• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Bùi Thanh Huyền - một hồn thơ nơi trái tim thao thức

Thứ hai - 18/11/2024 11:50


(Ảnh: Nhà thơ Bùi Thanh Huyền)



BÙI THANH HUYỀN - MỘT HỒN THƠ NƠI TRÁI TIM THAO THỨC

(Đọc Huyền - Tập thơ của Bùi Thanh Huyền - 

NXB Hội Nhà văn Việt Nam, 2024)


Nhà thơ Kim Chuông

      

Trong tốp đầu những gương mặt của  các “Nhà  Văn Nhóm Búp”, Bùi Thanh Huyền xem như “Nhà văn nhí” được mời về dự khóa đầu tiên “Lớp Đào tạo, bồi dưỡng các em học sinh có năng khiếu sáng tác Văn học” của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình từ mùa hè, năm 1976.   

       

Sở dĩ, Bùi Thanh Huyền được “triệu” về “Ngôi đền thiêng Văn chương” của Hội  bởi, với “vốn liếng” thi ca sớm phát lộ từ ngẫu hứng. Từ trái tim thi sĩ được ông Cao Xanh phú cho cô gái này từ những năm mới ở tuổi chín, mười. Và với tuổi tên từng làm nên tiếng vang ở lực học, ở những lần từng đoạt giải cao trong khoa cử, nhà trường... Hai nguồn dẫn ấy đã đưa Huyền về với Văn chương, qua thi ca, những mong, từ chân trời một người, sẽ mở ra chân trời tất cả*. 

     

Thực tình, trên thế giới, không trường lớp nào đào tạo được nhà văn. Văn chương thật thánh thần, ma quỷ. Văn chương là tài năng trời phú. Là khoảnh khắc kết tinh. Là vỉa quặng trong mình, nhưng khi khai quật lên rồi, nhà văn lại đứng nhìn trước khoảng trống hồn mình. 


Với Bùi Thanh Huyền, phẩm chất thi ca được nhìn rõ từ sự ăn khớp giữa tâm hồn, dáng vẻ. Cô gái có mái tóc xoăn, gương mặt rạng ngời, mẫn tiệp với ánh mắt xa xăm, mơ mộng, luôn lấp lánh tiếng dạt dào, sóng sánh của nguồn chảy âm thầm nào đó.   

       

Bốn năm dài về với lớp Văn, Bùi Thanh Huyền viết nhiều. Huyền viết Văn. Viết Thơ. Thơ và văn của Huyền được giới thiệu rải rác, đều đặn trên các Báo và Tạp chí. Cây bút nữ xuất sắc này đã ba lần được UNESCO, rồi Báo Thiếu niên Tiền phong trao giải Nhất và Nhì cho các cuộc thi sáng tác.   

       

Thuở ban đầu, trong cái tươi non của cảm xúc, cũng giống như  nhiều cây bút khác, thơ và văn của Huyền là thế giới diệu kỳ của thi nhãn. Là sự nương tựa, cậy nhờ vào cõi vô tận của hiện thực ngắm nhìn. Là cái Đẹp, cái thi vị của ngôn từ, thi liệu mà cải Gốc là nguồn rung cảm trong xanh, ngọt ngào, nồng đượm của cõi lớn Tâm thi.

        

Là nhà văn, nhiều năm giữ vai trò “người Thầy Chủ nhiệm” tôi biết, Bùi Thanh Huyền thông minh, nhạy cảm. Huyền có “Con mắt xanh” cảm thấm và phát hiện chiều sâu ở những “khoảng tập mờ” của cái nhìn, cái nghĩ. Ở những gì bất ngờ mà không dễ ai cũng cảm thấu được. Có lúc, tôi đã nói đùa rằng, “Giá Thanh Huyền bớt thông minh đi chút, hẳn trang viết của em sẽ còn hay hơn nữa”. Ồ, sao lại phi lý vậy? Quả tình, điều phi lý này lại có thực ở văn chương. Bởi, khi người viết thông minh quá, họ lại tự che chắn, tự cất giấu những gì là thô ráp, là xộc xệch mà đôi khi lại là có duyên.        


Với văn chương, với Bùi Thanh Huyền, tôi tin và thầm mong khá nhiều ở cây bút này, ở chặng đường xa hẹn đợi. Nhưng, phía trước cuộc đời mỗi con người có bao nhiêu lối rẽ. 


Là thí sinh xuất sắc đi trong hào quang trước “Cửa Khổng Sân Trình”, Huyền được Bộ Giáo dục chọn, đi đào tạo ở nước Nga – Xô Viết. “Thi sĩ nhí” thuở nào giờ đã trở thành nhà Luật học. 

