• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Những bức thư không gửi

Thứ năm - 31/10/2024 16:27


(Ảnh: Tam Tran)



NHỮNG BỨC THƯ KHÔNG GỬI
(Bùi Trung Hiếu)

Những câu chuyện vụn vặt trong ký ức của tôi, của các bạn cùng lớp, cùng khóa đại học, kể từ khi tốt nghiệp ra trường năm 1994, tôi lưu giữ trong tâm trí mình như những bức thư chưa bao giờ gửi. Gắn với tất cả những câu chuyện đó là những xúc cảm, hoài niệm về những tháng năm trên giảng đường đại học, về tiếng Nga, về xứ sở bạch dương, những đêm trắng, mùa thu vàng… mà với hầu hết bạn bè đồng niên, đồng khóa K23, chỉ là giấc mơ xưa.
 
Kỷ niệm nơi lần đầu anh biết tên em
Nơi một thời ta khoác áo sinh viên 
(st)
 
Ngày… năm 199X
 
Thân,
 
Tớ đã sang tới Seoul bình an. Seoul đón bọn tớ bằng sắc vàng đỏ của những tán lá Ginkgo dọc hai bên đường từ sân bay Gimpo về khách sạn. Cậu biết không, lớp vỏ thân cây Ginkgo trông cũng xù xì loang lổ những vết trắng, xám giống thân cây bạch dương trong những trang sách giáo khoa tiếng Nga của bọn mình ngày xưa ấy.
 
Trước mặt khách sạn tớ ở là đỉnh núi có tên Nam-san, mùa này cả đỉnh núi rực rỡ sắc màu cuối thu. Sau giờ học, tớ thường lang thang một mình trên con đường rừng rải đầy lớp lá khô dẫn lên núi. Nhớ nhà. Nhớ bạn bè, nhớ những tháng năm của đời sinh viên bọn mình vừa trải qua, như một giấc mơ đẹp… Cậu có nhớ hồi năm 2, khi cả hội đua nhau học ngày học đêm để giành một suất đi chuyển tiếp, có lần tớ có hỏi cậu rằng cậu muốn làm điều gì nhất nếu được sang Liên Xô, cậu bảo cậu thích được đi dạo trong những cánh rừng mùa thu, …. Giờ tớ đi dạo một mình trong không gian như mơ ấy, tớ lại nhớ đến ước mơ nho nhỏ ấy của cậu.
 
Cпокойной ночи!
 
Ngày… năm 199X
 
Thân,
 
Dạo này cậu có tin tức gì của các bạn lớp mình không? Tớ có biết D. đã đi làm ở một ngân hàng của Mỹ. Các bạn về tỉnh thì tớ không có tin tức gì cả. Có mấy bạn ở lại học nốt bằng tiếng Anh, chắc tầm này cũng xong rồi. Cuối năm ngoái D. có rủ tớ đi học thêm bằng 2 ở trường KTQD, tớ cũng định đi học cùng cậu ấy, nhưng kẹt chuyện kinh tế quá nên quyết định đi cày đã, sau này có điều kiện học sau cũng được. Kể cũng buồn nhỉ, 5 năm đại học ra trường cuối cùng chẳng dùng tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành của mình để đi làm việc. Khóa mình hơn 300 đứa, cộng với hơn 200 của K24 ra cùng nữa, đi đâu tầm này cũng gặp dân khóa mình, trường mình. K23 quả là đen đủi thật, là khóa đầu tiên không được đi chuyển tiếp vì Liên Xô sụp đổ, và cũng là khóa cuối cùng phải học 5 năm. 
Спокойной ночи!
 
