- Lý luận - Phê bình
Tiếng lòng của một tài hoa
Thứ tư - 30/10/2024 10:55
(Ảnh: Nhà thơ Phạm Hồng Oanh)
TIẾNG LÒNG CỦA MỘT TÀI HOA
(Trần Huyền Tâm)
Người ta bảo thơ là tiếng lòng của thi nhân. Đọc thơ tức là đọc tiếng lòng của người viết, mà cũng là tiếng lòng người. Những lúc rảnh hay đang trong tâm trạng ưu tư, tôi thường tìm thơ để đọc, để lắng tiếng lòng người, để cảm và để hiểu mình hơn. Mà là đọc theo cách tôi thích, tức là cứ “nhâm nhi” từng câu một, từng chữ một. Là đọc chậm. Như thế mới “đã”. Nếu đọc lướt qua thì cũng giống như xem phim, ta cứ phải “chạy” theo những thước phim đang quay không dừng; hay đi đường, ta cứ phải đi theo nhịp độ của luồng giao thông mà không thể nào tự ý tăng hay giảm tốc được. Với tôi, nếu không có thời gian “nhâm nhi” thơ, “trì” thơ, “tụng” thơ, thì khó có thể cảm nhận hết điều mà tác giả muốn nhắn gửi. Trong một bài thơ, để bắt được cái “thần” của nó, có khi chỉ cần đọc tiêu đề, câu mở đầu hay câu kết. Nhưng nếu muốn có nhiều lắng đọng, cảm giác trào dâng, để rồi tâm đắc với những câu thơ hay, nhất là những từ kết, thì lại phải “nhâm nhi”. Tôi thường như vậy, để cảm tiếng lòng của thi nhân, cũng là một dịp để nhìn lại mình, chính lại mình, để rồi có thể “đặt tâm xuống cho hồn thăng lên”.
Chẳng hiểu sao cứ nhắc đến thơ là tôi lại nhớ đến Phạm Hồng Oanh, một tài hoa của Nhóm Búp, một ngôi sao sáng của cánh đồng văn chương miền quê lúa Thái Bình. Oanh là niềm tự hào của cõi thiêng xanh Nhà Búp chúng tôi. Em là một trong hai thành viên đầu tiên của Nhóm Búp được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Em có duyên với giải, và đã “gặt hái” được 6 giải thưởng văn học lớn cùng nhiều giải thưởng văn học của các bộ, ngành và nhiều cơ quan báo chí. Nhiều tác phẩm của Oanh được đăng trên các báo, tập san, tạp chí ở trung ương và địa phương. Thơ của Oanh còn được đưa vào sách giáo khoa phổ thông, được in trong nhiều tuyển tập thơ danh giá như: Tuyển tập Thơ lục bát Việt Nam; Tuyển tập thơ tình bốn phương; Tuyển tập nghìn câu thơ tài hoa; Tuyển nghìn năm thơ tứ tuyệt. Tới nay, Oanh đã cho ra mắt 3 tập thơ “Mặt trời xa lắc”, “Hoa nở không mùa”, “Níu mùa mà nghĩ” và 3 tác phẩm sắp được công bố (1 tập truyện ngắn, 1 tập bút ký, 1 truyện dài viết về ngành công an).
Cùng là thành viên của Nhóm Búp nhưng mãi đến năm 2015 tôi mới gặp Oanh. Đó là lần tôi về quê tụ tập với Nhóm Búp Trên Cành sau 38 năm gặp lại. Rồi sau đó, mỗi lần tôi về quê, gặp Oanh rất vội, chỉ đủ thời gian chụp ảnh, trêu chọc nhau rồi chia tay. Thơ của Oanh thì tôi đọc nhiều, đọc thuộc luôn, và rất thích. Có người nói thơ của Hồng Oanh giống thơ Hồ Xuân Hương. Tôi thì không thích thơ của nữ sĩ họ Hồ nhưng lại rất mê thơ của nữ sĩ họ Phạm này. Bởi đọc thơ của Hồng Oanh, tôi ngộ được nhiều điều; và cũng biết nên quên nhiều điều. Bởi nó luôn xoay quanh ba chữ mà tôi thấy mình cần buông bỏ nếu muốn là người thực tu.
