• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Tìm về cội nguồn của niềm thương nỗi nhớ

Thứ tư - 19/02/2020 03:48

 

 


Cầm trên tay “Mây ngàn năm vẫn đợi” - tập thơ thứ ba chị vừa viết xong tôi thực sự choáng ngợp trước một nguồn năng lượng tràn trề, một bút lực dồi dào và khát vọng mãnh liệt được trở về với cội nguồn, với chính mình của nữ thi sĩ Trần Huyền Tâm.

 

“Mây ngàn năm vẫn đợi” - Ngay từ nhan đề đã gợi mở một “cảm xúc vũ trụ”, một “nỗi khắc khoải không gian” đến kỳ lạ dễ khiến ta liên tưởng tới các tập thơ “Vũ trụ ca”, “Lửa thiêng” của Huy Cận - “Nhà thơ cổ điển nhất trong các nhà thơ Mới” (1930 – 1945) với “nỗi buồn vạn kỷ, nỗi sầu nhân gian” (Hoài Thanh – Thi nhân Việt Nam). Nhưng khác cái cảm giác bé nhỏ, cô đơn, bất lực trước bộn bề thế cuộc, nhiều đối nghịch, mâu thuẫn trong cảm nhận về vũ trụ của Huy Cận: 

 

“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng”…

….

“Nắng xuống trời lên sâu chót vót

 Sông dài trời rộng bến cô liêu…”

  (Tràng giang)

 

 

Nỗi khắc khoải nhớ thương trong Trần Huyền Tâm là nỗi khắc khoải có chủ đích, có nơi chốn để tìm về, có hy vọng để tin tưởng dù bao lâu, bao xa bởi: “Mây ngàn năm vẫn đợi”!

 

Để thể hiện cảm hứng vũ trụ mênh mang và an lành ấy, một cách rất tự nhiên, thi sĩ đã cấu tứ hình tượng thơ bằng một thi pháp vũ trụ ở cả hai phương diện: không gian và thời gian. Không gian trong hầu hết các bài thơ đều hiện lên với tầm vóc và kích thước vô cùng rộng lớn: là “trời”,“mây”,“Thiên quốc”,“biển xanh”… là vô tận, vô cùng. Thời gian là “ngàn năm”,“thiên thu”,“năm tháng mỏi mòn”, là “tự bao giờ”,“mùa”,“chiều” vv…là vĩnh hằng, vĩnh cửu, là vô thủy, vô chung không thể nào đo đếm.

 

Mặt khác, ta có thể thấy nối tiếp mạch nguồn cảm hứng mang đậm chất Thiền ở các tập thơ trước (Giọt nắng vô thường, Diệu khúc thời gian), không gian trong “Mây ngàn năm vẫn đợi” là một không gian thiêng nhuốm màu tịnh độ. Là chốn an nhiên phía sau miền sương khói đời người nên cái nắng cũng lung linh an hoà như đến từ “thiên thượng” (Nắng từ thiên thượng). Câu chuyện tình nhà thơ kể lại cũng không phải là chuyện tình của một lứa đôi nào đó ở cõi trần mà là “Chuyện tình cầu Ô Thước”. Niềm vui vỡ òa, hạnh phúc rưng rưng khi “Tìm người nơi ấy” – “Tìm về giữa những lặng thinh”, “Tìm quên”, tìm “cuối đường mây”, “nơi biển xa”, “miền đất nóng”, “miền ký ức”, “vùng biển lạnh”...

