- Tản Văn
Mai Yên Tử
Thứ sáu - 15/03/2024 16:02
(Ảnh: St)
MAI YÊN TỬ
(Nguyễn Linh Khiếu)
Trong chuyến công tác về Đông Triều mình mua một cây mai nhỏ. Đó là cây mai Yên Tử. Mai Yên Tử là giống mai rừng thân gỗ mọc thẳng cao lớn. Mang về mình trồng trong một chậu nhỏ để ở ban công. Bao năm nắng gió khô cằn do chậu nhỏ cây rất cằn cỗi hầu như chả lớn được mấy. Năm nào cuối đông cây cũng rụng sạch lá. Đến dịp Phật đản cây mới nở hoa rực rỡ. Những bông lớn cánh đơn vàng tươi rất đẹp.
Chuyển nhà mình vẫn mang theo cây mai. Sân thượng rộng mình mua một chiếc chum khá lớn và chuyển cây mai sang đó. Do không gian thoáng đãng nhiều mưa nắng. Do nhiều đất và được chăm sóc tốt nên chỉ dăm năm cây mai cành lá xum xuê và cao vút. Lễ Phật đản năm nào cây cũng nở một vòm hoa vàng rực rỡ.
Cây trồng trên chậu phải luôn để mắt chăm sóc. Nhất là không thể thiếu nước. Thế nhưng cái nghề của mình lại hay đi công tác. Có khi đi vài tuần. Có khi đi mấy tháng. Sau những chuyến đi dài ngày mặc dù có người nhà tưới giúp nhưng hầu như lần nào về cây cũng khô héo. Điều kỳ lạ là có những lần tất cả các lá cành đều khô héo nhưng chỉ cần tưới nước vài ngày là trên những cành khô lại nảy những lộc mới lá non.
Một ngày mình chợt nhận ra. Sự sống chết của cây mai hoàn toàn phụ thuộc vào mình. Một ngày nào đó vì một lý do nào đó. Nếu mình không thể chăm sóc cây mai thì nó sẽ thế. Nghĩ thế mình quyết định đưa cây mai về quê trồng xuống đất. Phải để nó tự quyết số phận của nó. Mai vốn là cây thân gỗ đất vườn ở quê khá rộng nó hoàn toàn tự chủ sinh mạng của mình.
Cây mai đã quá lớn. Để mang cây về quê mình buộc chặt hết các cành và một phần thân. Cây mai xum xuê vạm vỡ thế nhưng khi mang được về quê cây chỉ còn gốc và một phần thân. Mình chọn trồng một khu đất khá đẹp và hy vọng cây sẽ nảy lộc đâm chồi. Trồng rồi hơn nửa năm sau mình mới có dịp về quê. Khi ra thăm vườn thì không thấy gốc mai đâu. Mẹ nói: Bác cả về quê thấy gốc cây đã chết nên nhổ vứt vào góc vườn mấy tháng rồi.
Mình ra góc vườn thấy gốc mai vứt chỏng trơ khô héo cùng đống rác. Cầm lên thấy dọc thân lấm tấm những chồi nâu. Mình mang trồng lại nơi hố cũ. Và bây giờ cây mai Yên Tử đã vươn cành xòe lá xanh biếc xum xuê.
N.L.K