Nhóm Búp chúng tôi ai cũng có một “đặc danh” một cái tên thân mật. Phạm Hồng Oanh được gọi là “Muối” - “Búp Muối”. Đó là cái tên có “bản sắc riêng”, rất Oanh. Nó khởi phát từ việc em là tác giả của bài thơ “Muối dưa” nổi tiếng, từng đoạt giải cao trong cuộc thi tác phẩm “Tuổi xanh” năm 1993 do Báo Tiền Phong tổ chức, được chọn in trong “Tuyển tập Thơ Lục bát Việt Nam” (xuất bản năm 1994). Với những câu thơ hay đến kỳ lạ, “Muối dưa” đã đánh dấu một thời điểm quan trọng đối với sự nghiệp sáng tác văn học của Oanh. Có lẽ cũng tại nó quá hay, quá xuất sắc nên sau này có một số độc giả, vì “quá cảm, quá nhập, quá si, quá mê” bài thơ mà đánh mất cả lòng tự trọng của mình, mà lú lẫn đến nỗi ngẩn ngơ nhận vơ đó là của họ, khiến Oanh phải mất một thời gian dài nhờ đến sự can thiệp của nhiều nơi, nhiều nhà thơ có uy tín, mới đòi lại được quyền tác giả. Riêng tôi, mỗi lần nhớ đến em, tôi đều nhớ đến bài “Muối dưa” với những câu thơ hay, độc, lạ, rất đời thường mà cũng rất văn chương này: Tươi cái mất héo cái còn/ Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa…
Thơ của Oanh có cá tính riêng. Nghệ thuật sử dụng các thi liệu của em luôn đạt đỉnh. Cách đối chữ, đối câu, đối ý của em cũng rất điệu nghệ, có nghề. Có thể thấy rõ, các cảm xúc buồn - vui, đến - đi, mất - còn, đủ - thiếu, nhanh - chậm, thật - giả… của người thơ này đã đan xen, xáo động, biến động rồi tĩnh lại, rồi lại xáo động, lại đan xen, tĩnh lại với những cảnh giới tinh thần cao hơn. Đó là tâm thái của người đứng ở tầng cao, đã nhìn, đã biết, đã hiểu, đã điều chỉnh được cảm xúc của mình. Nó tác động đến tâm thái người đọc, làm họ soi lại mình, để được tĩnh tâm giữa những an hòa. Chẳng thế mà mỗi lần đọc thơ Oanh, nghe Oanh trải tiếng lòng mình, giãi bày tâm sự của mình, bằng những ngôn từ hay mà không lạ, tôi lại giật mình thon thót. Như là em đang nói cái vấn đề của tôi vậy. Em đang chát chúa, moi móc ra những tâm sự gai góc, những tư tình băn khoăn, những lo âu trăn trở mà tôi đang cất giữ ở tận đáy lòng mình, vì điều này điều khác mà chưa thổ lộ. Không biết các bạn gọi đó là gì, tôi thì hiểu rằng đó là tri âm, là hữu duyên từ nhiều kiếp trước. Thơ của em luôn xuất hiện đúng lúc mà tôi cần, đúng tâm sự mà tôi đang muốn giãi bày. Em luôn nói ra những điều mà tôi đang cần nói. Và nếu không thấy thơ em xuất hiện trên mạng, thì cũng đồng nghĩa với việc em đang gặp vấn đề gì đó….
Có lần đang rối trí, chỉ muốn buông xuôi, muốn tặc lưỡi một cái “cho con thằn lằn nó đứt đuôi”, tôi lang thang trên mạng và đọc bài thơ này của Oanh:
Hoa tự thắm, lá tự xanh
Gió tự mát, nắng tự thành vàng tơ
Ta vừa qua tuổi ban trưa
Chưa xanh thắm được chắc chưa tự mình.
Lại giật mình. Oanh đang nói mình đây. Em bảo tôi phải nhìn lại mình đi. Phải hướng nội đi. Đúng là do bản thân mình chưa cố được, chưa quyết tâm được thôi, chứ có phải là tự ai đâu. Tu là tại tự kỷ, là tự mình mà. Sao lại cứ đổ cho hoàn cảnh, cho người khác. Mọi cái cớ lúc này, có thể tìm ra nhiều lắm, nhiều vô số luôn. Nhưng cũng chỉ là bao biện thôi. Như gió đấy, như nắng đấy, như hoa đấy, như lá đấy, chúng nó đều là tự mình cả. Vậy bản thân mình, nếu không làm được điều mà mình đang muốn làm, đang phải làm, chắc chắn là do bản thân mình chưa tự gắng sức, chưa tự bứt lên. Tôi đã thầm cảm ơn em và đã chia sẻ bài thơ này cho những người thân của mình để cùng nhìn lại bản thân mình mỗi lúc gặp khảo nghiệm.
Có lần tôi đang trong tâm trạng của một ngọn gió ham chơi. Thấy mình chẳng ra sao cả. Nửa ngu ngơ, nửa tỉnh thức. Đúng lúc đó tôi chợt nhớ ra bài thơ Về thành phố trước cơn mưa của em. Tâm đắc nhất là câu:
Ta thành ngọn gió ham chơi
Nửa giông tố, nửa đơn côi trước mùa,
Hình như sau mỗi câu đùa
Đường xa đỡ thẳm, sân chùa đỡ rêu…
Để rồi lắng lại tin yêu
Hành trang còn có những chiều mộng mơ.
Về thành phố trước cơn mưa
Chợt như về lại thời chưa biết buồn.
