• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Quả cau vàng

Thứ hai - 25/03/2024 16:50


(Ảnh: St)


QUẢ CAU VÀNG

(Nguyễn Quốc Văn)

   

Lúc chúng tôi ra rả như cuốc kêu thuộc lòng bài "Bà Còng đi chợ mua rau", tôi vô tình liếc sang phía thằng Công. Nó có vẻ bối rối, mặt đỏ nhừ, miệng lí nhí. Tan học, cả lớp ùa ra sân. không ai để ý Công vẫn ngồi trong lớp, gục mặt xuống bàn, thổn thức. Thằng Mật ngoái lại, thấy trong bọn thiếu người, kêu: "Thằng còng? Còn thằng còng. Chúng mày xem nó lẩn đi đâu". Cả bọn nhớn nhác tìm. Mấy đứa con gái, táo tợn nhất là cái Mít, réo:"Ớ còng". Thằng Mật đã quay lại, giơ tay bịt miệng ra hiệu im, rồi trợn mắt, dọa: "Nó đang... Chúng mày có biết ngậm cái miệng cá ngão lại không?". Không rõ sợ nắm đấm của thằng Mật hay sợ Công tủi thân khóc to hơn, cả bọn im thin thít, rón rén quay lại, đứa đứng bên cửa sổ, đứa đứng ở bậc cửa ra vào, mắt thao láo. Một lát sau, tất cả lặng lẽ bỏ đi. Bấy giờ chỉ còn tôi đứng ngẩn tò te cạnh cửa lén nhìn Công đang đưa tay áo lên ngang mặt, dụi dụi lau nước mắt. Nó đứng dậy, bỏ cuốn học vần vào cái tay nải khâu bằng vải nâu cũ, đi ra cửa. Thấy tôi, Công hỏi: "Mày không a dua với chúng nó gọi tao là còng à?". "Ừ, tao đợi mày về cùng. Mà sao mày lại khóc?". Hỏi vậy, nhưng bất ngờ nhớ tới dáng Công , cái lưng cong như con tôm, mặt như cứ úp xuống đất trên cái cổ cò bị đẩy ngang về phía trước, tôi biết mình đã lỡ lời. Hình như Công không để ý, nói: "Tao thương u tao quá. Cứ nhìn thấy tao là u tao khóc". Nước mắt Công rỉ ra cùng tiếng nói cứ tắc nghẹn dần của nó.

 

Buổi tối, ăn cơm xong, cả nhà ngồi ngoài sân uống nước. U tôi bất ngờ bảo: "Con không được gọi Công là thằng. Nó ít tuổi nhưng ở hàng u cơ đấy. Như vậy thì phải gọi bằng cậu". Bố tôi lừ mắt: "Ra thằng cu cá đối bằng đầu hả? Láo! Vậy là hỗn đấy con ạ ! Không gì thì cậu ấy...".

 

Không hiểu sao bố tôi ngừng lời, bỏ lỡ một dịp nói tốt về cậu Công để làm gương răn chúng tôi. Nào là thằng bé bằng tuổi các con mà lần đêm mò hôm, đến con ma áo trắng ở cồn Rùa nó cũng không sợ, thả lờ bắt cá mú, đơm đó gom tôm tép; nào là nó vừa chăn trâu vừa mò cua bắt cáy ven sông. Người bé mà đã biết hiếu nghĩa vẹn tròn. Nuôi thân, nuôi mẹ già mù lòa đã đành, giỗ chạp họ hàng, cưới xin này nọ, mẹ con Công đều có phong bao đỏ... "Lưng nó còng nhưng lòng nó thẳng, chí nó cao. Từ nay, hễ bố còn nghe nói con gọi cậu ấy là thằng, thì...", ông nhìn cái roi mây cuộn tròn giắt ở góc trái hiên nhà: "Đét, đét... Hai chục roi !".

 

Bắt chước cậu họ, tôi nằn nì xin tiền mẹ mua mười cái đó tép. Hôm có đó, buổi chiều tôi ra đồng, nhè cánh ruộng gần cừ Dọc , be bờ, đặt đó, lắp trúm. Công việc xong xuôi, nghe tiếng tôm tép đi rào rào trong chạng vạng, tôi thơ thới đi về, vừ đi vừa huýt sáo. Ấy chết, sao lại "Bà Còng đi chợ". Ồ, chỉ có gió đồng nghe thấy. Chẳng có bố. Chẳng có cậu Công.

 

Khuya. Tôi đeo một cái giỏ tre lớn ra đồng. Lạnh. Tiếng côn trùng nỉ non. Thi thoảng, một con ếch nhảy tõm xuống cừ từ một mô đất nhô lên trông rất giống ai đó đang ngồi. Tôi bấm hai ngón tay cái vào nhau, lấy can đảm, lò dò đi trên bờ cừ vốn đã thuộc lòng từ những buổi chăn trâu. Bỗng, "tõm". Nước cừ bắn lên người, lên mặt tôi. Ối trời ơi! Ma! Một con ma áo choàng trắng, lênh khênh trên cặp cà kheo, đang huơ huơ một cái trúm tép trên đầu. Tôi trợn mắt, quay đầu chạy, ú ớ kêu. Chân ríu lại, tôi vấp vào một mô đất, ngất lịm. Tôi thét lên khi con ma chạm vào người tôi. Nhớp nháp, tanh lợm mùi tôm tép ươn. Rồi tôi lơ mơ nghe bố nói: "Cậu dọa cháu phải không?". "Em không biết là nó. Giá như bác bảo em trước, thì đâu ra nông nỗi này".

