• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Họa Mi vẫn hót

Thứ tư - 13/11/2024 14:19





HỌA MI VẪN HÓT
(Trần Huyền Tâm)

Tôi đọc tập thơ “Ngân lên từ nỗi nhớ” của Nguyễn Phương Thủy trong một ngày đẹp trời, ở một nơi rất xa, cách Hà Nội thân yêu của tôi tới hơn nửa vòng trái đất. Còn gì hạnh phúc hơn khi được thưởng thức một tập thơ dày gần 300 trang giữa khung cảnh ngập tràn hương sắc mùa thu ở một vùng bể bắc đẹp như mơ thế này. Có cảm giác như cả khoảng trời xanh biếc xanh kia, cả phiến nắng liêu trai đang sóng sánh rót mình xuống lòng chiều ngọc ngà lộng lẫy kia, cả dãy núi mờ xa đang diệu vợi giong mình theo những cánh buồm mây trắng dẫn rừng ra với biển kia, cả những trảng lá vàng đỏ xanh tím hồng nâu rực rỡ muôn sắc màu của đường phố Vancouver xinh đẹp kia… đang hòa thanh đồng sắc, cùng tôi lắng nghe, cùng tôi thấu cảm nỗi niềm của nữ thi sĩ đang độ sung sức này. 
 
Vẫn biết, thơ là tiếng lòng của thi nhân, là những giây phút xuyến xao, trao gửi yêu thương, giãi bày cảm xúc không thể nén kìm tới các tri âm tri kỷ. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy bồi hồi xúc động khi cầm trên tay tập thơ thứ 2 này của Thủy. Không xúc động sao được khi lại được đọc tiếng lòng của một niềm tin yêu dịu ngọt, đắm say, biết dồn nén nỗi nhọc nhằn đắng cay, biết chắt lọc, đắp đầy, ủ men trong nồng nàn từng lời thơ ấy. Không hạnh phúc sao được khi mình có diễm phúc được chứng kiến tiếng lòng của người thơ ấy đang chắp cánh bay lên, ngân nga, tỏa sáng, như này. 
 
Đọc thơ Thủy, ký ức lại đưa tôi quay trở về những ngày tháng đã qua với đậm đầy những kỷ niệm khó quên. Đó là vào tháng 2 năm 2023, khi Thủy tìm về với Nhà Búp, được các Búp đặt cho một “biệt danh”rất  ấn tượng: “Búp Họa Mi”. Rồi cuộc hội ngộ của Thủy với văn đàn thi nhân 2 tháng sau đó, với màn ra mắt đầy hoành tráng của gần 1 trăm bài thơ trong tập sách đầu tay “Đường vào ánh sáng” cùng mẹ đẻ và con gái. Rồi những cuộc gặp gỡ đầy ắp kỷ niệm của cô từ Bắc vào Nam, và từ Nam ra Bắc, với gia đình, với người thân, với bầu bạn, với các độc giả, từ thuở hàn vi cho đến bây giờ. Từ mùa nắng Sài Gòn rực rỡ vàng hoa, xuyên qua màu xanh miên man Miền Tây, đến với mùa mưa lây rây miền Đông đất đỏ. Từ mùa hoa gạo Tháng Ba bên cây gạo gù Thái Thịnh, mùa hoa sú thơm ngát miền biển vô cực Thái Bình, đến mùa hoa Loa Kèn Tháng Tư Tây Mỗ, Hồ Tây. Từ cây cầu Tình bắc qua dòng sông thơ mộng ở Praha đến những đêm thơ nóng bỏng ở Mu-nich… Những trang thơ lai láng cảm xúc của một thi nhân vùng quê lúa Thái Bình này ngày lại ngày rộng dài theo những chặng đường cô đã đi qua và cả những nơi cô chưa từng tới. Tiếng lòng ấy lúc lảnh lót, bay bổng, ngân nga, khi sẻ chia, bao dung, lắng đọng. Và mỗi một chặng đường không chỉ dừng lại ở giới hạn một bài thơ. Nên chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ mới 18 tháng thôi, mà đã có 213 bài thơ ríu rít dắt nhau ra đời và nhanh chóng được công chúng bạn đọc yêu mến. Cái tên Nguyễn Phương Thủy đã ngân nga trở lại trên cánh đồng văn chương đất Việt, từ Thái Bình quê mẹ đến Ninh Bình đất bạn, tới Hà Thành gần gũi, trên trang mạng Nhà Búp thân thương, rồi Sài Gòn “quê lạ” và Phương Nam xa xôi…, ở đủ các thể loại: thơ, tản văn, truyện ngắn, hội họa, phê bình văn học… Hiện tượng “Phương Thủy - bà chúa thơ tình” một lần nữa cho thấy một lẽ tất nhiên, rằng khi đã đủ nắng, đủ mưa thì búp nào cũng sẽ nở hoa, cũng kết thành quả ngọt…
 
