- Lý luận - Phê bình
“Ngọn núi tình yêu” – Sự bất tử của hy sinh, dâng hiến
Thứ ba - 16/01/2024 14:50
“NGỌN NÚI TÌNH YÊU” - SỰ BẤT TỬ CỦA HY SINH, DÂNG HIẾN
(Linh Tâm)
Đợt dự Trại sáng tác hai tuần lễ tại thành phố biển Vũng Tàu, nhạc sĩ Trần Cao Vân, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hiện sinh hoạt tại Chi hội âm nhạc, Hội Văn học – nghệ thuật tỉnh Bình Phước trăn trở rằng anh đang muốn viết một cái gì đó “thật Bình Phước” mà chưa tìm ra chất liệu. Vậy mà vào những ngày đầu tháng 4-2023, anh bất ngờ gửi cho tôi bản demo bài hát“Bà Rá tình yêu và khát vọng”. Bài hát được phổ từ bài thơ “Ngọn núi tình yêu” của nhà thơ Bùi Thị Biên Linh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sinh hoạt tại Chi hội Văn học – Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Nhạc sĩ Trần Cao Vân vui mừng thực sự khi tìm được “Ngọn núi tình yêu”. Thậm chí Cao Vân còn nói rằng, anh phổ nhạc “Ngọn núi tình yêu” cho chính mình. Dù mới chỉ là bản demo, nhưng quả thực“Bà Rá tình yêu và khát vọng” đã rất rõ chất bi tráng, anh hùng ca và chất trữ tình hòa quyện. Và chính âm hưởng của bài hát “rất Bình Phước” ấy khiến tôi tò mò tìm đọc bài thơ.
Hóa ra “Ngọn núi tình yêu” là bài thơ được in trong tập “Ý nghĩ ban mai” của nhà thơ, nhà giáo Bùi Thị Biên Linh - Một tập thơ viết về vùng đất, con người Bình Phước và đã đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Ngạc nhiên hơn nữa là bài thơ này từng được hai nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc trước đó. Là nhạc sĩ Trần Hữu Bích, Trưởng ban Văn nghệ Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh và nhạc sĩ Hữu Xuân, nguyên Trưởng đoàn Ca múa nhạc Việt Nam cùng phổ nhạc năm 2020. Và gần như cùng một thời điểm, hai bài hát phổ nhạc từ “Ngọn núi tình yêu” đã được trình diễn ở hai đầu đất nước – một vinh dự không hề nhỏ cho tác giả bài thơ!
Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, nhưng ngày đầu tiên trở thành một cô giáo dạy Văn bậc THPT - danh xưng mà Biên Linh luôn tự hào giới thiệu lại là ở Phước Long. Gia đình chị cũng có thời gian dài sống ở nơi có ngọn núi Bà Rá linh thiêng, huyền bí - một địa danhđặc biệt không chỉ bởi Bà Rá cao thứ ba ở Đông Nam bộ mà ngọn núi này đã trở thành biểu tượng của Phước Long và Bình Phước anh hùng. Tâm hồn nhạy cảm của một người yêu văn chương, từng nhiều lần dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn, lại may mắn được làm học trò những nhà văn, nhà thơ tên tuổi của nền văn học nước nhà như Tô Hoài, Phạm Hổ, Kim Chuông, Lê Bính… từ khi còn là cô bé cấp I trong nhóm học sinh tài năng của tỉnh Thái Bình như được “đánh thức” trước vẻ đẹp hùng vĩ cũng như sứ mệnh lịch sử thiêng liêng mà ngọn núi Bà Rá gánh trên mình. Suốt 35 năm cặm cụi với nghề dạy học, Biên Linh luôn nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương và đã thử sức ở nhiều thể loại: Bút ký, thơ, truyện ngắn, lý luận phê bình, tiểu luận, tiểu thuyết. Chị cũng là người “có duyên” với nhiều giải thưởng, từng đoạt giải A cuộc thi viết về đề tài sinh viên, do Trung ương Đoàn tổ chức năm 2017 cùng nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Hiện 4/7 đầu sách của chị được trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam – niềm tự hào và là thành quả lao động nghệ thuật nghiêm túc mà không phải nhà văn, nhà thơ nào cũng may mắn có được. Tuy nhiên, thể loại chị yêu thích nhất, mang lại cho chị cảm hứng sách tác nhất, chính là thơ. Và “Ngọn núi tình yêu” là một trong những bài thơ ghi dấu trên dặm trường thi ca của chị.