 

Thời gian trong thơ chị dường như không phải được tính bằng nhịp tích tắc đồng hồ của phút giây hiện hữu nơi đời thực, không phải được đo bằng ngày tháng mà là thời gian miên viễn, thời gian của mùa, mỗi bước đi của thời gian là một nhịp mùa đi: “Hạ tím”, “Thu về ngân khúc bình yên”, “Nửa chừng thu”, “Viết cuối mùa đông”…




Đặc biệt ở tập thơ “Mây ngàn năm vẫn đợi” ta cứ thấy đau đáu một khát vọng trở về, đi cũng là để trở về. Có đến 8 bài thơ ngay từ nhan đề đã nhắc đến chữ “về”….Và hầu hết các bài dù nhan đề không có chữ “về” nhưng các câu từ trong bài vẫn có bóng dáng của nỗi khát khao ấy. Cảm xúc vẫn là nỗi nhớ nhung, khắc khoải về chốn ấy – chốn cội nguồn thực sự của mỗi sinh linh trên trái đất này. Ở “Hạ tím” “Tấc lòng hè nhưng nhức nỗi niềm xa” mà nhìn vào đâu thi sĩ cũng thấy gợi nhớ không gian xưa với “nhạc huyền lưu luyến”, “khúc vơi đầy tuế nguyệt đoái thiên thu” và thấm đẫm nỗi buồn tiếc nuối khi “lỡ một cung huyền … ngẩn ngơ” (Hạ tím).

 

Có một dòng cảm xúc tuôn trào thành cảm hứng chủ đạo, sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài thơ “Hạ tím” – đó là nỗi nhớ niềm thương khôn nguôi về chốn cũ như một thông điệp thiết tha nhắn nhủ ai đó đừng quên lời thệ ước năm nào, đừng mãi đắm chìm trong si mê lầm lạc:

 

“Hỏi người cõi thế bây giờ

Còn thương chốn cũ, còn chờ thang mây?

Nghê thường nhịp phách còn đây

Bạch vân, hoàng hạc sum vầy đón đưa

Quảng Hàn đã tỉnh giấc mơ

Mà người chốn ấy sao chưa nhớ về…”

 (Nhắn từ Cung Quảng)

 

Ước mơ về ngày trở về được chị thể hiện thật đẹp đẽ: 

 

“Sáu nẻo phù vân chấp chới cơn mê

Nhọc nhằn kiếp hồng trần quay quắt

Xanh vẫn thắp những bước về trong vắt

Thiên nhạc tròn đầy nâng cánh nắng hạc tiên”

(Nắng từ thiên thượng)

 

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà sắc tím trở đi trở lại nhiều lần trong thơ chị. Thi sĩ như muốn reo lên khi phát hiện, khám phá ra vẻ đẹp diệu kỳ của màu tím, như thể màu sắc tím ấy là cung bậc cao nhất của sắc Thiền: “Khúc thơ ngân tím lịm đường mây” (Thu về ngân khúc bình yên), “chiều tím chiều tím sóng mắt lao xao” (Bình yên nơi ấy ta về). 

 

Một lần khác ta bắt gặp niềm hân hoan của chị khi nhắc đến sắc sen vàng (sắc màu cõi Phật). Đó là ánh sáng cuối nẻo đường chiều, là ánh dương rực rỡ buổi sớm mai, ánh sáng của niềm tin, hy vọng. Sắc màu thiêng ấy sẵn mang trong nó một cái nhìn đầy lạc quan:

 

“Nẻo buồn nào còn vương vất đắng cay

Dông bão nhé thôi xối về nơi ấy

Để sớm mai khi niềm tin thức dậy

Sắc sen vàng bừng sáng nẻo hoàng hôn”

                     (Thu về ngân khúc bình yên)

 

Thật lạ lùng là ở thời đương đại, khi mà những “Vi Thùy Linh”, “Phan Huyền Thư”… rốt ráo, sôi sục trong sự cách tân, đổi mới ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu… để mang đến cho thơ một tấm áo mới và một thân thể trẻ trung, hiện đại, một lối thơ phá cách, thì Trần Huyền Tâm lại tìm về với thể thơ truyền thống mang đậm sắc thái cổ điển với sự xuất hiện khá dày đặc của các từ Hán Việt và những điển tích điển cố, vừa mang màu sắc tư duy bác học, vừa dân gian, truyền thống trong lối dùng thể lục bát, thành ngữ, tục ngữ - ngôn ngữ vàng ròng, chắt lọc ngàn đời của cha ông để lại. Bởi vậy nhiều câu thơ uyên bác, hoài cổ nhưng cũng rất gần gũi, thân thuộc dễ đi vào lòng người. 