         

Tôi có kỷ niệm với niềm vui, niềm tự hào, mãi nhớ. Đấy là, một lần trong chuyến đi viết bài ở một huyện ven biển. Bất ngờ, thấy một gia đình trang trí đầy ngợp trên bức tường phòng khách nhà mình những tờ họa báo Liên Xô (cũ) đủ các sắc màu rực rỡ. Trên những tờ họa báo với hình ảnh thật lộng lẫy, sang trọng và sáng đẹp đập vào mắt, là Huyền. Tôi thầm reo. “Trời. Bùi Thanh Huyền!”. Một nhà văn “đệ nhất” của lớp Văn thuở trước. Bùi Thanh Huyền, một Sinh viên Khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Chisinau, Moldova. Một cô gái Việt Nam xinh đẹp. Một nhân vật xuất sắc của Trường Luật đang tu nghiệp trên đất nước Nga. Huyền có nhiều thành tích thật tuyệt. Đặc biệt, với văn chương, Huyền vẫn mang niềm yêu say, mê đắm. Huyền vẫn viết. Vẫn âm thầm cất dấu và nhóm nhen ngọn lửa trong nhu cầu lấp đầy những khoảng trống nào đó trong mình. Bằng chứng là, Huyền vẫn có thơ được chọn in trong Tạp chí Người Bạn đường rồi Tuyển thơ “Nối hai đầu thế kỷ.” ở Nga. Và năm 1988, Bùi Thanh Huyền đã đăng quang trên bảng “khôi nguyên,” giành Giải Nhất cuộc thi Thơ của Sinh viên toàn Liên bang Xô viết.

         

Là Cử nhân Luật Kinh tế, Bùi Thanh Huyền về nước làm giảng viên của Trường Cao cấp Chính trị rồi lại trở về gắn bó thân thiết với quê hương thứ hai là nước Nga Xô Viết với tình yêu nặng sâu của ba mươi năm dài xa, của tâm huyết đời mình. 

        

Năm 2016 Bùi Thanh Huyền trở về sống và gắn bó với Việt Nam, đất tổ tiên, đất Mẹ. 


Trên hòn đảo ngọc tuyệt vời danh thắng Phú Quốc, Bùi Thanh Huyền giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đồng sáng lập Salinda Resort Phu Quoc Island. Bạn bè quý yêu và nể trọng Huyền từng đùa vui, “tấn phong” cho bạn mình, cho cô gái tài năng, xinh đẹp này là Bà “Chúa đảo,” “Chúa thơ.” 

       

Vâng. Với Huyền. Có lẽ ngôi vị ấy cũng chẳng “ngoa.” Bởi trên hòn đảo vắng xa này, với văn chương. Có lẽ, chỉ riêng Huyền mới có được cái “gia tài” vọng vang và lấp lánh đã làm nên từ cái thuở thiếu thời. Còn, hiện tại? Với một nữ doanh nhân thành đạt, Bùi Thanh Huyền cũng là một gương mặt bảng đầu, sáng giá. 

      

Có điều, bạn đọc, bạn viết quý yêu Bùi Thanh Huyền nhiều hơn, bởi Huyền là người đi nhiều, học nhiều. Bởi, là người viết, “trong bụng phải có ba vạn quyển sách, trong mắt phải có nghìn vạn núi sông kỳ lạ của thiên hạ,” ngõ hầu mới đụng vào cái thế giới của tâm hồn, trí tuệ. Cái thế giới đòi hỏi nhiều ở giây phút thăng hoa... Bùi Thanh Huyền, người có được phẩm chất này để đến với tình yêu văn chương cao đẹp.

        

Thực tình, tôi đọc Bùi Thanh Huyền từ những trang viết khi mới chập chững hình thành một lối mở ... Đến bến bờ Huyền đã ra đineo đậu, đã vang lên tiếng sóng dạt dào. 

        

Mãi đến phút này, Bùi Thanh Huyền mới cho in tập Thơ trong thận trọng. Trong khắt khe, chọn lựa. Trong lẳng lặng ngẫm soi nơi đáy bể hồn mình.   

        

Có tới, trên bốn mươi năm cầm bút, cô  gái quê gốc Kiến Xương, Thái Bình: Bùi Thanh Huyền đã luôn đeo trong mình một con tim thi sĩ. Thơ và Văn Xuôi của Huyền đều đi trên mạch nguồn của cảm xúc phong lưu, đằm nặng. Đều sóng sánh một vệt loang ngọt ngào, nồng thắm. 

         

Ở “Huyền” tập thơ được chọn in trong một phần gia sản thi ca của Bùi Thanh Huyền của công cuộc trên bốn mươi năm “đãi cát tìm vàng.”