Đọc Thủy, đọc “Ngân lên từ nỗi nhớ”, tôi cố mường tượng ra cô bé quê ở Vũ Hòa, Kiến Xương, Thái Bình, được Hội Văn nghệ Thái Bình “mời” về làm nhà thơ nhà văn nhí cách đây hơn 40 năm, lúc lên 12 tuổi như thế nào. Bởi, tôi không được chứng kiến Thủy ở cái “tuổi mặc áo hoa, cặp tóc đuôi gà, viết thơ văn bằng những quan sát ngây ngô và cảm xúc chân thật đầu đời” ở Hội. Chắc có lẽ Thủy cũng giống như nhiều Búp thời đó, cũng hoành tráng và đáng yêu lắm lắm. Sau này nghe kể lại, tôi mới biết, hồi ở lớp Búp Trên Cành, cô chỉ viết văn thôi. Vì vừa mới viết thử một bài thơ thì thầy Bùi Công Bính đã không sửa một chữ nào mà lại đưa ra lời khuyên (rất thẳng thắn) rằng cháu nên chuyển sang viết văn. Nghe thầy nói vậy, Thủy chán nản, không dám viết thơ nữa. Nhưng rồi, đúng như nhà thơ Nguyễn Bính từng tổng kết: Ai đã dính vào duyên bút mực /Suốt đời mang lấy kiếp long đong /Người ta đi kiếm giàu sang cả /Mình chỉ mơ hoài chuyện viễn vông, nên sau này em lại viết thơ. Nhưng cũng chỉ dám đưa cho mẹ xem. Chính là những bài thơ đã được em đưa vào tập thơ “Đường vào ánh sáng”. Chả hiểu cái duyên bút mực ấy nó “quấy” em đến mức độ nào nhưng tôi rất ấn tượng với màn “xuất chưởng” của Thủy khi tặng chúng tôi mấy bài thơ ngay sau khi trở về với Nhà Búp. Nó nhanh và phiêu đến độ không tưởng. Chỉ riêng việc này đã chứng tỏ Thủy là người có đủ “10 cái hoa tay” trong lĩnh vực thi ca rồi. 
 
