• dau-title
  • Tác giả - Tác phẩm
  • cuoi-title

Giới thiệu tác phẩm mới: Nơi thao thiết những vòm xanh

Thứ tư - 15/02/2023 17:18



 

KHOẢNG SÁNG “NƠI THAO THIẾT NHỮNG VÒM XANH”

(Đọc Thơ và Văn xuôi của Nguyễn Thị Toán - NXB Hội Nhà văn VN, 2021) - Nhà thơ KIM CHUÔNG
 
 
Có một lứa nhà văn trẻ trung, mới mẻ, sinh ra, lớn lên trên một vùng đồng bằng châu thổ Thái Bình, đã và đang góp vào dòng chảy, làm nên lịch sử văn chương vọng vang đất này, trước biển lớn thi ca đất nước.
 
Tôi đã dành bài viết khá dài với nhan đề “Có một lứa văn chương mang tên Nhóm Búp” in trên Tuần Báo Văn nghệ và Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2018, với niềm tin yêu, rằng: “Đã gần 45 năm, có lẻ. Đã sắp qua đi nửa thế kỷ đời người. Nhóm “Nhà văn nhí” ngày nào của Lớp “Đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học ở Thái Bình, 1976 - 1985”, bây giờ đã bước vào mùa hái gặt, với không ít sắc hương kết tụ”.
 
Vâng. Văn chương có quy luật riêng của nó. Đâu kể sớm muộn, vắn dài. Cái lõi của văn chương muôn thuở, phải là, bóng hình ai? Tâm khảm, nỗi niềm ai? Sẽ mãi còn trong trở trăn, khắc khoải, trong cái đau đáu, cái ám ảnh đời người… Để rồi, chả mấy nữa, đã trăm năm. Đã hai, ba trăm năm. Đã dài xa hơn thế. Song, trước bao nhiêu biến thiên, tàn lụi, khuất mờ, nơi “cõi lớn ta bà” nhưng, có một khoảng sáng trên miền trời thi ca mang tên đội ngũ các “Nhà văn Nhóm Búp” với hàng chục gương mặt hiện diện. Hàng mấy chục đầu sách trình làng. Hàng chục giải thưởng văn chương sáng giá… Khẳng định, những trang Văn Bia quý hiếm này, sẽ mãi còn. Sẽ lung linh, ẩn sâu trước dòng đời xa khuất.
 
Viết về Nguyễn Thị Toán. Viết về Nhà giáo, Nhà văn này. Viết về tập Thơ và Văn xuôi: “Nơi thao thiết những vòm xanh” của Nữ Văn Thi sĩ họ Nguyễn. Gốc, đất quê Bà Chúa Muối, từng nổi tiếng từ thuở nhà Trần, nơi Cảng Biển Diêm Điền, (Thái Thụy, Thái Bình)… Có thể, lời Dẫn nhập của người phẩm bình trên đây, đã có vẻ sa đà, chút ít?
 
Song thực tình, đã hơn bốn chục năm mờ xa, trong lứa đầu, những mầm non văn chương được phát hiện, “triệu” về Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Cô bé Nguyễn Thị Toán mới hơn chục tuổi đầu, trong nét mảnh mai, dịu lành, duyên dáng, đã để lại trong tôi, trong các nhà văn... (những người thầy đang say mê đảm đương, chăm lo bao nghi lễ nơi “Ngôi đền thiêng Văn chương của Hội”) một ấn tượng mang nét nhìn trội vượt, khó quên.
 
Đấy là, Nguyễn Thị Toán, “Nữ Thi sĩ bé nhỏ” kia trong buổi đầu đến trường, “nộp quyển” đã “đẻ” ra bài thơ khá hay, có tên “Cháu hỏi Ông.” Bài thơ như một Quả núi đè trùm lên vóc hình nhỏ nhoi, mảnh dẻ của Toán.
 
