm tình của chị đã làm cho tôi thêm hiểu chị, hiểu được vì sao bài viết nào của chị cũng luôn đượm sắc màu nhân ái của một tâm hồn thi nhân mang trong mình vẻ đẹp Chân Thiện Nhẫn. 
 
Chị Biên Linh còn nhắc lại việc có lần tôi gửi cho chị một bài viết về sự tha thứ mà tôi tìm được trên mạng. Chị bảo nó rất tốt cho chị, cho những người ít nhất một lần trong đời từng phải bận lòng chuyện nhân tình thế thái như em của chị. Rằng, chị đã biết, tha thứ là một loại triết học rất trọng yếu của đời người. Rằng, trong cuộc đời mỗi người phải dùng tâm tha thứ cho ít nhất ba người: tha thứ cho chính mình, cho kẻ thù của mình và cho bạn bè của mình. Câu chuyện của Hàn Sơn và Thập Đắc trích từ Hán văn cổ mà tôi gửi cho chị ấy ngày ấy lại được chúng tôi nhắc đến. Trong đó có đoạn Hàn Sơn hỏi Thập Đắc rằng: “Trong thế gian có người phỉ báng ta, nhục mạ ta, chê cười ta, coi thường ta, chà đạp ta, vậy thì ta phải đối xử thế nào?” Thập Đắc cười trả lời: “Ta chỉ cần nhẫn hắn, nhịn hắn, nhường hắn, tránh hắn, cung kính hắn, đừng để ý đến hắn, chờ mấy năm sau hãy gặp lại hắn”. Bài viết cũng đã chỉ cho chúng tôi thấy rằng trên đời này chẳng có gì hoàn mỹ cả, và ai cũng có thể đã từng phạm sai lầm. Nhưng nếu cứ đắm chìm trong sự hối hận, cứ tự trách mình sau mỗi sự việc không ưng ý, thì chính là ta đang cấp thêm năng lượng cho tâm trạng không tốt đó và nó sẽ khiến tâm trí ta không thể thảnh thơi được. Thế nên, hãy cứ mỉm cười, đối mặt với nó như là một cái nghiệp mà mình đã vô ý gây ra, rồi bước qua nó. Và làm đúng như lời người thầy vĩ đại của chúng tôi đã dạy: Rằng, hãy coi “mọi sự đều là hảo sự”, dùng tâm tha thứ để đối đãi với tất cả! Rằng, nên cảm ơn “kẻ thù” của mình, bởi nhờ có họ mà ta thấy trân quý những điều tốt đẹp của cuộc sống mà ta đang có. Nhờ có họ mà ta nhìn nhận sâu hơn về bản thân mình, để từ đó ta hoàn thiện mình hơn. 
 
Ôi chao, chị Biên Linh của tôi! Một con người dịu lành của vùng quê lúa Thái Bình. Một Văn nhân tài hoa của Khoảng xanh miền nắng Bình Phước. Một người đã biết đến, đã đặt trọn niềm tin yêu của mình vào vẻ đẹp Chân Thiện Nhẫn của Tân Vũ. Biết được cái tình làm nên thế gian này, một thế gian quay đảo vì tình. Biết được, cuộc đời một con người không có gì là không thể tha thứ! Và giờ đây, ngay cả khi nhân thế đang ở vào tình cảnh khó khăn nhất, chị cũng đã học được cách “mở cánh cửa sổ” để tâm mình nhìn thấy phong cảnh tuyệt vời mỹ diệu ngoài kia, hưởng những vinh phúc mà Khoảng xanh miền nắng Phú Nghĩa mang lại! Tôi tin rằng, với thể ngộ như vậy, những vần thơ, những đoạn văn mà chị đang và sắp viết, sẽ lần lần tỏa lan, lần lần vi diệu, lần lần phát quang, ánh lên, lấp lánh thêm những nét đẹp trong tâm hồn chị. Một tâm hồn Đẹp đang được vòng hào quang chu thiên sáng soi. Một dịu ngọt đang đắm say nồng nàn cất cao tiếng hát ngợi ca hạnh phúc. Một hạnh phúc giản dị mà thù thắng đến từ niềm tin yêu thiện lành và trái tim biết tha thứ, lắng nghe. 
 
Viết đến đây, tôi mỉm cười, sung sướng nói với những con chữ đang hằng ngày theo tôi trải mình trên mỗi tầng không gian mênh mông vô tỷ, rằng các bạn có cảm nhận được niềm diễm phúc vô biên của mình khi được trải khắp nhân gian tấm tình thiện lành của một Người Đến Từ Khoảng Xanh Miền Nắng này không? Các bạn có biết độc giả sẽ chọn gì cho tâm thái của mình sau khi đọc bài viết này không? Họ sẽ có niềm tin yêu, sẽ bao dung tha thứ, hay vẫn cứ nuôi mãi trong mình sự buồn chán, hoài nghi, oán hận? Chẳng phải biết tin yêu, biết tha thứ, biết sẻ chia và cảm thông sẽ giúp họ thoải mái và sống tốt đẹp hơn sao?!! 
 
Hà Nội, ngày 31/8/2024
Trần Huyền Tâm


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.