Ngày… năm 199X
 
Thân,
 
Tớ kể cậu nghe chuyện này. Hôm nay khách sạn nơi tớ thực tập đón một đoàn khách Nga. Ông Sếp tớ biết tớ là dân học tiếng Nga, yêu cầu tớ viết cho cái khẩu hiệu chào mừng bằng tiếng Nga. Tớ lúng túng mất một hồi mới dịch xong. Ngày đi học, bọn mình toàn học những “Cách mạng tháng 10 vĩ đại” với “Chiến tranh vệ quốc”…, giờ đột nhiên hỏi những từ thông thường như vậy lại khiến mình ngắc ngứ. Cũng tại mình thôi, từ hồi năm 3, bọn mình đã dành nhiều thời gian hơn cho tiếng Anh rồi. Nhưng dù gì thì mình cũng không thể quên được tiếng Nga, chỉ mất thời gian để khơi gợi lại thôi. Thỉnh thoảng tớ gặp khách người Nga, chào hỏi và nói chuyện với họ vài câu cũng thấy ấm áp, như kẻ xa nhà lâu bỗng gặp người quen ấy. Tớ làm ở bộ phận lễ tân nên thường cố tình dành những phòng đẹp nhất để sắp xếp cho khách Nga. Sếp tớ biết điều đó, nhưng chỉ cười, chắc ông ấy cũng hiểu tớ có chút “riêng tư” với người Nga, tiếng Nga.
Спокойной ночи!
 
Ngày….năm 200X
 
Công việc mới của cậu tốt chứ? Tớ cũng mới chuyển việc, cũng chẳng dùng tiếng Nga.
 
À, T. lớp mình giờ làm đại diện cho Hãng hàng không Nga Aeroflot đấy. Vậy là cả lớp mình 24 đứa giờ chỉ còn mỗi T. là dùng được tiếng Nga trong công việc. Tớ nhớ, hồi mới ra trường, khi tiếng Anh lên ngôi, mỗi khi giới thiệu mình học ở trường ĐHSP Ngoại Ngữ Hà Nội, khoa tiếng Nga, mình có chút ngại ngần, còn người nghe thì dường như dành cho mình chút cảm thông. Nhưng đến giờ, tớ lại thấy dân khoa Nga ra trường hồi đó rất nhiều người giỏi, bây giờ giữ nhiều vị trí quan trọng trong các công ty, nói …tiếng Anh vèo vèo. Mấy năm trước, bạn tớ làm nhân sự bảo: cùng một vị trí nhưng nếu dân khoa Nga cạnh tranh với dân khoa Anh thì dân khoa Nga luôn chiếm ưu thế, vì… biết hai ngoại ngữ. Nói vui vậy thôi, theo tớ, như bọn mình ra trường đúng lúc tiếng Nga không còn nhiều cơ hội nên phải tranh đấu kiên cường vậy thôi.
 
Thực ra cái vốn tiếng Nga đôi khi cũng mang lại cho mình nhiều điều thú vị trong công việc cho dù mình không thường xuyên dùng đến nữa. Kể cậu nghe, ở chỗ tớ làm có một chị người Bắc Hàn, lấy chồng người Việt. Hai anh chị gặp nhau khi đang cùng học bên Matxcova, cưới nhau bên đó rồi cùng về Việt Nam. Hồi mới vào làm, chắc vì lý do “gốc gác nhạy cảm” nên chị ấy rất kín đáo, lặng lẽ làm việc, không mấy khi trò chuyện cùng đồng nghiệp trong phòng. Một hôm, có người khách Nga tới văn phòng, tớ buột miệng chào mấy câu tiếng Nga, vậy là chị ấy quay sang nhìn tớ rất ngạc nhiên và có vẻ thích thú. Từ hôm đó chị ấy trở nên rất thân thiện với tớ. Ngoài công việc, thỉnh thoảng chị ấy kể cho tớ nghe về chuyện tình của hai anh chị từ lúc yêu nhau cho đến khi về Việt Nam, … Dường như cái gốc gác “cùng học tiếng Nga” ngày nào đã trở thành cầu nối giữa bọn tớ, một cách tự nhiên và gần gũi. Cậu thấy không, cho dù không trực tiếp nhưng lại rất cụ thể, sinh động, tiếng Nga, tâm hồn Nga luôn đồng hành cùng những cựu sinh viên khoa Nga như bọn mình. 
Cheers!
 