Sự hòa quyện giữa chất anh hùng ca và tình ca
Từ trước tới nay, thơ viết về tài lịch sử, về chiến tranh cách mạng không nhiều. Viết về lịch sử mà hay, mà lay động lòng người lại càng hiếm. Bởi các tác phẩm khi viết về đề tài này thường khô khan, hoặc mang cảm hứng trữ tình cách mạng. Trong những sáng tác về di tích lịch sử núi Bà Rá, bên cạnh nhạc phẩm“Xuân trên đồi Bằng Lăng” của nhạc sĩ Võ Đông Điền, sáng tác năm 1993 thì còn có nhiều bài thơ, nhưng hầu hết là nói về cảnh đẹp của Bà Rá trong chuỗi thắng cảnh Bà Rá – Thác Mơ; hoặc mang tính tuyên truyền, cổ xúy. “Ngọn núi tình yêu” của Biên Linh hoàn toàn khác. Bởi đây là một bản anh hùng ca, cũng là bản tình ca rất đẹp về núi thiêng Bà Rá, cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc ta để giành lấy Tự Do - Độc lập.
Những câu thơ đầu tiên trong “Ngọn núi tình yêu” là một loạt câu hỏi tu từ…
Vẫn là ngọn núi ấy phải không em
Bao năm rồi núi có còn xanh thế
Bao năm rồi đá có còn bền bỉ
Ngả tấm lưng nâng từng bước chân người!
Lời thơ, nhịp thơ dịu dịu dàng quá đỗi, không giống như cách mà nhiều tác giả vẫn “lên dây cót” tinh thần cho người đọc và cho chính mình khi viết về lịch sử, về chiến tranh cách mạng. Tác giả hỏi và rồi tự trả lời. Và câu trả lời giống như tâm tình thủ thỉ của những người đã nằm lại nơi đây, để giữa lấy núi sông này. Trải bao dâu bể, thăng trầm của lịch sử và sự bào mòn của thời gian, ngọn núi thiêng Bà Rá vẫn mãi xanh tươi, hay chính sự xanh tươi của lòng người đối với núi thiêng mà tác giả gửi gắm vào khổ thơ mở đầu ấy.
Với người dân Phước Long, ngọn núi xinh đẹp nàyđã trở thành biểu tượng, là quà tặng vô giá của MẹThiên nhiên. Nơi đây sơn thủy hữu tình, có mây vờn núi xanh, có sông bạc, thác gầm. Nhưng không chỉ có thế, nơi đây còn lưu giữ huyền tích về vị nữ thần – người đã ban cho đồng bào dân tộc Sê Tiêng ở PhướcLong cây to để dựng nhà, cho đất để trỉa lúa, cho con thú để săn làm thức ăn và dạy người Sê Tiêng biết đánh cồng chiêng mừng mùa lúa mới. Trong khángchiến chống Pháp và chống Mỹ, vùng đất Bà Rá -Phước Long là chiến trường ác liệt của khu vực ĐôngNam bộ; Là nơi thực dân Pháp giam giữ, đọa đày bao người con ưu tú của dân tộc, trong đó có vị nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định. Tấm bia tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ cách mạng và đồng bào tử nạn tại khu vực Bà Rá với những hàng tên dằng dặc là chứng tích tội ác mà thực dân, đế quốc đã gieo xuống mảnh đất này.
Những ai từng đi qua chiến trận, hoặc từng phải nằm hầm tránh bom đạn sẽ thấu hiểu sự khốc liệt của chiến tranh, khi làn ranh sống – chết chỉ là gang tấc; khi sự chia ly, cách trở là chuyện thường tình với những đôi lứa yêu nhau. Nhưng bất chấp đạn bom, bất chấp hy sinh, tình yêu lứa đôi vẫn được ươm mầm, được nuôi lớn trong một tình yêu lớn lao hơn, thiêng liêng và cao cả hơn - là tình yêu Tổ quốc. Họ sẵn sàng xa nhau, thậm chí hy sinh để đất nước có được ngày sum họp vẹn toàn. Như một nhà văn kháng chiến từng viết: “Tuổi trẻ thời chiến, đường ra trận chính là điểm hẹn, là nơi gặp gỡ”. Nhà thơ Biên Linh đã cảm nhận thật rõ ràng và sâu sắc tình yêu lứa đôi mang dấu ấn thời đại ấy, nên những câu thơ của chị mới có thể diễn đạt đến tận cùng tâm trạng thổn thức và kìm nén của hai người yêu nhau:
Em không nói gì buổi sáng tiễn anh đi
Mà gió! Gió cồn cào! Gió xôn xao sườn núi
Da diết vòm xanh, quay quắt lòng anh
Gió không lời hẹn ước.
