• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Cảm nhận về tập thơ "Mùa Đợi" của Nguyễn Thúy Hằng

Thứ bảy - 09/11/2024 08:47



(Ảnh: Nhà thơ Nguyễn Thúy Hằng)

CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ “MÙA ĐỢI” CỦA NGUYỄN THUÝ HẰNG


Tôi gặp em lần đầu trong một ngày thu 2015 – ngày trở về của các Búp Trên Cành (thiếu nhi tham gia trại hè sáng tác văn thơ do Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tổ chức vào thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ XX), trong không khí của buổi gặp gỡ ồn ào đầy xúc động, thầy trò, anh chị em, bạn bè ríu rít tay bắt, mặt mừng sau gần 40 năm xa cách, em ngồi bên tôi dịu dàng, e ấp với dáng người thanh mảnh, gương mặt trái xoan, đôi mắt sáng trong, giọng nói nhỏ nhẹ, nụ cười mộc mạc, hiền hậu vô cùng. Sau này tôi mới biết em học ở Hội cùng út Liên, sau tôi chừng 5 khoá và là một cây bút ấn tượng cả về thơ lẫn văn xuôi của văn học thiếu nhi Thái Bình ngày ấy. Sau năm học cuối cấp, lớp lớp Búp trên cành đã tung cánh bay xa, khắp mọi phương trời, có chị sang tân nước Mỹ hay Moldova xa xôi học tập và làm việc, có bạn vào phương Nam lập nghiệp, nhiều bạn về thủ đô, về thị xã nay là thành phố Thái Bình sinh sống, tôi theo gia đình vào Tây nguyên – nơi bạt ngàn nắng, gió, bạt ngàn cà phê, bazan đất đỏ… Còn em, không biết có phải vì duyên phận hay vì quá nặng lòng với quê nội dấu yêu – nơi có những vườn cây trái bốn mùa sum suê, trĩu quả, dòng sông Lắng Sa hiền hoà, thơ mộng, triền đê rực vàng hoa cải mỗi độ đông về… em đã gắn bó cả cuộc đời mình ở đó – làng vườn Thuận Vi – nơi mà các cô chú ở Hội VHNT Thái Bình đã hơn một lần đưa các cháu thiếu nhi năng khiếu về mở trại hè sáng tác, nơi đã khiến người bạn thơ của chúng tôi –  cô bé Phạm Lan Anh – 13 tuổi – lần đầu tới đã phải thốt lên đầy ngạc nhiên, đắm đuối:

Ôi bầu trời Thuận Vi

Sao hôm nay lạ quá!

Màu trời và sắc lá 

Ai đem hoà vào nhau


Phù sa đục ngàu ngàu

Mà sao màu lá biếc

Có phải tiếng chim hót

Đánh rơi hạt sương tròn


Nắng lọt qua kẽ lá

Như những đồng xu con

Trên cành chùm táo non 

Chờ vào mùa chín rộ


Buổi sáng ở Thuận Vi 

Sao hôm nay lạ quá!

Màu trời và sắc lá

Ai đang hoà vào nhau…

(Buổi sáng ở Thuận Vi – Phạm Lan Anh)

Em đảm đang, nhân hậu, chịu thương, chịu khó, sớm khuya tần tảo gánh vác việc nhà, việc làng, việc xã trên đôi vai mảnh khảnh nhưng đầy yêu thương và trách nhiệm. Tâm hồn sáng trong, trái tim giầu cảm xúc và chan chứa thương yêu đã nuôi dưỡng mạch nguồn thơ, văn của em, trải qua bao đắng cay, vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh, bao trái ngang, khe khắt, dập vùi của số phận, vẫn dạt dào và toả sáng – thứ ánh sáng trong vắt, dịu dàng của vầng trăng quê mười sáu – đẹp thanh khiết và bình dị như chính tên em vậy: Thuý Hằng. Không chỉ cần mẫn, tảo tần với ruộng đồng mưa nắng để làm nên những mùa hoa thơm ngát bãi bờ, mùa đậu, mùa cà tháng ba, mùa nhãn tháng năm mùa khoai tháng tám, mùa dâu, tằm, mùa dưa, mùa cải se sắt heo may hay căm căm gió bấc, tê tái mưa phùn… đêm đêm em vẫn miệt mài trên trang viết, giọt nước mắt chảy vào đêm thầm lặng, viết để trút lòng, để gửi gắm vào đó bao ẩn ức, nỗi niềm, bao khát khao, mơ mộng của một thời tuổi trẻ, nỗi nhớ nhung mong đợi của người con gái… và trên tất cả, viết với em chính là một cách để nuôi dưỡng niềm tin yêu vào cuộc sống, để bộc lộ cảm xúc trước những vẻ đẹp của mùa, của thiên nhiên, cây cỏ, đất trời, sông nước quê hương, viết để tri ân công lao, nghĩa tình cha mẹ, quê hương, tri ân cuộc đời và để cảm thông, chia sẻ…