Cũng giống như tập thơ “Đường vào ánh sáng”, ở tập thơ “Ngân lên từ nỗi nhớ”, các bài viết của Thủy luôn là những cảm xúc dạt dào cất lên từ một hồn thơ đắm say. Là ngồn ngộn chất chồng của tứ thi, ngôn thi, nhạc thi và hình thi. Có cảm giác là cảm xúc ấy dâng trào mạnh mẽ đến nỗi những lời thơ cứ tràn lên trang giấy, trên ngòi bút, không thể nén kìm, không thể níu giữ. Đến nỗi mà đôi lúc người thơ này phải buông lơi cả niêm luật vần điệu để “chạy” cho kịp với tốc độ nhạc điệu của các con chữ. Chủ đề của tập thơ vẫn xoay quanh 7 loại tình cảm của thế gian: tình cảm với cha mẹ, với gia đình vợ chồng con cái, với những người thân, bạn bầu, đồng nghiệp, nam nữ… Và cũng giống ở tập thơ trước, những bài viết về cha mẹ luôn được Thủy thể hiện thành công nhất, ấn tượng nhất và ấm “tình người” nhất. Có lẽ vì Thủy ở nước ngoài, sống xa cha mẹ nhiều năm, không có cơ hội để mang bát canh cần sang biếu mẹ cha, không thể nâng giấc cho cha mẹ khi trái gió trở trời, nên trong cô, cha mẹ luôn là những nỗi niềm nhớ thương đẹp nhất, ân tình nhất. Và cha mẹ cô, đều là những thi nhân ôm nặng nỗi niềm của các con chữ, nên nỗi nhớ ấy vì thế mà rộng lớn hơn, có phần thiên vị hơn, ngân nga hơn. Ví như trong bài “Hồi âm” viết tặng cha mẹ, cô có những hình ảnh ví von thoáng nghe có vẻ diệu vợi, vô lý. Nhưng đó mới chính là Thủy, rất chân thực và xúc động: 
 
Nắng không vàng bằng trái tim mẹ trao
Trời không xanh bằng lời yêu bố gửi
Trưa hè nào ngồi đung đưa vắt vẻo
Bên ao bèo trắng muốt hoa Trang
 
Rồi ở bài “Trong bụng mẹ”, Thủy lại ước ao có được một điều không tưởng. Với những suy nghĩ ngây thơ, tưởng bé bỏng mà “vĩ đại” biết nhường nào, cô đã “thành công” đưa người đọc trở về thăm ngôi nhà đầu tiên của mình trên trái đất, với một thời được mẹ chở che, nâng niu, chăm bẵm, cho theo cùng. Bài thơ “Trong bụng mẹ” sau được cô phổ nhạc và tự trình bày, nghe rất xúc động:
 
Ước gì con nhớ được
Khi còn là thai nhi
Cuộn tròn trong bụng mẹ
Bước chân rung nhè nhẹ
Theo mẹ đi học hè
Nắng soi vào chói mắt
Theo mẹ ra bờ đê
Sóng bồng bềnh vỗ nhịp
 
Yêu sao những câu thơ đậm đầy ân tình khi cô viết về mẹ. Bởi trong mắt con gái, mẹ bao giờ cũng xinh nhất, duyên dáng nhất, như khi “Mẹ dưới giàn thiên lý”:
 
Mẹ ơi xinh mãi nhé
lá xanh mềm rủ che
Nắng chỉ lọt qua khe
Đủ cười trong mắt mẹ. 
 
Rồi đây nữa, trong bài thơ “Tình yêu của bố” viết tặng bố mẹ cô nhân ngày tình yêu, cũng với hình ảnh thân thuộc mà gợi cảm ấy, là gió ấy, trăng ấy, trầu cau ấy, gói nem ấy, cay chua mặn chát ấy,... nhưng qua cách luyến láy, chân tình và tài tình của cô, những câu lục bát lại trở nên “nhuyễn” hơn, khiến người đọc dễ dàng cảm được mức sâu đậm nghĩa tình tào khang của bố dành cho mẹ:
 
Em ơi chớ vội dỗi dằn
Trăng thanh, giấc ngủ đừng trăn trở nhiều
Tất cả cũng chỉ vì yêu
Hờn ghen, gắt gỏng đôi điều bỏ qua!
Cho dù năm tháng trôi xa
Trầu cau thuở ấy vẫn là của em! 
 
Ở bài thơ “Có gì vui lạ” viết để chúc mừng sinh nhật lần thứ 86 của bố, Thủy xuất hiện với những lời thỏ thẻ mà ấm áp vô biên nghĩa tình:
 
Tám mươi mấy năm
Đường dài bố nhỉ
Cuộc đời như bông
Phiêu diêu từng cánh nhỏ
Những ước mơ gần xa, bỏ ngỏ
Sớm nay kết chùm
Tặng bố ngày vui! 
 