       

Có thể, Bùi Thanh Huyền không thích giới thiệu những bài “thơ nhật trình,” “thơ thế sự.” Không thích công bố dấu ấn của một tầng hiện thực đời sống, trong cái xương xẩu, thô ráp, hoặc quặn se, chua xót của năm tháng, đời thường. Thơ Huyền là vẻ đẹp mát tươi, sóng sánh và xao động của hồn người dễ diết da, thương cảm.         

        

Bởi vậy, là người có cả trong mình một đại giác của cái Đi, cái Gặp. Nhưng, Huyền không tìm thơ từ vòng lớn của cõi khói sương. Thật ít  thấy những tên đất, tên người, những “Việc,” những “Sự kiện.” Những xô bồ bề mặt của thế giới khách thể. Thơ Bùi Thanh  Huyền lành mát “một vũ trụ tâm tình.” Là tiếng vang của con sóng dội về nơi mặt biển êm xanh. 

        

Thường thì, gạt đi, hay để những gì là đối thoại, diện kiến chìm lặn, qua  rồi, bằng sự tinh tế trong cảm nhận, Bùi Thanh Huyền mới tâm tình, bộc bạch: 


Ví như:

       

Tìm những ngón tay run

Em níu vào một kiếp

Tìm lại da thịt khát

Uống cạn đáy lòng nhau      

             

Đấy là, trong “Âm thanh của lặng im,” còn khi “Chia tay mùa hạ”, Vẫn là Bùi Thanh Huyền của phút quay về độc thoại để nói riêng với tiếng lòng, với riêng mình, mình biết:


Thời gian như nắng gió vô tư 

Chỉ nỗi nhớ cồn cào đáy nước

Anh không nhìn xuống lòng sâu sao biết được

Ở nơi nào tình yêu của em?...

      

Rồi, trong “Đêm Digan”, trong cơn bốc cháy mãnh liệt của ngọn lửa tình yêu, “Người đang yêu” đã hóa thành Hoàng tử Cóc, khi “Bước chân nàng Digan/ Không đi trên đất/ (mà) Đi bằng tiếng hát/ Bằng những vòng quay tung áo xiêm...” thì, những tưởng, phía dữ dội của Nàng – Của vị sứ giả tình yêu  kia, phải là sự bộn bề của Cảnh, của Sự? Nhưng không, thơ Bùi Thanh Huyền vẫn đi từ mạch ngầm của dòng khơi như thế. Vẫn là tâm tình, vẫn là cái lắng sâu trào lên tiếng vọng. Để rồi, “đất, núi, sông, cánh đồng hoang, vực tối”... đều trở thành hiện thực hoài nghi, đều bước vào trang thơ từ nhu cầu của cái bên trong, nơi chiều sâu được gọi về từ cõi hồn người viết.        


Dễ thấy, từ “Đợi em mùa thu/ Mẹ và anh/ Một đóa thu/ Nơi em vừa đi qua/ Nụ hôn mùa thu/ Sao băng/ Serenade/... Đến: “Mẹ ơi/ Về miền kỷ niệm/Trái tim thức/ Vắng yêu/ Xóa/ Hát ru một quả mơ non” v.v ...  

         

Ở “Huyền” Bùi Thanh Huyền đã tập trung, làm nên điểm sáng từ những bài thơ, những góc nhìn, qua những vòng đồng tâm tỏa rạng và quy tụ trong “vũ trụ tâm tình”. Thơ Bùi Thanh Huyền là tiếng vang của con sóng dội về nơi mặt biển êm xanh. Là dấu tích sau bão. Là thơ, mà không gian thơ là tiếng lòng thầm sâu, của thi nhân đang giãi phơi cùng tuế nguyệt. 

      

Có điều, trên mặt phẳng của cái tìm, thơ Bùi Thanh Huyền phong phú hơn, sinh động hơn khi nhà thơ biết tựa vào nhiều cung bậc khác nhau trong tiếp cận, trong cảm nhận, tự thức.       


Ví như, trong bài “Đợi em, mùa thu,” đây là câu thơ có duyên, câu thơ hay ở ảnh hình, sức gợi :


Bước chân đi chơi vơi

Mà lòng sao bịn rịn

Hoa mùa thu thì tím

Mắt thì vời vợi xanh

Tay em làm lá Sen

Níu hương thu ở trọ...