Tôi đọc thơ và ngắm nhìn em, ngỡ như bắt gặp chú Kiến con đang cõng trên mình một “Kim Tự tháp” lớn gấp trăm nghìn lần sức nó. Bài thơ là một “mặt trời riêng”. Mặt trời của cái Nghĩ nhiều hơn cái Thấy. Mặt trời của chân trời suy tưởng  dài xa hơn,  rộng lớn hơn cái con mắt “Thi sĩ bé” ngước Nhìn. Mặt trời của cái “: - Là phút đối thoại với Biển và Ông…” Nhưng, cái lớn hơn chính Nó, sau sự kiện Biển và Ông, qua thơ Toán đã hóa thành sức nặng của chiều sâu tư duy về kiếp người, nhân thế… Và, bởi vậy, có thể gọi bài thơ là “vừng thiếu dương” khá đặc biệt, có từ phút thăng hoa của con tim thi nhân bé bỏng. Nó làm ta hoài nghi, giật mình, khi ngắm nhìn tác giả, với vóc hình cô bé mới hơn chục tuổi đầu, với câu hỏi ông, hay đấy cũng là câu mà “Nữ Thi sĩ” này tự vấn:
 
Ông ơi vì sao
Giọt nước biển quê mình mặn chát
Chẳng khác giọt mồ hôi và nước mắt
Của bao người đổ ra? 
   
Đặt ra câu hỏi, để rồi, Thi sĩ bé bỏng kia lại tự kiến giải. Bài thơ có kết cấu hoàn chỉnh, chặt chẽ ngay từ phút ra đời. Câu thơ ở đây thực sự là khả năng của cường lực xới đào cái tia sáng từ khoảng sâu vô thức hồn mình:
 
Ông trầm ngâm nhớ lại thuở xưa xa
Nỗi buồn hiện lên mặt ông
nếp nhăn nhiều như mắt lưới  …
 
Để rồi:
 
Ông ơi, cháu hiểu
Mảnh đất này được bồi lên
Cuộc sống hạnh phúc này được làm nên
Từ biển nước mắt, mồ hôi của những người đi trước ….
 
Quả tình, thi ảnh “Nỗi buồn hiện lên mặt ông/Nếp nhăn nhiều như mắt lưới…” với nước biển bao la, chát mặn kia, chính là nước mắt, mồ hôi của bao kiếp trần ai, đã gánh dậy bài thơ, trong ảnh hình, thi tứ, một sức sống. Sức ám ảnh. Sức đeo đẳng, chảy dài… nơi cõi hồn người đọc… 
 
Ngày ấy, buổi đầu, trên các trang viết của các em đến lớp, bài “Cháu hỏi Ông” của Nguyễn Thị Toán là “Kênh lạ. Kênh riêng”. Bởi, tuổi mới mở mắt nhìn đời, các em hầu như chỉ mạnh về ngắm nhìn. Về tả. Về kể. Về phác họa những bức tranh sắc màu của đôi mắt bơi giữa tươi xanh. Của thiên nhiên. Của hiện thực nắm cầm. Còn “Cháu hỏi Ông” là cái “File” mở từ “cái Óc.” Mở từ lối “thơ duy lý”. Thơ mạnh hơn của những gì thuộc về phát hiện nơi chiều sâu minh triết …
 
Có tới ba bốn năm theo học “Lớp năng khiếu sáng tác văn chương”, Nguyễn Thị Toán viết nhiều. Những bài thơ. Những Tản văn, ghi chép. Những mẩu Truyện ngắn… Toán có nhiều bài viết Hay. Nhưng, bài thơ “Cháu hỏi Ông” giống như cái mốc “Cá vượt vũ môn,” làm nên dấu ấn điểm sáng thơ mình. Để rồi, sắp trôi qua nửa thế kỷ xa dài, mỗi lần nhắc đến tuổi tên Nguyễn Thị Toán, khó ai có thể quên cái tươi xanh của bài thơ một thuở...
        
Năm tháng - Đời người, Nguyễn Thị Toán được trời phú cho trái tim thi sĩ. Toán bước vào Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm. Những trầm tích văn chương giống như lớp phù sa óng ánh cứ lặng lẽ ra đi, đắp bồi cho tâm hồn Toán - “Nguồn lưu vực” luôn Trẻ trung - Dào dạt. Văn và Đời nằm trong mối liên hệ nhiều chiều luôn đan xuyên, đắp bồi và nâng dậy những tầng kiến văn làm nên gia tài riêng rẽ cho Nguyễn Thị Toán hành trình tìm về bến bờ xa rộng.
 