Khi nghe tin bố bị ngã, mắt sưng vù, con tim cô lại gióng lên những nhắn nhủ yêu thương:
 
Nụ cười ơi
Mau về Nam thăm bố
Và vườn hoa
Thắm tươi ngàn sắc nở
Xin hãy về!
Ôm bố cho tôi.
(Xin hãy về)
 
Và tình yêu thương và nỗi nhớ cha mẹ của một người con nước Việt nơi đất khách quê người ấy lại nồng nàn trong “Giấc mơ của đứa con xa”:
 
Con thấy mẹ, thấy cha trong bữa cơm ngon
Bố gắp ngọn rau thêm vào bát mẹ
Tiếng thì thầm “anh chiều em lắm nhé
Ăn miếng này ngọt mãi đến mai sau”.
 
Rồi bài thơ “Lịch Bài quê cha”, một tình yêu thương bao la rộng lớn hơn của Thủy đối với xóm làng bản quán với những ước mơ quê đẹp như này lại một lần nữa hiện hữu:
 
Vườn cỏ lung linh, khi hoàng hôn tới
Chim non chuyền cành ríu rít đợi nhau
Con người bình yên bên bữa cơm rau
Trời cao chợt gần, muôn vì sao thắp sáng.
 
Và đây nữa, là những ước mơ cháy bỏng nhiệm màu về quê hương yêu dấu trong “Sử ký nhiệm màu”:
 
Những tấm lòng giản dị như hoa
Sắc và hương kết tinh từ đất
Từ những lời yêu của không gian bất tận
Mùa nối mùa trọn vẹn hiến dâng! 


Trong bài thơ “Quán gió” khi đối cảnh sinh tình với một buổi chiều buồn nhớ quê hương, trong cô lại véo von những lời thơ rất hay. Với tôi, có lẽ đây là bài thơ lục bát hay nhất viết về quê của Thủy: 
 
Chiều nay cô chủ nhớ nhà
Bồi hồi gió nổi, mây sà bàn tay
Quán xưa giờ gió thôi bay
Chỉ còn thông đứng dang tay chờ người. 
 
Hoặc như ở bài “Giấc mơ cây gạo gù”, cô viết:
 
Nhớ cây gạo già lưng còng phủ phục
Thân sần sùi bụi bặm tháng năm.
Tháng mưa ngâu, vợ khát chồng rơi lệ
Chiều mưa dầm, con mong bố tỉ tê.
Cây gạo khóc cùng, mắt dầy sưng, nâu xạm
Hoa trĩu cành, từng cánh tách nỉ non.
 
Rồi đến bài “Nụ hôn tìm về” cái tình thương nỗi nhớ ấy lại đậm đầy hơn nữa:
 
Nửa cuộc đời con tìm về lối nhỏ
Gió vẫn dạt dào xanh màu lúa
Mưa vẫn nồng hơi cỏ mùa xuân
Mẹ đi rồi, cũng vội vàng như thế
Để con ngồi ôm lấy nụ hôn rơi!
Nước mắt trôi, có về miền mây thẳm
Gửi muôn ngàn thương nhớ, mẹ yêu ơi!

Tôi cũng đã từng có nhiều bài thơ viết về gia đình mình. Nhưng khi đọc “Ngân lên từ nỗi nhớ” của Thủy, tôi thấy thêm phần nể phục cô, bởi tôi không có nhiều bài thơ hay viết tặng các con như Thủy. Ví như khi viết tặng con gái Tố Uyên, trong bài “Con là tia nắng ấm”, Thủy có những dòng thơ thật ngọt và ấm:
 
Con là tia nắng ấm
Tháng năm mật ngọt ngào
Vòng tay tròn ôm mẹ
Lời yêu thương thỏ thẻ:
“Mẹ của con nhất đời“.
 
Rồi những lời tặng con gái Thủy Tiên trong bài “Nàng tiên nhỏ”:
 
Tiên là hạ nồng say
Cho cây mơn mởn lá
Tiên là thu kiêu sa
Cho trăng xanh huyền thoại
Tiên là đông lặng thầm
Cho mơ dài ấm áp. 
 
