• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Khúc ân tình kể trong ngày Nhà giáo Việt Nam

Thứ ba - 19/11/2024 10:37




(Ảnh: Thầy giáo Nguyễn Văn Chung và cô Đỗ Thị Duyên)

KHÚC ÂN TÌNH KỂ TRONG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM


Cố Nhà giáo Trần Đăng Ninh được trở về quê nhà sau 40 năm bơ vơ lưu lạc. Đó là câu chuyện ân tình khiến ai cũng rưng rưng về việc làm cao đẹp của gia đình thầy giáo Chung.

Tôi không kể về thầy giáo Nguyễn Văn Chung và vợ thầy - cô Đỗ Thị Duyên công tác tại trường Tiểu học xã Long Hưng huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước về những thành tích trong giảng dạy. Tôi viết về họ bởi sự xúc động và cảm kích trước những nghĩa cử cao đẹp và ân tình mà gia đình thầy cô góp phần làm cho cuộc sống này thêm ấm áp. 

Còn nhớ năm 1985, chúng tôi cùng được phân công về trường cấp I-II xã Long Hưng huyện Phước Long tỉnh Sông bé. Tôi là giáo viên Văn còn Chung và Duyên là giáo viên cấp I. Trường nhỏ cấp I cấp II chung nên chúng tôi gắn bó với nhau trong mọi hoạt động của trường.   

Thuở ấy, ngành giáo dục trăm bề khó khăn thiếu thốn lương giáo viên đã thấp lại còn bị nợ liên miên, đồng nghiệp ở xa lên công tác thường xuyên ăn củ khoai củ sắn (khoai mì) thay cơm. Tôi, Chung, Duyên và một vài người khác may mắn dạy gần nhà nên “ăn bám” bố mẹ. Chúng tôi nửa ngày đi dạy, nửa ngày đi làm rẫy làm nương. Khó khăn là thế nhưng chúng tôi đều tận tụy dạy cho những trò chân tay luôn dính đất đỏ, tóc khét mùi nắng gió, áo nhiều khi ướt đẫm nước mưa. Với ước mong các em sẽ vươn lên vượt qua cuộc sống đói nghèo. Ngày nghỉ thầy trò tôi đi phát cỏ thuê cho nông trường hoặc nhà dân để có tiền chi cho các hoạt động của trường và phần thưởng cho những học sinh có thành tích tốt. (Trong khi kinh phí cho hoạt động của trường còn cực kỳ ít ỏi hoặc còn lâu mới có) . Sung sướng nhất là thuê được dàn máy nổ, âm thanh, ánh sáng phục vụ cho đêm liên hoan văn nghệ mừng 20/11. Những chiếc bàn học được kê làm sân khấu, phông màn là những tấm ri đô đủ màu mượn của các cô giáo ở khu tập thể giáo viên. Thầy và trò say sưa biểu diễn. Những hoạt động ấy khiến tình thầy trò, đồng nghiệp thêm cảm thông thương mến. Trong các hoạt động ấy, Chung luôn hăng hái đi đầu.

Trường tôi lúc đó có hơn 30 giáo viên, Chung được phân công làm Tổng phụ trách đội. Hết tập sự, tôi được bổ nhiệm làm Hiệu phó phụ trách chuyên môn khối cấp II. Chúng tôi cùng liên kết trong nhiều hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học của trường.  

Mỗi năm Tết đến, Chung thường rủ Duyên và tôi cùng một số đồng nghiệp nữa gom góp bánh trái, mứt kẹo giúp học trò nghèo có Tết. Chúng tôi lội suối, đi bộ trên những con đường bụi mù đất đỏ, mang chút niềm vui đến cho những đứa trẻ mồ côi, những em học trò có gia cảnh nghèo khó. Ánh mắt các em lúc ôm quà, tôi vẫn còn nhớ mãi.  Rưng rưng…!

Tôi chuyển về nơi công tác mới, Chung và Duyên nên vợ nên chồng và vẫn gắn bó với trường xưa. Năm tháng trôi qua, trường đã phát triển, tách thành cấp 1 và cấp 2 riêng biệt. Đời sống của người dân đã khá hơn nhiều. Là người nhanh nhạy trong cuộc sống, chung bàn với vợ mở cơ sở thu mua nông sản và sản xuất hạt điều quy mô nhỏ. Họ sát cánh bên nhau trong công việc kinh doanh cũng như việc trường việc lớp. Hai con ngoan ngoãn giỏi giang là động lực để họ hăng say làm việc và không bao giờ quên làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo.    

