• dau-title
  • Mỹ thuật - Âm nhạc
  • cuoi-title

Nụ hôn trong ca khúc của nhạc sĩ Xuân Hồng

Thứ ba - 06/12/2022 17:37





 “NỤ HÔN” TRONG CA KHÚC CỦA NHẠC SĨ XUÂN HỒNG

 (Trần Thu Hường)

 

Ở phương Tây, nam nữ yêu nhau có thể hôn nhau ở bất cứ đâu mà họ muốn. Ở Việt Nam thì không như vậy. Họ hôn nhau, trao cho nhau tình cảm yêu đương ở một không gian riêng, thầm kín, tế nhị chứ không phải tự nhiên như người phương Tây. Nếu như một cô gái nào đó được hôn trước mặt mọi người họ sẽ thấy thẹn thùng, mắc cỡ. Chính vì thế việc đưa hình ảnh nam nữ hôn nhau vào trong tác phẩm làm cho các nghệ sĩ phải cân nhắc. Trong văn học, điện ảnh, các tác giả thường đưa “nụ hôn” vào trong tác phẩm của mình nhưng chắc chắn mỗi tác giả đều phải cân nhắc, chắt lọc hình ảnh sao cho hợp lí. Vì nụ hôn là một trong những biểu hiện tình cảm cao nhất của con người. Trong ca khúc âm nhạc của nước ta từ xưa tới nay ( tính tới năm 1985- thời điểm mà ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ của nhạc sĩ Xuân Hồng ra đời) nếu nhắc đến nụ hôn thì cũng nói xa xa gần gần: yêu em mặn nồng, đôi môi ngọt ngào, nụ hôn nồng ấm…chứ ít  người mạnh dạn đưa  “nụ hôn”vào trong tác phẩm như trong Mùa xuân bên cửa sổ của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau. “

Có thể có nhiều người trước đó sáng tác ca khúc có đề cập đến nụ hôn, nhưng vì ít phổ biến rộng rãi ít được chú ý như cái cách của nhạc sĩ Xuân Hồng.Vì vậy, một giai điệu đẹp kết hợp với hình ảnh nam nữ hôn nhau trong ca khúc này được khơi gợi như một bức tranh đẹp- bên cửa sổ có đôi trai gái yêu nhau, trao cho nhau nụ hôn cháy bỏng, tình yêu của một anh lính và một cô công nhân trẻ, trong niềm vui, niềm hạnh phúc của mùa xuân đất nước. Mọi người hát và ca ngợi tình yêu đẹp, trong sáng của người lính theo cách riêng của nhạc sĩ Xuân Hồng. Vì thế  nên mọi người chú ý. Vì được chú ý nên không tránh khỏi việc mọi người khen chê, bình phẩm. Cũng nhắc đến nụ hôn trong bài Cây đàn ghi ta của đại đội ba của ông: "Khi chia tay nhau lên đường chiến đấu/ Bao người yêu  dấu tiễn bước chân/ Nhớ bao tấm lòng, chiếc hôn thắm nồng./ Để lại bao nỗi nhớ mênh mông…” nhưng cũng không được chú ý, bàn luận nhiều như nụ hôn trong ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ của nhạc sĩ Xuân Hồng-thơ Song Hảo.

Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Xuân Hồng sinh ngày 12 tháng 12 năm 1928 ở Tây Ninh. Những người biết nhạc của ông, yêu nhạc của ông gọi ông là Nhạc sĩ của mùa xuân. Ông có 3 tác phẩm viết về xuân: Xuân chiến khu, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh và Mùa xuân bên cửa sổ.Với ba ca khúc về mùa xuân ra đời trong ba hoàn cảnh, không gian khác nhau nhưng đều toát lên một điểm chung là tinh thần lãng mạn, lạc quan cách mạng của ông. 


Ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ được sáng tác năm 1985. Đất nước ta vẫn trong thời bao cấp. Những năm đầu của thập niên 80, việc đưa từ Nụ hôn vào trong tác phẩm thơ, tác phẩm Âm nhạc là điều hiếm thấy, không hề đơn giản tí nào, việc cho nhân vật của mình hôn nhau, dù là ở trong nhà của họ, bên cửa sổ của họ và dù ở đâu chăng nữa   cũng vẫn là một việc làm khá… táo bạo trong tình hình nước ta vẫn còn nặng tư tưởng phong kiến, một hai “gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”.Việc hôn nhau bình thường trước mặt mọi người đã không xảy ra thì trong ca khúc cũng rất khó thể hiện. Thế mà tác giả nữ Song Hảo mạnh dạn đưa vào thơ Nụ hôn cháy bỏng của một mối tình có thật vào trong thơ thật tự nhiên và lãng mạn. Để rồi Nụ hôn ấy bắt nhịp cùng với Âm nhạc của nhạc sĩ Xuân Hồng làm nên một ca khúc để đời: Mùa xuân bên cửa sổ -Bài hát đến nay ( gần 30 năm )vẫn được nhiều người yêu mến, nhiều thí sinh chọn ca khúc này để dự thi trong các cuộc thi hát..

 

Từ Nụ hôn đã từng làm cho tác giả thơ bị phê bình  còn nhạc sĩ Xuân Hồng bị chê là …thô thiển, kém tế nhị trong sáng tác. Trong quán cà phê, nếu chủ quán mở bài hát này, có người nghe bụm miệng cười, đỏ mặt ( không biết đang mắc cỡ hay nghĩ gì đó ), hoặc nói …nhạc gì kì vậy…Có người còn mỉa mai tác giả : “Ai thích hôn thì cứ hôn, việc đó mà cứ bô bô cái mồm, chẳng ra thể thống gì nữa, hắn là cái thá gì mà khi hôn bắt người khác phải… im lặng. ”


Mặc dù có một thời, một số người nào đó chê bài hát, hay ngượng khi hát, khi nghe  ca khúc này nhưng quả thực những chê bai đó thật thiển cận.  Ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ đã góp phần làm nên tên tuổi nhạc sĩ Xuân Hồng. Đánh dấu một giai đoạn sáng tác mới của ông trong thời kì đất nước đổi mới , góc nhìn của văn nghệ sĩ cũng thoáng hơn, mới mẻ hơn. Hầu hết những người có chuyên môn cao về Âm nhạc đều khâm phục tài phổ thơ của nhạc sĩ Xuân Hồng. Thực ra, với Mùa xuân bên của sổ không thể nói là phổ thơphỏng thơ mới đúng. Câu chữ trong bài thơ khác với câu chữ trong ca khúc nhưng vẫn giữ được ý của bài thơ, chấp cánh cho thơ của Song Hảo đến gần với khán giả hơn. Mời quý vị xem lại ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ:






























Như trên đã nói, nhạc sĩ Xuân Hồng chỉ mượn hai câu thơ đầu và ý thơ để làm nên tác phẩm. Cái tài của ông trong việc chắt lọc ý thơ, sáng tác các ca từ theo cảm xúc thật của mình mà không làm mất cái tinh thần chính của bài thơ. Ngược lại, cách dùng từ của ông, âm nhạc của ông đã làm cho bài thơ bay lên, đẹp như một đóa hoa tỏa hương ngan ngát. Đây là đoạn thơ trong bài thơ Bên cửa sổ của nữ thi sĩ Song Hảo mà nhạc sĩ Xuân Hồng mượn để chấp cánh cho cảm hứng sáng tác đoạn mở đầu ca khúc này:


 "Cao cao bên cửa sổ

Có hai người hôn nhau

Hai người rất trẻ

 Hãy im nghe

 Rì rầm đường phố

 Bên cửa sổ có hai người hôn nhau

 Đêm chín rồi

 Rất khẽ

 Trăng ơi ghen nhé

 Có hai người yêu nhau

 Hoa dạ lý 

Dâng hương

 Đêm nay

 Hoa tinh tường hơn cả

 Nhớ nghe hoa

 Mùi hương thật khẽ…".




