- Lý luận - Phê bình
Thơ Lê Bính
Thứ bảy - 18/04/2020 22:38
Với thơ, với mỗi người cầm bút sáng tác, đi và đến là hai đầu của mỗi cuộc hành trình. Từ cái tôi đến cái ta, hay từ thế giới quanh mình được quay về độc thoại. Chân trời ra đi, neo đậu và tìm ra gương mặt mình như thế, điều ấy đâu phải dễ? Lê Bính đã tới được bến bờ này ở một miền thi ca, ở một vỉa khai thác, ở số đông mà nét trội anh đã vượt lên mang một sắc thái riêng.
Quan tâm đến cái Biết, quan tâm đến những gì ở một tầng phát hiện, tính triết luận được tỏa sáng từ ngoại giới để thức dậy nội lực, hay từ cái nội lực đi sâu khai thác để nội lực phát lộ? Cả hai cánh bay này, thơ Lê Bính thường bất ngờ, vang lên trước ảnh hình, ngôn ngữ.
Ngẩng mặt
muôn vàn ngôi sao sáng
mỗi vị đau riêng một nỗi niềm
(Một mình đi trong đêm)
Hoặc:
Nghĩ người xưa nước mắt rơi
Cầm lòng ta biết trong người có ta
(Thăm Hoa Lư)
Hình như muốn gọi dậy tia nắng nằm lặng khuất trong muôn vàn cái Thấy. Và khi cầm bắt được ánh sáng ấy rồi, Lê Bính có cái mạnh ở lối chạy “nước rút” ở cự ly gần, ở nhiều hơn là những bài thơ ngắn nén dồn. Bởi, cái đích của anh là tiếng sóng dào lên ở trang viết khép lại để sự đồng hiện cùng vọng vang tất cả. Đi đúng để hay có lúc mượn cớ lạc đề để quay về ý tưởng thi sĩ. Thơ Lê Bính có được sức vang sâu ở cái nhìn, cái nghĩ, ở hồn thơ với một phía cảm rung.
Với lối khai thác bắt thần sự vật, thơ đi từ những gì thật gần gũi, tươi xanh của cuộc sống thường nhật. Từ “Quả ớt”, “Phút chia tay”, “Cha con”, “Tự diễn Lưu Bình”, “Cây bưởi vườn quê”, Thơ tặng cây cao”, “Bóng đá”, “Lạc trong Văn Miếu”,... Lê Bính có không ít những bài thơ hay, câu thơ hay ở quan sát, ở chiêm nghiệm, ở điều thật hệ trọng là những gì lung linh có được phải lặn chìm từ sự bùng nổ của hồn thơ. Ví như:
Thuận Vi đứng tắm bên dòng
Khăn xanh vắt bãi sông Hồng phù sa
(Làng Vườn Thuận Vi)
Hoặc:
Duỗi tay ngang gối đợi bờ
Ngủ đi, may có bất ngờ gặp nhau
(Mơ)
Hoặc:
Bóng ai ngợp nắng cuối trời
Tôi như phiến đá lạng ngồi
vẫn xiêu
(Chia tay)
v.v và v.v…
Có thể bình phẩm và soi nhìn từ những vần thơ được “cá thể hóa” như trên để thấy được thi liệu, thi pháp với yếu tố ngôn thi, hình thi, tâm thi và rất nhiều mối quan hệ gì nữa, để cuối cùng ta có được nhận diện về một gương mặt thơ trước bao nhiêu lăng kính.
Với Lê Bính - với “Trăng hẹn vào mùa”. Với trên 30 năm cầm bút. Với 10 tập sách, trong đó có 5 tập thơ đã được trình làng, cuộc hành trình dài xa, bền bỉ này được đốt sáng từ trái tim thơ và con-người-thơ Lê Bính để hàng trăm thi phẩm của tháng năm sáng tạo, Lê Bính đã băng vượt và neo đậu trước bến bờ nghệ thuật của thơ anh, của một cuộc săn tìm, của niềm tin yêu, cảm nhận ở một vùng công chúng lớn.
Thị xã Thái Bình, mùa thu năm 2000
Kim Chuông