Cái sự lặng yên “không nói gì” của người con gái trong buổi tiễn người yêu ra trận mới xôn xao, mới lay động làm sao! Một sự lặng yên ngập tràn âm thanh và màu sắc. Đến mức đất trời, núi non cũng rung động“Gió cồn cào! Gió xôn xao sườn núi/ Da diết vòm xanh, quay quắt lòng anh...”. Những từ láy “da diết”, “quay quắt” được tác giả sử dụng không thể đắt hơn để nói về nỗi nhớ thương. Sự nghiệt ngã của thời chiến khiến sức chịu đựng của con người trở nên phi thường hơn và tình yêu cũng đặc biệt hơn. Họ chỉ đứng bên nhau, “không nói gì”, cũng “không lời hẹn ước”. Bởi Người trai trẻ ra đi, nào biết mình có ngày trở về mà hẹn ước! Thế nhưng có trời xanh và núi cao chứng giám cho tình yêu vĩnh hằng của họ. Chính vì thế mà chàng trai chỉ biết giữ “Lửa yêu thương âm thầm trong mỗi bước hành quân”. Quả thực, phải có cái nhìn thật tinh tế, phải thấu hiểu và cảm thông sâu sắc về hoàn cảnh lịch sử đất nước trong những tháng ngày khốc liệt ấy, tác giả mới bật ra được những câu thơ như thế!
Chất trữ tình là thế mạnh trong thơ Biên Linh. Đã có rất nhiều bài bình về thế mạnh ấy của chị trên các báo, tạp chí lớn. Thế nhưng “Ngọn núi tình yêu” không chỉ là một bản tình ca, không chỉ có nồng nàn, đắm say. Cái đặc biệt trong bài thơ là chất trữ tình đã hòa quyện một cách rất tự nhiên với chất anh hùng ca trong“Ngọn núi tình yêu”. Từ một tình yêu đôi lứa cụ thể, ở một địa danh cụ thể, qua góc nhìn và sự thể hiện rất riêng của nhà thơ, đã nâng tầm lên thành tình yêu Tổ Quốc.
Đồng đội anh đi qua chiến tranh
Lặng lẽ gửi tuổi xuân mình ở lại
Em yêu ơi! Lời anh muốn nói:
Đồng đội anh đã ngã xuống đất này!
\
Chỉ những con người mang trong mình lý tưởng cao đẹp về sự đấu tranh cho chính nghĩa, cho lẽ phải; Chỉ có tình yêu lớn lao và cao cả đối với quê hương, đất nước thì mới thấu cảm sâu đến thế về sự hy sinh của đồng đội cũng như của chính mình trong cuộc chiến khốc liệt này.
Sự bất tử của hy sinh, dâng hiến
Trong văn chương hay bất kể loại hình nghệ thuật nào, sự tái sinh của cái đẹp, của sự tử tế từng được nhiều nhà văn, nhà thơ tiền bối và hôm nay thể hiện, mà điển hình phải kể đến nhân vật Trương Ba trong vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ. “Sống toàn vẹn”, “Cái đẹp tái sinh” là triết lý nhân văn cao cả mà bất cứ đạo giáo nào, đảng phái chính trị nào, thời đại nào cũng hướng tới. Thơ ca viết về chiến tranh luôn dành một vị trí trang trọng để ngợi ca hình tượng người anh hùng, liệt sỹ. Hình ảnh ấy đã tạc vào dáng hình đất nước và trở thành tượng đài bất hủ trong thơ ca kháng chiến.
Khi tôi nhận xét rằng, nhạc phẩm “Bà Rá tình yêu và khát vọng” đã lấy được hồn cốt bài thơ “Ngọn núi tình yêu”, nên khi hát lên nghe rất rõ chất bi tráng, anh hùng ca, rất rõ chất S'tiêng và “rất Bình Phước”. Nhạc sĩ Trần Cao Vân xúc động chia sẻ: Khi hát đến câu “Giọt máu hồng nuôi sắc biếc vòm cây”, ông đã bật khóc. Vậy là sự rung cảm mãnh liệt của nhà thơ về vẻ đẹp bất tử của sự hy sinh, dâng hiến đã truyền dẫn trọn vẹn đến người nhạc sĩ, để ý nghĩa của sự tái sinh cái đẹp, cái cao cả thêm một lần nữa được thăng hoa.