Ở bài “Dì tôi nhớ U” viết tặng dì Nụ và họ hàng thân thiết, trong tâm tưởng nhớ bà ngoại, những hình ảnh thân thương sống động lại theo cô thể hiện một cách rất “bác học“ như thế này:
 
Dì nhớ U ngồi một mình hiên vắng
Nghe U lẩy Kiều, nghe trong ký ức
Những đêm hè sao giăng vằng vặc
Vầng trăng treo ngọn mít góc vườn
Lau xào xạc vươn cành tấu nhạc
Con lạc về thế giới của Nguyễn Du
Sân gạch vuông đang chìm trong giấc ngủ
Bỗng trở mình thành sân khấu lung linh. 
 
Thủy sinh ra và lớn lên trong một gia đình 4 thế hệ làm nghề giáo, bản thân cũng là người đi gieo những con chữ trên cánh đồng văn hóa nên cũng dễ hiểu vì sao tâm hồn cô lúc nào cũng ấm áp như vậy:
 
Tháng năm qua
Con biết mình sung sướng lắm
Búp non xanh trong bạt ngàn hoa tươi thắm
Nở giữa vườn Nhà Giáo, đã trăm năm
Dịu ngọt thấm tâm can
Yêu thương hằn trong suy nghĩ
Con yêu trò như cha mẹ đã yêu con.
(Hai mươi tháng Mười Một)
 
Tâm hồn nhà giáo và tâm hồn thi nhân cũng là cái duyên cớ để cho cô trải lòng trước nhân gian, trước những tấm tình oan trái, những hoàn cảnh éo le, những cái “Sự” của đời. Khi thì là lời chia buồn với những nạn nhân vụ cháy chung cư Mini ngày 13/09/2023  trong bài “Hà Nội cháy”:
 
Có tuổi thơ vừa bước vào trường
Chưa kịp nở
Có mẹ già đang trở mình
Thương nhớ con xa
Có người cha mới đặt mình
Sau ngày dài vất vả,
Tất cả
Tan
Chảy
Quyện thành hương
Khấn lạy trời cao!
Xin hãy mưa!
Xin hãy thét gào!
Xin hãy giận hờn cuồng nộ!
Biến vô lương, độc ác,
Thành hoa!  
 
Khi thì là tâm sự viết gửi tặng bạn Năm Hoa và các bệnh nhi ung thư Đà Lạt – độc giả Đường Vào Ánh Sáng:
 
Từ nơi xa, tôi gom nước mắt
Chắt lòng son, dệt những bài ca
Từ nơi xa, tôi gom sợi nắng
Thêu mây trắng hồng, tươi những bông hoa
Bạn có thấy trong hương đêm huyền diệu
Có tình tôi đọng lắng chiều nay? 
 
Hoặc trong bài “Nước mắt của người cảm tử”, để tri ân các liệt sĩ, Thủy viết:
 
Em ra đi, tình yêu ở lại
Quê Việt mình sẽ xanh mãi mãi
Trong trái tim của những người còn lại
Sẽ ngọt ngào một góc đập cho em!
 
Và, tiếng lòng của người thơ ấy lại rưng rưng, đầy nể phục, tin yêu trước những “Tà áo trắng”, những người đã thầm lặng quên bản thân mình để đi cứu người bệnh, cứu những mảnh đời đang đứng trước cửa tử sinh:
 
Áo trắng tinh khôi
Em là bác sĩ
Không kỳ diệu thiên thần
Không lãng mạn nữ sinh
Không đón mùa như hoa nở rung rinh
Em đón bệnh nhân, tấm lòng son sắt
Những đôi mắt mờ, quầng đen thăm thẳm
Le lói gọi thầm
Xin hãy cứu tôi! 
 
