• dau-title
  • Mỹ thuật - Âm nhạc
  • cuoi-title

Hai bài hát phổ nhạc từ bài thơ Cổng làng

Thứ sáu - 09/06/2023 12:01



(Ảnh: Trần Bảo Toàn)

HAI BÀI HÁT PHỔ NHẠC TỪ BÀI THƠ “CỔNG LÀNG”
(
Bùi Đại Dũng)


Bài thơ “Cổng Làng” được nhà văn Phạm Lưu Vũ viết năm 2013 với bối cảnh xuất xứ như nhà văn đã chia sẻ vừa qua. Tôi có cơ hội nhận được bài thơ do tác giả gửi và được tham dự bữa “riệu” có anh Nguyễn Trọng Tạo hát trình bày ca khúc “Trống hội Cổng Làng” tại trang viên, quê nhà Phạm Lưu Vũ.


Cũng đã lâu mới có cơ hội được đọc một bài thơ sâu sắc đến như vậy: Bài thơ “Cổng Làng” của nhà văn Phạm Lưu Vũ. Cảm động làm sao khi “cổng làng” được chấm phá bằng hai câu giản dị: “Một bước chân thành quen/ Một bước chân thành lạ”. Thật là một nét vẽ thần kỳ trong tâm tưởng về cổng làng. Bức tranh này không vẽ bởi màu sắc, hình khối, mà vẽ bởi cảm nhận da diết đậm đặc đến hiện hình. Cái gì làm cho “Một bước chân thành quen/ Một bước chân thành lạ”? Chỉ có thể là CỔNG LÀNG. Phạm Lưu Vũ đã cống hiến chúng ta thêm một định nghĩa mới về cổng làng trong tâm tưởng. 


Hai nhạc sĩ có tên tuổi đã phổ nhạc thành hai bài hát dựa trên lời thơ này, đó là nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, và nhạc sĩ Trọng Đài. Cả hai bài hát đều thành công và gửi gắm được những cảm nhận sâu sắc vào lòng người nghe. Nhưng nghiệm ra, có sự biến đổi khác biệt không nhỏ giữa cảm nhận của hai nhạc sĩ đối với bài thơ này không ngoài quy luật: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.


Nhạc sĩ Trọng Tạo viết bài “Trống hội cổng làng” cuối năm 2013, với tên gọi và câu từ có sự biệt lập không nhỏ với lời thơ của Phạm Lưu Vũ. Trọng Tạo viết với nỗi niềm suy tư về cái cổng làng Người Việt, vì đã  muốn viết về nó từ trước đó, nhưng chưa gặp cơ duyên. Ông bắt đầu ca khúc bằng: “Cổng làng! Cổng làng!” như một lời chào cái “cổng làng” của một người đi xa về. Diễn giải cảm xúc của ca từ sau đó cũng thiên về sự gian truân, lưu lạc của người con xa làng, nhớ nhung những hoạt động sinh hoạt, hội hè ở đó, rồi được trở lại làng cũ. Dường như, cảm nhận của Nguyễn Trọng Tạo trong bài hát chính là cuộc đối thoại tâm tình giữa một người con làng quê phiêu bạt, với cái cổng làng mình.


Nhạc sĩ Trọng Đài viết bài “Cổng làng” có phần muộn hơn, vào năm 2017. Ca từ của nhạc sĩ có điều chỉnh nhưng không quá tách xa lời thơ gốc như trong ca từ của Trọng Tạo. Ông bắt đầu bằng câu: “Bên trong là Thanh Bình...” với chất giọng trẻ em vô tư, trong sáng như một lời đồng dao. Trọng Đài đã đồng cảm được và láy lại như một điểm trọng tâm của bài hát với câu: “Một bước chân thành quen, Một bước chân thành lạ. Dấu chân nào mãi mãi, Không đổi chiều nơi đây”. Sự khác biệt lớn của bài hát “Cổng làng” với “Trống hội cổng làng” có lẽ là giác độ tiếp cận, hoặc vị thế đối tượng tâm tình trong câu chuyện. Trọng Đài đã để bài hát của ông là cuộc đối thoại giữa cái cổng làng, một nhân chứng thời gian và không gian, với người làng, cả người ở đó và người xa xứ.


Có điều, cả hai nhạc sĩ đều không đi hết cùng Phạm Lưu Vũ đến ý cuối bài thơ: “Cổng làng neo ở giữa, Trong, ngoài thế gian”. Nhạc sĩ Trọng Tạo có dùng tới câu này, tuy nhiên, ông lại sửa thành “Trong, ngoài là thế gian”, còn nhạc sĩ Trọng Đài thì bỏ hẳn. Phạm Lưu Vũ nói về cổng làng, nhưng không nặng về “thớ đá”, “cỏ cây”, và về “trong, ngoài” thuộc phạm vi thế gian này. Dường như ông muốn nói tới cái ranh giới giữa “trong thế gian” và “ngoài thế gian”. Như vậy, bỏ điều này đi thực là đáng tiếc; mà thêm chữ “là” vào thì lại đánh mất cái uyên áo, sâu thẳm của điều ấy rồi.


7/2022
Bùi Đại Dũng,


Xin giới thiệu với các bạn bài thơ:


CỔNG LÀNG

Tác giả: Phạm Lưu Vũ


Bên trong là Thanh Bình

Bên ngoài là thiên hạ

Cách nhau một tí ti

Mà như trời đất, ngộ, mê ngàn đời.


Một bước chân thành quen 

Một bước chân thành lạ

Dấu chân nào mãi mãi

Không đổi chiều nơi đây?


Bên trong là kí ức

Bên ngoài là tha phương

Nỗi nhớ chìm trong thớ đá

Ghim vào muôn kiếp cỏ cây


Bên ngoài là ra đi

Bên trong là ở lại

Cổng làng neo ở giữa

Trong, ngoài thế gian.


PLV 2013

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.