- Lý luận - Phê bình
Về bài thơ Tháng Ba thương mến của Ánh Tuyết
Thứ ba - 17/03/2020 11:57
Hoa gạo ơi! Đừng kiêu hạnh đỏ bời bời như thế
Cả gan châm lửa đốt trời
Trời ở cao xa lắm
Lửa lại rơi cháy mình đấy thôi
Là vô cùng thương mến tháng ba ơi!
Đồng làng mỡ màng non tơ quá
Lúa dậy thì bầng bầng hớn hở
Ngọn thài lài mơn mởn sức xuân
Cây đơm lộc nhung chồi biếc thanh tân
Gió bỡn cợt hất tung vạt áo…
Em gái má ửng hồng,làm cỏ lúa
Ngực căng tròn, môi mọng như hoa
Thương mến vô cùng, ôi tháng Ba!
Sợi nắng non rót pha lê tràn mặt đất
Con ễnh ương phồng bụng gọi bạn tình khao khát
Én đôi rộn ràng cuống quýt giữa trời xuân
Nước đầu nguồn trong veo như mắt em
Lúng liếng để anh say lừ đừ rồi đấy!
Hoa gạo ơi! Thôi đừng đỏ cháy
Người hẹn em về… tháng Ba
Hoa đỏ đầy trời, nắng choàng khăn voan khắp đồng quê
Xanh nhưng nhức, nồng nàn, xuân căng nhựa
Chưa thấy người về…ngơ ngẩn lời hò hẹn tháng Ba…
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng tính nhân văn cao cả của THÁNG BA THƯƠNG MẾN là sợi chỉ đỏ xuyên suốt không chỉ từ đầu đến cuối tập thơ CÒN ĐANG ĐÀN BÀ mà sẽ xuyên suốt thế giới thi ca của nhà thơ Ánh Tuyết.
Bài thơ có vẻ đẹp vô cùng kỳ ảo về một vùng quê nghèo áo cơm nhưng giàu nhân nghĩa. Nhân nghĩa đã bồi đắp nuôi nấng Ánh Tuyết không chỉ đơn thuần về trí tuệ mà còn bồi đắp cho tâm hồn Ánh Tuyết trở thành thi sĩ - một thi sĩ giàu lòng nhân ái. Nhân ái với quê hương nhân ái với cuộc đời.
Không được đắm mình không được trải nghiệm trên một vùng quê như thế Ánh Tuyết không thể sáng tạo ra một bài thơ dạt dào cảm xúc và ngập tràn những thi ảnh vừa chân thực vừa hư ảo làm say đắm lòng người. Bài thơ còn là sự tuôn trào cảm xúc từ trong con tim từ trong tâm hồn của một thiếu phụ đang căng đầy sức sống thanh tân của tuổi hồi xuân. Tất cả cứ “Bầng bầng” cứ Mơn mởn” sức xuân:
“Hoa gạo ơi! Đừng kiêu hạnh đỏ bời bời như thế
Cả gan châm lửa đốt trời
Trời ở cao xa lắm
Lửa lại rơi cháy mình đấy thôi”
Một lời khuyên, một lời nhắn gửi với hoa gạo hay với chính lòng mình hãy biết kìm nén những đam mê và khát vọng. Câu thơ còn gợi cho tôi hình như có sự phơi trải có chút khoe khoang sức sống thanh tân của mình. Tôi vẫn nghĩ giữa khát vọng và hiện thực bao giờ cũng tồn tại một khoảng cách không thể lấp đầy. Dù có bời bời sức xuân dù có bời bời lửa cháy thì vẫn không thể vươn tới bầu trời của ước mơ và khát vọng.
Thi ảnh cứ nối tiếp cứ điệp điệp trùng trùng thi ảnh. Thi ảnh nào ở đây cũng căng tròn nhựa sống. Đó chính là những thi ảnh mà nhà thơ trải nghiệm gom nhặt gần cả cuộc đời để đến bây giờ có dịp là nó tuôn trào. Sự trích dẫn ở đây không còn cần thiết nữa, Văn bản bài thơ đã quá đủ đầy. Đồng làng thì mỡ màng non tơ. Lúa dậy thì bầng bầng hay chính lòng thi sĩ cũng đang bầng bầng ta không thể đoán định Hình tượng thài lài mơn mởn sức xuân gợi cho ta nghĩ đến câu tục ngữ của cha ông. Một sự phơi trải mang tính so sánh tục đấy nhưng sao nó thực đến khó tin. Ta nghĩ gì khi đọc câu thơ “Gió bỡn cợt hất tung vạt áo” Trước khuôn ngực căng tròn của người thiếu nữ gió còn đam mê và muốn ve vuốt yêu thương huống chi con người thờ ơ sao được? Những thi ảnh cứ căng tràn nhựa sống. Vẫn chưa hết:
“Con ễnh ương phồng bụng gọi bạn tình khao khát
Én đôi rộn ràng cuống quýt giữa trời xuân
Nước đầu nguồn trong veo như mắt em
Lúng liếng để anh say lừ đừ rồi đấy ;”
Con người đã vậy còn loài vật thì sao? Ễnh ương gọi bạn tình khao khát khi mỗi độ tháng ba thương mến ùa về. Én đôi thì cuống quýt. Đến đây thì trí tưởng tượng của nhà thơ đã như sự vô biên của vũ trụ. Én đôi ở trên tầng cao xa kia làm sao thi sĩ biết nó đang cuống quýt vì cuống quýt thuộc về cảm xúc. Hay chính thi sĩ đang thấy tâm hồn mình cuống quýt trước sự cám dỗ mê hoặc của tự nhiên Và em, đôi mắt em. Đã có một sự chuyển hóa nhân vật trữ tình ở đây. Bây giờ đã xuất hiện đại từ anh. Sự xuất hiện đó càng tăng thêm sức quyến rủ về vẻ đẹp của em người thiếu nữ hay người thiếu phụ hồi xuân?
Nhưng! Vẫn còn đó một chữ nhưng tồn tại chen vào những vẻ đẹp những khát khao khi ta đọc khổ cuối bài thơ
“Hoa gạo ơi! Thôi đừng đỏ cháy
Người hẹn em về… tháng Ba
Hoa đỏ đầy trời, nắng choàng khăn voan khắp đồng quê
Xanh nhưng nhức, nồng nàn, xuân căng nhựa
Chưa thấy người về …ngơ ngẩn lời hò hẹn tháng Ba…”
Tôi thấy lòng mình như nghẹn lại. Tất cả những thương mến, những đam mê giờ chững lại khi “NGƯỜI” đã lỡ hẹn. Lỡ hẹn hay cố tình ta chỉ mơ hồ đoán định chính vì thế ta thấy tim mình đau nhói. Sao tháng Ba cứ cợt đùa cứ bỏ lại mình em đang “Xanh nhưng nhức, nồng nàn, xuân căng nhựa “lại đơn lẻ bơ vơ đứng đợi giữa một trời tháng Ba thương mến. Em phải đợi đến bao giờ hay em phải đợi chờ Người cho đến hết cuộc đời???
Bài thơ thắp lửa bừng bừng trong tâm hồn ta rồi bỗng nhiên nhà thơ lại dội nước lạnh vào hồn ta. Như tôi đã nói ở trên giữa khát vọng và hiện thực luôn tồn tại một khoảng cách không thể lấp đầy và đến đây khoảng cách ấy đã xuất hiện. Đừng thế chứ đừng làm tan nát lòng người, thi sĩ hỡi phải chăng vì ngọn lửa của chính khát vọng đã rơi xuống đốt cháy thi nhân./.
Nguyễn Xuân Dương