Rồi đây nữa, những lời thơ đầy suy tư trở trăn trong “Hạt ngọc” dành tặng những người vô tội, nạn nhân của chiến tranh, của đói nghèo và của những vô tâm, ngu dốt:
 
Và ta khóc!
Giọt lệ tinh khôi, thuốc rửa tâm hồn
Ta trong trắng, ta nâng mình lên cõi thiện
Bồng bềnh, vô biên
khoảng trời xanh trên tầng mây xám nặng
Nước mắt thành mưa
Những hạt ngọc thơm nắng vàng chắt lại
Rơi muôn chiều,
Tặng người vô tội – ta thương!
 
Khi nghe tin nhà văn Bút Ngữ, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, người thầy văn chương của mình đã qua đời khi chưa kịp nhận tập thơ đầu tay của cô gửi tặng, Thủy nghẹn ngào với những lời thơ cháy ruột cháy lòng:
 
Thơ con vừa chớm ra đời
Bỗng nghe tin nhắn những lời biệt ly
Cỏ ơi chớ vội xanh rì
Chờ thơ đến muộn thầm thì bác nghe
Xót xa chua những hàng me
Đớn đau quặn khúc thân tre trúc vàng.
 
Chiếm một dung lượng không nhỏ trong tập thơ của Thủy là những bài viết tặng bạn bè thời thơ ấu, từ cái thuở còn là Búp trên cành. Những câu thơ được viết ra từ những nỗi nhớ trong vía hồn của một người xa quê. Nào là thơ tặng chị Huyền khi chia tay chị ở Munich, rồi tặng chị Tâm khi thấy chị giữa mênh mang sông nước Hậu Giang, tặng em Liên khi nhìn thấy những bước chân dì Út đang thơ mộng rải xuống một chiều Hà Nội xanh trong, tặng chị Huê khi thấy chị trong dáng điệu một gót tiên hồng xoay xở giữa dòng nhân gian ồn ã, tặng em Hằng trước phút nao lòng với dòng tin em nhắn gửi. Nào là thơ tặng sinh nhật bạn Châu Nú, giữa ấm áp và mặn nồng, muốn tất cả vạn sự vạn vật đều hóa thành màu vàng, chỉ vì bạn mình yêu lắm cái sắc vàng huyền diệu ấy, tặng anh Hùng khi đến thăm cây gạo gù nổi tiếng ở Thái Thụy, tặng chị Lý giữa một hoàng hôn tím dịu ở Chung cư An Bình, tặng Thanh Thủy khi nhìn thấy bạn tinh khôi trong tà áo màu thiên thanh của khung trời tháng hạ… 
 
Những lời thơ da diết ấy cứ hồn nhiên ngân lên, cứ vang vọng hướng về một thời đã xa vắng:
 
Nhớ mình hay nhớ ai
tuổi thơ xa xôi lắm
thắm xanh một cánh đồng
mái lều nghiêng bên sông
Thời gian trôi mênh mông
sóng lan tràn nổi gió
ta lạc say đây đó
ngỡ đời hồng không phai.
 
Rồi nỗi nhớ ấy dọc dài theo những ngày ấu thơ cắp sách đến trường:
 
Tuổi thơ nào mình đến lớp dênh dang
Con đường làng, tre xanh, đất trắng
Nắng thu vàng, thơm như thị chín
Gió níu cong cành, chim ríu rít xôn xao.
 
Nhưng với tôi, có lẽ xúc động nhất là bài “Neo của gió”- một bài thơ rất hay Thủy viết tặng sinh nhật chị Búp Toán:
 
Chị là nước suối trong
Chảy rì rầm ôm đá
Dâng màu xanh cho lá
Hiến vị ngọt cho rừng
Chị là giọt yêu thương
Là vần thơ lắng đọng
Là vầng trăng khuyết mỏng
Neo của ngọn gió đời.
 
Tôi rất thích những bài thơ về mùa thu của Thủy. Thích những câu thơ rút ra từ gan ruột, khát khao đến cháy lòng. Đẹp và buồn, như sắc lá muôn màu ngoài kia, như sắc hoàng hôn vùng biển lạnh ngoài kia. Như là mùa “Không biết chia tay”. Những câu thơ mà đọc lên thấy mầm thiện lại lên xanh:
 
Mẹ ơi mùa thu rơi xuống nước
Cá cũng chìm trong những suy tư
Sóng bỡ ngỡ tưởng mình thêm tuổi
Cỏ lá, rong rêu trôi nổi ướt dầm.
Gió âm thầm thương, chiều buốt lạnh
Con vớt mùa thu,
phơi dưới mây xanh!
(Mùa thu nở hoa).
 