Nguyễn Thuý Hằng có khá nhiều sáng tác được đăng trên tập san Búp trên cành, trên báo, tạp chí hay một số tuyển tập văn học của nhiều tác giả. Văn xuôi của Nguyễn Thuý Hằng hấp dẫn người đọc bởi thế giới ngôn từ đẹp đẽ, ngọt ngào, thẫm đẫm chất thơ, giầu hình ảnh, cảm xúc, có chiều sâu và cảm quan tích cực trong cách nhìn hiện thực. Từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường em đã đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi văn của tỉnh và Quốc gia. Sau này trở thành nữ cán bộ xã, Thuý Hằng lại tham gia viết và đạt hai giải thưởng cuộc thi bút ký của Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Năm 2007, tập tản văn Trăng làng vườn được xuất bản bởi NXB Hội Nhà văn như một sự ghi nhận thành quả đóng góp của Nguyễn Thuý Hằng trong lĩnh vực văn xuôi. Nhưng với Thuý Hằng thơ mới chính là phần tinh túy nhất, dạt dào nhất trong các sáng tác của em. Thật vui mừng, mùa thu năm 2018 em tiếp tục được NXB Hội Nhà văn cho ra đời ấn phẩm thơ Mùa Đợi – một tập thơ mang đậm dấu ấn tâm hồn người con gái mang tên Thuý Hằng - vầng trăng biếc xanh - thi sĩ của làng quê yêu dấu, đậm đà “Hương sắc phù sa” (Hương sắc phù sa – Trần Huyền Tâm)! 

Quả vậy! Tập thơ Mùa Đợi của Nguyễn Thúy Hằng là một dòng chảy cảm xúc, là nhịp đập của trái tim người con gái lớn lên từ làng vườn Bách Thuận, bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Những trang thơ của Thuý Hằng dịu dàng như làn gió mát, thấm đẫm hương vị đồng quê, gợi lên những rung động sâu sắc trong lòng người đọc.

Mùa Đợi là bức tranh đầy chất thơ và lãng mạn tràn ngập vẻ đẹp giản dị, bình yên của làng quê Bắc Bộ. Qua từng dòng thơ, người đọc như được sống trong một không gian quen thuộc mà vẫn mộng mơ: cánh cò trắng bay trên sông quê, những buổi chiều vàng ấm trên đồng lúa, tiếng sáo diều vi vút trong chiều thu êm ả. Đọc Mùa Đợi, ta cảm nhận được hơi thở của đất trời, tình yêu thương man mác trong những câu thơ chấm phá vẻ đẹp của sông nước, cây cỏ, như trong bài thơ “Chiều Sông Quê”:

“Sông quê tựa dải lụa hồng

Thuyền ai một mảnh trăng cong hững hờ...”


Ngôn từ của Nguyễn Thúy Hằng không cầu kỳ mà cô đọng, gợi cảm và chân thật, tạo nên nét riêng, thuần khiết và sâu sắc. Mỗi bài thơ trong Mùa Đợi không chỉ là một bức tranh phong cảnh mà còn là sự thổ lộ tâm tư, nỗi niềm. Đó là nỗi nhớ quê da diết của người con xa quê, là niềm thương nhớ những kỷ niệm ấu thơ trong từng cơn gió nhẹ hay mùi hương đồng nội. Những bài thơ như "Sông Thu", "Chiều Cuối Năm", và "Mùa Đợi" đều phác họa lại một cách sống động bức tranh quê hương và nhịp sống của người nông dân trên ruộng đồng mưa nắng với những vất vả, đói nghèo mà vẫn ấm áp tin yêu.

