• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Lễ hội Масленица

Chủ nhật - 25/02/2024 11:44



(Ảnh: Trần Bảo Toàn)

Lễ hội Масленица

(Bùi Thanh Huyền)


Mấy hôm nay thời tiết thất thường lắm. Buổi sáng hửng nắng ấm, đã tính bỏ lại măng tô, thì đến giữa trưa gió lạnh bắt đầu tràn về, từng cơn, lúc rít lên thê thảm, lúc lại lặng ngắt như không. Những cơn mưa có thể đến bất chợt, có lúc vào nửa đêm, để sáng sớm hôm sau thức dậy thấy những chồi nụ trong vườn bỗng long lanh những giọt cường toan. 

Người ta bảo vậy là sắp đến lễ Масленицa rồi. Truyền thuyết kể rằng sang tuần thứ hai rồi mà mùa xuân còn dùng dằng chưa tới đến nơi. Nàng vẫn còn vơ vẩn nơi bìa rừng, mép suối. Dân làng mới nghĩ ra cách mở hội du xuân, ăn chơi, nhảy múa….để dụ nàng Xuân về. Sau lễ hội 7 ngày này, nhất định trời sẽ ấm áp lên, cũng có nghĩa là nàng Xuân đã đoạn tình với xứ mùa Đông mà trở lại… Người ta đặt tên riêng cho từng ngày của lễ hội, bắt đầu từ thứ Hai cho đến ngày Chủ nhật.

Hôm nay là thứ Sáu, nhằm vào ngày “ Con rể mời mẹ vợ đến nhà ăn bánh Blini”, (đó là tên gọi của ngày lễ hội thứ Sáu), mình đến làm khách nhà một người Nga chính gốc. Bà bỏ lại ngôi làng êm đềm bên bìa rừng Tai-ga, nơi tuổi thơ đi nhặt nấm rừng và quả dâu đất, bỏ lại sông Volga, nơi ngày xưa ra đó lấy nước và làm quen với anh lính người Moldova đang đóng quân nơi ấy, rồi theo anh về Moldova sinh con, đẻ cái.

Mình được mời vào bàn ăn, dọn trong gian bếp nhỏ ấm cúng, nơi người chủ nhà vừa nói chuyện vừa nhanh tay đổ bột vào mấy cái chảo tráng bánh Blini (Pancake, Crep). Rất yêu loại bánh này nên mình đã từng hỏi công thức đổ bột của không dưới chục bà nội trợ, thì nhận được hơn chục công thức khác nhau. Mà lạ thế, mình làm theo công thức nào cũng thấy ngon. Trộn bột mì với sữa tươi, trứng và chút nước ( nóng, lạnh tùy ý bà chủ), khi thành thứ bột sền sệt (đặc, loãng thế nào cũng tùy tay bà chủ), thì múc một muôi (to, nhỏ thế nào tùy nhà chủ) đổ một lớp kín mặt chảo (dày mỏng thế nào cũng là do bà chủ)…đợi 1 lúc, rồi lật qua mặt kia, là được một cái bánh Blin vàng ươm, tròn vành vạnh. Người ta bảo đó là biểu tượng Mặt trời, báo hiệu những ngày ấm nắng đã thực sự đến rồi. (Tuy nhiên mình thật khó hình dung nếu cái bánh đó không tròn thì có thể mang hình nào khác, khi những chiếc chảo, cái nào cũng tròn xoe?!)

Bánh được ăn với rất nhiều bơ (масло), có thể từ đây mà lễ hội mang tên Масленицa. Đó là lễ hội ăn bơ “xả láng” cuối cùng trước khi bước vào thời kỳ ăn chay dài 47 ngày cho đến tận lễ Phục sinh.

Người Nga đi đến vùng nào sinh sống cũng gìn giữ trong mình những cái rất Nga: Từ đôi dép đi trong nhà làm bằng lông cừu ấm, đến những chiếc thớt bằng gỗ trang trí trong bếp mang hình búp bê Matrioska, đến những món ăn chủ yếu làm từ bột mì và khoai tây. Và không thể thiếu ảnh chân dung Exenhin, (nhà thơ đồng quê Nga). Thật khó hình dung, nhưng bạn đừng ngạc nhiên khi thấy trong toilet nhà người Nga hay có những tuyển thơ Puskin hoặc Lermontov, họ tranh thủ ngồi đọc một đoạn thơ (!!!). (Bằng cách đó mình cũng đã từng đọc thuộc mấy đoạn thơ Puskin trong đó(!!!).

Mình đã có một ngày “Nga” ấm cúng để nhớ lại những gì rất Nga từng có trong đời mình.

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.