• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Bút Ngữ - Một thời người đẹp

Thứ sáu - 17/04/2020 09:45

Vẫn biết, có cái Thời làm nên Đời. Và, cái Đời chứa đựng cái Thời trước bao nhiêu biến thiên dài dặc. Nhưng với ông, Nhà văn Bút Ngữ, một con người mang cái đẹp thời ấy, trên đời này,  rồi sẽ còn mấy ai, gặp nữa?

Duyên do là, vào những  năm 1970 - 1971, ông Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, (tức Phó Thủ tướng chính phủ) lúc ấy đang là Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình nghĩ rằng, Hải Phòng, Quảng Bình rồi Quảng Ninh… lập Hội Văn học Nghệ thuật. Thái Bình đâu chỉ “lúa”? Thái Bình - đất Văn chứ! Một trăm mười một vị tiến sĩ có bia trong Văn Miếu Quốc Tử Giám  kia. Với những Lê Quý Đôn, Nguyễn Bảo, Nguyễn Tông Quai, Bùi Sỹ Tiêm, Ngô Quang Bích, Ngô Quang Đoan, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Doãn Cử, Nguyễn Nhữ Dực.v.v …Thái Bình phải có Hội Văn học Nghệ thuật!

Thế là, Bút Ngữ, nhà văn đang phụ trách tờ báo, một cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Thái Bình được giao cho trọng trách, giữ vai trò “thủ  lĩnh”, đứng đầu nhóm người lo toan việc sáng lập Hội.

Vừa bước vào tuổi bốn mươi, Bút Ngữ trẻ, đẹp. Mặt vuông chữ điền. Nước da trắng hồng. Người lành đến dịu mát.

Những ngày đất nước đang chiến tranh ác liệt, đi lại khó khăn. Xe con không có. Đường xa. Bom đạn địch bất thường. Bút Ngữ khi một mình. Khi đôi ba người, vai đeo túi vải, khi guồng xe đạp, lúc nhảy xe đò mải mê về các vùng để “tầm sư học đạo”, và tìm người lập Hội.

Những người viết Thái Bình có tên thời ấy lần lượt được Bút Ngữ mời về cộng sự: Bùi Công Bính từ Việt Bắc. Nguyễn Khoa Đăng ở một trường Vũ Thư.  Võ Bá Cường ở huyện đảo Cẩm Phả. Đức Hậu ở mỏ than Uông Bí, Quảng Ninh. Sau nữa, Hà Văn Thuỳ, Lê Bính rồi nhà thơ Hoàng Tố Nguyên quê Gò Me, Nam bộ được anh Ngữ đón về từ Phòng Văn nghệ của Ty Văn hóa tỉnh Hà Tây…

Tôi có duyên với Thái Bình từ buổi ban đầu ấy, buổi cùng nhà văn Lê Lựu đang là phóng viên tờ “Quân khu Tả Ngạn”. Trong chuyến thâm nhập thực tế vùng công giáo thuộc xã Vũ Việt, Vũ thư. Một  sớm cuối năm 1971, tôi cùng Lê Lựu vào thăm cơ quan Văn nghệ Thái Bình. Gặp anh Bút Ngữ. Gặp buổi sơ khai “dựng cờ lập nghiệp”, anh Ngữ vui mừng bảo: Thái Bình là “vùng trắng”, đang muốn lập Hội, nếu quân đội cho phép hai anh được chuyển ngành, chúng tôi làm công văn, xin hai anh về giúp Thái Bình, được không?
May quá. Lúc này, nhà văn Lê Lựu đang được quân đội yêu quý. Anh Lựu “bị” quân khu giữ. Chỉ đồng ý cho Kim Chuông được chuyển ngành. Và, thủ tục giải quyết rất nhanh, công việc hoàn tất cho Kim Chuông chuyển từ báo Quân Khu về Hội Văn nghệ Thái Bình, diễn ra khoảng tiếng rưỡi đồng hồ.

Kim Chuông về Thái Bình, hai năm sau, kéo thêm được Thiếu Văn Sơn cùng về tỉnh lúa. Thiếu Văn Sơn viết văn xuôi, đã có mấy tiểu thuyết, truyện ngắn và ký. Sau này, Sơn trở thành Phó Tổng Biên tập Báo Thái Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Bình. Việc Sơn vừa từ chiến trường ra, Thái Bình nhận về làm báo cũng được giải quyết thật nhanh, trong thời gian chỉ kể giờ, kể buổi.