Những ngày giáp Tết năm 2022, tôi kể cho Chung và Duyên nghe về những chuyến đến thăm Đồn biên phòng, về các chiến sĩ phải sống trong điều kiện vô cùng gian khổ, nhưng họ vẫn kiên cường bảo vệ từng tấc đất vùng phên dậu của Quốc gia, dọc biên giới Việt Nam Campuchia. Chung đã tham gia đoàn công tác xã hội với chúng tôi - các văn nghệ sĩ của tỉnh Bình Phước. Tuyến đường tuần tra biên giới nhỏ hẹp, đèo dốc hiểm trở nhưng chúng tôi vững tâm bởi bác "tài" Nguyễn Văn Chung là một "tay lái lụa". Gia đình Chung Duyên và các con đã gửi tặng những Chiến Sĩ Biên Phòng không chỉ khoản tiền không nhỏ mà còn cả tấm lòng trân trọng biết ơn. Đến với những người lính quanh năm chỉ có cây rừng, gió ngàn và tiếng chim rừng làm bạn, tôi bâng khuâng mãi khi nghe ước nguyện của Thượng úy Nguyễn Văn Quân đồn biên phòng Đắk Nô. Chúng con ước sao cho đồng đội luôn mạnh khỏe, ước cho đồn sớm có điện và ước sao cho những chiến sĩ trẻ có người yêu! Tôi tin rằng với nhiều người có tấm lòng như thầy giáo Nguyễn Văn Chung sẽ góp phần làm cho ước mơ có điện của người lính trẻ này thành hiện thực. Nhưng việc làm ấn tượng và xúc động nhất của thầy Chung là hành trình kết nối, tìm về và giúp đỡ để đưa di hài nhà giáo Trần Đăng Ninh trở về quê sau gần 40 năm lưu lạc.   

Thầy Ninh quê ở thôn Trạch Xá xã Hòa Lâm huyện Ứng Hòa Hà Nội là giáo viên dạy Văn cấp II. Năm 1978, thầy được phân công vào dạy học tại trường cấp I-II xã Long Hưng huyện Phước Long tỉnh Sông bé.

Thầy không dạy Chung nhưng Chung biết thầy khi theo chị gái đi học. Sau 5 năm công tác ở Long Hưng, thầy được chuyển về trường cấp II Phước Bình cách đó gần 20 km. Hết nghĩa vụ thầy Ninh được cắt chuyển hồ sơ, chế độ về quê. Trở về quê nhà sau nhiều năm xa, thầy Ninh thấy không phù hợp với lối sống và tâm nguyện của mình nên lại quay vào Sông bé. Chưa kịp xin lại vào dạy ở trường nào thì thầy Ninh phát bệnh tâm thần. Tư trang, hồ sơ bị mất, thầy lang thang không cửa nhà, người thân. Phụ huynh học sinh thương thầy thường khi cho chút tiền, khi cái bánh. Thầy mất trên sân chợ Phước Bình vào một đêm mùa đông lạnh giá. Được tin, thầy Võ Đông Tiến Hiệu trưởng cũ của thầy Ninh, các đồng nghiệp và học trò đã gom góp mua quan tài, làm đám tang cho thầy Trần Đăng Ninh tổ chức ở ngôi trường cấp II Phước Bình - nơi thầy đã một thời gắn bó. Ngôi mộ của thầy bé nhỏ giữa rất nhiều mộ chí xây cầu kỳ hoành tráng của người dân địa phương. Những dịp lễ trọng hay cuối năm, người ta có người thân đến lau dọn mộ phần, khói hương nghi ngút. Nhiều người hảo tâm đặt vào trái cây, thắp nén nhang trên mộ thầy cho đỡ phần quạnh quẽ.   