 

Nhân vật trong thơ chị đa dạng, từ các bé em đẹp như những thiên thần, những cặp đôi Hằng Nga - Hậu Nghệ, Ngưu Lang - Chức Nữ, những con cò trong lời ru, những người đi chưng cất nắng trời, những tia nắng ngày hè rừng rực màu hoa phượng đỏ, những ngọn gió thơm nức hương của hoa sen, hoa sữa đến những bông hoa lục bình, cát đằng mê mải tím. Nhưng nhiều nhất vẫn là cái tôi đầy trăn trở, nhớ mong và luôn tự nhủ lòng phải sửa tâm tính, thanh lọc tâm hồn, vứt bỏ những tham sân si vốn dĩ là cội nguồn của mọi khổ đau, ngang trái và sự hủy diệt, buông bỏ những cám dỗ, phù du để “trở về”. Mạch suy ngẫm trong thơ chị được xâu chuỗi bởi câu hỏi nhức nhối: Ta là ai? Ta từ đâu tới? Ta đến cõi đời bởi vì sao? Nó đau đáu cái nỗi niềm thương cảm lớn lao đối với cõi thế. Ánh mắt nhà thơ soi vào tận đáy lòng người không phải để hờn trách, oán giận mà để thương đời cứ quẩn quanh trong những toan tính nhỏ nhen, đua tranh cao thấp:

 

“Một lần dò đáy giếng khơi

Thương đời vật vã nỗi cơi đựng trầu”

(Thử)

hay

 

Lặng thương đời cứ mê mải thấp cao

Xót vàng thau mãi phũ phàng lấn lướt

(Chiều nhớ)

 

Đại từ phiếm chỉ thời gian “nơi ấy” được nhắc đi nhắc lại trong nhiều bài thơ đầy ẩn dụ và ám ảnh. Đó là nơi bình yên trong tâm hồn mình, nơi “tuế nguyệt đã đầy, thiên cung chốn cũ vẫn ngày đêm mong”, nơi có “ánh trăng sao dẫn đường”, “khúc nghê thường”, nơi ngập tràn ánh sáng “dặt dìu nâng bước vầng dương đêm ngày” và con đường phía trước sẽ “Thênh thênh những bước sum vầy/ Quảng Hàn cung lại tràn đầy ánh khuê” (Tìm người nơi ấy). 

 

Đó là một giấc mơ đẹp mà Huyền Tâm muốn mơ lại mỗi ngày. Nó chứa đựng khát khao được trở về chốn cũ bình yên. Đọc Tâm, có cảm giác như chị đang ví mình như một nàng tiên út mải rong chơi cõi trần, để rồi khi tỉnh ra cứ ngút mắt dõi về chốn cũ thẳm xa:

 

“Người xưa quy khứ lai hề

Nắng chiều viên mãn bước về thiên thanh

Mắt huyền lại ngút ngàn xanh

Thiên cung chốn cũ viên thành giấc tiên”

        (Tìm người nơi ấy)

 

Và như thế với “Mây ngàn năm vẫn đợi”, thơ Trần Huyền Tâm không hấp dẫn người đọc bởi những ngôn từ mới mẻ, hiện đại, những sáng tạo trong hình ảnh hay nhạc điệu, nhịp điệu, nhưng lại đánh thức tâm hồn ta bằng ánh sáng của cái Đẹp, cái Thiện. Nó kéo ta ra khỏi đời thực, hướng ta về phía tinh khôi, biếc xanh, trong trẻo của cõi vô biên, vô tận, vô cùng của không gian và thời gian. Mặc dù có đang nói về đời thì thơ chị cũng không ru hồn ta vào nỗi si mê của tình yêu lứa đôi lãng mạn, mà nó là sự khai mở, là thức tỉnh, là thông tuệ. Cảm giác như Trần Huyền Tâm luôn sợ người đời ngủ thiếp đi trong sự quên lãng, cứ nấn ná trong cõi đời mà lạc mất đường về với chính mình, chính cội nguồn của mình, vốn dĩ rất đẹp đẽ, cao cả, trong sáng.