 
Nhà văn Bút Ngữ trong buổi gặp mặt với nhà văn Kim Chuông và nhóm Văn Búp tháng 8/2015

Vậy là, rời Hải Phòng quê mẹ, từ Báo Quân khu, nơi đang công tác, tôi về Thái Bình sống cùng nhà văn Bút Ngữ, thấm thoắt đã qua ba mươi sáu năm ròng.

Với Bút Ngữ, hai mươi năm làm lãnh đạo, là Phó Chủ tịch, Chủ tịch hay khi gọi là “quyền” Chủ tịch thì thực ra, Bút Ngữ vẫn là Chủ tịch toàn quyền. Vì, “vị Chủ tịch ngày ấy nằm ở Ủy ban tỉnh, chỉ “cơ cấu” kiểu danh dự mà thôi.

Anh Ngữ làm Chủ tịch có cái “oách” riêng, ít ai có!

Bút  Ngữ “oách” vì cái thời, cái thế của anh.

Về tuổi tác, Bút Ngữ thuộc bậc anh cả của hầu hết anh em trong cơ quan Hội. Về danh tiếng, người ta từng nghe các vị lãnh đạo tỉnh, tự hào khoe rằng, “Bút Ngữ là nhà văn. “Nhà con một” của Thái Bình. Bởi, tính từ nhà bác học, nhà thơ Lê Quý Đôn, Thái Bình đi qua hàng thế kỷ nhạt mờ mới có một Bút Ngữ nổi tiếng từ hồi còn là đội viên bảo vệ Uỷ Ban kháng chiến hành chính huyện Vũ Tiên. Khi trở thành cán bộ tuyên truyền, Bút Ngữ vẫn vừa đào hầm bí mật, vừa đưa cán bộ vượt đường ra vào vùng du kích, vừa theo sát những trận càn, theo sát những chiến công của bộ đội, du kích. Anh viết bài tuyên truyền, in  báo, in trên đất thó, gộp thành từng tập mỏng gửi vào vùng chiến. Bút Ngữ viết văn, lại có ca dao, có thơ chọn in trong văn tuyển. Bài ca dao “Làm mưa” được giải của Báo Văn nghệ, có câu: “Không mưa từ chín tầng mây/ Thì mưa từ những bàn tay con người…” được Bộ Giáo dục tuyển vào sách giáo khoa tiểu học, còn dùng đến bây giờ. Rồi bài thơ “Tiền Hải”, Ty Giáo dục Thái Bình tuyển vào sách giáo khoa cho học sinh trung học, một thuở, học trò học thuộc lòng ra rả.

Bút Ngữ là người dự trại viết đầu tiên của Hội văn nghệ Việt Nam từ năm 1959, do nhà văn Nguyễn Huy Tưởng phụ trách. Cùng dự trại này có Nhà văn Chu Văn, Vũ Thị Thường, Ngô Ngọc Bội, Phượng Vũ… Cuối trại, Bút Ngữ có truyện vừa “Bên đồng nước úng”, tập truyện in chung với Ngô Ngọc Bội. Cũng dịp này, Bút Ngữ còn có một phần hai tập thơ in chung với Ngọc Minh ở Nhà xuất bản Văn nghệ Việt Nam.

Bút Ngữ học trường viết văn Quảng Bá khoá đầu tiên do nhà văn Nguyễn Đình Thi làm hiệu trưởng. Cùng lớp với anh có Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Văn Bổn, Xuân Cang, Nguyễn Xuân Khánh, Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Tú…

Bút Ngữ là Tổng Biên tập Báo Thái Bình, Phó Trưởng Ty Văn hoá, Bí thư Đảng đoàn Hội Văn học nghệ thuật của một vùng đất. Bút Ngữ lại có uy tín, đang được bầu hai khoá liền (khoá III- khoá IV) là Đại biểu Quốc hội của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…

Thời ấy, thành tựu của Bút Ngữ, vị Chủ tịch Hội Văn nghệ, với Thái Bình hay nhiều tỉnh khác, được coi là thật hiếm.  