Và  đây là đoạn ca từ trong ca khúc:

"Cao cao bên cửa sổ

 Có hai người hôn nhau

 Đường phố ơi hãy yên lặng

Để hai người hôn nhau

 Chim ơi đừng bay nhé

Hoa ơi hãy tỏa hương

 Và cây ơi lay thật khẽ

 Cho đôi bạn trẻ đón xuân về".


Đối chiếu hai đoạn thơ và nhạc, ta thấy phần nhạc gọn ghẽ hơn, khi đọc lên ta thấy vẫn giữ cấu tứ của thơ, đủ sức khái quát những gì mà tác giả thơ muốn đặt ra nhưng chắc chắn giàu nhạc cảm hơn nhiều. 

 

Từ bài thơ Bên cửa sổ của nữ thi sĩ Song Hảo, nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết nên một bản tình khúc chan chứa tình đời. " Mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng. Cuộc đời còn có cả những nụ hôn” Bài hát có hai đoạn đơn, viết bởi nhịp 2/4 giọng rê thứ hòa  thanh có biến âm. 


Giai điệu của bài hát được viết với tốc độ chậm rãi, tha thiết, nhẹ nhàng và rất duyên dáng. Người hát thường thể hiện bài này với điệu slowrock sâu lắng vì có nốt đen kết hợp với chùm ba đơn. Giai điệu của ca khúc còn hay ở chỗ tác giả dùng nhiều dấu hóa bất thường, nhiều dấu luyến láy …tạo nên giai điệu mềm mại, uyên chuyển để thể hiện tình yêu cháy bỏng của lứa đôi. Ở đoạn 1, tác giả dung âm hình chủ đạo: 

 

với cách thể hiện tình cảm nhẹ nhàng, tự sự, sâu lắng. Sang đoạn 2 – đoạn phát triển-giai điệu đột nhiên nhảy lên một quãng 8 với một nốt trắng kéo dài sang nốt móc đơn ( 2 phách rưỡi) tạo cho người nghe một cảm giác khác thường, thoải mái, gây sự chú ý đặc biệt: Khi mặt trận bình yên anh lính về thăm phố, cô gái vừa tan ca/ Họ hẹn nhau và chờ nhau, cùng khát khao hạnh phúc/ Họ đón nhau và mùa xuân cũng theo về….Giai điệu tiếp tục phát triển thành cao trào rồi giải quyết cao trào một cách tinh tế và kết thúc ở âm chủ của điệu thức. Ôi hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp, mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng, cuộc đời còn có cả những nụ hôn...


Tôi sinh ra và lớn lên ở thời bình. Chiến tranh như một huyền thoại, một truyền thuyết đối với tôi nhưng được biết về một mối tình của một anh lính và cô công nhân qua ca khúc của cố nhạc sĩ Xuân Hồng đối với tôi là một niềm hạnh phúc lớn. Là một trong những thế hệ đi sau ông trong lĩnh vực sáng tác luôn khâm phục tài năng phổ thơ của ông, tinh thần lạc quan, lãng nạn của ông. Đặt biệt học tập ông cách dùng từ sao cho tự nhiên, giàu hình ảnh và nhạc cảm.  Nhạc sĩ Xuân Hồng viết ca khúc này trong một hoàn cảnh đất nước đã yên bình, ông đã mở rộng tầm nhìn, bắt nhịp cho nguồn cảm hứng mới để viết nên ca khúc lãng mạn làm say đắm lòng người. Ông là người đầu tiên mạnh dạn đưa từ “nụ hôn” vào trong ca khúc của mình một cách tự nhiên, ngọt ngào và quyến rũ.


 






Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.