• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

“Buồn vui nơi trần thế” - một cuốn sách hay

Thứ bảy - 02/05/2020 17:44



 

 

Sáng ngày 30/9/2017, tôi gặp nhà giáo, nhà văn Lê Đức Hân trong hội thảo khoa học “Truyện Kiều với doanh nhân và doanh nhân với truyện Kiều”được Hội Kiều học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, anh tặng tôi cuốn tiểu thuyết tự truyện “Buồn vui nơi trần thế”. Thú thực lúc đó theo phép xã giao tôi đã tiếp nhận với một thái độ vồn vã, nhưng thực tế cầm trên tay cuốn sách mà hình thức rất dân giã, nếu không nói là “quê”, tên tác giả lại rất xa lạ trên văn đàn, nên tôi không mấy ấn tượng. Cũng ngày hôm ấy, tôi được người bạn thân tặng cuốn “Mối Chúa” của nhà văn Tạ Duy Anh, một cuốn sách đang cực kỳ hót và hiếm vì bị đình chỉ phát hành để thẩm định nội dung. Ngồi trên xe từ Hà Nội về Hà Tĩnh, dù rất mệt nhưng tôi vẫn không nén được háo hức, lôi ngay “Mối Chúa” ra đọc. Tuy nhiên có thể do không hợp gu, cái văn chương sang chảnh, nuột nà của “Mối Chúa” đã không cuốn hút được tôi. Tôi chỉ đọc được khoảng vài chục trang rồi đọc lướt qua các chương trong nửa tiếng nhưng không tìm kiếm được cái mình mong đợi. Có lẽ vì sự hụt hẫng đó nên“Buồn vui nơi trần thế” đã bị tôi quên lãng.

 

Bẵng đi gần một tuần, trong lúc lục tìm tài liệu để viết một bài báo, tôi chợt thấy “Buồn vui nơi trần thế”. Tò mò chỉ định đọc lướt qua xem tác giả viết gì để hôm sau gặp còn có chuyện mà nói cho đỡ phụ lòng người tặng sách. Thế nhưng thật quái lạ, tôi đã say sưa đọc một mạch hết cả cuốn sách dày 435 trang trong gần hai ngày nghỉ cuối tuần cho dù bài báo được đặt hàng đã đến hạn mà chưa viết được chữ nào. Phải nói là đã lâu lắm rồi mới có một cuốn sách làm tôi “mất ăn, mất ngủ”, bỏ cả công việc như vậy. Chưa tin ở sự cảm thụ của bản thân, tôi phải kiểm chứng bằng cách giới thiệu cho Phó Tổng Biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, một người chuyên viết lý luận phê bình văn học. Và thật kỳ lạ, cô ấy cũng đọc một mạch hết cả cuốn sách với niềm hứng cảm khó tin. Và không chỉ thế, ngay sau đó, “Buồn vui nơi trần thế” đã được chuyền tay qua nhiều bạn đọc khác và đến nay xem như mất hút bản sách được ký tặng.

 

Vậy điều gì ở cuốn sách hình thức rất bình thường, tác giả không nổi tiếng, không cần xì-căng-đan, không cần giới thiệu, quảng bá bằng những công nghệ chuyên nghiệp nhưng vẫn tạo được sự hấp dẫn rất tự nhiên như vậy? Tôi đã trao đổi điều này với khá nhiều người đã đọc“Buồn vui nơi trần thế”và nhận được một đáp án chung: giản dị, chân thật và hướng thiện. Nó đã chạm được cái Chân, Thiện, Nhẫn vốn là đạo pháp của cuộc đời. Những mảnh đời truân chuyên của các nhân vật đã tái tạo sống động cả một thời kỳ lịch sử đầy biến động với những tình tiết cực kỳ chân thực, cảm động. Nó đã chạm được sự đồng cảm bởi hầu như rất nhiều người trong chúng ta cũng đã từng trải qua những hoàn cảnh tương tự trong sách. Nhiều độc giả đã tìm thấy bóng dáng của mình, của gia đình, của gia tộc mình trong “Buồn vui nơi trần thế”và do vậy nó gợi mở được lòng trắc ẩn của người đọc. Bên cạnh đó, lối văn của Lê Đức Hân mộc mạc, giản dị. Nó thủ thỉ một lối kể chuyện như ta từng nghe, từng thấy ở ngoài đời, hồn nhiên, chân thật. Nó khác hẳn với lối văn “xiếc chữ”, chải chuốt, lên đồng, dẫu bóng bẩy nhưng sáo rỗng, vô hồn mà ta thường thấy hiện nay. Mà thường ở đời, rõ ràng người ta trân quý chuyện thật hơn chuyện bịa, lời nói thô ráp nhưng thật thà hơn lời nói ngọt ngào mà thiếu chân tình.