 
Nhà văn Bút Ngữ trong buổi gặp mặt với nhà văn Kim Chuông và nhóm Văn Búp tháng 8/2018  

Tôi nhớ, mấy lần, Tỉnh uỷ lấy phiếu thăm dò uy tín các cán bộ lãnh đạo đầu ngành, một trăm phần trăm anh chị em cơ quan văn nghệ đều có thư trả lời riêng và “trình” rằng, Bút Ngữ là con người “lý tưởng”. Một “lãnh đạo lý tưởng”. Thậm chí, khi anh Ngữ ốm, nhiều người lo lắng, ai nấy đều sợ một cách chân thành, “nhỡ Bút Ngữ mất, văn nghệ Thái Bình sẽ nương tựa vào đâu?”    

Viết về Bút Ngữ, nhà văn Hà Văn Thuỳ gọi ông là “người thầy đầu tiên”. Bởi, trước hết nơi ông là “cái đức”. Bởi, từ Bút Ngữ luôn toả ra tấm lòng nhân hậu, thương yêu, tôn trọng con người. Ông là tấm gương về “lễ”. Cho đến bây giờ, 30 năm trôi qua, nhưng tôi, (Hà Văn Thùy) còn nhớ như in hình ảnh ông mỗi cuộc họp, hai tay ông xoa xoa, miệng chào đón khách. Khi đó, tôi gặp nơi ông dáng nét quen thuộc của vị chủ tế trước ngôi đền văn chương. Và cũng một thoáng hình ảnh Tống Giang trong ngày tựu nghĩa. Cách ứng xử lễ nghĩa như vậy tiếc rằng ngày nay không còn thấy nữa...” (*)


Nhà văn Bút Ngữ cùng các thầy văn chương tại Lớp bồi dưỡng văn thơ thiếu nhi tỉnh Thái Bình tháng 7 năm 1977

“Thời” của Bút Ngữ cầm nắm là vậy.

“Thế” của anh lại hơn hẳn. Bút Ngữ đứng cách xa anh em khoảng cách, chả ai dám so bì. Anh là Nhà văn, lại có nhiều tập sách đứng tên tiêng.

Bút Ngữ yêu người, dễ tin người đến nỗi. Gặp ai anh cũng thu mình, bẻ mình gãy đi để gần được xung quanh. Có người biết anh lành, thường “lấn” anh, có khi hơi quá đáng. Những lúc ấy, người ta thấy, cách ứng xử của Bút Ngữ chỉ một điều là “nhẫn”. Anh ít nóng. Ít phản ứng vỗ mặt. Anh thường bình tĩnh, mềm. Thường tìm cách ngồi riêng với nhau để tri kỷ, hay chờ cuộc họp nào đó. Lúc ấy, anh thận trọng đọc từng lời đã được nghĩ chín và viết ra trên giấy. Lúc này, nào lý tình đượm nồng, sâu sắc. Nào cái giọng run rẩy, chan chứa yêu thương … Cứ thế, Bút Ngữ đã nhiều lần làm nhiều người xúc động và ngày càng được anh em cơ quan nể trọng vì cái tâm, cái đức hiếm có nơi anh.

Một lần, vừa đến cơ quan, thấy Bút Ngữ hai tay bê chậu nước từ sân giếng về bên thềm rửa mặt. Dáng lom khom, vừa đi vừa khóc không ra tiếng. Biết cậu phụ trách văn phòng sai, lại “xẵng” với anh, tôi gắt: “Anh Ngữ. Anh là thủ trưởng cơ quan. Cậu ấy là nhân viên. Sao anh lại thế?” Anh Ngữ giọng mếu máo: “Tôi khóc cho tôi. Bởi, tôi là lãnh đạo, sao không nói nổi anh em. Tôi khóc cho anh em nữa. Sao tôi nói đúng. Nói đến điều như vậy, sao anh em không biết, mà nghe tôi chứ”.

Anh Ngữ ăn ở với anh em bằng tấm lòng cao đẹp. Những ai từng sống trong cơ quan văn nghệ Thái Bình, người ít kẻ nhiều, không ai không được anh dìu dắt, đắp bồi bằng tình yêu thương nhân ái. Không ai quên, việc anh Ngữ cưu mang, đùm bọc anh Nguyên, một nhà thơ từ quê hương Gò Me, Nam Bộ về Thái Bình sinh sống. Từ công việc, gia đình, vợ con đến nơi ăn chốn ở hằng ngày, anh Ngữ đối với anh Nguyên bằng tất cả tấm tình của người “chủ ngôi nhà”, tấm tình của bạn bầu đồng nghiệp, tấm tình của người miền Bắc với quê hương miền Nam ruột thịt. Buổi anh Nguyên qua đời, sau này cả việc “sang cát”, lo toan mộ phần đẹp đẽ cho nhà thơ, anh Ngữ đều tận tình, chu đáo mời  đông đủ các anh Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Võ Văn Trực, Vũ Từ Trang … bạn bè từ Hà Nội và nhiều nơi khác về thắp hương, đưa tiễn nhà thơ lần cuối. Nhiều người đến viếng nhà thơ. Người biết anh Nguyên. Nhiều người chưa biết anh Nguyên. Nhưng, nhìn anh Ngữ lo toan. Nhìn dáng hình cao thượng bao dung. Nhìn cử chỉ với tất cả những gì khổ đau đè lên “người chủ gia đình” đang ghé vai gánh vác, ai nấy đều nom Bút Ngữ mà ướt đầm nước mắt.