Rồi, rời trường Đại học, về đất quê hương, khoác vai Nữ Phóng viên một tờ Báo của cơ quan tỉnh Đảng bộ với đóng góp khiêm nhường ở thời gian không dài. Ở, những bài báo giàu có lượng thông tin với chất Văn của tâm hồn nghệ sĩ. Nhưng, Văn “là Nghiệp.” Còn “cái Nghề” Sư phạm với sự nghiệp trồng người, sự nghiệp “làm Thầy” là cái Mơ, cái Khát. Là “cái Duyên một đời sẵn định” đã đưa Nguyễn Thị Toán gắn với mái trường cùng bao nhiêu lớp, lứa học trò đã hơn ba chục năm dài dặc.
 
Đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ hai mươi, từ Thái Bình, theo gia đình, cha mẹ, xung phong vào mảnh đất Kinh tế mới Tây nguyên. Tài năng ấy. Nội lực ấy. Tâm huyết ấy. Nhà giáo Nguyễn Thị Toán đã thực sự dâng hiến tâm hồn, trí tuệ cho ngành giáo dục, thực sự trở thành người đốt lửa cho bao lứa học trò sáng lên và lớn dậy. Thực sự làm nên một gương mặt nữ nhà giáo xuất sắc và quý hiếm, trong đội ngũ những người thầy dạy Văn ở miền đất Tây nguyên.
 
Với 24 học trò được cô Nguyễn Thị Toán kèm cặp, dạy dỗ, đạt danh hiệu “Học sinh Giỏi Văn Quốc gia” qua các cuộc thi trên phạm vi toàn quốc. Thành tựu ấy, cùng với nhiều phẩm chất ưu tú khác, gần hai chục năm qua, Nguyễn Thị Toán đã được giao trọng trách là Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông của một huyện ở tỉnh Đăk Lăk. Và, Toán đã làm nên hình ảnh cao đẹp của Người thầy, in sâu nơi con tim những thầy cô, những lớp lớp học trò, niềm tin yêu, quý trọng.



(Ảnh: Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thị Toán)


 
 “Nơi thao thiết những vòm xanh” là tập Thơ - Văn. Là chút nhỏ gia tài văn chương được gom nhặt, tập hợp mà Nguyễn Thị Toán không bỏ được cái Nghiệp từng đeo đẳng ở một góc cõi lòng. Văn chương là câu chuyện cuộc đời. Là tâm tình, là nỗi niềm day trở. Là tiếng lòng mở ra từ chân trời một người lại thấy cả một vũ trụ của thế giới lớn lao. Là cái chả ai “bắt ta, giục ta, gò ép ta” mà có. Nó là nhu cầu tự giải thoát. Tự tri kỷ. Tự lấp đầy cái khoảng trống đang vang lên, đang cần ta phải có tiếng trả lời. Và, Nguyễn Thị Toán vẫn viết. Vẫn cất dấu, lưu giữ. Vẫn thầm lặng nhìn xem “Khối tình con” của mình là gì, trước thử thách của thời gian đãi lọc. 
 
Ồ! Văn chương làm gì có xưa nay, mới cũ. Thi sĩ Xuân Diệu bình phẩm vậy. Ông bảo, với Muôn thưở - Ngàn xưa … Thơ, chỉ có một thứ: Hay và Dở mà thôi. Thơ Hay sẽ mãi còn. Sẽ: Người - Đời muôn năm truyền tụng. Còn Chế Lan Viên từng viết: “Thơ Hay, như gái Đẹp/Đi đâu, ở đâu cũng lấy được chồng…”.  
 
Là thế. Và, bài thơ “Cháu hỏi Ông” của Nguyễn Thị Toán kia, là bài thơ Hay. Và, cũng không bao giờ cũ được?
 
Điều đáng nói ở những trang viết sau này, Nguyễn Thị Toán vẫn đi trên mạch khơi ấy. Thơ Toán biểu hiện cái lung linh, lấp lánh của nét trội trước mạch nguồn suy tưởng.
 
