- Tản Văn
Bình an
Chủ nhật - 31/05/2020 18:19
Trong Tiếng Việt có hai chữ “bình yên” và “bình an”. Thoạt nghe thì thấy cả hai chữ đều hao hao như nhau, nhưng thật ra nó là hai thứ hoàn toàn khác nhau.
“Bình yên” vốn là chữ để chỉ sự yên lặng, bình thản trong thế giới bên ngoài, còn “bình an” chỉ sự tĩnh lặng, yên hoàn trong nội tâm của mỗi con người. Kinh Vinh Danh (Gloria in Excelsis Deo) là một bộ kinh cổ xưa nhất của Thiên Chúa Giáo (Christianity) được bắt đầu bằng câu “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Điều này có nghĩa là, từ xa xưa con người vẫn truy cầu hai chữ “bình an” trong nội tâm của mình, và thông qua đó để có được sự “bình yên” trong xã hội.
Hành sự là sự phản chiếu nội tâm của con người. Tâm an thì hành sự trong sáng, từ bi, ngược lại, tâm bất ổn dẫn đến hành sự náo loạn, gây đau khổ cho chính mình và cho những người xung quanh. Nói ví dụ, có một học sinh với tâm sự đang xáo trộn ở trong lớp, học sinh này có thể có những lời nói, hành động bất nhã làm cho những người xung quanh cảm thấy bức xúc, khó chịu và không thể tập trung làm gì được. Tâm lý này có thể lan rất nhanh sang các học sinh khác và cả thầy cô giáo trong lớp, trong trường. Giáo viên liền phản ánh việc này với cha mẹ học sinh bất ổn này, và sau đó gây ra hàng loạt sự tranh cãi, xô xát trong gia đình. Phụ huynh của em học sinh này liền nghĩ sở dĩ con mình có hành động như vậy là do các bạn khác gây ra, nên liền gọi điện cho các phụ huynh khác. Cứ như vậy, ta có thể hình dung ra một làn sóng bức xúc trào dâng phá tan sự yên bình trong xã hội. Hết làn sóng này đến làn sóng khác, chồng lấp lên nhau, hỏi rằng biết đến bao giờ mới chịu lắng xuống?
Sự bất ổn trong thế giới nội tâm của một người có thể trở thành sự bất ổn của một nhóm người, rồi một thành phố, một thế hệ và có thể cả một quốc gia. Giữa các quốc gia rồi cũng có sự xung đột gây nên chiến tranh, và thương vong tổn thất lẫn nhau. Đừng nghĩ là chỉ có chiến tranh vũ trang mới gây thiệt hại cho con người và xã hội, mà ngày nay chiến tranh lạnh, chiến tranh tâm lý, chiến tranh thương mại, chiến tranh tin học, chiến tranh sinh học và nhiều loại chiến tranh nữa vẫn đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ, gây ra biết bao đau thương mất mát thiệt thòi cho xã hội.
Hạnh nguyện của Đường Tăng từ những năm 650 sau công lịch “Bần tăng xuất gia tu hành khổ luyện chính là để cứu sống chúng sinh khổ hạnh, để thế giới này không còn chuyện chém giết, can qua, để nhân gian không còn thù oán.” chính là có ý nói về sự giải thoát cho con người ra khỏi vòng đau khổ do tâm trí bất an này gây ra. Không chỉ có Thiên Chúa Giáo hay Phật Giáo như nói ở trên đây, mà tất cả các tôn giáo khác trên đời này, đều có một điểm chung, đó là giúp cho con người có được hai chữ “bình an” trong tâm của họ, ở mọi nơi và mọi lúc.
Bình an chỉ là một cảm giác mà người ta có được trong nội tâm. Thực ra con người vốn sinh ra với một tâm rất an bình như được kể trong bài một của Tam Tự Kinh: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Chúng ta hãy nhìn những đứa trẻ đang chơi đùa ngoài kia, chúng có thù hận gì với ai đâu, chúng có hám danh hám lợi hay tích lũy của cải gì đâu? Tất cả là do chúng ta đưa vào đầu óc chúng những ý nghĩ tư tưởng hẹp hòi và ích kỷ, nên khi trưởng thành thì tâm trí chúng đã bị mất hết sự bình an trong sáng của tự nhiên rồi. Muốn lấy lại được sự bình an đó là một quá trình lội ngược dòng sông khó khăn không tưởng gọi là “phản bổn quy chân”, tức là xóa đi những thói quen cơ bản của bản thân để quay trở về với chân lý tối hậu của cuộc sống lúc ban đầu. Đó là con đường tu luyện để tìm lại chính bản thân mình.
Cảm giác bình an trong tâm trí có thể đạt được qua các bài luyện tập thiền định. Bình an có thể đến với bất kỳ ai nếu người này toàn tâm toàn ý tu luyện và thực hành thiền mỗi ngày, tuy nhiên nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cơ duyên và tiền nghiệp của từng người. Thực ra, bình an là một cảm giác được mỗi người cảm nhận theo một cách riêng của mình, có thể nói nó bao la vô tận và vô hình như chính vũ trụ vậy. Cho nên dùng ngôn ngữ nghèo nàn này để mà miêu tả con đường dẫn tới bình an trong nội tâm như một thứ hữu hình thì chả khác gì ngồi vẽ lại chân dung Thượng Đế. Nếu ai phát tâm tu luyện và muốn trải nghiệm sự an nhiên tự tại trong đời này, kiếp này thì chỉ có một cách, đó là bắt tay vào thực hành ngay từ hôm nay và lúc này. Những thứ gọi là phương pháp tu luyện hay thiền tọa có thể có được chỉ là các công cụ hỗ trợ thô sơ mà người mới bước vào tu tập có thể sử dụng tùy thích. Phật gia từng giảng có tới 8400 phương pháp tu luyện Phật Pháp, có thể cũng là ý này.
Hoa Mộc Miên