Bút Ngữ trọng người lao động. Thấy ai chịu đi, chịu viết, anh rón rén nói lời khen, vẻ mừng vui ra mặt. Ai có bài “phát”, bài in, anh khoe với mọi người rồi thông báo trong cuộc họp, cuộc giao ban, kịp thời biểu dương, cổ vũ. Ngày ấy, Thái Bình có lệ “ưu đãi” đặc biệt. Những bài “vượt khỏi phà Tân Đệ”, được các báo chí “trung ương” chọn dùng, “về nhà” đều được lĩnh  thưởng. Một lần, nộp bản thống kê những bài in để dự thưởng như thế. Anh Ngữ liếc qua rồi gọi tôi trả lại. Anh bảo. “Cậu thống kê còn thiếu tới hai bài”. Thì ra, hàng năm trời, anh Ngữ cứ tỉ mỉ ghi từ các báo bài in của từng người. Có tác giả quên chính bài mình viết mà anh vẫn nhớ. Nghĩa cử chân tình ấy, với anh, khó có người noi kịp.

Hai mươi năm dốc lòng dựng xây, phát triển Hội, anh Ngữ làm nên thời “hoàng kim” thật sôi nổi mà vui. Nhiều trại lớp được mở. Hội không mấy khi vắng khách ra vào. Đúng là, “gia quân tử hiền nhân xuất nhập”. Rất đông các nhà văn, nhà thơ, từ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nông Quốc Chấn,  Phạm Hổ, Tạ Hữu Yên, Tô Hoài, Nguyễn Kiên, Hồ Phương, Đào Vũ…Đến các Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Sáng…Các Nhạc sĩ Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Thái Cơ… Bao nhiêu những gương mặt, tuổi tên từng làm rung động các thế hệ người đọc, người viết đều về với Thái Bình, gắn bó với Hội Thái Bình trong trại lớp, trong các buổi gặp gỡ, trò chuyện, trao dồi nghiệp vụ. Có trại viết được tập trung hai tháng liền. Có lớp đào tạo bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học được Hội tổ chức, duy trì dài tới hai chục năm ...

Thời ấy, người lãnh đạo như anh Ngữ thật “chí công vô tư,” chỉ một lòng vì Hội. Phòng ở và làm việc của anh là gian nhà “cấp bốn”. Nhiều nhuận bút ở các số báo anh không lấy, tự nguyện hiến cho cơ quan. Nhà ở dưới quê, anh Ngữ được tỉnh cấp đất ở một vùng ven thị, nhưng lâu, không có đủ tiền của để dựng, anh tự nguyện đem trả.

Những năm đầu trong công cuộc đổi mới, vì giá trị văn học, vì tình nghĩa bầu bạn văn chương, anh Ngữ đã sớm nghĩ và quyết định cho tái bản lần đầu cuốn tiểu thuyết “Sắp cưới” của Vũ Bão, một tác phẩm của nhà văn quê gốc Thái Bình một thời bị nghi kỵ, cấm đoán. Việc làm này, sinh thời, nhà văn Vũ Bão biết ơn nhiều với Bút Ngữ và thêm gắn bó với anh em, Hội Văn học Nghệ thuật quê nhà.

