- Mỹ thuật - Âm nhạc
Mẫu Tây Hồ
Chủ nhật - 02/04/2023 16:44
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
-------
MẪU TÂY HỒ
Tiết mục hoạt cảnh hát văn.
Tác giả: Nguyễn Hùng Vĩ
Nhân vật: Phùng Khắc Khoan, 69 tuổi, Tả thị lang Bộ Lại. Ngô cử nhân. Lý tú tài. Lão ngư. Thị nữ. Mẫu Liễu.
Cảnh: Phủ Địa Linh ở Hồ Tây. Có sen, có cây, có quán rượu đồng thời là phủ của Liễu Hạnh.
Thời gian: Trưa.
Phùng Công, Ngô sinh, Lý sinh nhân ngày rỗi việc ngoạn cảnh Hồ Tây, ra.
Phùng Công:
- Kinh khuyết lùi xa, Tây Hồ dạo bước.
Sen ngọc rung rinh mặt nước
Sâm cầm thong thả bay đôi.
Sạch trong cát bụi cuộc đời,
Thăng Long mây tỏa xa vời còn đâu.
Hôm nay được ngày rảnh rỗi
Thầy trò ta chơi nhởi cảnh Ngũ Hồ.
- Các khanh cất nhời đi nào!
Ngô sinh:
- Thưa!
Đại ẩn, ẩn đô thị; tiểu ẩn, ẩn lâm tuyền.
Chốn sông hồ với một con thuyền
Chẳng gần, chẳng xa chắc gọi là trung ẩn.
Ngoái đầu mờ mịt đế đô
Trên trời mây trắng, dưới hồ trắng mây.
Phùng Công:
- Ha ha! Thơ có cảnh có tình, nhưng xem ra còn dùng dằng lưu luyến công danh lắm!
Lý sinh:
- Hoa chờ khách, liễu đợi thuyền
Mỗi bước chân đi một cảnh chiền
Tỉnh mộng mới hay đang còn mộng
Hỏi rằng bao nả cõi thần tiên
Mơ mòng giữa chốn vân yên
Chiêm bao tỉnh giấc con thuyền lênh đênh.
Phùng Công:
- Tạm được, có khí tượng thần tiên hư ảo, nhưng hãy còn tỉnh còn mơ, bao giờ mơ hết cả thì mới đắc đạo vậy!
Lão ngư: (tiếng vọng):
- Tây Hồ trong xanh chừ, ta giặt giải mũ
Tây Hồ đục ngầu chừ, ta xổ chân vào
Chèo không mái chừ, tháng ngày không trôi
Câu không lưỡi chừ, cá tôm thảnh thơi.
Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
- Cá đây! Cá đây! Rượu ta đâu?
Thị nữ: (mặc áo xanh, xách bầu rượu chạy ra):
- Chào các bác! Rượu đây! Rượu đây!
- Xuân sang đi dạo cỏ bồ
Mùa Hè tắm mát nước hồ sen tươi
Thu về uống rượu cúc chơi
Mùa đông ngâm ngợi dưới trời tuyết sương.
- Rượu đây! Rượu đây! Cá tôi đâu! Để tôi dâng chủ nhân tôi!
Ngô sinh: (bước tới):
- Chào lão ngư, chào mỹ nhân.
Tôi nghe khúc ngư ca, quyết không phải người phàm. Nước Tây Hồ đục chừ, ta rửa chân. Chả nhẽ nước đục chăng?
Lão ngư:
- Con người có tứ nghiệp: Sinh, lão, bệnh tử. Thời tiết có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Sông có khúc, người có lúc. Không có gì là bất biến cả. Đục trong, trong đục là lễ thường tình.
- Nước trong ta gột lòng ta
Nước đục ta rửa xuê xoa rồi về.
Lý sinh:
- Vậy theo lão ngư, các triều đại cũng vậy ư? Khi trong, khi đục.
Lão ngư:
- Ồ, không dám, không dám! Lão này còn không biết minh bao nhiêu ngày đất tháng trời thì đâu dám biết chuyện triều chính. Không dám, không dám!
Phùng Công:
- Ta với ông chắc cũng đồng tuế đồng lứa. Vừa rồi nghe ông hát: Chèo không mái, câu không lưỡi là ra làm sao vậy?