Hãy đọc thật chậm khổ thơ cuối:
Giọt máu hồng nuôi sắc biếc vòm cây
Giọt máu hồng góp màu xanh đỉnh núi
Em có nghe không thì thầm gió gọi
Giữa ngàn xanh: Bà Rá anh hùng.
Không bay bổng, vang xa với những khái niệm mang ý nghĩa trừu tượng hay to tát, lớn lao, hình ảnh trong thơ Biên Linh thật giản dị, thân thương và tràn đầy cảm xúc. Và chính sự giản dị, thân thương ấy khiến hình tượng nghệ thuật trong bài thơ càng thêm sâu sắc và dễ đi vào lòng người. Thông qua những hình ảnh mang tính hoán dụ và qua phép điệp, những câu thơ chứa đựng một ý nghĩa khái quát hóa cao: Giọt máu hồng nuôi sắc biếc vòm cây/ Giọt máu hồng góp màu xanh đỉnh núi.
Đất nước đau thương, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân để bảo vệ từng tấc đất, ngọn cỏ quê hương, để góp màu xanh đỉnh núi. Và hành trang lớn nhất trên con đường tiến về phía trước của những người lính là trái tim ấm nồng tình yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc thân yêu. Như nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết trong “Đất nước hình tia chớp”: Chưa kịp yêu một người con gái/ Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai. Những người lính thời chiến đều nhận thức rõ cái chết có thể chực chờ ngay trước mặt. Thế nhưng họ vẫn tình nguyện đi về nơi hiểm nguy ấy vì biết rằng, nếu không đối mặt với hiểm nguy sẽ không có được điều quý giá là Tự do – Độc lập. Và để có được điều quý giá ấy, phải đánh đổi bằng sự hy sinh. Với mạch cảm xúc và lý lẽ ấy, câu chuyện tình yêu lứa đôi trong “Ngọn núi tìnhyêu” không còn là câu chuyện cụ thể nữa mà đã được nâng lên, mang ý nghĩa rộng lớn hơn. Vượt qua câu chuyện tình yêu thời chiến, nhà thơ Biên Linh đã làm toát lên vẻ đẹp bất tử về sự hy sinh cao cả, nên đã chạm tới trái tim người đọc.
Tôi là người ngoại đạo về âm nhạc nên không dám bàn đến nhạc. Chỉ nghĩ giản đơn rằng, không ngẫu nhiên mà có tới ba nhạc sĩ chọn “Ngọn núi tình yêu” để phổ nhạc. Bằng niềm tự hào của một người con Bình Phước - nơi có ngọn núi thiêng Bà Rá; Bằng sự yêu thích “Ngọn núi tình yêu” và chút hiểu về tác giả bài thơ, tôi nghĩ rằng, Biên Linh đã vượt lên chính mình khi thoát ra khỏi giọng trữ tình quen thuộc. “Ngọn núi tình yêu” đã quyện hòa nhuần nhuyễn chất anh hùng ca với chất tình ca. Một bài thơ đẹp về một địa danh lịch sử đáng tự hào của Phước Long, của Bình Phước và của miền Đông Nam bộ. Đẹp hơn nữa là sự bất tử của sy sinh, dâng hiến của thế hệ hôm qua lại được thăng hoa, cất cánh không chỉ ở bài thơ.
Và không chỉ có “Ngọn núi tình yêu”, niềm tự hào, sự trăn trở về địa danh Bà Rá chính là động lực để Biên Linh quyết định thử sức mình ở một thể loại mới, dài hơi và khó khăn hơn rất nhiều. Chị vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết lịch sử mang tên “Lính Miền Đông” – một cuốn sách ngợi ca những người lính đã sống, chiến đấu trên chiến trường miền Đông, ở chính ngọn núi thiêng Bà Rá thông qua những nhân vật có thật, hiện vẫn đang sống tại Phước Long và các tỉnh thành trong cả nước. Vinh dự hơn là Nhà Xuất bản Quân đội – nơi in tập sách này đã quyết định chọn “Lính Miền Đông” vào bộ sách kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bằng sự nỗ lực vượt qua chính mình, Biên Linh dường như đã thực hiện phần nào những ủy thác của những người đã khuất, để ngọn núi thiêng Bà Rá mãi xanh tươi. Dù chị vẫn tâm niệm rằng: vinh dự này thuộc về những chiến sĩ Bà Rá kiên trung, những người đã hiến tuổi xuân cho đất nước!
Linh Tâm