Cùng với cảnh sắc thiên nhiên, Mùa Đợi còn là tiếng lòng của tác giả về tình cảm gia đình và tình yêu đôi lứa. Hình ảnh người mẹ, người chị, người yêu đều hiện lên chân thực, với nỗi niềm yêu thương, đợi chờ, và đôi khi là cả những tiếc nuối, xót xa. Trong bài “Nghe Mẹ Hát Ru”, tác giả tái hiện lại giọng ru dịu dàng, quen thuộc của mẹ, nhắc nhớ về tuổi thơ yên bình. Hình ảnh mẹ trở thành biểu tượng của nguồn cội, của quê hương trong lòng tác giả:

…Con đã đi qua bao nhiêu khoảng trời

Vẫn thăm thẳm trong con khoảng trời ấu thơ đẹp nhất

Trải bao đắng cay vinh nhục cuộc đời nay vô tình con được nghe mẹ hát

Tuổi thơ ăm ắp về trong vắt kỷ niệm xưa.


Mẹ đã cho con về sống năm tháng tuổi thơ

Có cánh cò bay lả bay la rủ nhau đi đón mưa đón nắng

Có đồng lúa mênh mông, dòng sông dạt dào, lũy tre làng xanh thắm

Cánh võng chao chiều nghiêng tím cả hoàng hôn.


Ôi lời ru thuở nào đã cho con lớn khôn

Dù lạc bước tới muôn phương con vẫn nhớ về quê hương 

dưới mái tranh nghèo có bao tấm lòng thơm thảo.

Nơi con hạnh phúc, yên bình trước cuộc đời giông bão

Rưng rưng con lặng thầm cảm ơn mẹ, mẹ ơi!


Khát vọng tình yêu trong tập thơ Mùa Đợi của Nguyễn Thúy Hằng ẩn chứa và tỏa sáng với những cảm xúc thiết tha, sâu lắng, đan xen giữa nỗi nhớ nhung, khát khao, niềm tin và hy vọng, đôi khi cả sự thất vọng nhưng luôn là một tình yêu bao dung, lặng thầm hy sinh và chờ đợi. Đặc biệt, trong "Khát khao cơn gió heo may trở mùa," hình ảnh làn gió heo may khẽ lướt qua thể hiện khát khao về sự đồng điệu và sẻ chia, mong manh mà mạnh mẽ, như chính bản chất của tình yêu.

Hình ảnh thiên nhiên trong Mùa Đợi đã góp phần không nhỏ giúp tác giả gửi gắm khát vọng tình yêu một cách tinh tế và thầm kín. Cánh cò chao nghiêng, những buổi chiều bên dòng sông quê, hay hình ảnh hoa gạo đỏ giữa trời… đều gợi lên không gian hoài niệm, là nơi tình yêu cất giấu những ước mơ và khao khát thầm lặng, đôi khi là nỗi trăn trở, nỗi lòng da diết hướng về một miền thương nhớ: “Ngỡ mùa vừa qua đâu đó / Dịu dàng chạm nhẹ bàn tay…”

Khát vọng tình yêu trong thơ Thúy Hằng còn mang tính triết lý, là khát vọng của tâm hồn trước sự mong manh của tình yêu, của kiếp người, như trong bài thơ "Ru cỏ," nơi tác giả gửi gắm tình yêu vào từng nhánh cỏ gầy mỏng manh, tượng trưng cho những mối tình dịu ngọt nhưng dễ tổn thương: 

Em gửi dấu yêu vào cỏ

Xót xa ru nhánh lá gầy

Ngỡ mùa vừa qua đâu đó

Dịu dàng chạm nhẹ bàn tay.


Muốn làm mong manh ngọn gió

Nâng niu lá cỏ xanh mềm

Muốn làm hạt sương nho nhỏ

Tan vào giấc cỏ đêm đêm.


