- Lý luận - Phê bình
Một mình gỡ nỗi chênh chao
Thứ ba - 31/03/2020 09:50
“Đối cảnh sinh tình” hay “tự cảnh sinh tình” là việc tâm của chúng ta bị dẫn động khi đối mặt với một tình thế hay cảnh vật. Chúng cũng có thể đơn giản chỉ là một ý nghĩ, một lời nói, một ca từ, một câu thơ. Chúng như chất xúc tác, như muối rắc vào đầu ta, vào tâm ta, như nhắc nhớ ta phải ngoảnh nhìn, phải hoài niệm. Cái tâm trạng “đối cảnh sinh tình” ấy nhiều khi mạnh tới mức có thể “bắt” cả hồn vía của những người trong cuộc, đưa người ta vào một tình thế ngu ngơ khó kiểm soát tâm trạng của mình. Những lúc ấy người ta hay hoài cảm về những kỷ niệm cũ, người xưa chốn cũ, chốn xưa người cũ…
Có một lần trong vai một ngọn gió ham chơi, tôi đã tự rắc muối lên đầu mình, rắc muối vào những người trong cùng một cảnh ngộ khi giới thiệu về bài thơ “Giao mùa” của Lam Châu. Và Bài thơ “Giao mùa” đó đã lấy đi không ít nước mắt của một số người trong cuộc.
“Bạn quen với nắng phương Nam
Có còn xao xác Đông sang, Thu về
Có còn nhớ cỏ triền đê
Đuổi con chuồn ớt mải mê cuối chiều
Rơm thơm nâng tiếng sáo diều
Mưa Ngâu nối nhịp cầu kiều trái ngang
Thị vàng ai hái mang sang
Treo bên cửa sổ cho nàng ngẩn ngơ
Sẽ còn nhớ đến bao giờ
Sắc hoa gạo đỏ bên bờ sông xưa
Bìm bìm tím ngát ban trưa
Vải thiều má đỏ dây dưa nỗi lòng
Điệu Chèo chấp chới sang sông
Hoa xoan rắc bụi người không thấy về
“Cỏ may vẫn gió…” triền đê
Có còn vương áo người về chốn xưa…!!!”
Đối diện với cảnh “mùa trong mùa”, đối diện với chút nắng ban mai, ngọn gió buổi trưa, hạt mưa ban chiều hay chút lãng đãng của sương khói lúc chập choạng tối, trong những phút giao mùa, những người đang ở xa quê, là những người trong cuộc, thường rất dễ động tâm.
“Người trong cuộc” mà tôi nói ở trên có lẽ là những người hiểu mình rõ nhất khi đối diện với khúc giao mùa. Họ là những người bạn của tôi, những năm qua, đã luyến tiếc rời xa mùa Đông Miền Bắc tụ lại trời Nam ấm áp. Họ hiện ở nhiều nơi, từ cao nguyên lộng gió với bập bùng ngọn lửa thiêng, tới Đồng Tháp Mười ngạt ngào sen nở, rừng cao su bạt ngàn xanh ở Bình Phước, cả thành phố Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn náo nhiệt hay đảo Phú Quốc xa khơi sóng phập phồng ngày đêm nhịp thở trẻ. Những người này, trải nghiệm bao ngày ở phương Nam, chắc đã quen rồi với cái thời tiết hai mùa trong năm nơi đây. Họ chẳng nói ra, nhưng tôi biết, sâu thẳm trong tâm trí của người đã có những phút giao mùa của Miền Bắc, nơi bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông đi về, chắc không thể không xao xác nhớ nhung mỗi khi nhớ về.
Bạn quen với nắng phương Nam
Có còn xao xác Đông sang, Thu về
Họ đấy, thảng thốt với “Sài Gòn bất chợt đông qua”, với “Biển Tháng Mười Hai”, với “Tết như từ cõi xa”, với “Hương quê”…. Chẳng biết rằng hôm nay ngoài Bắc có mưa không? Sợi khói lam chiều có còn nặng trĩu, trầm tư bò trên mái tranh nghèo? Gió mùa giờ này đã thổi chưa? Đã có ai ra ngoài triền đê, trong cái tiết hanh hao này, để ngu ngơ ngồi gỡ cỏ may hay khóc một mình bên bờ sông vắng.
Có còn nhớ cỏ triền đê
Đuổi con chuồn ớt mải mê cuối chiều
Hay:
Sẽ còn nhớ đến bao giờ
Sắc hoa gạo đỏ bên bờ sông xưa
Rồi hoa xoan sắp nở tim tím bên ngõ nhỏ hay vồng hoa gạo bập bùng cháy đầu làng… Phút giao mùa nào thì cũng đều là nhớn nhác, xao xác cả. Tôi không loa loa lên để điểm danh, hò hú tên các bạn đâu, bởi dù sao, tôi cũng vẫn là tôi, một người nguyện nói ít thôi, và nhờ những “Khoảng cách giữa lời” nói hộ lòng mình. Tôi chỉ thích tự mình quên được những gì cần quên và chỉ nhớ những gì cần phải nhớ. Vì thế, phút xao lòng này, xin được nhường lời cho “Giao mùa” tâm tình với các bạn, những người đang chung một nỗi nhớ quê da diết khi Đông sang, Thu về, Hè qua, Xuân tới.
Trần Huyền Tâm
(Tản mạn miền sương khói - NXB Hội Nhà văn - 2019)