- Tản Văn
Đi làm
Thứ bảy - 01/04/2023 16:11
(Ảnh: Lam Châu)
-------------------
ĐI LÀM
(Nguyễn Thu Thủy)
Đợt sau Covid lần hai một thời gian, Hà Nội có mở cửa cho đi lại theo chế độ giãn cách. Có một lần ban đêm đói quá, mình ra Circle K mua đồ ăn, xong đứng uống luôn chai trà xanh vì mình khá thích trà. Một cậu nhìn cũng trẻ, nhưng hơi dặt dẹo, tới xin mình chai nước khi mình đã uống xong.
Cậu ăn mặc cũng tử tế sạch sẽ, không giống những người nhặt chai chuyên nghiệp có đeo găng tay, hoặc không chuyên, thì bàn tay sẽ gầy guộc đen đen. Bàn tay của cậu ấy vẫn còn lớp da non của tuổi trẻ. Cơ thể nhìn vẫn có da có thịt, xương khớp đi lại tuy hơi chậm chạp, vẫn đủ thích ứng cho một người gọi là khoẻ mạnh, cao ráo, chưa vất vả gì mấy với công việc lao động chân tay.
Mình tự dưng nổi hứng hỏi cậu, là sao em trẻ vậy, nhìn còn khoẻ, mà lang thang như này, em không về được quê vì covid à?
Vậy mà cậu tự dưng đứng hình, mắt cứ như sắp khóc, mếu máo bảo mình: " Vâng chị, em không dám về quê, em sợ nhỡ em sao, em lây cho mẹ em, em còn mỗi mẹ thôi chị".
Rồi cậu kể cho mình, giờ cậu nhặt chai, một tháng được gần 1 triệu đồng. Cậu trước làm quán ăn, làm bếp nên sức khoẻ tốt. Nhưng nhà hàng đóng cửa vì covid. Cậu không còn thu nhập, không dám về quê, được chủ cho ở nhờ lại trong khu nhà dành cho nhân viên. Cũng là cái tốt.
Nhưng cậu thấy không chỉ mình cậu, mà còn nhiều người mất việc khác rất khốn khó, không có đồ ăn. Vậy là cậu cố gắng kiếm thêm bằng việc nhặt nhạnh, mỗi ngày tổ chức cùng các bạn nấu cơm miễn phí mang cho những người khó khăn hơn.
Mình ngạc nhiên vô cùng. Ở độ tuổi trẻ, rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thường xu hướng sẽ là đi xin thêm, được gì hay nấy, đó là điều tự nhiên trong xã hội này nên nếu có gặp mình cũng không bao giờ xét đoán.
Nhưng cậu ấy không vậy.
Cậu ấy cũng không hề nghĩ bán cơm kiếm ăn khi covid. Cậu ấy lại mang cho đi. Một người nhân ái hiếm có. Đặc biệt trong hoàn cảnh của cậu.
Vậy là mình cũng có hỏi thêm, vì sao em nghĩ và làm được tốt vậy.
Cậu sau đó cũng bảo cậu hay lên youtube, vô tình xem được người dạy bảo, làm điều thiện, tích đức, sống tốt với mọi người. Khi đó cậu như được giác ngộ và cậu làm tất cả điều này với một lòng hạnh phúc mênh mang.
Mình rất cảm ơn cậu bé đó, vì đã chung tay xây dựng một thế giới, và cho mình một câu chuyện để nói tiếp sau đây.
Đã từ rất lâu, mình học về văn hoá làng xã Việt Nam, và một số nội dung nói về việc tư duy hệ gia đình mà mất đi tư duy rộng hơn. Cũng như giờ mình đi học, những người làm nên công cán lớn, họ không dừng ở suy nghĩ trong dòng tộc nhỏ nhoi, họ đã nghĩ lớn hơn rất nhiều. Như bác Hồ bế trên tay người em thoi thóp đói tới lả đi vì mẹ mất.
Vì nghĩ tới gia đình, dĩ nhiên nghĩ tới gia đình là tốt, mà có lẽ thế các bà ở quê hay bảo mình sinh thêm em bé. Ai cũng nghĩ vậy nên thế giới mới rơi vào tình trạng đông người chật đất, bệnh tật lây lan. Vì về sinh học và toàn cầu hoá, chưa ai xem lý do vì sao loài khủng long sinh sôi tới thế rồi chết. Không chỉ vì nạn kiếp của thiên nhiên đâu.
Để rồi, mình thấy mình cũng từng như bạn bè tuổi trẻ, chỉ mong có tiền ngồi nhà giao dịch, có khi nghỉ làm cũng được. Dù dĩ nhiên, mơ ước của mình là được đi dạy tiếng anh cho khắp các trẻ nhỏ không có cơ hội tiếp cận với tiếng anh tốt vì vị trí địa lý cách trở và tài chính eo hẹp (Cho nên nói thực thì mình thấy các trung tâm tiếng anh cứ vẽ ra chương trình dài dài và thu tiền lấy để thì mình cũng không ưng được cái bụng đâu).
Nghĩ nghỉ nhà ngồi giao dịch, ăn tiền tiết kiệm khi còn đang đủ sức lao động, nghĩ thế là sai rồi.
Thế giới đang dần già đi, hoà bình khiến các quỹ hưu trí tăng dần gánh nặng. Gánh nặng này lại phải xử lý bằng sức lao động và gia hạn độ tuổi về hưu.
Cho nên đi làm là một thiên chức của tuổi trẻ. Có làm mới có ăn. Làm công việc lao động chân tay cũng được, làm gì cũng nên nghĩ là mình cống hiến sức lao động của mình.
Người không có tài sản còn nghĩ đi làm việc tốt được, người có tài sản đi làm lại cứ chán chường, vậy thì xã hội làm sao phát triển? Xã hội không phát triển thì ngồi nhà ăn tiết kiệm cũng không ăn mãi được đâu.
Nếu xã hội rơi vào khủng hoảng thì đến tiền tiết kiệm cũng chẳng có mà rút - ít nhất đúng với người thu nhập trung lưu. Và chúng ta đã chứng kiến cả rồi đó.
Thu nhập một quốc gia và Nợ của một quốc gia nên cân đối - chỉ có Lao động và Công nghệ mới tạo ra đột phá lớn trong công thức tính tổng thu nhập mà thôi.
Vì vốn và vòng quay của tiền thì có giới hạn.