Nhiều năm trôi qua, cha mẹ thầy già yếu, bệnh tật rồi mất, anh em khó khăn, không ai có thể đi tìm mà cũng không thể biết đâu mà tìm... Câu chuyện bi thương về một thầy giáo tài hoa bạc mệnh tưởng như còn day dứt mãi đến với những ai có lòng nhân ái. Nhưng điều kỳ đã đến khi thầy Nguyễn Văn Chung khởi xướng hành trình đưa thầy Trần Đăng Ninh trở về quê mẹ. Nhân ngày họp mặt các Cựu giáo chức từng công tác tại xã Long Hưng lần thứ nhất. Nhiều người tin rằng “đó là việc tình nghĩa quý, rất nên làm”. Tuy nhiên, khi vào cuộc thì thầy Nguyễn Văn Chung đã thực sự đứng mũi chịu sào về mọi mặt.

Bằng sự tận tâm, không tiếc thời gian, công sức, tiền bạc, sau nhiều lần ra Bắc vào Nam tìm kiếm, thầy chung đã kết nối liên lạc được với một vài thầy cô cùng công tác với thầy Ninh. Nhưng phần lớn đã già nua, bệnh tật. Người thân thiết nhất với thầy Ninh lại mới mất vài năm trước. Phòng Giáo dục Phước Long và phòng giáo dục huyện Ứng Hòa đều không còn lưu hồ sơ, địa chỉ nhà thầy. Bao khó khăn, có lúc tưởng như cuộc tìm kiếm rơi vào bế tắc. Nhưng nhớ lời hứa “Em sẽ đưa thầy về quê” khi thắp nhang trên mộ thầy Ninh, Nguyễn Văn Chung lại kiên nhẫn lần tìm. Thật may khi tìm được thông tin của cô giáo Thành người cùng học Sư phạm với thầy Ninh cũng là người cùng quê. Sự giúp đỡ của gia đình cô Phạm Thị Thành và chồng cô thầy Phan Bá Ất nguyên phó phòng Giáo dục huyện Ứng Hòa đang sinh sống tại  Sài Sơn Quốc Oai Hà Nội và các bạn bè xưa của thầy Ninh đã biến lời hứa của Chung thành hiện thực.

Bước vào ngôi nhà xưa nhỏ bé hoang vắng của gia đình thầy Ninh, Chung không cầm được nỗi thổn thức trong lòng. Hình ảnh cha mẹ thầy trên bàn thờ phảng phất khói hương, đôi mắt như gửi gắm cả niềm tin cậy khiến anh càng thêm quyết tâm.

Chiều cuối năm 2023, gia đình thầy Ninh gồm cháu gọi thầy Ninh bằng chú và người anh rể đã đến nhà thầy giáo Chung. Sau khi bàn bạc, thống nhất, lễ bốc mộ cho thầy Ninh đã được diễn ra đầy xúc động. Chung đã thuê xe chở di cốt của thầy Ninh về quê và hỗ trợ cả tiền xây mộ. Ông trưởng họ và những người thân của thầy Ninh đã đón và xây cất mộ phần của thầy Ninh gần mộ cha mẹ của thầy. hình ảnh của thầy Ninh đã được đặt trên bàn thờ cạnh mẹ cha trong ngôi nhà xưa yêu dấu – nơi gắn bó với thầy những tháng ngày ấm áp. Sau hơn 40 năm cô độc nơi đất khách quê người, thầy Ninh đã được trở về với mẹ cha - với họ hàng và quê hương xứ sở.

Bạn bè và người làng của thầy Ninh nắm tay cảm ơn thầy giáo Nguyễn Văn chung không muốn rời xa.

Thầy Phan Bá Ất đã viết trên Facebook của mình một bài cảm xúc dài “khi chứng kiến tấm lòng của thầy Chung và những đồng nghiệp, học trò ở miền Nam, đã cho tôi bao nỗi xúc động ngưỡng mộ và cho tôi niềm tin vào tình đồng nghiệp, tình thầy, trò vẫn thiêng liêng cao đẹp, dẫu cuộc sống này còn có những góc khuất.”

Còn tôi, tôi chỉ biết ghi lại đôi dòng cảm kích về những việc làm ân nghĩa, nhân ái của những người đồng nghiệp mà tôi quý mến, gia đình thầy giáo Nguyễn Văn Chung. Họ đã viết nên khúc ân tình của những người cầm phấn để ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay thêm ấm áp nghĩa tình.

Bùi Thị Biên Linh

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.