• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

"Phần đời tôi đã yêu"

Thứ ba - 02/04/2024 10:39


(Ảnh: Tổng tập tác phẩm của Trần Viết Bình)



“PHẦN ĐỜI TÔI ĐÃ YÊU"

 (Lê Kim Hạnh)


Tôi xin lấy một câu tác giả tự bạch trong cuốn sách “Trần Viết Bính, Tác giả - tác phẩm” để mở đầu cho bài viết của mình: “Tổng tập này có 236 ca khúc, mỗi bài hát đều dính đến một phần đời tôi đã sống, một phần đời tôi đã yêu”

 

Đúng vậy! Hơn 70 năm qua, nhạc sĩ Trần Viết Bính đã lao động, sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ. Ông như con tằm nhả tơ, gửi trọn tình yêu đời vào những nốt nhạc, thể hiện trách nhiệm của người con đối với quê hương, đất nước. Năm 2017, ở tuổi trên “bát thập”, nhạc sĩ vẫn dậy từ 3 giờ sáng, tự tay pha cà phê cho mình rồi ngồi viết nhạc đến sáng. Ông làm việc như thuở trẻ trai, với một tinh thần sáng láng, minh mẫn đáng ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ, nhiều người trẻ chạy dài cũng chưa theo nổi ông về ý thức, kỷ luật và niềm đam mê đối với công việc. 

Sự nghiệp âm nhạc của lão nhạc sĩ Trần Viết Bính rất phong phú, đa dạng.Tôi chỉ dám nêu một vài suy nghĩ, cảm nhận có tính chất cá nhân về tổng tập “Trần Viết Bính, tác giả, tác phẩm” mà Nhà xuất bản Đồng Nai vừa mới ấn hành.Điều đầu tiên tôi muốn đề cập đến trong tổng tập là các ca khúc nhạc sĩ viết cho thiếu nhi, gồm hàng chục bài từ năm 1960 – 1981 (trước khi ông đến với vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai): “Đất nước em ngày càng đẹp hơn”, “Chúng em vui Tết Trung thu”, “Người bạn thiếu niên Miền Nam anh hùng”, “Chúng em đến gặp Võ Thị Sáu”, “Tiếng hát trung thu”, “Tiếng hát Vàng Anh”, “Cháu ngoan Bác Hồ”, “Em đi tập múa”, “Trăng ru bé”, “Vui trại hè”, ‘Trăng của bé”vv… Bài hát nổi tiếng và có thể coi là sống mãi với thời gian là bài “Hạt gạo làng ta” (Phổ thơ Trần Đăng Khoa) đã gieo vào tuổi thơ thế hệ chúng tôi mạch cảm xúc dâng tràn, làm rộn ràng cả trái tim những người đã trưởng thành. Bài hát như được chắp cánh bay lên, ngân vang qua nhiều năm tháng,giờ đây vẫn tiếp tục ngân lên trong trái tim những thế hệ sinh ra sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất tổ quốc. Chính “Hạt gạo làng ta” đã làm nên tên tuổi Trần Viết Bính, được TW Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài  tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam bình chọn là 1 trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bình chọn là 1 trong 20 bài hát viết về nông thôn hay nhất giai đoạn 1961 – 2011. Với ca khúc nổi tiếng này, năm 2017 nhạc sĩ Trần Viết Bính được vinh dự trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.  


Mùa hè năm 2017, đội văn nghệ Nhà thiếu nhi Đồng Nai say sưa tập bài “Chúng ta cùng vui” của nhạc sĩ Trần Viết Bính để tham gia Liên hoan thiếu nhi các dân tộc thiểu số các tỉnh phía Nam, Liên hoan Búp Sen hồng tại TP HCM. Phát triển từ dân ca S’Tiêng nhưng “ Chúng ta cùng vui” mang  hơi thở của cuộc sống hiện đại. Ca từ của bài hát mô tả một nông thôn mới đã và đang được xây dựng ở vùng đồng bào dân tộc ít người với xóm ấp khang trang, những cây cầu và những ngôi trường mới… Sự giản dị, trong sáng của ca từ; sự vui tươi, rộn ràng trong giai điệu đã khiến bài hát có sức lay động, được các cháu yêu thích và được Nhà thiếu nhi lựa chọn tham gia Liên hoan toàn quốc và khu vực. 
 

Viết về nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là mảng đề tài nhạc sĩ Trần Viết Bính rất tâm huyết. Hơn mười ca khúc của ông viết về nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai mang nhiều gam màu cảm xúc. Tất cả đều thể hiện tình yêu, niềm mong ước cháy bỏng của ông về một nông thôn Đồng Nai giàu đẹp, an vui. Dường như nhạc sĩ Trần Viết Bính có duyên với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đồng Nai. Nhiều ca khúc của ông phảng phất phong vị núi rừng: “Em đi làm rẫy”, phát triển từ dân ca Rắk Lây, “Em đi trồng lúa”, phát triển từ dân ca Mạ, “Đêm hội Chơro mừng quê hương đổi mới” phát triển từ dân ca Chơro. Ca khúc “Vườn cây quê em” như một bức tranh tươi rói, tràn đầy sức sống với bưởi da xanh, xoài khiêu, sầu riêng “nức tiếng gần xa”.Nhạc sĩ Trần Viết Bính từng thành công khi khai thác đề tài nông thôn theo góc nhìn khác, gắn với cuộc chiến tranh cách mạng, gắn với mảnh đất “Miền đông gian lao mà anh dũng” thể hiện qua ca khúc “Đồng Nai mùa sầu riêng” (Thơ Thanh Dạ). Bài hát này đã giành giải nhất Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ Nhất (1995 – 2000) và được bình chọn là 1 trong 10 bài hát hay nhất viết về Biên Hòa, Đồng Nai… 


Một Đồng Nai công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là mảng đề tài quan trọng trong ca khúc của nhạc sĩ Trần Viết Bính.Cuộc sống của những người công nhân, hình ảnh nhà máy, xí nghiệp và các khu công nghiệp… có phần khô cứng nhưng nhờ âm nhạc mà trở nên lung linh, vi diệu. Sự thăng hoa cảm xúc của người nghệ sĩ đã khiến cuộc sống công nghiệp trở nên mềm mại, giàu chất thơ : “Hành khúc công nhân Vinaglass”, “Hạt cát nhỏ yêu thương”, “Người thợ lò nấu kính”,“Tâm tình người điện cơ” và “Bài ca người thợ máy” …  Âm điệu khỏe khoắn, vui tươi trong các ca khúc viết về đề tài công nghiệp của Trần Viết Bính đã truyền cho người nghe tinh thần lạc quan, tình yêu lao động, tình yêu cuộc sống, vì thế một số ca khúc đã trở thành bài hát truyền thống của các đơn vị.


Trong tuyển tập của Nhạc sĩ Trần Viết Bính có khá nhiều ca khúc phổ thơ của các nhà thơ Đồng Nai.Sự hòa phối giữa thơ và nhạc trong ca khúc của ông đã làm lời thơ lung linh, bay bổng và vươn xa hơn.Đây không chỉ là cơ duyên mà còn là tấm lòng của Nhạc sĩ với văn nghệ sĩ Đồng Nai.  236 ca khúc của Trần Viết Bính là 236 cung bậc cảm xúc, đi qua 2/3 thế kỷ vẫn tươi mới, quyến rũ như cô gái đẹp. Tôi nghĩ phải có tình yêu sâu nặng với cuộc sống này, nhạc sĩ họ Trần mới có thể thăng hoa như vậy.

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.