      

Hoặc, đây là cái hay của câu thơ tinh tế khi tái tạo một ngoại giới trong lành:


Mùa yêu ơi, mùa của em ơi

Sen cởi áo khoác lên chiều phai nắng

Một người đi, một người lặng ngắm

Một đóa thu ngan ngát sắc Sen hồng 

                                           (Một đóa thu)


Hoặc, đây nữa, cái hay của câu thơ được kết tinh ở kiến văn, trải nghiệm với chiều sâu suy ngẫm:


Thôi thì còn biết đau

Nghĩa là tim còn sống

Đêm dẫu dài dẫu rộng

Rồi sẽ cũng ban mai


Hoặc : 


Em làm Mỵ nương xưa

Ôm tấm chăn lông ngỗng

Rải lối cho tim mình

Gục quỳ trong máu thắm 

                               (Trái tim mỏi)

Và: 


Vẫn có dáng người ngồi trong chiếc ghế bỏ không

Vẫn còn bản tình ca ngân lên từ phím đàn nín lặng

Ta từng khóc nghe tiếng trăng vỡ nát

Giọt giọt rơi, giàn dụa mặt hồ 

                                               (Vắng yêu)


Đặc biệt, trong bài thơ “Mẹ ơi,” Bùi Thanh Huyền có câu thơ thật điển hình, thật “cá thể hóa”. Thi sĩ viết: “Mẹ ơi. Con sợ lúc nào có một chàng trai đến với con/  Con sẽ nhớ người ta nhiều hơn nhớ mẹ”... “Trời!” Một câu thơ hay. Một câu thơ “Quả núi.” Vâng. Tôi gọi câu thơ Hay đấy là câu thơ “Quả núi”. Bởi, cái hay của thơ ở đây là cái thực, cái tình đằm sâu, ám ảnh. Nó gần gũi, quen gần. Nó như ở đâu đó trong ta. Nó “va” ngập tràn vào đáy lòng nhân loại, cái cảm, cái nghĩ. Cái ai cũng có trong tim. Nhưng, chỉ khi Thi sĩ Bùi Thanh Huyền với câu thơ ấy hiện hình thì ai nấy mới “à lên” trước tia nắng rạng soi trước mặt. 

         

Ở “Huyền” Bùi Thanh Huyền viết nhiều về những gì khá mong manh, ngỡ thật khó nắm cầm trong những “góc tâm tình,” sâu kín. Nhưng, sự kết tụ lại có được khả năng tô đậm một Dáng vẻ - Hồn người

          

Nữ Thi sĩ giàu lòng thương yêu, hiếu thảo với bậc sinh thành đã có nhiều câu thơ khá hay viết về Ba, về Mẹ. Đáng lưu ý, ở chùm thơ ba bài viết về “chiếc Yếm,” Bùi Thanh Huyền đã dừng lại trong mê say, trước vẻ đẹp với sức gợi từ nhiều chiều liên tưởng. Hình ảnh Yếm đào gợi về nét dân gian, khuê các. Nét thẩm mỹ trang phục của những người con gái một thời.  Câu thơ hay ở cảm xúc. Ở thi liệu. Ở nét chấm phá tài hoa. Nó thơ mộng. Nó đốt lửa tình yêu. Nó duyên dáng gọi mời. Nó làm Ta khác Ta trong đôi cánh bay lên của nỗi khát. Chùm thơ “Yếm đào” của Thanh Huyền như một bức tranh “tam bình, tứ bình” gì đấy, với thi pháp tả chân, hay khái niệm, gợi cảm và duy mỹ. Hãy đọc:


Rón rén trong đêm

Yếm đào trốn mẹ

Tắm ao khuya ...


Rồi:


Tha hồ thắm

Tha hồ căng lộng

Cánh buồm no biển rộng

Ngân lên ...

Cởi mình vào đêm ...

 

Để rồi:


Này là nắng mới lên

Này là hương vừa thức

Bình yên và rạo rực

Dệt trong dải lụa mềm


Rồi:


Yếm đào ơi, thắt dây

Yếm đào ơi, mỏng mảnh

Giấu của tôi hy vọng

Giấu của tôi khát khao

Bao giờ đến được nhau

Bao giờ tôi được chín ?...


Và:


Mình ơi, có nhớ hôm nào

Gió thổi Yếm đào, chẳng nỡ quay đi

Để anh đêm ấy nằm mê

Một trăm chiếc yếm bay về đầm Sen ... v.v....và v.v...

 

Quả tình, cả chùm thơ “Yếm đào” đã làm nên cơn xoáy lốc. Hình ảnh Yến đào được kỳ ảo hóa, thi vị hóa, trừu tượng hóa và cũng cụ thể hóa, tạo nên cái chênh chao, cái vệt chảy, cái khát trong ta.  

      

Thơ Bùi Thanh Huyền không nổi loạn, phá phách. Không cầu kỳ cách tân, xa lạ. Thơ không là bão. Mà đấy là những nguồn phù sa ngọt mát, chảy dài rộng, chảy sâu xa, chảy êm đềm... đặng tìm về sắc hương nơi bến bờ hương sắc.

      

Tôi quý yêu Bùi Thanh Huyền, quý yêu thi sĩ này, bởi Thơ Bùi Thanh Huyền giống như quả thơm trên cánh đồng thi ca của Nhóm Búp, của Thái Bình, của bể lớn văn chương đất nước.     

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.