Bởi vậy, viết về Biển và Ông là thế. Đến bài viết về cha mẹ, về đấng sinh thành, dưỡng dục, thơ Nguyễn Thị Toán luôn đề cao đạo lý, hướng về đạo lý với những câu thơ gan ruột thế này:
 
Con phải về thôi…
Tây Nguyên xa xôi
Nơi khát vọng một thời Cha ở đó…
Con ước gì có thể
mang đi tuổi tác
Để đôi chân Cha lại lên thác xuống ghềnh
Để đôi tay Mẹ lại vườn ruộng tảo tần
Sớm khuya không mỏi …
(Viết tặng Cha Mẹ mùa Vu Lan)
                                              
Những câu thơ tâm khảm, vẻ điềm tĩnh mà đọc xong, khó cầm nước mắt. Ranh giới giữa cái suy tư và cái cuồng phong, bão gió của hồn người thật khó mà phân rẽ, rạch ròi. Nhưng, cái lóe sáng cứ vọt lên như tia chớp đó đây, mà người đọc vẫn thấy cái mạnh của chiều sâu tâm linh nơi ý thơ chìm lặn. 
 
Ví như: 
      
Bây giờ con đã đi xa
Cơn mưa dài mùa thu, cơn mưa nhanh mùa hạ
Cơn mưa chùng chình, cơn mưa vội vã
Cơn mưa nào không gợi nhớ một miền quê.

 
Hoặc:
 
Con uống tiếng mưa vào lòng như uống chất men say
Càng uống càng thấy lòng thêm khát
Cơn mưa đi, tiếng mưa thành khúc hát
Xao động hoài trong sâu thẳm hồn con.

                                           
Đằm trong “Cơn mưa mùa thu” là vậy. Còn, trong “Lời gửi em xa”, Nhà thơ đã đặt ra nghịch lý để rồi tự mình lý giải:
       
Mai em về phương hạnh phúc
Cớ sao lòng lại rưng rưng
Có gì cay cay trong mắt
Có gì nghèn nghẹn trong tim.
….
Em nơi Miền đông đầy nắng
Chị chốn mịt mù Tây nguyên
     
Hoặc, trong bài “Cảm ơn Người”, khi đứng trước cuộc đời rộng lớn, ý tưởng trước những gì trở trăn, thấm trải lại được người viết gửi vào những câu thơ tự vấn. Mạch đi này, với Toán, mỗi khi chạm vào, xem ra, sức vóc câu thơ dễ vạm vỡ, dễ dạt dào chiều kích: 
 
Khi con hoang mang không biết hướng chân trời
Không biết tự nơi nào mình tới
Không biết vì sao cuộc đời có đắng cay, khổ ải
Không biết vì ai con có mặt trên đời?
 
Rồi:
 
Hãy cứu vớt những linh hồn lầm lạc
Thế giới sẽ hòa bình trong tiếng hoan ca
 
Và:
 
Không chiến tranh, không tiếng khóc mỗi nhà
Không thù hận, chỉ vòng tay nhân ái
Chỉ chân thật và trái tim nhẫn nại
Mỗi nụ cười đều lấp lánh thiện tâm
 
Ở “Nơi thao thiết những vòm xanh”, ở vệt thơ có chiều nghiêng về cái nghĩ này, bài “thơ 4 câu” hay quen gọi là “Thơ Tứ tuyệt”. Thơ chạy trên cự ly ngắn. Thơ thường tạo nên cái kết bất ngờ ở phút nước rút, nơi tạo nên cái “Đế” cho ý thơ vang dậy. Nguyễn Thị Toán viết tặng những học trò yêu dấu của mình điều tâm sự. Điều không thể giấu nổi nơi cõi lòng yêu thương, nhân ái. Điều thật nhỏ, thật giản dị mà lớn lao là thế. Điều, mà “qua màu phượng đỏ nơi góc nhỏ sân trường” làm sáng dậy cả chân dung ngời rạng người thầy, phẩm hạnh ngời rạng người thầy trước đàn em nằm ở giữa trái tim mình ấp ủ.
 
