• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Hiu hiu gió bấc

Thứ sáu - 18/10/2024 23:29


(Ảnh: Vân Phạm)


HIU HIU GIÓ BẤC

Linh Tâm 


Vừa mới chớm thu, tiết trời đã khang khác. Nắng vàng hơn và cũng dịu hơn, nhưng dịu dàng hơn cả là những cơn gió. Như vị khách lâu ngày gặp lại, những cơn gió bấc hanh hao, xạc xào trên mái lá khiến người ta nôn nao, thờ thẫn. Gió như quen như lạ. Gió phóng túng và hiền hòa. Gió gợi những niềm thương nỗi nhớ thuở ấu thơ.
 

Chiếc chuông gió được con bé dời ra phía hàng hiên, nơi treo mấy giò phong lan đang bung những cánh hoa tim tím. Những cơn gió sớm khiến con bé xuýt xoa một cách thích thú. Lâu lắm rồi mới gặp lại cảm giác co ro trong cái se lạnh buổi sáng thế này. Con bé chợt reo lên khi những âm thanh trong vắt ngân lên, ban đầu còn sẽ sàng, e dè như thử xem có làm phiền ai không. Rồi chừng như cảm nhận được niềm hân hoan của con bé, chuông gió cứ tinh tang, tinh tang từng giọt như tiếng trẻ thơ vui đùa tinh nghịch. 
 

Chị nhìn con, ánh mắt nó trong veo trên gương mặt ngời sáng niềm hạnh phúc chứ không già khằng như mặt chị khi ở vào tuổi nó. Ngày ấy, khi gió bấc hiu hiu tràn về là mẹ lại thở dài vì sắp hết năm. Hết năm mà chưa làm được gì. Hết năm là bao nhiêu việc bày ra. Cưới xin (dù người ta cưới mà mình cũng phải lo vì tiền mừng), giỗ chạp, sang mộ, trả nợ, sửa sang nhà cửa. Và nôn nả nhất là việc lo để sắm sanh một cái Tết. Vào những ngày cuối Chạp, chuẩn bị sang Giêng, khi gió đông ngọt nhất là làng quê tưng bừng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, đường thôn đón tết. Dù khó khăn đến mấy thì cứ đúng ngày 29 Tết, năm nào nhà chị cũng tổ chức gói bánh chưng. Mặc cho sương giá và tối trời, cả nhà cùng thức rất khuya. Ông nội chong đèn chẻ lạt giang. Bà thì vo gạo nếp; bố pha thịt, bổ củi; mẹ lau rửa lá dong; chị và đứa em gái tước hành... Dưới bàn tay khéo léo của ông và bố, từng chiếc bánh chưng vuông vức chẳng mấy chốc được lèn chặt trong cái nồi lớn. Củi bằng gộc tre chất đầy trong lò cháy rừng rực. Mấy chị em cùng thao thức bên nồi bánh chưng, mặc những cơn gió bấc rít từng hồi trên những tàng cây sau vườn. Có đứa ngủ gà ngủ gật đến nỗi chúi đầu vào bếp làm tóc bị cháy sém khét lẹt, mẹ phải cưỡng chế mới chịu vào giường ngủ. 
 

Chị vẫn nhớ hình ảnh mẹ ngồi tựa lưng vào bậu cửa, cắm cúi vặn đan những chiếc chổi rơm vào mỗi tối khi không không thể lọ mọ ngoài vườn. Những nếp nhăn xếp chồng trên gương mặt mẹ vì suốt đời lo lắng. Mẹ lo năm nay được mùa cau sẽ “đau” mùa lúa. Hôm nào trời nhiều gió bấc thì suốt từ chiều mẹ đã lo đi che chắn lại chuồng cho mẹ con chị gà mái, bỏ thêm mấy ôm rơm lót ổ ấm cho ả lợn nái vừa mới sinh. Mẹ lo tai con lợn nái tự nhiên rủ xuống che một bên mắt, nó sẽ giẫm phải con. Rồi mẹ ra vườn lấy cây chống thêm cho mấy luống cải đã ra hoa vì sợ đêm gió mạnh cây sẽ đổ. Những luống cải đó mẹ để giành lấy hạt cho mùa sau. Mẹ lo bầy gà liệu có qua được dịch bệnh để mẹ còn sắm sanh cái tết. Rồi qua tết là những ngày đông tháng giá, là cảnh đồng trắng nước trong. Ngoài ruộng ngoài vườn chẳng còn gì thu hoạch, trong nhà chỉ nghe tiếng chuột cắn nhau chiu chít vì không lần ra hạt thóc nào. Mẹ là thế, Tết chưa đến đã lại lo sau Tết lấy gì mà ăn! Và những nỗi lo bốn mùa của mẹ lây tràn sang chị, khiến gương mặt con trẻ cũng già khằng. 
 

Khi gió bấc hiu hiu tràn về cũng là lúc chuẩn bị vào năm học mới. Ngày chị còn đi học, chẳng thấy ai phải lo lắng chuyện học thêm, chuyện chạy trường chạy lớp, học phí cũng chỉ đóng một cách tượng trưng một lần trong năm. Nhưng một bộ quần áo mới trong ngày khai trường thì đứa trẻ nào chả mong. Vì thế, chị mừng rơn khi mẹ nói sẽ chặt những cây mía to nhất trong vườn bán đi để sắm cho bốn chị em mỗi đứa một chiếc áo mới. Những cây mía Kim Tân với lớp vỏ đen bóng trong vườn, như chỉ chờ gió bấc tràn về là rót mật ngọt vào từng thớ mía. Cứ năm cây một lần, mẹ tiện thành từng gióng đều nhau để chị vẹo hông bưng ra ngõ chợ. Mía đầu mùa nhưng vừa mềm vừa ngọt nên có ngày chị đi về tới bốn năm lần. Hết cả tuần lễ đi về như con thoi mà mẹ còn phải bán thêm mấy con gà mới đủ sắm cho bốn chị em mỗi đứa một manh áo mới để xúng xính trong ngày tựu trường.
 

Bao nhiêu mùa gió bấc đã đi qua trong nỗi nhớ niềm thương về nơi chốn cũ. Chị nhớ con nước dềnh lên và trở nên trong xanh trên con sông trước nhà. Nhớ hàng tre kẽo kẹt đung đưa và những tàu lá kè non bay rạp về một hướng khi gió bấc tràn về. Nhớ dáng mẹ lom khom trước chiếc thùng gỗ lớn để lôi mấy tấm chăn bông ra phơi. Nhớ mùi khói rơm hun muỗi cho trâu bò vào lúc chập tối. Nhớ bóng cha kỳ cạch đóng lại then cửa sổ để cài chặt cửa khi những cơn gió lạnh đầu mùa  tràn về. 
 

Năm tháng trôi qua, cuộc sống ngày càng đủ đầy, sung túc. Mùa đông bây giờ không còn lạnh như trước không chỉ bởi vỏ trái đất đang nóng dần lên như các nhà khoa học cảnh báo mà còn bởi bây giờ không ai còn đói ăn, lại có quá nhiều áo quần và tiện nghi chống lạnh. Và lạ thay, giờ người ta lại hay mơ về những bếp lửa than hồng, mơ về những ổ rơm vàng óng, mơ về làn khói lam chiều, mùi khoai mật nướng, về những giá lạnh trong miền ký ức xa xăm./. 

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.