- Tản Văn
Cái giá phải trả
Thứ sáu - 17/03/2023 09:05
(Ảnh: Xuân Nguyễn)
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ
(Nguyễn Thu Thủy)
Chuyện là mình sắp phải thi môn triết học. Như một chu trình cuộc sống, con người đôi khi phải ôn lại bài học cũ. Mục tiêu là phải đọc hết cuốn sách dày hơn cả cái gối của mình để đảm bảo đi thi ko sót nội dung gì.
Trong những bài mình học liên quan tới kinh tế chính trị, mình đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi "kinh tế và chính trị - cái nào có trước và cái nào quyết định cái nào?". Câu hỏi của một người đã bước tới và bước ra khỏi cuộc đời mình trong 1 tháng theo đuổi thuyết phục mình về làm cho người đó.
Hồi đó mình trả lời sai, chủ yếu do choáng ngợp với vị thế chính trị mang tầm quyết định hàng tỷ đô và hàng triệu người mà người đó có thể đạt tới. Nếu như khi đó đủ tỉnh táo để trả lời, có lẽ kết cục sẽ vẫn vậy nhưng ít ra mình cũng có vẻ tự hào hơn về bản thân mình, rằng mình cũng ko tới nỗi ko xứng đáng để bước lên bục quyết định hàng tỷ đô và hàng triệu sinh mệnh.
Sai thì học thôi. Không có gì là chấm dứt ngay, nhất là đang ở một vùng đất hoà bình nhân ái như Việt Nam.
Câu trả lời là gì, mình sẽ không nói tại đây. Mình sẽ chỉ nhắc tới 1 khía cạnh mà kinh tế chính trị đã đề cập. Đó là quy luật giá trị.
Quy luật này đúng ở mức độ còn rộng hơn cả phạm trù sản xuất và giao thương mà giới hạn về nghiên cứu kinh tế có thể trả lời.
Nói thơ thẩn lãng mạn chút thì nó chính là điển hình của việc "Mây tầng nào gặp Gió tầng đó".
Trả giá tới đâu để đạt được cái giá trị mà mình muốn. Khó xác định lắm. Vì hầu hết các mô hình định giá đều dựng trên giả định. Giả định có số lượng giới hạn, trong khi vũ trụ mang lại cực kỳ nhiều yếu tố ảnh hưởng tới phương trình. Mà đó là nếu phương trình đã đúng chứ phương trình sai nữa là kết thúc sớm hơn nhiều.
Một ngọn cỏ với tới mây thì cần phải là cỏ ở núi cao rất cao, núi cao chọc trời. Nhưng thường thì khí hậu tại các vùng núi rất cao như thế không cho phép cỏ được sinh trưởng. Thứ hoa mà hay gọi là tuyết liên hoa, là loài duy nhất nở trong băng giá. Nó mang màu trắng tinh khôi, và nó phải trả giá bằng toàn bộ sự cô đơn và vượt qua khắc nghiệt để đứng cùng mây. Mây tầng nào vẫn là chờ gió tầng đó thổi mà thôi. Cỏ hoa tầng nào sẽ gặp hơi nước tầng đó. Đó là cái giá phải trả cho mẹ thiên nhiên để đổi lấy vị thế khác nhau.
Bàn về hoá học - nơi mà sự cân bằng và trả giá cũng rất rõ ràng. Mọi nguyên tử oxi đều có 8 electron, nếu nó thiếu, nó sẽ tìm cách lấy cho đủ để đạt sự cân bằng của nó, nên mới có quá trình oxy hoá.
Bàn về vật lý học, Nhờ thầy mà mình mới biết gần đây giải Nobel Prize Vật lý đã được trao tặng cho thí nghiệm đối với Bell's Theorem, một hypothesis mà theo đó sự cân bằng bị vi phạm, và thí nghiệm chứng minh qua cách gán các giá trị xác định (definite value) vào phương trình chuyển giao với hai con số hệ nhị phân là +1 và -1. Kết quả ra giá trị 2.8 thay vì giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 2 nếu áp dụng tính chất cân bằng tuyệt đối.
Hoá ra là vũ trụ luôn nở ra, và vì thế hàm chứa vô vàn biến số. 0.8 là một con số lớn, khi so với con số 2 - giá trị cực đại có thể đạt được trong phương trình cân bằng. Xét về tỷ lệ thì nó lên tới mức thấp nhất là 0.8/2= 40%. Mẹ thiên nhiên cũng là một phần của vũ trụ và đã dùng tỷ lệ 40% này để tạo ra sự đa dạng sinh học có sinh mệnh.
Ngay cả trong huyền môn đạo học, Mình từng được dạy là, trong cuộc sống, số mệnh chiếm 30%, phúc đức tổ tiên dòng tộc chiếm 10%, 10% là thiên vận của cả nhân loại và 50% là của chính mình.
Tỷ lệ tối thiểu 40% ở trên, mình xin tự tưởng tượng rằng đó chính là cơ hội mà vũ trụ luôn ban tặng cho từng sinh thể. Và khi đó sự cân bằng mà tất cả vận động đều đang hướng về, thực ra lại không còn cần thiết. Vì chúng ta chỉ cần tìm ra tỷ lệ 40% để thay đổi sự cân bằng này thành một sự bất cân bằng có ích hơn cho chúng ta mà thôi.
Ở một chiều không gian mà mình đang cảm ngộ, đó chính là chi phí bỏ ra là 2, nhưng giá bán đạt được là 2.8.
Vậy nên mọi thứ đều có giá của nó, muốn có được cái giá cao hơn giá cũ thì cũng đã phải trả giá cho một thứ vô hình khác.
Thì lại phải lên lịch ngồi học và tập trung hơn thôi.
31/01/2023
NTT