Lão ngư:
- Thưa lệnh quan! Ai chèo mà chẳng muốn tới bến bờ. Lão này không biết đâu là bến, đâu là bờ vì đâu cũng là bến bờ cả. Chèo không mái là không chèo vậy! Cũng thế, câu không lưỡi là không câu. Vạn sự giai không. Vạn pháp vô thường.
- Sự đời có có không không
Nghĩ chi cho lắm nhọc lòng thế gian.
- Rượu đâu nào, xin mời quý khách.
Thị nữ:
- Rượu đây.
- Tay nâng một chén quỳnh tương
Kính mời quý khách tiện đường qua chơi
Chén đưa chén hẹn chén mời
Mai sau góc bể chân trời nhớ nhau.
Lý sinh:
- Xem ra không phải là người thường. Xuất khẩu thành chương. Xin cho lời thăm hỏi.
- Nhị hà ngàn năm, Nùng sơn vạn thuở
Một vùng cổ thụ, vạn khoảnh trúc mai
“Tây Hồ phong nguyệt” chữ bài
Phải chăng là chốn Bồng Lai hỡi người.
Lão ngư:
- Vâng! Chốn này đây. Xin mời các văn nho đọc bài thơ trên cây kia.
Ngô sinh: (bước sang đọc)
- Điếm phương môn nội chiếu minh nguyệt
Thời chính nhân bàng lập thổ khuê
Khách hữu tam tinh câu nguyệt đới
Huệ nhiên nhất mộc lưỡng nhân đề.
- Sao mà khó hiểu làm vậy. Đang giữa trưa mà chỉ thấy những trăng cùng sao!
Phùng Công:
- Ngồi vào đi! Rót rượu đi! Chủ nhân mời chúng ta đấy! Này “môn nội chiếu minh nguyệt” là chữ “nhàn. Điếm đang vắng. Phải không nào. Rồi “nhân bàng lập thổ khuê” là chữ “giai”. “Thời chính giai” là giờ đang đẹp. Tam tinh câu nguyệt đới” là chữ “tâm”. Nghĩa là “Khách có lòng”…
Lý sinh:
- Mấy chữ câu cuối nghĩa là “mời khách lại chơi” (huệ nhiên lai). Chiết tự vô song. Khiếp thật, khiếp thật, ta uống thôi.
Phùng Công:
- Nhưng cho hỏi mỹ nữ. Chủ đạo quán này là ai đấy nhỉ. Khách đến sao mà chủ không nghinh đón.
Thị nữ:
- Dạ thưa các văn thần nho quan. Tiên chúa tôi có nhời tự xưng danh đây ạ! (Rút trong người bài thơ của Thánh Mẫu đưa).
Lý sinh: (đọc to):
- Vân tác y thường phong tác xa
Triêu du Đâu suất, mộ yên hà
Thế nhân dục thức ngô danh tính
Nhất đại sơn nhân ngọc quýnh hoa.
Ngô sinh: (ngâm):
-Mây xiêm áo, gió ngựa xe
Sáng miền cực lạc, tối về khói mây
Tính danh ai hỏi ta đây
Sơn nhân nhất đại ngọc bày quýnh hoa.
- Nhưng, quả thật, con không thể hiểu được câu thơ cuối cùng.
Phùng Công: (quay sang quán):
-Ấy chết, xin thứ lỗi! Tiên chúa sao thử thách chúng tôi quá đỗi. “Nhất đại sơn nhân ngọc quýnh hoa” chính là chiết tự 4 chữ Tiên Thiên Quỳnh Hoa thần nữ. Tức là Liễu Hạnh công chúa đó mà.
- Hữu tình ta lại gặp ta
Cho xin tỏ mặt mới là tri âm.
Tiên chúa: (Vén rèm bước ra, ánh sáng chói lòa):
- Trích tiên Vân Cát xứ
Thánh Mẫu chính danh ta.
Tây Hồ trăng lại gió qua
Giáng sinh cứu độ ấy là thiên duyên.
Tất cả:
- Lạy mừng Thánh Mẫu giáng trần.
(Âm nhạc tấu lên. Thanh văn trích hát bài Giáng tiên kỳ lục của Phạm Văn Kiêm. Vì cả bài này có đến 300 câu nên chỉ trích hát một số đoạn như Thánh mẫu giáng sinh, Giáng trần Đồng Đăng gặp Phùng Khắc Khoan, Giáng trần Tây Hồ…)
Hà Nội 26 tháng 6 năm 2016.
Nguyễn Hùng Vĩ.