Lời ru ngọt tự trái tim

Nghẹn ngào ngăn dòng nước mắt

Thương cỏ một trời khao khát

Dập vùi cơn bão đi qua…

Và như vậy Mùa Đợi không chỉ là tình yêu thiên nhiên, là tiếng gọi của mùa, mà còn là bản tình ca của tình yêu giản dị, lặng thầm mà tràn đầy khát vọng, để lại trong lòng người đọc nỗi day dứt, niềm cảm thông và trân trọng trước một trái tim luôn nhẫn nhịn hy sinh vẫn cháy bỏng khát khao tình yêu, hạnh phúc.

Một điểm nổi bật khác trong thơ của Nguyễn Thúy Hằng là cách tác giả viết về nỗi chờ đợi và niềm tin. Trong bài thơ "Mùa Đợi", những lời thơ mộc mạc ấy lại gợi lên khát vọng, là sự hy vọng lặng thầm nhưng bền bỉ trong từng mùa đợi. Nỗi mong ngóng một cuộc sống đủ đầy hơn, một tương lai tươi sáng hơn không chỉ cho mình mà còn cho cả làng quê, cho những người lao động quê mình. Bài thơ mang đậm chất tự sự, lắng đọng một cách đầy tinh tế và gợi cảm, thể hiện cái nhìn lạc quan, tràn đầy hy vọng dù cuộc sống đôi khi thật nhiều khó khăn, thử thách: 

…Góc vườn nhà mình ngơ ngác tím hoa xoan

Mong manh giấc mơ ấm lòng giữa ngày giáp hạt

Cụm dong riềng đầu hè mới nảy mầm xanh ngắt

đã thập thò ánh mắt chờ trông.

Tháng hai leo heo

lúa chưa kịp trổ đòng

Mẹ buộc bụng ngoài đồng mò cái cua còng, dăm con ốc đá

Cha thắt lưng ngược sông rẽ đêm gió cả

Quăng mảnh lưới vá trăm lần mong gỡ nỗi đầy vơi.

Tháng ba

hoa gạo đỏ gắt trời

Chị lượm cánh hoa rụng tơi bời trên vệ cỏ

Gieo ánh mắt ngổn ngang vào cánh đồng ngun ngút gió

Chao nỗi niềm về

ủ kín vào đêm...

Tháng tư

Vang tiếng sấm rền 

Đồng làng chao nghiêng phất cờ mở hội 

Em yếm thắm môi hường tròn đầy mùa con gái 

Bông lúa trên đồng trĩu hạt chờ mong

Lời hẹn mùa màng ăm ắp nắng 

Tháng năm


Thơ của Nguyễn Thúy Hằng có sức hút bởi chất trữ tình, tinh tế, giàu nhạc điệu và sức sống. Với ngôn từ giản dị mà biểu cảm, hình ảnh thơ giàu sức gợi, nhạc điệu nhẹ nhàng, lắng đọng, đặc biệt là cách sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát ở một số bài thơ tạo nên âm hưởng du dương, như những khúc ca êm đềm, dẫn người đọc vào không gian làng quê với những ký ức ngọt ngào và đầy hoài niệm. Ẩn sau những dòng thơ là tình yêu quê hương bền chặt, một tấm lòng sâu nặng và bao dung. Mùa Đợi không chỉ là tập thơ sâu lắng về quê hương, về khát vọng tình yêu, hạnh phúc, mà còn là món quà tâm hồn dành cho những ai đã từng yêu mến vẻ đẹp thanh bình của làng quê Việt Nam, cho những ai luôn hướng về cội nguồn. Thơ Thuý Hằng là tiếng nói của một tâm hồn giàu cảm xúc, là tiếng thơ chân tình nhưng sâu sắc, nhắc nhở chúng ta về những giá trị bền vững của tình yêu và nỗi nhớ quê hương - nơi trú ngụ yên bình giữa cuộc đời đầy giông bão…

Thơ là địa hạt của cái đẹp, là dòng nước mát lành để thanh lọc tâm hồn ta giữa cuộc đời đầy gió bụi. Cám ơn tác giả Nguyễn Thuý Hằng – người con gái của làng quê Bách Thuận mộc mạc, chân chất mà trong trẻo, lãng mạn đã cho bạn và tôi một Mùa đợi thật dịu ngọt, trong lành, thiết tha và ấm áp tin yêu, hy vọng!

TP Hồ Chí Minh, tháng 11 năm 2024

Nguyễn Thị Toán




Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.