Tôi cầu mong hoa phượng đừng nở vội
Để không có ngày phải xa các em tôi
Trống mùa thi ơi xin đừng giục giã
Để tuổi học trò còn mãi những ngày vui.
(Điều mong ước của tôi)
 
Thực tình, “Nơi thao thiết những vòm xanh” là cái “Tứ lớn” của trang Thơ mà Nguyễn Thị Toán muốn ký thác, nói với chính mình rằng: “Trước vũ trụ bao la, trước thế giới nhân sinh ta đang sống mỗi ngày, có biết bao dáng vẻ yêu thương, lấp lánh ở thiên nhiên, ở tình người sâu nặng… Đấy là những khoảng xanh thao thiết, vô cùng quý giá trong hồn ta đang đắp bồi, kết tụ. Và, như thế, dù buồn vui còn vương trên muôn nẻo ngắm nhìn. Nhưng, “Người ơi, hãy sống. Hãy yêu thương. Hãy vững bước đi về miền Bến đậu…!”.
          
Cũng dễ thấy, “Nơi thao thiết những vòm xanh”, thơ Nguyễn Thị Toán luôn “Cao trong. Và, Sang.” Thơ không bụi bặm, phá phách, xô bồ. Thơ của hồn thơ ngụp lặn trong nồng đượm, yêu thương, mát ngọt. Thơ của cái Cảm bùng nổ cho cái Nghĩ phát lộ, nương nhờ. Thơ đẻ ra từ cõi hồn đã bay lên, đã tinh lọc. Đã lắng. Đã đem về cái tinh khiết hương Sen, qua xa khuất ánh Bùn.
 
Hãy thử đọc:
                   
Nơi bầu trời thẳm xanh như một giấc mơ
Nơi khói sương huyền hồ màu cổ tích
Những giá trị thiêng liêng dễ gì ta hiểu hết
Những thẳm sâu không thể cất lên lời.

Ta trở về nơi trong vắt tiếng chim
Bằng Lăng tím, thêm một lần tím nữa!
Phượng hồng nhé, thêm một lần thắp lửa
Để mùa hạ nồng nàn, xanh thắm mãi… hạ ơi!
                 (Nơi thao thiết những vòm xanh)
 
Hay:
 
Nỗi buồn ơi hãy theo sóng cuốn đi
Chỉ còn lại niềm vui thôi nhé!
Nỗi buồn mang màu mây, niềm vui như màu lá
Mây bay rồi trời sẽ lại xanh trong
(Niềm vui và nỗi buồn)
 
Trong tiết tấu câu thơ nhẹ êm với tâm trạng, nhịp điệu, hồn người hòa nhập, dễ man mác, bâng khuâng:
 
Em có về
với tháng Tư
hoa
Loa kèn trắng

miên man thềm phố vắng
Chưa ngớt mưa xuân

đã bừng sắc nắng
Và ngập ngừng
Mùa hạ

ngập ngừng sang.…
(Em có về với Tháng Tư)
 
Hoặc:
 
Biển đã thức dậy từ lâu
Mắt biển là mặt trời tròn xoe, hàng mi vàng rực rỡ
Sáng tinh khôi mặt trời lên bỡ ngỡ…
(Biển thức)
 
Hay:
Cơn mưa mùa thu
Bất chợt đến trong đêm mờ ảo
Tiếng mưa rơi như tiếng bà sàng gạo
Tay xoay đều vòng thời gian trôi nhanh.

(Cơn mưa mùa thu)
 
Và:
 
Bao xúc cảm trước mùa còn mãi xôn xao
Tâm thanh tịnh hướng về cao xanh lắm!
Giọt nắng thơm gửi lại thềm phố vắng
"Giọt nắng vô thường" thao thức mãi trong tôi!
                           
  (Cảm xúc trước mùa)
 
…vv và vv…
 
Cùng với Thơ, “Nơi thao thiết những vòm xanh,” có mảng khác nữa đã được Nguyễn Thị Toán tập hợp, giới thiệu. Đó là Văn xuôi, bao gồm Ký, Ghi chép và những bài, dạng Nghiên cứu, phê bình Văn học.
 
Ở những trang viết này, đòi hỏi Nhà văn phải có “Con mắt xanh”. Có vốn sống, vốn chính trị, vốn hiểu biết, trải nghiệm. Và, hệ trọng hơn nữa, cao hơn nữa, là khả năng thẩm thấu, mổ xẻ những gì thuộc về thi pháp trên trang viết soi nhìn.
 