Ngày….năm 200X
 
Lâu rồi lớp mình không tụ tập nhỉ? Chắc các bạn ấy đang trách lớp trưởng đây. Thấy bảo D. chuyển chỗ làm rồi, giờ làm Sếp to ở bên ngân hàng T. Lớp mình thật tự hào về bạn ấy.
 
Ở khu tớ làm việc, có mấy gia đình “người Liên Xô” – tớ hay gọi họ vui vẻ như vậy. Họ là nhân viên các ĐSQ Nga, Ukraine, Belarus, nhiều người nói giỏi tiếng Việt, tiếng Anh, nhưng từ khi họ biết tớ đã từng học tiếng Nga thì cứ gặp tớ là họ “bắn” tiếng Nga. Mà cậu biết rồi đấy, tiếng Nga của mình đến giờ này chỉ còn đủ để… chào hỏi. Vừa vui vì tiếng Nga vẫn giúp mình “ghi điểm”, vừa có chút xấu hổ vì trót khoe mình học Đại học tiếng Nga. Cho dù là bác Đại sứ Ukraine hay Đại sứ Belarus, những “ông bà Liên Xô” này rất giản dị, thân thiện, tốt bụng, vẫn như hình dung của mình về con người và đất nước Liên Xô thuở mình đi học. Có lần tớ đến chơi nhà một anh bạn là Bí thư thứ nhất ĐSQ Ukraine tại Việt nam, lần đầu tiên tớ nếm món mỡ muối, uống đầy cốc vodka (loại 5 cốp) và “chữa lửa” bằng nước cà chua hộp, thề với cậu là hôm đó, sau cốc Vodka + mỡ muối ấy, tớ đã nhìn thấy ông Lê-nin đi dạo ở Hồ Tây (!). 
Cheers!
 
Ngày….năm 200X
 
Tớ thấy bảo cậu chuẩn bị đi du lịch Nga cùng gia đình à?
 
Cho tới tận bây giờ, tớ vẫn chưa một lần đặt chân tới nước Nga, mặc dù cũng đã đi tới nhiều miền đất khác. Một phần vì điều kiện công việc, cuộc sống, phần dường như vì một lý do nào đó vô hình ‘ vô tình” khiến mình chưa thể trọn vẹn được giấc mơ “về nơi xa lắm” ấy.
 
Không biết cậu thế nào chứ tớ vẫn còn nhớ nguyên vẹn cảm giác tiếc nuối hồi đầu năm 3 khi biết rằng tấm hộ chiếu và vé máy bay dành cho chuyến đi chuyển tiếp sẽ chẳng đến tay bọn mình nữa. Không còn Minsk, không còn Tula của Liên Xô bao la, hùng mạnh nữa. Khi ấy chứng kiến những biến động của chính trường nước Nga, mình chẳng bao giờ dám nghĩ đến cơ hội đi học ở Nga trong những năm còn lại của đời sinh viên.
 
Trên chuyến bay đi châu Âu đầu tiên của tớ, khi cơ trưởng thông báo máy bay đang bay trên vùng trời Matxcova (Nga), tớ làm một việc rất ngốc nghếch là ngó ra cửa sổ máy bay với hy vọng nhìn thấy một chút gì đó dưới bầu trời đầy mây kia. Có lẽ bởi luôn hoài niệm về khoảng thời gian mình đã gắn bó với tiếng Nga, nỗi khát khao về một không gian của bạch dương, tuyết trắng, thu vàng…mà mình chưa bao giờ chạm tới, bởi một tình yêu với tâm hồn Nga, đất nước Nga mà sau này, dù trải bao biến cố của thời cuộc, dù không còn đắm say như thuở ban đầu, nhưng vẫn lặng thầm, âm ỉ trong mỗi đứa mình, như ngọn lửa ấm chỉ cần khơi lại là bùng cháy, cậu nhỉ?
 
Thế đã nhé!
 
Bùi Trung Hiếu
—--------
* Với những người bạn đồng khóa K23 - Nga, SPNN Hà Nội. Kỷ niệm 19 năm ngày K23 ra trường 15/6/1994- 15/6/2013



Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.