• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Hoa linh thảo khúc phồn sinh thăm thẳm cõi người

Thứ sáu - 05/04/2024 13:47


(Ảnh: Van Pham)


 

HOA LINH THẢO KHÚC PHỒN SINH THĂM THẲM CÕI NGƯỜI

(Nguyễn Thị Vân Anh) 

Năm 1991, Nguyễn Linh Khiếu xuất hiện trong đời sống văn học với tập thơ Chùm mơ tiên cảm gây không ít ngỡ ngàng, bởi ông vốn là người giảng dạy và nghiên cứu triết học bỗng một ngày đẹp trời rẽ lối sang thi ca như một định mệnh, mà có lẽ với chính ông đó chưa hẳn đã là con đường ông từng hình dung trong thời trai trẻ của mình. Từ năm 1991 đến năm 2000, Nguyễn Linh Khiếu chủ yếu sáng tác thơ trữ tình. Cùng với Chùm mơ tiên cảm, hai tập thơ Mùa thiêng (1995) và Hoa linh (2000) đã tạo ra một dấu ấn sắc nét, khiến công chúng nhớ đến ông với vai trò một nhà thơ.

Trong khoảng gần hai mươi năm (từ 2000 - 2018), Nguyễn Linh Khiếu thầm lặng dấn thân vào một lãnh địa khác của thơ ca - nơi còn nhiều hoang vu, thử thách nhưng trác việt - đó là thể loại trường ca. Năm 2018, Nguyễn Linh Khiếu trở lại đầy ấn tượng với ba tác phẩm: Beijing (tùy văn), Sa hồng (thơ và trường ca) và Phồn sinh (trường ca). Tiếp đó trong ba năm, ông xuất bản hai tác phẩm Dòng thiêng (thơ và trường ca, 2019) và Hoa linh thảo (trường ca, 2021).

Hoa linh thảo (Nxb Hội Nhà văn) tạo ấn tượng đầu tiên với bạn đọc bởi hình tượng tác giả được thi hóa trong tác phẩm, đó là một chủ thể sáng tạo giàu bản ngã, ý thức nghiêm túc về hoạt động sáng tạo, phiêu diêu trong thế giới cảm xúc nhưng vẫn trăn trở khôn nguôi về sứ mệnh của thi nhân và thi ca. Hoa linh thảo là bản hoan ca về miền châu thổ sông Hồng được loài khiếu linh cất lên bằng giọng hót trong vắt vui vẻ vang vọng ngân vang như chuông vàng hoan hỉ và tràn đầy kiêu hãnh, lan tỏa khắp một miền cỏ thơm huyền thoại.

Trong Hoa linh thảo, hình tượng Nguyễn Linh Khiếu từ văn bản mang lại cho người đọc cảm nhận về một cái tôi tác giả bản lĩnh, gai góc, luôn tự biết mình là ai trong thế giới này. Nhà thơ nhiều lần khẳng định dõng dạc và tự hào ta là ngôn nhân của xứ sở sông Hồng, có lúc lại ngang tàng và kiêu hãnh xưng danh ta là giáo chủ Phồn Sinh giáo; ta đã định danh thế giới Phồn Sinh/ không có ta không có xứ sở Phồn Sinh trên trái đất/ không có ta không có khởi sinh/ không có ta không có Sa Hồng. Một khi đã tuyên bố ta là ngôn nhân châu thổ sông Hồng, Nguyễn Linh Khiếu đồng thời cũng tuyên ngôn về sứ mệnh của thi nhân và thi ca. Với ông, làm thơ là định mệnh, là duyên kiếp: nhà thơ là số phận/ nhà thơ là tội nợ/ nhà thơ là duyên kiếp trong vô vàn duyên kiếp/ nhà thơ là cậu bé đội một quả núi lớn trên đầu lầm lũi độc hành. Theo đó, bản mệnh của thi nhân là đơn độc khai phá con đường riêng - con đường của sáng tạo, của dấn thân, con đường hứa hẹn vinh quang và tiềm ẩn cả những hiểm nguy, cay đắng. Trong Hoa linh thảo, tác giả nhiều lần bày tỏ quan niệm này bằng một thái độ quyết liệt: mỗi nhà thơ chỉ khai phá duy nhất một con đường/ con đường chưa bao giờ có/ không khai phá con đường duy nhất của mình/ không bao giờ trở thành thi sĩ, và cầm bút nghĩa là viết những câu thơ chưa từng có. Nguyễn Linh Khiếu cũng tự hào khẳng định: sông Hồng trao ta sứ mệnh độc quyền phát ngôn xứ sở Phồn Sinh/ là giáo chủ Phồn Sinh giáo/ ta hát lên bài ca khởi sinh/ bài ca gieo mầm sống.