 

Sáng sớm, tỉnh dậy, tôi thấy u tôi đang ngồi nhặt rác lẫn trong tôm tép. Ái chà, những một thúng đầy! Cậu Công đi ngang nhà, gọi với vào: "Chị đưa lên Cổ Gia mà bán. Chợ Thượng ta tôm tép rẻ hơn cả bèo". Nói, rồi thở dài, chập choạng đi. Tay vung lên trời. Tất ta tất tưởi.

 

 Càng lớn lên, chúng tôi càng ít dám chòng ghẹo Công. Từ ngày bà cụ mù loà mất, thấy Công hay ngồi thừ hàng giờ trước cửa, tôi rủ đám bạn trong xóm đến nhà cậu, chia làm hay phe nam nữ hát ví cho vui. Ở đời ai học được chữ ngờ. Hôm cái Mít hát kết với Công, chẳng biết vô tình hay hữu ý, nó hát: "Anh về sắm trái cau vàng - Thì em kết nghĩa đá vàng cùng anh...". Công nghe xong, ứ miệng, chạy xuống bếp. Tôi biết cậu khóc. Thương cho cái phận nghèo mò tôm bắt tép! Giận cái đứa chanh chua đỏng đảnh châm chọc kẻ cô đơn. Buổi hát tan, tiễn Mít về tới ngõ, tôi tỏ ý trách. Mít tát yêu vào má tôi, nũng: "Thì em tưởng hát thế cho vui. Ai biết trước anh ấy tủi".

 

Cậu Công không tủi mà hi vọng. Vào một buổi hát vui vẻ, cậu bỗng cao hứng nói: "Cô Mít hứa rồi đấy nhé. Tôi mà sắm được cau vàng thì...". Cậu liếc nhanh sang phía tôi, cười. Đang vui, mọi người cho rằng cậu đùa. Mít cũng cười ngặt nghẽo: "Thì em là vợ anh Công !". Cả bọn lại cười nữa, ngéo tay thay cho lời hứa.

 

Chiến tranh lan rộng, tôi và đám trai làng lần lượt lên đường ra mặt trận. Trong một trận đánh, tôi bị bom mất cả hai bàn tay, trở về làng cũ với một tấm thẻ thương binh. Cậu Công đến thăm, buồn bã an ủi: "Vẫn còn đơm đó được. Chẳng chết đâu mà sợ !".

 

Từ đấy, hai cậu cháu đi thả đó tép chung. Sáng sáng, đổ tép xong, tôi và cậu ra bến sông tắm. Tôi lấy một hòn cuội nhỏ, cuội đầu nguồn Đạ Dâng, nhờ cậu cọ lưng hộ. Cầm hòn đá, cậu bảo: "Giống quả cau quá. Hỏi vợ đi !". Tôi cười. Hòn đá rơi tõm xuống sông. Hai cậu cháu mò mãi mới tìm lại được.

 

Trai làng lần lượt trở về sau ngày ba mươi tháng tư. Vẫn đủ để nhóm một cuộc hát ví. Lần này, cậu Công đòi bạn bè đến hát ở nhà tôi. Hình như nhớ lại lời hứa năm xưa, cậu Công nhìn lướt qua cả bọn, dừng lại ở Mít, hát: "Trầu cay nay đủ cau vàng- Hỏi nàng: Lời hứa với chàng, còn không?". Mít run lẩy bẩy. Tôi tái mặt. Trai gái trong nhà cười nói ồn ào cả lên. Cậu Công vỗ vỗ tay, chờ mọi người im bặt mới nghiêm giọng nói: "Đề nghị chú ý: Tôi biết có một chàng đã sắm được cau vàng". Cả bọn hướng về phía tôi, nửa tin, nửa ngờ. "Đúng ! Cậu ấy...". Tôi chưa kịp ngăn cậu lại thì Công đã chạy vào góc nhà, lễ mễ đưa chiếc ba lô của tôi ra đặt giữa nhà. Cậu Công, sao cậu ác thế! Cậu sẽ lôi hòn cuội Đạ Dâng thiêng liêng để chế nhạo tôi ư? Mà cậu chế nhạo tôi làm gì? Tôi nhắm mắt lại, kinh hãi tưởng tượng ra cảnh cậu thọc tay vào cóc ba lô và ánh mắt thất vọng của Mít lúc nhìn thấy hòn cuội.

 

 "Đây rồi !", cậu Công reo lên đắc thắng. Vết thương nơi hai bàn tay bị mất của tôi đau nhói. Kiến bò theo cánh tay, lan khắp người, chạy dọc sống lưng tôi. Tôi cố chống đỡ sự yếu đuối, mở mắt chứng kiến cảnh người cậu ác độc mưu quật ngã mình. Ô! Không phải hòn cuội. Một quả cau. Vàng chói. Quả cau ấy run rẩy trên lòng bàn tay đang mở ra của cậu Công. Cậu đặt nó vào tay Mít, rồi đẩy khẽ cô về phía tôi. Quả cau rỗng rơi xuống nền gạch, khẽ vang lên âm thanh trầm đục của một quả chuông vàng. Đám bạn reo như vỡ cả trời đất.

 

 Khi mọi người chợt hiểu, cậu Công đã chạy ra ngoài từ lâu. Không có ai ngoài tôi biết cậu đang ở chỗ nào. Vào giờ khuya khoắt như thế này, các đó trúm đặt ngoài bờ ruộng đã ứ chặt tép…

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.