 

Một điều rất thú vị là “Buồn vui nơi trần thế” có bóng dáng một câu chuyện cổ tích với những triết lý nhân sinh: “ở hiền gặp lành”, “làm phúc, được phúc”, “qua bỉ cực tới ngày thái lai”…,rồi bao giờ cũng kết thúc với một cái hậu rất tươi sáng.Và trên thực tế chuyện của gia đình tác giả đã là một chuyện cổ tích, từ chỗ nghèo khó, ở đợ, ly tán nhưng với sự nỗ lực tuyệt vời của tất cả các thành viên họ đã vượt lên số phận, đoàn tụ, trở thành một đại gia đình danh giá, giàu có với: một GS.TS dạy Đại học ở Mỹ, một PGS.TS dạy học ở TP. Hồ Chí Minh, một Nhà giáo ƯT đồng thời là nhà văn, các thành viên khác của gia đình đều hạnh phúc, thành đạt. Một điều đáng trân trọng hơn là dù trải qua rất nhiều những oan trái, khổ đau nhưng “Buồn vui nơi trần thế” luôn hướng thiện, không mảy may chút hằn học về quá khứ, điều rất khác với khá nhiều cây bút viết về thời kỳ này. Ông Trần Thanh Bình, nguyên TUV, Bí thư huyện ủy Thạch Hà, nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh, một người rất am tường về gia đình tác giả đã tâm sự với tôi: “Điều rất đáng ghi nhận ở anh Hân là không hề hằn học, cố chấp về quá khứ dù trên trang viết hay ở ngoài đời. Nhiều năm qua gia đình anh đã gây dựng một quỹ từ thiện hàng tỷ đồng để hằng năm ủng hộ quê hương”.

 

Nói “Buồn vui nơi trần thế” được viết rất giản dị, nhưng giản dị lại chính là đỉnh cao của cái đẹp và không những vậy, giản dị cũng chính là đỉnh cao của nghệ thuật. Sự giản dị làm cho “Buồn vui nơi trần thế” của Lê Đức Hân dễ đọc, dễ hiểu và dễ cảm. Chân dung những thành viên trong gia đình được khắc họa rất rành mạch từ bố, mẹ, cậu, anh, chị cho đến bản thân mà vẫn kết nối được các sự kiện lịch sử theo dòng chảy thời gian không đứt đoạn, lẫn lộn. Có thể nói cái hồn xuyên suốt của “Buồn vui nơi trần thế” chính là tình yêu thương con người và tinh thần can đảm chiến thắng số phận. Thật xúc động khi đọc những trang viết chan chứa, đằm thắm tình cảm với người thân trong gia đình của Lê Đức Hân, đặc biệt là viết về mẹ: “Với riêng tôi thì mẹ tôi là một trong những người mẹ vĩ đại nhất trên thế gian này, trái tim bà bao la tình người, tinh thần bà vững chãi, sáng suốt – tôi hãnh diện nói lên điều đó”.

 

Là người ngoại đạo trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học, tôi cảm nhận “Buồn vui nơi trần thế” từ góc độ một độc giả. Mà với độc giả, theo tôi thì cuốn sách hay chính là cuốn sách làm cho ta đọc một mạch, không dừng lại được và nó gieo vào tâm hồn ta những cảm xúc mạnh mẽ. “Buồn vui nơi trần thế” của Lê Đức Hân là một cuốn sách như vậy, không chỉ với riêng tôi mà còn với rất nhiều người./.

 

Hà Tĩnh, 30 Tết Mậu Tuất -2017

Thái Văn Sinh

 


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.