 

Cảm hứng Thiền luôn sâu đậm và ngập tràn mỗi chữ, mỗi dòng, mỗi trang thơ của chị. Có cả những đắm say đấy, nhớ nhung đấy, khắc khoải đấy, bồn chồn đấy Nhưng dường như nó không phải là nỗi niềm thường có ở những người phụ nữ đang cháy trong tình yêu đôi lứa đậm đầy nơi miền sương khói đời người, mà là ước mong cho một điều gì đó lớn lao hơn. Hãy nghe chị triết lý về hạnh phúc:

 

“Hạnh phúc giản đơn như nụ cười con trẻ

Hồn nhiên theo về, trong vắt… thế thôi”…

 

Hạnh phúc ấy là trở về với bản thể của chính mình, trong trẻo, hồn nhiên như trẻ thơ không toan tính, bon chen. Từ quan niệm về hạnh phúc giản đơn, thuần nhất ấy, có lẽ chị đã biết đâu mới là hạnh phúc đích thực, là cái đích mà không chỉ riêng chị cần phải tới. 

 

Đọc “Tâm tình với mùa thu” thấy như tác giả đang thủ thỉ giãi bày tâm tình với ai kia đang quá chừng bối rối giữa dòng đời: 

 

“Người đừng buồn trước héo hắt heo may

Đừng rối trí lụy vần thơ vạt áo

Khi buông bỏ chút mộng tình hư ảo

Năm tháng tròn đầy miền tịnh thổ hiển linh….”

 

Trần Huyền Tâm ru mình cũng là để ru người, nhưng không phải để quên mà để nhắc nhớ về nguồn cội:

 

“....Cho nhớ về lại cao xanh một thời

Cuối chiều ru khúc mình ơi

Về bên nhau để nhớ lời tiên duyên…”

 

Đọc thơ chị, ngỡ như cõi Thần, Phật xa xăm đang ở rất gần đây. Bởi ta như cảm được nỗi khát khao phương trời ấy cứ hằng cháy trong tâm thức chị. Ngỡ như chỉ bước một bước nữa thôi là Tới! Thật xúc động khi mỗi bài thơ trong “Mây ngàn năm vẫn đợi” đều là những gửi gắm niềm tin mãnh liệt về giá trị của cái Đẹp, cái Thiện, cái Thấy, cái Biết về một ngày về viên mãn:

 

“Lời Sen như còn đây

Gửi thơm vào cánh gió

Trong dáng thiền tím đỏ

Bước về ngời thang mây”

(Bước về)

 

Khát vọng “trở về” được Trần Huyền Tâm thể hiện thật đa dạng, phong phú và cứ ngân lên như một điệp khúc da diết ở cuối mỗi bài thơ. Cái Thấy và cái Biết về một sứ mệnh thiêng liêng được gói trong lời nhắn nhủ tâm tình của người yêu với người yêu nên lại càng tha thiết:

 

“Em lặng thầm gom nhặt ánh chiều rơi

Thức tin yêu nhân duyên mùa nắng mới

Chúng mình thương nhau, thương sỏi đá kết ân lành ngàn năm đợi

Chuốt thanh tao nơi cánh hạc bay về”

            (Viết cho một miền đất nóng)

 

Từ tập thơ “Giọt nắng vô thường” (NXB Hội Nhà văn năm 2018), “Diệu khúc thời gian” (NXB Hội Nhà văn năm 2019) đến “Mây ngàn năm vẫn đợi” có thể nói Trần Huyền Tâm đã định hình cho mình một phong cách thơ Thiền đậm nét. Những câu thơ như mang bóng hình của trời xanh, mây trắng. Đó phải chăng là tiếng lòng của một người đã Thấy, đã Biết, đã nghe được tiếng gọi của quá khứ và tương lai, biết được các hữu hạn của kiếp người và thấu được giá trị của sự sống, của sinh mệnh.