Với đời văn, Bút Ngữ là “thợ cày cần mẫn”. Ở Hội, lúc nào người ta cũng gặp anh hai chân ngồi cò đậu, mải miết “bơi” trên trang viết.  Gần ba mươi đầu sách.. Hàng nghìn bài báo đủ các thể loại “cung cấp” cho tạp chí, cho báo, cho đài. Bài “bắt buộc” anh Ngữ phải viết vì vai trò lãnh đạo. Vì “phải có” để tuyên truyền, quảng bá với tỉnh, với trung ương. Rồi bài đặt của người biên tập từ các nơi yêu quý “mời” anh. Bài ngẫu hứng từ cảm xúc. Bài xã luận. Bài nghiên cứu, sáng tác…Anh Ngữ như “con gà mắn đẻ”, cứ “cục ta cục tác” chẳng mấy khi dừng. Ngày ấy, anh em “Văn nghệ Thái Bình” nhìn anh  mà một lòng bái phục. Bởi, anh họp suốt ngày. Việc suốt ngày. Vậy mà năm nào cũng “tung” ra đầu sách. Cuộc thi nào anh cũng có bài gửi và túc tắc có giải. Chỉ riêng chuyến đi thực tế ở Tây Nguyên. Nửa tháng trời lăn lộn, về nhà, Bút Ngữ “đẻ” ra ba truyện ngắn. Một bút ký dài, in và phát nhiều kỳ. Rồi, tiểu thuyết “Cao nguyên mưa nắng” dày đẫy ba trăm trang .. .
 



Nhà văn Bút Ngữ trong buổi gặp mặt với nhà văn Kim Chuông và nhóm Văn Búp tháng 8/2018

 

 

Thời anh Ngữ, văn chương phải gánh vác những sự kiện lớn lao và nóng bỏng của núi sông, dân tộc. Anh Ngữ “tự nhận thức” và ý thức rất rõ giá trị hữu ích trên mỗi trang viết của mình. Đấy là, “văn với một tầng bề mặt của cuộc đời, thế sự. Của biết bao diễn biến ngổn ngang, bề bộn, cần có sự phản ánh kịp thời. Cái gọi là “văn chương minh hoạ”, đôi khi không tránh khỏi sự giản đơn, sơ lược. Nhà văn biết, những số phận nhân vật trên những trang viết của mình còn mờ nhạt, chưa được khơi sâu, thiếu sức điển hình. Anh Ngữ khiêm nhường nhận ra điều ấy.  Đây cũng là dòng chảy của “văn học một thời” mà Bút Ngữ đã “tự thức,” đã sớm tìm cho mình “một hướng tìm khác.” 

Và, Bút Ngữ đi sâu, khám phá đề tài lịch sử! Một hướng tìm mình mang thế mạnh của người từng sống, đọc nhiều và trải nghiệm.

Từ “Pháo đài đồng bằng”, “Chuyện ở xóm chài”, “Người đi đày đại dương”, “Người thời loạn”, “Vua Ba Vành”, “Cử nhân Bùi Viện”, “Cụ Bảng Đôn” …, và gần đây nhất là tiểu thuyết lịch sử “Cần vương Đông Du”…

Gần bảy nghìn trang viết. Cuốn ba trăm trang. Cuốn trên năm trăm trang. Cuốn gần tám trăm trang… Chữ nhỏ li ti, sách dày cộp đè nặng trên tay, đủ thấy sức lao động của cuộc đời nhà văn từng “rút ruột nhả tơ”, từng vật vã, cực nhọc dường nào.

Tìm mình ở đề tài lịch sử, nhà văn Nguyễn Khải đã viết: “Bút Ngữ đã tìm được một cách đắc địa “đất dụng võ” của mình. Bởi, Bút Ngữ có vốn nho học khá sâu. Anh chịu đọc, chịu tìm tòi nghiên cứu. Với phẩm chất cần cù, cẩn trọng, luôn ghi chép tỉ mỉ, lưu giữ một cách hệ thống, ngăn nắp, khoa học các tư liệu tìm được...”

Viết về đề tài lịch sử, khi dựng lại cuộc kháng chiến chống Pháp ở làng Nguyễn anh hùng, khi tái tạo, sáng tạo một đời sống người anh hùng Phan Bá Vành, Nguyễn Quang Bích, viết về những danh nhân: một Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, một Cử nhân Bùi Viện, một Bảng nhãn Lê Quý Đôn v.v,  Bút Ngữ làm bạn đọc thoả mãn ở những tầng, những tuyến, những tư liệu lịch sử thật giàu có và quý hiếm. Ở sự phản ánh chân xác tin cậy qua tái dựng, sáng tạo. Ở nhân vật anh hùng với những nét điển hình, ngưỡng vọng. Ở những bài học sâu sắc, đầy ý nghĩa trước đời sống, lịch sử, con người.       

