• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Căn phòng tuổi Thanh Xuân

Thứ ba - 24/09/2024 09:08



CĂN PHÒNG TUỔI THANH XUÂN 

(Nguyễn Thị Thanh Thủy)


Ngày hôm nay của 34 năm trước, ngày 22/9/1988, chúng tôi bước vào căn phòng ấy - phòng 103, nhà A7, khu ký túc xá (ktx) trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đó là phòng cuối dãy, có 2 cửa sổ trông ra con đường dẫn tới dãy nhà vệ sinh mà chúng tôi gọi là A10. Vì là đầu hồi nên phòng 103 rộng hơn các phòng khác phần diện tích hành lang; thường mỗi phòng ktx có 8-10 sinh viên thì 103 xếp chặt 7 giường tầng, đủ 14 nhân khẩu. 14 đứa con gái, tuổi 16-17-18 tính đến ngày nhập phòng, chủ yếu là dân chuyên Văn của Hải Phòng, Thái Bình, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Phú Thọ (tên một số tỉnh theo cách gọi ngày ấy). Việc đầu tiên khi vào phòng là chúng tôi lấy phấn viết tên mình lên giát giường để đánh dấu chủ quyền. Hồi ấy, đất nước vừa bước ra khỏi bao cấp, sinh viên chưa biết đến làm thêm hay gia sư, thành ra ngoài giờ lên giảng đường, thời gian của chúng tôi dành cho hát hò và nấu nướng, việc học để dồn đến kì thi. 14 đứa chia làm các bếp, hì hụi ngày hai lần chúng tôi "nổi lửa lên em": bếp Vân Anh - Tố Nga; bếp 2 Thuỷ (là tôi với Thuỷ Già), bếp Trinh - Uyên, bếp Hạnh - Hương.... 14 đứa con gái, suốt 4 năm, có giận hờn nhưng chưa bao giờ cãi cọ, chưa hề biết thế nào là mất mát đồ đạc cá nhân. Đầu giường đứa nào cũng có cái hòm tôn ngoắc lúc lỉu cả chìa cả khoá mà chẳng đứa nào biết đến khoá hòm. Chúng tôi đã cùng nhau đi qua những ngày oi nồng hay giá rét bằng những lời ca, những điệu nhảy vui nhộn. Chúng tôi có thể ôm ghi-ta ra bể nước A7 hát đến 4 giờ sáng mà 7giờ 30 vẫn có mặt ở phòng thi. Hôm đi dã ngoại ở Đền Hùng, việc đầu tiên khi xuống xe là chúng tôi xếp hàng nhảy bi-zi 16 bước. Chúng tôi cũng chung nhau nỗi mất mát xót xa khi Bùi Nga, cô em út nhí nhảnh, thông minh ra đi vì bạo bệnh, đúng dịp kiến tập sư phạm năm thứ ba...


Làm sao quên được cái đêm tháng 6 năm 1992, đêm cuối cùng của đời sinh viên, chúng tôi đã gửi vào đống lửa rực cháy giữa sân A7 thật nhiều thứ đã cùng chúng tôi suốt bốn năm. Không nói ra, nhưng trong đêm trắng ấy, ai trong chúng tôi cũng nghĩ rằng: từ nay trở về sau, sẽ chẳng bao giờ lại có được 103 nữa, trong cuộc đời.