Từ tuyên ngôn về sứ mệnh nhà thơ, tác giả nêu quan niệm về thơ ca. Nguyễn Linh Khiếu cho rằng, thơ ca chỉ là thơ ca khi nó nói về tình yêu và sự sống, sự sống là điều thần kì nhất trong vũ trụ mênh mông vô cùng vô tận. Và, thơ chỉ thật là thơ khi nó ngân lên giai điệu phồn sinh. Trong thế giới phồn sinh, không có gì ngoài sự sống của mọi sinh linh. Thế giới ấy là thế giới của khởi sinh, là tình yêu, tình dục. Thơ phải ngợi ca sự sống, ngợi ca hoạt động truyền sinh. Thơ phải sáng tạo ra được một thứ ngôn ngữ riêng, làm sinh động lòng người: trong xứ sở Phồn Sinh không có gì ngoài khởi sinh/ tình yêu và tình dục; thơ ca nghĩa là tôn vinh sự sống/ thơ ca nghĩa là ngợi ca sinh thành/ thơ ca nghĩa là ngôn ngữ sinh động lòng người/ thơ ca nghĩa là lời nói thì thào dịu ngọt/ thơ ca nghĩa là hơi thở nồng ấm/ thơ ca nghĩa là năng lượng bừng nở sinh sôi.

Thực chất, toàn bộ trường ca Hoa linh thảo là sự cụ thể hóa, thẩm mĩ hóa quan niệm về thi nhân và thi ca của Nguyễn Linh Khiếu. Đọc Hoa linh thảo, thấy rõ chủ trương kiến tạo một kiểu diễn ngôn riêng cho thể loại trường ca của tác giả. Diễn ngôn trường ca Nguyễn Linh Khiếu là diễn ngôn sáng tạo ra một thế giới đặc thù - thế giới phồn sinh. Từ đó, kéo theo nhiều điều kì thú trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Linh Khiếu: từ ngôn ngữ, tri thức, hình ảnh, không gian, liên tưởng - tưởng tượng… cho đến hình thức tổ chức văn bản. Tất cả như tràn lên, nảy nở, sinh sôi, phì đại trên mặt giấy. Chúng vừa khiến người đọc choáng ngợp, vừa mời gọi, thách thức sự chiếm lĩnh từ họ.

Đến với Hoa linh thảo, người đọc có cảm giác như bị cuốn vào mê lộ của tri thức. Ở đó, ta có thể bắt gặp những cách luận giải vấn đề mang đậm màu sắc của triết học và tôn giáo. Đọc trường ca này, bạn đọc có cơ hội biết đến những nghi lễ kinh điển của Ấn Độ từ thời cổ đại như kama sutra (thụ hưởng khoái lạc), dhama (thực hành nghi lễ), artha (sở hữu tài sản). Thế giới phồn sinh trong trường ca Nguyễn Linh Khiếu thấm đẫm tinh thần của Kamasutra thiêng liêng long lanh sắc màu khoái lạc. Nhà thơ suy tôn KamaSutra là kinh của mọi thi nhân. Và, hưởng thụ khoái lạc vừa là nghĩa vụ, vừa là sứ mệnh của con người. Những tri thức về lịch sử - văn hóa từ xứ sở Kolkata, châu thổ sông Ganga cho đến châu thổ sông Hồng tuôn tràn trên mỗi trang viết của Nguyễn Linh Khiếu. Khi nhìn vạn vật vận hành theo nghi lễ truyền sinh, nhà thơ kéo người đọc lạc vào không gian của truyền thuyết, không gian của huyền thoại. Theo đó, câu chuyện truyền sinh giữa Âu Cơ - Lạc Long Quân, Tiên Dung - Chử Đồng Tử, Khâu Đà La - Man Nương, Trương Chi - Mỵ Nương, Trọng Thủy - Mị Châu… cứ thế cuốn độc giả vào một thế giới khác - thế giới phồn sinh. Ở đây, có thể thấy, Nguyễn Linh Khiếu đã lạ hóa những truyền thuyết vốn dĩ quen thuộc với dân gian, khiến người đọc tiếp cận chúng theo cách của ông một cách tự nhiên chứ không phải theo lối đọc truyền thống.

Như đã nói, trong trường ca Hoa linh thảo, mọi yếu tố đều được kiến tạo theo thế giới quan phồn sinh của tác giả. Nguyễn Linh Khiếu cho thấy ông là một hiện tượng thú vị về sáng tạo ngôn ngữ và thi ảnh của thi ca Việt Nam đương đại. Trong không gian phồn sinh, nhà thơ trình hiện thế giới thành những phần mảng thật phong phú và ấn tượng, bao gồm: thủy phồn, thiên phồn, nhân phồn, địa phồn. Thế giới ấy quy tụ trùng trùng điệp điệp hình ảnh về các sinh linh, cây cỏ, muôn loài. Chúng được miêu tả trong trạng thái quấn quýt gắn liền với không khí lễ hội phồn sinh tưng bừng, náo nhiệt. Đọc trường ca Nguyễn Linh Khiếu, độc giả cũng rung động trước nhiều hình ảnh đẹp mang đậm điệu hồn xứ sở của miền châu thổ nhiệt đới như: dòng sông dào dạt, đầm đìa nước đỏ; dòng sông giàn giụa sa hồng mùa nước lũ; bầy trâu nước đen bóng căng tròn; những chàng trâu mộng vạm vỡ sừng cong lao vun vút trên những con đê biển; hoa mộc miên rực đỏ dưới bầu trời; cánh đồng lúa đương thì con gái… Những hình ảnh ấy vừa mang lại cảm giác gần gụi, dịu dàng như lòng mẹ lại vừa khơi gợi trong tâm hồn ta cảm xúc hào hùng và cả những niềm thương đau dân tộc.