Trong bài “Tháng Mười thu”, một Phương Thủy lại hiện hữu giữa cái nắng tháng mười ngạt ngào hương hoa cúc, vội vã và nồng say:
 
Em đi giữa mùa thu, một lần ta đã yêu thương
Nắng tháng mười, hương ngạt ngào cúc nở
Gió lạc đường bay, mây dạt dào muôn ngả
Trái tim yêu, vội vã nồng say.
 
Để rồi:

Những dòng buồn tím biếc
Rơi vào sau vách xanh
Những ước vọng mong manh
Rì rầm trong vách đỏ
Trái tim tôi bé nhỏ
Thu thẫm màu,
trôi qua!

(Thơ của mùa thu).
 
Và nhiều nhất, say đắm nhất, yêu thương nhất mà cũng xót xa nhất vẫn là những bài thơ tình cô viết tặng người bạn đời của mình, một người đã không cùng cô đi hết năm tháng đời người của kiếp nhân sinh này. Những câu thơ yêu thương đến cạn lòng, yêu đến nhức nhối tâm can của một người đàn bà yêu hết mình, đắm đuối hết mình về những mối duyên nợ có từ kiếp trước, nay trả lại cho người. Những nỗi buồn khi một mình ôm ấp con thơ. Những nỗi đau khi cô đơn trượt ngã vào lòng cơn gió buốt:
 
Thật rồi đấy, anh không về nữa
Em một mình ôm ấp con thôi
Gió đã đổi mùa
Sương đã chìm, lá rụng
Tháng bẩy mùa mưa
Quãng đường đời trơn ướt
Em vịn vào mây
Em ngã vào cơn gió buốt
Vần thơ cong, em chèo chống nỗi buồn. 
 
Và đây nữa, những nỗi niềm ao ước về một mối tình sâu ở bài “Nụ cười treo ngoài nắng”:
 
Em bước tiếp, dẫu anh còn đứng lại
Quá khứ kéo anh về trang trải nỗi đau
Nợ nần từ xưa không có người mang trả
 Nợ nần bây giờ ta đã trả cho nhau
Mối tình sâu là quà tặng mai sau
Khao khát dâng
Em một mình tiếp bước
Chốn chân trời, ước gì ta có được
Lại một chiều, hơi ấm ở bên nhau.
 
Và khi ngơ ngác giữa dòng đời hối hả với trăm ngàn câu hỏi không có lời giải đáp:
 
Sự thật – dối lừa
Ta ngác ngơ trong vần thơ viết vội
Ta bối rối trong vòng tay nóng hổi
Dòng xoáy quanh ta
Lời hứa trôi xa
Chỉ còn ta với ngàn câu hỏi
Ngược trên trời, le lói những Vì Sao?
(Sự thật)
 
Rồi những tâm tình trong bài “Xin đừng trách”, đọc lên thấy xót lòng bởi những cơn đau:
 
Em trách anh - núi đá kiêu căng
Đứng thản nhiên dầm chân trong biển lạ
Mặc sóng yêu, ân tình trao mải miết
Xói vào bờ
Cát trắng những cơn đau.
 
Trong bài “Sóng”, với những lời nhắn nhủ ân tình để người đi xa biết lối quay về:
 
Em mời anh, bát canh nồng vị biển
Như mối tình tự ngàn xưa da diết
Cát là em, trắng một miền chờ đợi
Có đi xa xin nhớ lối quay về.
 
Rồi những câu hỏi nêu ra trong “Chữ ký cuộc đời”, ký cho một lần chia tay, vĩnh viễn, đơn lẻ:
 
Sao chẳng về lại với thu xưa
Nơi tháng chín ta một lần ký hẹn
Để bây giờ trong tờ đơn ly dị
Chữ ký một mình riêng góc đứng bơ vơ.
 