 

Trong bài thơ “Trước thềm thu” ngay cả khi ngỡ như thi sỹ viết về những cảm xúc  ban đầu của tình yêu đôi lứa nhưng hóa ra lại là câu chuyện tình của những chàng ngâu và nàng ngâu nơi cõi ngàn năm mây trắng.

 

“Thôi ta về

Cho sóng gió dịu êm

Cho lãng đãng sắc bèo bồng rợi tím

 Cho tay chiều thơm nức mùi ổi chín

Về trả đời một chấm nhớ ….rồi quên”

                 (Trước thềm thu)

 

Đọc đến đây, tôi liên tưởng đến một lời khuyên của một nhà hiền triết, rằng con người nên biết sống chậm để mà cảm ngộ, để rồi có thể quên những gì cần quên và chỉ nhớ những gì nên nhớ.

 

Thơ Trần Huyền Tâm được sáng tác ở nhiều nơi khác nhau. Nghề ngoại giao đã cho chị điều kiện đến với nhiều vùng miền, lãnh thổ trên thế giới. Tâm đã được chứng kiến bao cảnh đời, chiến tranh, chết chóc; trái tim trĩu nặng nỗi đời chắc hẳn cũng nhiều lần nhức nhối trước những vấn đề nóng bỏng của dân tộc và nhân loại. Bởi vậy mà ngay trong cảm thức về phương, về chốn, về cõi Thiền, tác giả vẫn luôn thấy mình còn mắc nợ, vay mà chưa trả hết, trong chị luôn diễn ra sự giằng xé khôn nguôi. Hành trình tìm lại chính mình thật gian nan nhưng thử thách lớn nhất là vượt lên mọi sự cám dỗ để giữ được sự thanh tịnh của tâm hồn, gói kín lại và trả về biển khơi nỗi si mê rất đời, để một ngày nào đó có thể nhẹ gót bay về thế giới của vô biên (Chiều mưa nơi biển xa, Đi tìm mùa thu…)

 



Tư tưởng ấy thêm một lần ngân lên trong “Cánh hạc bay về”. Tôi bỗng hiểu không phải ngẫu nhiên mà Trần Huyền Tâm đặt tên cho tập thơ của mình là “Mây ngàn năm vẫn đợi”. Và tôi muốn tin cùng Trần Huyền Tâm rằng sẽ thật hạnh phúc khi tâm hồn ta luôn hướng tới những giá trị cao cả, đẹp đẽ ở đời. Vì chỉ có như vậy ta mới có thể trở về với cội nguồn của cái Đẹp, trở lại là chính mình và mang lại sự bình yên đích thực. Hãy trân quý từng phút giây hiện tại nhưng đừng quên quá khứ và tương lai. Dường như thi nhân nghe thấy tiếng gọi tha thiết từ vũ trụ vô biên nhưng phải chăng đó cũng là khát khao cháy bỏng trong chị về một thế giới trong sạch, an lành, biếc xanh, trường tồn, không thể bị hủy diệt! Chính điều ấy đã làm nên giá trị nhân văn sâu sắc của thi phẩm. Ở phương diện này ta nhận ra sự gặp gỡ giữa tác giả của “Mây ngàn năm vẫn đợi” với nhà thơ - nhà tư tưởng lớn R. Tagore trong tập “Thơ dâng” mà niềm tin tôn giáo không ngoài mục đích cao cả là sự hướng thiện, bao dung và tình yêu thương con người đến độ từ bi.

 

Tập thơ “Mây ngàn năm vẫn đợi” là một mốc son đẹp đánh dấu thành công của Trần Huyền Tâm trên con đường sáng tạo nghệ thuật và đi tìm bản thể của chính mình - tìm về nguồn cội.

 

Nguyễn Thị Toán


Từ khóa: vũ trụ

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.