Trong nhóm các Nhà văn “Nhóm Búp”, thật vui và tin cậy, cùng với đôi ba tác giả trong “Nhóm Búp”, Nguyễn Thị Toán lại bộc lộ năng lực này cùng với năng lực sáng tác.
 
Có thể thấy, ở những trang Bút ký, Ghi chép, Luận đàm… Văn xuôi của Nguyễn Thị Toán là ngôn ngữ của thi sĩ. Những câu chữ có mắt, có hồn. Có sức động của cái gợi. Có cái ngọt mềm và tươi xanh của sức rung. Có cái tinh, ở tình tiết, cảnh huống.
 
Ví như. Đây là đoạn viết về đất quê mình:
 
Ngoại vốn hiền lành, nhân hậu, hay thương người, làng trên xóm dưới đều yêu quý nên được xã giao cho trông coi chùa Vô Hối,  ngôi chùa có lẽ đã mấy trăm tuổi trầm mặc giữa một vườn cây trái và ruộng lúa, bờ ao.
 
Hàng ngày chúng tôi giúp ngoại quét chùa, sắp nẻ hoa, đĩa quả, đứng sau  xem ngoại thắp hương, kéo chuông, nghe chuông chùa vang xa, ngân nga, ngắm nhìn những pho tượng, vừa sợ, vừa tưởng tượng ra đủ những câu chuyện trong tích Phật!
 
Buổi trưa hè nắng nóng, nền chùa đất nện vẫn mát rượi, anh tôi nhảy bùm xuống ao chùa tắm rồi cởi trần lăn ra ngủ. Ông ngoại lặng lẽ ngồi vót nan bên ấm nước chè xanh. Tôi nhớ mẹ, nhớ em, khóc ti tỉ. Bà ngoại kéo tôi vào lòng, dỗ dành xoa đầu, xoa lưng phe phẩy cái quạt làm từ tấm mo cau vừa rụng còn thơm ngát quạt cho tôi và dì út (hơn tôi 1 tuổi) ngủ. Phía xa xa là cánh đồng văng vẳng tiếng ếch nhái, tiếng chim tu hú gọi bầy và con đường mùa gặt tháng 5 trải đầy rơm rạ…” 
 
Đấy là đoạn văn, gần với “Thơ Văn xuôi” trong bài Ký “Viết về Ngoại”.  Còn, trong lĩnh vực “Phẩm bình Văn học”, Nguyễn Thị Toán đã khéo tìm được lối mở, tạo được sự đồng cảm, nhập hòa cùng trang viết. Và, Nhà phê bình Nguyễn Thị Toán lại có được những phát hiện qua phân tích, qua giọng điệu dễ thuyết phục và sâu.
 
Đây là, nhận xét về tập Ký “Gửi lại dấu yêu” của Bùi Thị Biên Linh:
 
“Tôi chợt nhận ra: cái hay, cái cuốn hút của văn chương không phải ở sự ly kỳ của cốt truyện, sự bề thế của hiện thực phản ánh, sự cầu kỳ của câu chữ hay nghệ thuật kiến tạo… mà bởi chính cái thực của những trải nghiệm trong cuộc đời, cái chất chứa, sâu đằm của cảm xúc và vẻ đẹp nhân văn toát lên từ tâm tư, tấm lòng của người cầm bút. Bằng lối kể nhỏ nhẹ, sự xuất hiện với tần số cao của các từ: “nhớ”, “ thương”, những hồi ức đầy sức ám ảnh, những câu chuyện vô cùng cảm động về tình thầy trò, về “ngày xưa yêu dấu” của chị đã lay động đến tận nơi sâu thẳm nhất của trái tim người đọc  …”
 
Hoặc, bình phẩm về Trần Huyền Tâm và Thơ, Nguyễn Thị Toán viết:
 
Để thể hiện cảm hứng vũ trụ mênh mang và an lành một cách rất tự nhiên, thi sĩ đã cấu tứ hình tượng thơ bằng một thi pháp vũ trụ ở cả hai phương diện: không gian và thời gian.
 