Những câu thơ của em kéo tôi ra khỏi tâm trạng ngu ngơ ấy. Và tôi đã nhớ ra: mình phải về nhà trước khi cơn mưa tới. Trở về để kịp đón một mùa khác. Là mùa giác - Một Mùa Giác xanh trong đang thánh thót tiếng tơ lòng:
Bây giờ, mỗi cảm xúc riêng
Cũng thánh thót trước thiên nhiên vào mùa,
Chiều nay gặp ở sân chùa,
Một bông sen nở, một mùa Giác xanh! (Bây giờ đang giữa mùa sen)
Trong bài “Mỗi ngày”, Oanh lại có những câu thơ hay rất lạ, độc và sâu. Cảm giác về thời gian trôi đi, qua mỗi ngày, đối với tác giả là mỗi khác. Lại thấy nao lòng khi thấy có những điều vừa gần thế, đã chợt xa xôi, vừa mới có đây mà đã vội vàng tan mất. Ngày thì nhiều, sao tháng năm lại mỏng manh thế! Xếp thời gian thành những ngày tháng năm, nhiều đến vậy rồi, mà sao ta vẫn không có được một đời vui:
Ngày nhiều tháng vẫn mỏng manh
Năm nhiều mà vẫn khó thành đời vui
Rồi đến cái cảm giác “chênh chao” khi mùa thu đã đi xa rồi, chỉ còn lại mình mình với thời gian, Oanh thú nhận cái khoảng lặng trong sự ngọt ngào đã bắt đầu, đã ran rát, đã bắt đầu bời bời lá đổ:
Thu cứ dát vàng vào những miên man
Những khoảng lặng tưởng không còn bão tố
Chỉ bất chợt lòng bời bời lá đổ
Mới bàng hoàng: Mình cũng vào thu!
Khi nghe câu “Tùy hứng qua cầu”, Hồng Oanh đã nghẹn ngào ước mong một cái kết chung thiện lành cho mọi kiếp nhân sinh:
Để rồi khi ánh trăng lên
Không ai ngồi khóc thầm bên dốc cầu.
Lời ca tưởng đã cũ nhàu
Sao Tùy hứng lại bắt đầu từ ...tôi?!!
Trong bài “Tạp cảm cho mình”, Hồng Oanh đắng đót nhận ra sự khắc nghiệt của sự ôm giữ và tha thứ, buông bỏ, của sự “cho đi” và “nhận về”. Điều này, nếu không “ngộ” thì khó mà “cảm” được:
Lời vu vơ viết cho người
Hóa ra ám ảnh chính đời mình thôi.
Tặng người thảy những lời vui
Thẳm sâu tự hái đơn côi tặng mình.
Nhưng có lẽ tâm đắc nhất trong tôi là bài thơ “Hạnh phúc” của Oanh. Cảm giác ngọt ngào, sâu lắng với nhiều trải nghiệm và đúc kết mới qua những từ ngữ không hề mới. Thơ của Hồng Oanh luôn mở ra quan niệm rất thâm sâu. Nó là những rung cảm lắng đọng của một hồn thơ tài hoa đã đến độ chín, biết lựa chọn những điều chân thiện cho mình giữa cái mớ hỗn độn những lời khuyên hay những tri thức tích cóp được từ những trải nghiệm cuộc sống bon chen, cực nhọc. Và tất nhiên, hạnh phúc ấy, muốn hiện thực, muốn lâu bền đều là “tự mình”, từ phút đầu cho đến phút cuối. Nó chính là con đường đi, là Đại đạo, được hiện hữu trong bốn câu kết của bài thơ:
Tôi miết bàn chân cho chân cứng đá mềm
Rồi tự đan một chiếc sàng khôn mới
Giữa chín phương trời, giữa mười phương đất
Tôi lựa cho mình Tâm đạo. Rồi đi…
Mấy câu kết của bài thơ laf tiếng chuông thức tỉnh lòng người. Đích thị là tâm thái của một người có cảnh giới tinh thần cao, vượt trội lên trong cõi nhân phàm. Đích thị là những câu thơ làm tôi “mở mắt”, hệt như thơ của nhà thơ Kim Chuông mà tôi đã từng có lần đề cập tới trong bài thơ “Không đề” của ông:
Có những câu thơ mở miệng để ngân nga
Tôi thích đọc những câu thơ để cho mình mở mắt
Dường như đó là tiếng lòng của những người đã biết được quy luật cho - nhận, tha thứ - hạnh phúc, đã biết được cần phải bao dung với chính bản thân mình, tha thứ cho chính mình, để rồi vượt qua phần đối đãi khó nhất trong một đời người. Đó là đối mặt với bản thân mình, để biết được mình là ai, mình đang ở đâu - điều này Nhà Phật gọi là hướng nội, là hướng vào tâm mình để tu tâm sửa tính, để đạt được sự thăng hoa, viên mãn. Còn gì vui sướng hơn khi được đọc tiếng lòng của những con người tài hoa như thế. Và tôi tự xem đó là một diễm phúc của mình. Một lần được đọc, được cảm tiếng lòng của một tài hoa mang tên Phạm Hồng Oanh là tôi có thêm một lần được trân quý mối cơ duyên mà chúng tôi đã có, mối cơ duyên của một lứa bên trời đề huề lưng gió túi trăng, đã biết được đường mà đi, biết được lối mà về, dù mỗi người đến từ mỗi khoảng trời riêng nhưng vẫn phong vũ đồng thuyền mà tiến tới viên mãn.
Hà Nội, ngày 6/10/2024