Để rồi cô lại phải “Hỏi lòng” mình:
 
Tự hỏi lòng, đã bước đi xa?
Hay vẫn dùng dằng thương lá rụng
Thương đàn chim đã già quên ước vọng
Thương cá cả đời không lối thoát ra khơi.
 
Rồi lại xa xót mà ước ao:
 
Muốn ôm vào vòng tay
Muốn ngả đầu gối ngực
Hương vẫn còn men say
Cây đã quả chín cành
Cầu đã chùng mấy nhịp
Thế mà mình chia tay
Mắt cứ ướt, cứ cay
Khóc cho mình cho phận
Vẫn chưa kịp bước đời
Mười mấy năm quá vội
Đến một ngày vô tội
Mình ngồi lại
nói nốt lời

Chia ly
(Tận cùng của chia tay). 
 
Đã lâu rồi tôi không đọc thơ tình. Bởi lẽ tôi không muốn tâm mình bị “thơ tình” quấy nhiễu, nhất là khi muốn thiền định. Nhưng không hiểu sao lần này tôi lại có thể đọc một mạch 213 bài thơ tình của Thủy, đọc với một tâm thái rất nhẹ nhàng, đồng cảm và thanh tỉnh. Có phải vì Thủy là một người đa tài nên đã dùng thủ pháp nghệ thuật luyến láy biến báo nào đó để làm cho người đọc như tôi phải đặt tâm mình xuống. Có phải vì tôi đã có được vòng năng lượng chu thiên bảo hộ nên miễn nhiễm với tấm tình mà cô trải xuống nhân gian này. Hay bởi thể ngộ của tôi đã khác khi chỉ nhìn thấy ở thơ Thủy cái nét đẹp đáng trân quý của một tâm hồn yêu nghệ thuật, có sức hút mạnh mẽ, có nội lực lớn, có nội tâm sâu, đang cố gắng vươn lên, gỡ bỏ những ràng buộc rối ren của số phận mà hướng tới phía thiện lành, mà bao dung bắt đầu lại một cuộc đời mới, nên đã hy vọng, nâng niu, đồng cảm và sẻ chia. Có thể kể ra rất nhiều cái “cớ” để tôi trở thành người khác tôi đến vậy. Lặng lẽ vui buồn. Lặng lẽ đắm say. Lặng lẽ trải lòng. Lặng lẽ sẻ chia. Lặng lẽ rèn giũa. Lặng lẽ tỏa sáng.
 
Nhớ lại bài “Con đường thơ” mà Thủy viết tặng tôi cách đây hơn một năm, khi Thủy trở về với Nhà Búp, tôi chợt hiểu vì sao “Ngân lên từ nỗi nhớ” lại là hồn vía, là cốt cách, là cái tên cho tập thơ thứ 2 này của Thủy. Tôi thấy lòng mình vui náo nức. Thấy yêu thêm những tâm tình mà em đang trải rộng khắp nhân gian này. Yêu cả nỗi niềm khát khao, đam mê bỏng rát của em khi được trở lại là mình, khi bắt đầu một cuộc đời mới. Tôi muốn mình có đủ sức mạnh để cùng Họa Mi em hót những khúc hoan ca, muốn mình làm một tia nắng ấm ríu ran cùng em bay xa hơn nữa, muốn có năng lượng thần thánh để biến ước mơ em thành hiện thực, như lời thơ em viết:
 
Xin một ngày thời gian quên lối
Xin một ngày đời không bước vội
Cho ta về với trái tim ta…

 
Và tôi biết rằng, ngay cả khi tôi không đủ năng lượng để tiếp sức cho em, bay cùng em, thì Họa Mi em vẫn cứ bay cao, bay xa, vẫn lảnh lót những khúc hoan ca, mặc cho bầu trời ngoài kia nổi trôi bão giông vần vũ.
 
Vancouver 17/10/2024


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.