Thấm thoắt 30 năm đã đi qua, kể từ giây phút cánh cửa phòng 103 đóng lại để chúng tôi bước ra cuộc đời, cuộc đời mênh mông mà nhiều khi sao chật chội. 30 năm để chúng tôi thực hiện những bổn phận, đi qua những trải nghiệm đời người. 30 năm  đủ cho chúng tôi thấm thía: "Dẫu là Chúa cũng sinh ra từ giọt máu-Ta sống ở đời, sao tránh khỏi những cơn đau". Sau 30 năm, chị cả của phòng ngày ấy, hiện đang giữ vị trí lãnh đạo quan trọng của  một thành phố cửa ngõ Thủ đô, còn đám lau nhau suốt ngày nhảy nhót hát ca, nghịch như quỷ - đứa đã mang hàm Thứ trưởng, đứa đã là Hiệu trưởng, đứa là Hiệu phó kỳ cựu của những ngôi trường danh tiếng đất Cảng… Điều chúng tôi tự hào nhất là: bao năm qua, chúng tôi vẫn nguyên vẹn một tình yêu với phòng mình! Một căn phòng được tạo ra trên không gian mạng, cho chúng tôi có thể í ới gọi nhau, chí chóe trêu nhau cho thỏa nhớ nhung. Những cuộc tụ chung với K38 và cả tụ riêng…, chừng ấy để mỗi chúng tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Nhưng, nếu có ước muốn trong cuộc đời, mỗi chúng tôi vẫn ao ước tham lam: được một lần trở về, được sống trong bầu khí quyển 103 ngày xưa, dù biết rằng điều đó là không thể vì nhiều năm nay, nhà  A7 đã được trường ĐHSP lấy làm khu nhà ở của cán bộ giáo viên. Vậy mà, những gì tưởng chỉ có trong giấc mơ ấy, đã trở thành hiện thực. Cao Tố Nga, với sự hào sảng của người Hải Phòng, sự tinh tế, tài hoa từ thuở 103, qua bao tháng năm chẳng hề mai một, với đầu óc tổ chức của một Hiệu trưởng quốc dân và trên hết là tấm lòng tha thiết cho 1 cuộc trở về đúng nghĩa "103" - đã biến hoá tầng 1 nhà mình với không gian, đồ đạc, bài trí từ sàn nhà đến hệ thống ri-đô… thực sự là 103 - A7 của 1988-1992. Trước đó, qua video tôi đã chứng kiến sự công phu, tâm huyết của anh Nga: huy động gia đình, bạn bè, học trò cũ "lục tung" cả Hải Phòng để có được  giường tầng, bếp dầu, quạt con cóc, quạt tai voi, ảnh  Diễm Hương, Lý Hùng… và các minh tinh thời ấy. Lại cả  xe cub 82 để có cảnh đưa đón sân ga. Cả nhà tập trung xâu cho đủ mỗi đứa một chuỗi hạt pha lê, thời trang những năm 90 với quần bom, áo thụng.... Và bánh kem với đủ gương mặt, thần thái của mỗi chúng tôi... Bước chân vào căn phòng, chị em tôi đã không ngăn nổi dòng nước mắt…


Trong căn phòng thanh xuân của mình, chúng tôi nấu bữa cơm sinh viên ngày xưa, tranh nhau làm đẹp kiểu 30 năm về trước, tị nạnh nhau việc giặt quần áo, quét nhà ... và cũng như hồi nào,  chúng tôi nhảy những điệu nhảy, hát những bài hát cũ. Những chàng trai, cô gái U60 quẩy tưng bừng đến gần 3 giờ sáng, hát từ bolero sang nhạc đỏ, từ nhạc của Modern Talking đến ca khúc của Boney M. Ngày trở lại thêm đủ đầy vì sự góp mặt của những người bạn thân thiết với 103 suốt 4 năm. Bên nhau, chị em tôi "đã cười, đã khóc những không đâu", khi nhắc lại những câu chuyện thời "cồn cào mong học bổng", những khi túi  rỗng mà tâm hồn ăm ắp mộng mơ với "vầng trăng niên thiếu ở trên đầu"(XQ). Đêm ấy, tôi được ngủ trên chiếc giường của tôi ngày xưa, tầng 2, góc trong cùng. Không biết có phải vì cà phê cốt dừa Hải Phòng ngon đậm, thấm sâu mà cả đêm tôi thao thức. Ở giường  dưới, Thuỷ Già và Hoài Anh ôm nhau say sưa. (Hồi 103, mỗi lần hai đứa tôi giận dỗi, Thuỷ Già cũng thường rủ đứa khác sang ngủ cùng, y như vậy). Kế bên là chị Hạnh lục sục cả đêm - cũng chẳng khác ngày nào. Gần 5 giờ sáng, Hải Liên lấy ở đâu được cái áo choàng đắp cho tôi, tôi thức đấy nhưng vẫn nằm im thin thít, tận hưởng cảm giác được em Liên tôi chăm chút....


Chao ôi, mọi thứ vẫn như xưa, như chưa hề có 30 năm đi qua. Khác chăng là thời gian, tuổi tác đã khiến cho nhịp thở của chúng tôi thực sự không còn là  “hơi thở nhẹ" như tên một truyện ngắn của Bu-nhin. Vậy nên, trong hai ngày quý giá ngắn ngủi, chị em tôi không quên nhắc nhau giữ gìn sức khoẻ .


Và lại tiếp tục hẹn hò ....


30 năm sau ....


Hà Nội, ngày 22/9/2022

Nguyễn Thị Thanh Thủy

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.