Không gian trong hầu hết các bài thơ đều hiện lên với tầm vóc và kích thước vô cùng rộng lớn: là “trời”, là “mây”, là “Thiên quốc”, là “biển xanh”… là vô tận, vô cùng. Thời gian là “ngàn năm”, là “thiên thu”, là “năm tháng mỏi mòn”, là “tự bao giờ”, là “mùa”, là “chiều” vv…là vĩnh hằng, vĩnh cửu, là vô thủy, vô chung không thể nào đo đếm.
 
Mặt khác, ta có thể thấy, nối tiếp mạch nguồn cảm hứng mang đậm chất Thiền ở các tập thơ là một không gian thiêng nhuốm màu tịnh độ. Là chốn an nhiên phía sau miền sương khói đời người …”
 
Hoặc, đây nữa, một “cách thẩm” không rơi vào sự chung chung như không ít nhà nghiên cứu, phê bình khác. Họ chỉ giản đơn làm công việc lược tóm nội dung. Bình về nội dung với ý nghĩa phản ánh. Rồi khen đôi câu. Chê đôi câu. Rồi cuối cùng là câu kết muôn thuở: vui mừng trước thành công gì đó. Nguyễn Thị Toán không thế. Toán khá tinh và sâu khi viết về thơ Bùi Thanh Huyền: 
                 
 “Trái tim thức” không hẳn là một tập thơ tình hay những khúc đoản ca về tình yêu đôi lứa. Các mảng đề tài của tập thơ khá rộng. Chị viết về Mẹ về Ba về Anh, về cô gái Digan, về Thuở ấy, về Phương Nam, Con tàu, Kỷ niệm, về thiên nhiên, cảnh vật … Tuy nhiên, âm hưởng chủ đạo của tập thơ vẫn là khát vọng của người con gái trong tình yêu, là niềm khao khát được yêu thương, là tâm thái sẵn sàng đón nhận hạnh phúc nhưng vẫn dùng dằng tiếc nuối; vừa muốn trưởng thành vừa không muốn đánh mất tuổi thơ, vừa khát khao được ào vào vòng tay Anh nhưng lại không muốn rời xa vòng tay Mẹ.
 
Tâm hồn người thiếu nữ đang bước vào tuổi yêu đương ấy vẫn có một nửa là đứa trẻ năm nào…
 
V.v… và v.v…
Có thể trích dẫn nhiều hơn nữa, minh chứng cho lối phán xét, phẩm bình văn chương của Nguyễn Thị Toán với những đóng góp mang nét riêng của nhà thơ khi nhảy sang địa hạt phê bình.
 
Điều khẳng định, Thi sĩ Nguyễn Thị Toán. Nhà giáo Nguyễn Thị Toán. Với trên 40 năm đặt bước chân lặn lội trên cánh đồng văn chương, chữ nghĩa. Dẫu nhà giáo là nghề đang gắn bó với cả cuộc đời mình. Dẫu thi ca chỉ “đá đưa” lặng thầm như mạch đi của “nhánh nghiệp dư” hay “vành ngoại đạo”. Nhưng, với văn chương, là thế, mà không thế. Giá trị của Văn chương đích thực là sản phẩm được đẻ ra từ những cơn quặn thắt nơi máu thịt của người lao động sáng tạo nghệ thuật. Nó là “cái Riêng Ta” mà lại thuộc về “Cuộc đời rộng lớn”.
 
Và tựu chung, với hai chiều khai sáng: Nhà giáo - Nhà thơ Nguyễn Thị Toán đã góp vào Biển lớn: “Công cuộc trăm năm sự nghiệp trồng người”. Và, “Gương mặt văn chương đương đại của Quê hương - Đất nước,” một dáng vẻ khiêm nhường trong sự trân quý, yêu tin…
 
Trong hẹn đợi một sức vóc lớn hơn ở chân trời trước mặt.
 
Đấy là lời chúc. Cũng là nỗi mong chờ của bao nhiêu học trò, bao nhiêu bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp. Và, cũng của bao nhiêu công chúng, bạn đọc, bạn viết… Những người từng quý yêu Nguyên Thị Toán, khi tuổi đời và tuổi nghề Nhà giáo - Nhà thơ này, đang bước vào độ chín.  
 
        Đất Cảng Hải Phòng, mùa Thu - 2021
        KC

Các bài viết liên quan:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.