Nguyễn Linh Khiếu cũng đặc biệt gây ấn tượng ở khả năng lạ hóa ngôn ngữ, đem đến cho ngôn ngữ những nét nghĩa mới, diện mạo mới. Chẳng hạn như, trong hai chương 18 và 19 của Hoa linh thảo, từ “ời ợi” được tác giả điệp trên bốn mươi lần. Thông thường, “ời ợi” là từ gợi tả âm thanh của tiếng ru hoặc tiếng gọi ở trạng thái kéo dài ra. Tuy nhiên, trong trường ca này, nghĩa của từ nói trên không dừng lại ở đó. Nó phái sinh thêm nét nghĩa là tiếng gọi bạn tình đầy sắc thái nhục cảm và hoan lạc: ời ợi gọi nhau những đực những cái những trống những mái những trai những gái những ông những bà những cha những mẹ những bác gặp bá những cô những chú những dì những dượng những anh những chị những ta những nàng. Cũng theo chiều hướng đó, cụm từ “nhảy tưng tưng” trong chương 16 được điệp đi điệp lại trên ba mươi lần. Theo cách hiểu phổ biến, “nhảy tưng tưng” là hoạt động con người hoặc con vật nhấc chân lên xuống khỏi mặt đất liên tiếp (do bị đau, do vui mừng…) nhưng trong diễn ngôn của Nguyễn Linh Khiếu, “nhảy tưng tưng” là hành động gắn liền với trạng thái hưng phấn, ham muốn tình dục, là hành trạng động dục. Trong trường ca, các loại từ vựng như danh từ (chỉ người, chỉ động vật, thực vật thuộc các bộ, họ, chi khác nhau), tính từ (biểu thị cảm xúc, tính chất, đặc điểm), động từ (chỉ hành động, trạng thái) xuất hiện với tần suất dày đặc và nhịp độ nhanh, kết hợp với phép điệp khiến người đọc có cảm giác rợn ngợp như đang đứng trước một dòng thác dữ dội giữa đại ngàn.

Trường ca Hoa linh thảo cũng cho thấy trí tưởng tượng dồi dào của Nguyễn Linh Khiếu. Bằng tưởng tượng, ông sáng tạo ra nhiều truyền thuyết về các giống loài từ hoa cỏ (Hoa linh thảo, miên hương, hoa khởi trinh, hoa lam hạnh), chim muông (khiếu linh, agư, cê bòng), cá mú (cá kiều, cá linh) cho đến các chi tiết nghệ thuật… tạo nên một thế giới châu thổ huyền bí, lai láng, phì nhiêu, đa thanh sắc. Nhìn chung, thế giới ấy được nhà thơ miêu tả bằng cảm hứng sử thi, nói theo cách của ông thì đó là bản hoan ca, hồng ca về xứ sở. Do vậy, mạch cảm xúc chủ đạo mà tác phẩm đưa đến cho người đọc chủ yếu là cảm xúc hào hùng. Tuy nhiên, trong Hoa linh thảo, đây đó vẫn thấy vút lên những câu thơ mang đậm sắc thái trữ tình, hé lộ thêm về một Nguyễn Linh Khiếu từng trải, phiêu lãng, nhưng cũng chất chứa ưu tư, da diết và đau đáu cùng những buồn vui phận người, chẳng hạn như: đứng bên sông tần ngần nghe nắng gió hư vô; bốn mùa nhiệt đới thánh thót cung bậc nhớ thương; lỏng lẻo tiếng chuông gọi hồn trong bóng nước/ hoang hoải trần gian mưa nắng bất thường… Có điều, những câu thơ dạng này xuất hiện không thật nhiều trong tác phẩm.

Với Hoa linh thảo, Nguyễn Linh Khiếu đã dấn một bước sâu vào vùng đất của trường ca. Trường ca là một thể loại mang tầm vóc vạm vỡ cả về nội dung tư tưởng, thi pháp lẫn dung lượng. Đối với bất cứ nhà thơ nào, trường ca cũng là một thử thách - một vùng đất khó. Nguyễn Linh Khiếu đã đến với thơ ca như một định mệnh và đã cất lên “khúc phồn sinh thăm thẳm một cõi người”. Trên một ý nghĩa nào đó, ông đã tự khai mở một kiểu trường ca của riêng mình. Hi vọng tới đây, sẽ có nhiều bàn bạc, thảo luận, đánh giá thỏa đáng hơn nữa về thơ và trường ca Nguyễn Linh Khiếu. Trên cơ sở đó ngõ hầu giúp công chúng yêu văn học có thể nhận chân được những đóng góp cũng như những giới hạn của tác giả trong bản đồ thơ ca đương đại Việt Nam nói chung và thể loại trường ca nói riêng./.

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.