Trước thành công khác nhau ở hàng nghìn trang viết của anh, tôi nhớ, khi tôi đang giữ cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, nhà văn Nguyễn Khải từ miền Nam gửi cho tôi bài viết với bức thư như sự kêu gọi, hỗ trợ. Nguyễn Khải khen: “Cụ Bảng Đôn của anh Ngữ viết giỏi lắm. Đây là tiểu thuyết hay của anh. Văn chương thích. Nhân vật thích. Vấn đề của tiểu thuyết cũng thâm thuý, sâu… Kim Chuông giúp,  in cho mình bài giới thiệu tập sách này vào tạp chí của Hội để cảm ơn, ghi đậm thêm tình bạn bè của mình với Bút Ngữ, những nhà văn vùng Tả Ngạn khi nào…”

Quả tình, trong rất nhiều tiểu thuyết xuất bản, năm 2002, tiểu thuyết “Cụ Bảng Đôn” của nhà văn Bút Ngữ được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng trong năm.

Bút Ngữ đã sáu lần giành được các giải thưởng văn học. Hai lần của Hội Nhà văn Việt Nam cho cuốn tiểu thuyết “Chuyện ở xóm chài” và “Cụ Bảng Đôn”. Hai lần giải chính thức cho hai tiểu thuyết khác, giải thưởng của Ủy Ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Chưa kể bốn lần giải đầu, giải thưởng văn học mang tên Nhà bác học Lê Quý Đôn, tỉnh Thái Bình và hàng chục giải thưởng ở các cuộc thi văn học do các cơ quan Báo chí Văn học tổ chức. …(**)

-------


Nhà văn Bút Ngữ trong buổi gặp nhà văn Kim Chuông và nhóm Văn Búp tháng 8/2018

Năm 2019 này, Nhà văn Bút Ngữ đã bước vào tuổi chín mươi. Đã hai lần ông bị tai biến mạch máu não. “Nhờ Giời”. Nhờ ở sức chịu đựng, giữ gìn, tập luyện. Hai lần ngỡ đổ. Nào ngờ, khi gượng dậy, nhà văn Bút Ngữ lại lao vào viết. Bên tiểu thuyết về lịch sử của mảnh đất Thái Bình đang triển khai “cày” kiên nhẫn từng ngày, Bút Ngữ vẫn xuất hiện bài in, bài phát trên các Báo Đài của tỉnh, của Báo Văn và Tạp chí Thơ Trung ương… Những tưởng, Bút Ngữ cần được xem xét, được nhận giải thưởng Văn học Nhà nước sớm hơn, xứng hơn với thành tựu có được của một nhà văn lão thành, người từng có công với Hội Văn học Nghệ thuật ở một miền đất, ở vai trò sáng lập, dựng xây và phát triển.     

Từ Kinh Đào, Vũ Phong, Vũ Thư, Thái Bình, người cùng làng với nhà văn Dũng Hà, người đồng hương với các nhà văn Phạm Lê Văn (Thợ Rèn), Minh Chuyên, Đỗ Vĩnh Bảo…Cái tên Phan Đình Khương, tên thật của nhà văn Bút Ngữ, giờ chẳng mấy ai nhớ. Người ta nhớ, quý yêu và kính trọng nhà văn Bút Ngữ, “cái bút danh”, cái ngôi sao ban mai thuở nào xa lắc... Ngôi sao luôn lấp lánh dẫn đường trên một vùng đất lúa.

Đã mười ba năm rời xa đất Thái Bình. Đã ba mươi sáu năm sống và gắn bó đời mình với miền quê hương ấy. Tôi cũng như những nhà văn đã rời Thái Bình ra đi, nhiều khi nhớ về Hội, tôi bỗng dưng gặp lại bóng hình Bút Ngữ, một nhà văn, một người anh thật nồng thắm thương yêu.

“Một Tống Giang !... Một hình ảnh vị chủ tế trước ngôi đền văn chương trong những ngày tựu nghĩa”(***)…

Ngày ấy sao mà đẹp, mà yêu…Mà trên đời này, rồi còn biết khi nào, có còn một Bút Ngữ nào, như thế ?

Kim Chuông

------

(* ) (***) Hà Văn Thuỳ - Bài đăng Báo Thái Bình, ngày 13-12-2002; Bài đăng Báo Văn nghệ, số 27 tháng 7/2003.
** Bài viết của tác giả Kim Chuông đã được in trên báo Văn Nghệ năm 2003.                                                             

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.